Ngọn đuốc văn hóa rực sáng trong tim người cầm bút

“Văn hóa nói theo nghĩa rộng thì rất rộng, nói theo nghĩa hẹp cũng vẫn rộng, đi vào đâu cũng nhìn thấy những giá trị của văn hóa, vì vậy văn hóa là thứ cần phải gìn giữ và văn nghệ sĩ phải là những tấm gương đi đầu trong công cuộc này” – Nhà thơ Ngô Đức Hành chia sẻ.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc (năm 2021) là một sự kiện trọng đại, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đối với văn nghệ sĩ, Hội nghị là nơi gửi gắm niềm hy vọng bằng tất cả sự phấn khởi, niềm đam mê với sự nghiệp sáng tác của mình. Họ phấn khởi theo dõi Hội nghị, lắng nghe, tiếp nhận và thi đua thực hiện những quan điểm mới, những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa.

Sau Hội nghị Văn hóa tòa quốc, ngọn đuốc văn hóa thêm sáng rõ hơn, văn nghệ sĩ thêm một lần thức tỉnh với tình yêu tổ quốc và nêu cao tinh thần nghệ thuật chân chính. Đây cũng là dịp để văn nghệ sĩ tự vấn chính mình với việc làm sao để góp sức vào công cuộc chấn hưng văn hóa? Làm thế nào để là một công dân trách nhiệm, một chiến sĩ xung phong trên tuyến đầu của mặt trận văn hóa?

Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) đã có dịp gặp gỡ nhà báo, nhà thơ Ngô Đức Hành để lắng nghe tâm tư của một người cầm bút về sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc.

Ngọn đuốc văn hóa rực sáng trong tim người cầm bút - 1

Nhà báo, nhà thơ Ngô Đức Hành

Những tâm tư của người cầm bút

PV: Thưa ông, Hội nghị Văn hóa toàn quốc có tác động như thế nào đối với việc sáng tác của cá nhân ông? Của Hội Văn học nghệ thuật ông đang tham gia?

Trước hết phải khẳng định, Hội nghị Văn hóa toàn quốc (năm 2021) là sự kiện quan trọng. Nó được xem như “Hội nghị Diên hồng” về chấn hưng văn hóa dân tộc. Chắc chắn, Hội nghị này đã và sẽ trở thành một động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Ngọn đuốc văn hóa rực sáng trong tim người cầm bút - 2

Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021.

Nền văn hoá, văn nghệ nước ta xứng đáng đứng vào "Vị trí tiên phong của nền văn hoá văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay", như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV đánh giá. Đội ngũ nhà văn Việt Nam luôn tự hào qua các thời kỳ lịch sử luôn là gắn liền, lớn lên cùng đất nước, dân tộc. Chúng ta từng có thời kỳ mà “Vóc dáng nhà thơ ngang tầm chiến lũy” như Chế Lan Viên từng nói. Biết bao nhà văn, nhà thơ đã ngã xuống trên chiến trường. Họ đã tạo nên một thế hệ nhà văn chống Mỹ.

Nhà văn Balzac đã từng nói: “Nhà văn phải là thư kí trung thành của thời đại”. Sau Hội nghị, cá nhân tôi cảm thấy có trách nhiệm, trách nhiệm nặng nề hơn. Trước hết, về sáng tác, phải nghĩ đến việc làm sao tác phẩm của mình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng giáo dục. Tác phẩm phải đi vào mổ xẻ được hạnh phúc cũng như bất hạnh của từng số phận, qua đó toát lên vẻ đẹp về văn hóa, lòng nhân ái... của con người Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “viết và nói phải có mục đích”; vì thế, cần xác định “viết cho ai”, sau đó mới đến “viết để làm gì”. Bởi vậy, có thể nói, câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” có mối quan hệ gắn bó với câu hỏi rằng: “Chúng ta viết cho ai?”.

Chắc chắn, Hội nghị Văn hóa toàn quốc thêm một lần tỉnh thức trách nhiệm các nhà văn, trong đó có cá nhân tôi. Văn nghệ sỹ nói chung, nhà văn nói riêng, còn phải thông qua Hội của mình, các cơ quan báo chí về văn hóa, trong đó có Thời báo Văn học nghệ thuật góp ý việc hoàn thiện thể chế văn hóa. Điều này, thực sự quan trọng.

Ngọn đuốc văn hóa rực sáng trong tim người cầm bút - 3

Nhà thơ Ngô Đức Hành (phải ảnh) đi thực tế ở Công ty CP Than Mông Dương (11/2022).

Đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không cho phép ai đứng ngoài cuộc, kể cả các nhà văn; bản thân người sáng tác cũng phải biết thích ứng. Tiệm cận với văn hóa số (trong đó có văn hóa đọc thời kỳ chuyển đổi số) để sáng tạo, truyền bá tác phẩm, công chúng có quyền được thụ hưởng văn hóa, tham gia giao lưu văn học nghệ thuật quốc tế. Đây là những vấn đề lớn không chỉ của một cá nhân nào mà cả với Hội Nhà văn Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật địa phương.

Có thể nói, Hội nghị Văn hóa có sự tác động lớn đến suy nghĩ về trách nhiệm, tâm hồn cũng như phương hướng sáng tác.

Với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, nơi tôi sinh hoạt, tôi nghĩ trách nhiệm càng nặng nề.

Văn học là thành tố quan trọng góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa. Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, sứ mệnh của văn học đối với sự phát triển văn hóa là vô cùng quan trọng.

Sau Đại Hội Hội nhà văn Việt Nam khóa X (năm 2020), tôi thấy Hội Nhà văn Việt Nam đã làm được rất nhiều việc. Những giải thưởng vừa qua của Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có Giải thưởng Tác giả trẻ, dưới 35 tuổi, cùng những nỗ lực phát triển văn học cho thiếu nhi đã và đang tác động trực tiếp vào công cuộc chấn hưng văn hóa Việt. Các tác phẩm đó đã tạo ra những giá trị mỹ học mới, vẻ đẹp văn hóa, đánh thức lương tri con người, kêu gọi con người hãy yêu thương đồng loại và dâng hiến những vẻ đẹp sáng tạo cho dân tộc.

Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ X được tổ chức vào tháng 6/2022, theo tôi là một hoạt động có ý nghĩa. “Vì sao chúng ta viết” được chọn làm khẩu hiệu xuyên suốt hai ngày hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, chắc chắn sẽ ám ảnh với những người viết trẻ, khi đã chọn văn học để dấn thân.

Ngọn đuốc văn hóa rực sáng trong tim người cầm bút - 4

Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Vì sao chúng ta viết? Chắc chắn, vì bản thân và cuộc đời, mà chúng ta đặt ngòi bút lên trang giấy, viết lên những con chữ cho chính chúng ta, cho sự đồng cảm, sẻ chia giữa những tâm hồn đồng điệu. Viết, như một cách thể hiện quan điểm, giải tỏa cảm xúc, cũng là cách thức, để ta khẳng định bản thân.

Tôi nghĩ Hội Nhà văn Việt Nam, đang nhiều việc để làm. Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 23-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Đã 14 năm trôi qua, nhưng những nội dung, cần phải làm gì trong Nghị quyết này, còn nguyên giá trị.

Mọi chiến thắng của dân tộc đều là chiến thắng của văn hóa

PV: Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp phát triển của một quốc gia?

Tất nhiên, văn hóa rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia. Trong Di sản Hồ Chí Minh để lại, có di sản về văn hóa. Bởi, trước hết Hồ Chí Minh đã là một biểu tượng văn hóa. Tư tưởng của Bác về văn hóa có thể chỉ cần gói gọn trong câu: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".  Đây là tầm nhìn, là định hướng chiến lược, là sự tôn trọng và đánh giá đúng vai trò nền tảng của văn hóa - là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Từ “Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943” đến các Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946, 1948 trong những thời điểm bước ngoặt của cách mạng đã thể hiện ý nghĩa của văn hóa, chứng minh nhận định về văn hóa của Đảng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngọn đuốc văn hóa rực sáng trong tim người cầm bút - 5

Xây dựng văn hóa, suy cho cùng là xây dựng con người có tầm nhìn, tri thức mới, trách nhiệm xã hội với chiều sâu và rộng về văn hóa. (Ảnh minh họa)

Mọi chiến thắng của dân tộc đều là chiến thắng của văn hóa Việt Nam. Ngay cuộc chiến chống COVID-19, 2 hai năm qua cũng là chiến thắng của văn hóa. Mặc dù, đại dịch gây ra nhiều thiệt hại nhưng nó cũng có “sứ mệnh” của mình, đấy là sứ mệnh làm thức tỉnh con người, làm thức tỉnh các dân tộc, cộng đồng quốc tế. Con người là trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau... đó chính là văn hóa. Chung sức đồng lòng, đó là giá trị về văn hóa.

Nhà văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định giữa văn hóa, văn nghệ với kinh tế và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". "Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh".

Trong một gia đình, con ngoan, học giỏi, có khát vọng vươn lên... phần lớn có dấu ấn của “nếp nhà”, “gia phong” tổ tiên, ông cha để lại. Đó là văn hóa, theo nghĩa hẹp, dễ hiểu. Đối với một xã hội, thước đo phát triển chính là văn hóa. Chính văn hóa điều tiết sự phát triển xã hội, định hướng sự phát triển và là đích phấn đấu của xã hội. Một xã hội “thượng tôn pháp luật” đó là một xã hội có văn hóa.

Ngay trong pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng có yếu tố văn hóa, đó là tính nhân văn trong pháp luật. Tại các phiên tòa xét xử, người ta thường xem xét những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hay luật pháp của chúng ta là “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”.

Luật pháp bao giờ vẫn phải nhấn mạnh yếu tố nhân đạo, mà nhân đạo chính là một thành tố quan trọng của văn hóa. Để xã hội có kỷ cương, chúng ta đang nỗ lực xây dựng “văn hóa luật pháp”. Ngày “Pháp luật Việt Nam”, 9/11 hằng năm chính vì mục đích này. Như thế để thấy rằng, sẽ không thể phát triển bền vững nếu không đề cao giá trị văn hóa.

Đáng tiếc, kỷ cương luật pháp chưa nghiêm, nhiều “giá trị” đang bị “xâm thực”... đáng lo ngại, gây ra nguy cơ phát triển bền vững của đất nước. Trong các nguyên nhân, đáng lo nhất là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo còn yếu, chưa thực sự tâm huyết, chưa có tri thức sâu sắc về văn hóa. Điều dễ thấy “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy giữ ghế” còn chi phối. Người lãnh đạo chưa có văn hóa nêu gương, văn hóa phụng sự. Trong xã hội nói chung, “chủ nghĩa vật chất” đang được tôn thờ, làm biến thái các thang giá trị.

Tất nhiên, khác với kinh tế, văn hóa theo nghĩa rộng là một thành tố của kiến trúc thượng tầng, không dễ một sớm, một chiều, một vài nhiệm kỳ có thể xây dựng được. Xây dựng văn hóa, suy cho cùng là xây dựng con người có tầm nhìn, tri thức mới, trách nhiệm xã hội với chiều sâu và rộng về văn hóa. Chúng ta đang thảo luận về “Hệ giá trị quốc gia”, “Hệ giá trị văn hóa”, “Hệ giá trị gia đình” và chuẩn mực con người Việt Nam. Nhiều vấn đề đang được làm rõ, quán chiếu từ văn hóa.

Trách nhiệm chấn hưng văn hóa của văn nghệ sĩ

PV: Theo ông, văn nghệ sĩ cần làm gì để lan tỏa tích cực hơn nữa các nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc?

Như trên tôi đã đề cập ít nhiều, nhà văn nói riêng, văn nghệ sỹ nói chung phải làm rất nhiều việc để lan tỏa các vấn đề đã được nói đến trong Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Ngọn đuốc văn hóa rực sáng trong tim người cầm bút - 6

Thông qua các tác phẩm, văn nghệ sỹ phải góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng cái đẹp của công chúng. (Ảnh minh họa)

Văn nghệ sỹ phải nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa của mình; trong đó có sáng tác, biểu diễn... góp phần tăng cường khả năng tiếp cận văn hóa của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội.

Tôi nói ví dụ, trẻ em miền núi, nông thôn còn đang rất thiếu sách để đọc. Tiếp xúc với sách gúp các em, các cháu mở rộng khung trời mơ ước, khát vọng. Tôi tin, trẻ em đọc sách sẽ biết sống sẻ chia, nhân ái.

Cũng xin nhắc lại, cách đây 12 năm, ngày 27/7/2010, Ban Bí thư có Chỉ thị số 46-CT/TW về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội. Tác phẩm, sản phẩm văn học nghệ thuật phải tham gia vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đẩy lùi cái xấu, cái ác và các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội. Tôi nghĩ, thông qua các tác phẩm, văn nghệ sỹ phải góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng cái đẹp của công chúng.

Ngay việc hàng ngày, đó là tham gia mạng xã hội, văn nghệ sĩ cũng cần cho thấy trách nhiệm của mình. Mạng xã hội là nơi văn nghệ sĩ có thể chia sẻ, nói lên ý kiến của mình; tuy nhiên phải luôn cẩn trọng với các phát ngôn của mình, nhất là với những văn nghệ sỹ là người của công chúng, tầm ảnh hưởng lớn. Trong thời “lên ngôi” của truyền thông xã hội, chúng ta cần có ý thức về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, văn nghệ sĩ cần góp phần cùng hệ thống chính trị bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa các dân tộc thiểu số, phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, phát huy các giá trị tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng, phát triển truyền thông đại chúng, truyền thông mới, phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (đăng Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5/1/1952), Bác Hồ căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”... Tôi nghĩ, ngay cách sống của mình, văn nghệ sỹ đã phải lan tỏa thông điệp về văn hóa.

Văn hóa nói theo nghĩa rộng thì rất rộng, nói theo nghĩa hẹp cũng vẫn rộng, đi vào đâu cũng nhìn thấy những giá trị của văn hóa, vì vậy văn hóa là thứ cần phải gìn giữ và văn nghệ sĩ phải là những tấm gương đi đầu trong công cuộc này.

Cảm ơn những chia sẻ của nhà thơ!

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất