Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã thổi một luồng không khí phấn khởi trong xã hội
Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cách đây một năm đã tạo ra bước chuyển biến, tiến bộ mới, dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa của đất nước ta. Một năm triển khai thực hiện ý kiến Kết luận chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc là thời điểm quan trọng để cùng nhìn lại các kết quả và đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các kế hoạch một cách bài bản, khoa học, trách nhiệm và hiệu quả.
Để tiếp tục lan tỏa tích cực hơn nữa các nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Thời báo Văn học nghệ thuật đã triển khai thực hiện tuyến bài viết nhằm thông tin, đánh giá về những chuyển động của văn học nghệ thuật bằng việc ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Chủ tịch các Hội Văn học nghệ thuật trung ương và địa phương.
Dành cả cuộc đời cho sự nghiệp sáng tác và công tác quản lý, lãnh đạo ngành văn học nghệ thuật, trên cương vị vừa là văn nghệ sĩ, vừa là nhà quản lý, nhà thơ Hữu Thỉnh là người đã có bề dày cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) đã có dịp gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của ông về những kết quả ngành văn học nghệ thuật đã đạt được sau một năm triển khai thực hiện Kết luận chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Hội nghị Văn hóa toàn quốc tạo động lực mới trong giới Văn học nghệ thuật
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định, Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 là một sự kiện văn hóa rất lớn, với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, cùng với sự có mặt của các văn nghệ sĩ tiêu biểu. Sự kiện này đánh dấu quyết tâm của trung ương trong việc triển khai và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã trở thành kim chỉ nam hành động, làm rõ thêm nội dung, chiến lược, những quan điểm của Đảng ta về văn hóa, về sự nghiệp của phát triển văn hóa, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, đây là bài phát biểu có tầm khái quát lớn, mang tính chất định hướng cho nền văn hóa nước nhà trong tình hình mới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức sáng 24/11/2021 tại Nhà Quốc hội - Ảnh: Nguyễn Khánh
“Hội nghị đã thổi một luồng không khí phấn khởi rất lớn trong xã hội, trở thành nguồn động viên to lớn đối với giới văn học nghệ thuật, giúp cho văn nghệ sĩ nhận thấy vai trò của mình, trách nhiệm của mình trước sự nghiệp phát triển văn hóa trong tình hình mới” – nhà thơ nhận định.
Về nhận thức, Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc giúp văn nghệ sĩ nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó thấy rằng, đi đôi với phát triển kinh tế là sự phát triển của văn hóa, văn hóa là động lực tinh thần của xã hội, văn hóa là một thành tố trong sự nghiệp phát triển của đất nước, văn hóa là một yếu tố không thể thiếu được trong sự phát triển vững mạnh của một quốc gia.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc giúp văn nghệ sĩ nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Qua Hội nghị này, theo ông, văn nghệ sĩ đã ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, xác định mình là bộ phận nòng cốt để góp phần đẩy văn hóa lên một tầm cao mới, đưa văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, góp phần nâng cao, xây dựng các hệ giá trị cho con người, xây dựng đạo đức xã hội. Từ đó, văn nghệ sĩ thấy rõ được rằng: văn hóa phải đi cùng, thậm chí phải đi trước sự phát triển của đất nước.
“Hội nghị Văn hóa toàn quốc giúp chúng ta hiểu thêm rằng, muốn phát triển văn hóa thì phải có sự kế thừa các giá trị của truyền thống, đạo đức hàng nghìn năm của cha ông ta. Đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, nhưng phải tiếp thu có chọn lọc, sự tiếp thu này phải phù hợp với điều kiện, truyền thống của Việt Nam” - Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.
Những chuyển động văn học nghệ thuật sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Sau một năm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật đã có nhiều chuyển động mới, cho thấy đời sống văn học nghệ thuật của nước ta đang có nhiều khởi sắc.
Các nghệ sĩ biểu diễn áo dài trong chương trình kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Trước hết, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, đó là bước chuyển biến rất lớn về nhận thức, về trách nhiệm của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, thể hiện sự quan tâm thiết thực đến các vấn đề văn hóa. Cụ thể là việc các đồng chí lãnh đạo cấp cao của các bộ ban ngành trung ương đã dành nhiều sự quan tâm, tích cực động viên, cổ vũ ngũ văn nghệ sĩ.
Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 12/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về một số đề án, chương trình phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới, hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Nước (1945-2035) và 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2030).
Vào ngày 18/6/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Sự tham dự của Phó Thủ tướng thể hiện sự quan tâm tới đội ngũ các nhà văn Việt Nam của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các cây viết trẻ nhà văn để Nhà nước cùng các cơ quan chính quyền, Hội Nhà văn, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật chung tay làm tốt hơn nữa và đẩy mạnh sự phát triển của nền văn học Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các Hội Văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương đều tổ chức Hội nghị triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về văn hóa, triển khai bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xây dựng chương trình hành động của nhiệm kỳ, bổ xung vào nghị quyết của đại hội, xây dựng chương trình hành động với mục tiêu nâng cao chất lượng sáng tác lý luận phê bình, tranh thủ thời gian để đi thực tế, hội thảo nhằm nâng cao chất lượng sáng tác lý luận phê bình, tập trung cao nhất với mục đích phải có nhiều tác phẩm lớn, phản ánh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phản ánh sự nghiệp đổi mới của đất nước ta.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhiều chương trình, dự án lớn về văn học, nghệ thuật đã được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật tiến hành triển khai với những kế hoạch thiết thực trong các hoạt động phục vụ cho sự nghiệp văn hóa của dân tộc.
Có thể điểm qua một số hoạt động nổi bật của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương sau Hội nghị Văn hóa tòa quốc như: Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với sự tham dự của hơn 100 cây viết trẻ; Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Ngày âm nhạc Việt Nam lần thứ XIII của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với chủ đề “Hát lên Việt Nam”; Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và 13 năm ngày giỗ Tổ sân khấu với chương trình nghệ thuật Lễ hội đường phố “Tinh hoa nghệ thuật Việt” đầy ấn tượng;…
Chương trình ca nhạc “Hát lên Việt Nam” chào mừng Ngày âm nhạc Việt Nam lần thứ XIII của Hội Nhạc sĩ.
Qua những hoạt động cụ thể này, Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, thành công tốt đẹp của Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của đội ngũ lãnh đạo, giúp văn nghệ sĩ nhận thức rõ trách nhiệm của mình, thêm phấn khởi để tích cực sáng tác nghệ thuật. Các hoạt động này cho thấy bước chuyển biến lớn về nhận thức, trách nhiệm của các Hội Văn học nghệ thuật, làm cơ sở cho văn nghệ sĩ có điều kiện phát huy tài năng nghệ thuật, đồng thời lan tỏa tinh thần văn hóa đi sâu vào đời sống nhân dân.
“Đó là những kết quả ban đầu, đặt cho chúng ta niềm tin, hy vọng văn học nghệ thuật sẽ phát triển, thu được nhiều kết quả hơn nữa dưới sự định hướng từ các nội dung trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc” – Nhà thơ nhấn mạnh.
Văn nghệ sĩ phải có được tác phẩm đặc sắc
Để những nội dung của Hội nghị văn hóa toàn quốc được lan tỏa tích cực hơn nữa trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, để văn nghệ sĩ đáp lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, theo Nhà thơ Hữu Thỉnh điều quan trọng nhất là phải có được tác phẩm hay, tác phẩm đặc sắc, có giá trị, đọng lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng.
Theo Nhà thơ Hữu Thỉnh, văn nghệ sĩ phải có được tác phẩm đặc sắc để góp sức vào việc xây dựng nền văn hóa nước nhà.
Ông khẳng định: “Văn nghệ sĩ phải quán triệt bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mục tiêu quan trọng nhất là phải có tác phẩm lớn, chỉ khi có tác phẩm lớn thì mới có ảnh hưởng của văn học nghệ thuật đối với việc xây dựng văn hóa, xây dựng con người”.
Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng, những tác phẩm Văn học nghệ thuật mà chúng ta có trong ngày nay chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, không có sức sống lâu bền như những thành tựu thời kỳ trước. Theo Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên nhân một phần là do hiện nay những cây bút thời chống Mỹ, chống Pháp đã lớn tuổi, lớp trẻ mới lên thì vốn sống, năng lực còn hạn chế.
Để tạo nên một tác phẩm hay là một quá trình khó khăn, nhà thơ trăn trở: “Tình hình bây giờ mới rồi, văn học ta đã có cái nền rất cao, muốn có tác phẩm hay thì phải cao hơn nữa, vượt lên thành tích mà người ta đã đạt được. Cần khắc phục tác động mặt trái của cơ chế thị trường, đó là xu hướng nghiêng về thị hiếu thấp của khán giả, nghiêng về chức năng giải trí, thiếu đi sâu khám phá những giá trị cao đẹp của con người, cuộc sống trên mặt trận xây dựng, bảo vệ tổ quốc”.
Vì vậy, theo Nhà thơ Hữu Thỉnh, phải tiếp tục phát triển văn hóa hơn nữa, nếu văn hóa không phát triển, nó sẽ kéo lùi bước tiến của xã hội, trở thành vật cản to lớn ngăn chặn phát triển xã hội. Muốn phát triển văn hóa thì phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển, sáng tạo.
Vị chủ tịch lâu bền của Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhắn nhủ: Phải luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ rằng văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ sĩ là bộ phận nòng cốt, là lực lượng đi đầu trong việc nâng cao đạo đức xã hội, dân trí, chống lại biểu hiện tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, cản trở sự nghiệp phát triển, xây dựng đất nước của chúng ta./.
Triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt...
Bình luận