Nguyễn Văn Bổng - Nhà văn Chiến Sĩ hào hoa
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng tức Trần Hiếu Minh, sinh ngày 1/1/1921 ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Ông học tiểu học trong tỉnh, ra Huế học cao đẳng tiểu học và ba năm học trung học. Tốt nghiệp trung học, làm giáo viên trường tư thục Thuận Hóa ở Huế (1943-1945). Tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn Chuyện ba người bạn. Đất Huế lúc này là nơi học hành, gặp gỡ của nhiều nhà văn, nhà thơ như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng
Nguyễn Văn Bổng là bạn học, bạn văn của Tế Hanh. Tế Hanh thúc đẩy Nguyễn Văn Bổng gửi bài cho các báo. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã gửi truyện Say nửa chừng (trong tập truyện) cho báo Thanh Niên ở Sài Gòn đăng số Tết 1944 và sau đó gửi tiếp cho các báo Thanh Niên và Thanh Nghị.
Tháng 8/1945, Nguyễn Văn Bổng tham gia cách mạng ở Đà Nẵng, phụ trách công tác thông tin tuyên truyền. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông tham gia kháng chiến và làm công tác thông tin tuyên truyền ở liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Hồi này ông viết nhiều truyện ngắn và bút ký. Bài Mùa đông 1946 được đăng trên tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam ở Việt Bắc. Năm 1947, ông được kế vào Đảng Cộng sản Đông Dương và chuyển sang làm tác văn nghệ Liên chi hội Liên khu V. Từ đó, ra tờ tạp chí Văn nghệ liên khu và ông làm Tổng biên tập. Năm 1951-1952, tác giả đi theo chiến dịch.
Con trâu được viết trong một chiến dịch đi với bộ đội dự các trận đánh và viết ngay trong vùng giặc chiếm.
Tiểu thuyết Con trâu phản ánh chân thực tình cảnh của làng quê ở vùng địch hậu. Giặc Pháp muốn tiêu diệt sinh lực quân dân ta trong kháng chiến nên ra lệnh cho lính ngụy càn quét, tàn sát trâu bò, mỗi con trâu bị tiêu diệt bằng ba du kích. Riêng trong xã Hồng Phong, chúng vừa bắn giết vừa bắt hơn ba trăm con. Vấn đề đặt ra là phải bảo vệ trâu. Người nông dân có nhiều sáng kiến để bảo vệ trâu. Nào là đưa lên rú tránh các cuộc càn quét và cả việc đào hầm cho trâu.
Tác phẩm được trao Giải thưởng Phạm Văn Đồng về văn nghệ ở Liên khu V và Giải thưởng Văn nghệ 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam. Con trâu là cuốn tiểu thuyết thành công về chiến tranh du kích, tác phẩm được đưa vào chương trình học phổ thông. Đối với người nông dân Việt Nam, “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Từ đồng bằng đến rừng núi con trâu là con vật hữu ích. Các tác phẩm viết về con trâu khá nhiều, nhưng Con trâu của Nguyễn Văn Bổng ấn tượng hơn cả. Hòa bình lập lại, Nguyễn Văn Bổng được điều động về báo Nhân Dân làm ở Ban Nông nghiệp.
Trong phong trào cải cách ruộng đất, Nguyễn Văn Bổng có tác phẩm về cải cách như Bếp đỏ lửa, nhưng ngoài những cái đã viết trong kháng chiến ở Liên Khu V thì không có mấy giá trị. Ông tâm sự là chưa thật hiểu nông thôn miền Bắc như Tô Hoài, Kim Lân. Làm ở báo một thời gian, ông về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam và được bầu làm Ủy viên Thường vụ của Hội.
Nguyễn Văn Bổng vẫn thường đi để viết nhưng ông bộc lộ suy nghĩ chân tình “Tôi vẫn thường đi để viết, nhưng không viết được cái gì đáng kể”. Xã hội miền Bắc chưa thông thuộc, cải cách ruộng đất long trời lở đất mắc một số sai lầm. Hợp tác hóa nông nghiệp rầm rộ, trầy chật, hào hứng nhiều khi giả tạo, khó nhìn đúng sự thực để viết. Chỉ có miền Nam là thôi thúc giục giã. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng vẫn thường xuyên theo dõi tình hình miền Nam.
Gặp một số cán bộ từ miền Nam ra, tình cảm của ông với quê hương miền Nam càng nóng bỏng nhớ thương tha thiết, ông quyết tâm xin về Nam công tác và được chấp nhận, được tập trung lên Sơn Tây ba tháng để bồi dưỡng. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng lên đường vào Nam ngày 12/6/1962. Đây là thời kỳ ở miền Nam đang vào mùa đồng khởi.
Ở miền Bắc, cán bộ, nhà văn, sinh viên cũng bắt đầu hành trình vào chiến trường miền Nam. Hành trình vào chiến trường đều vô cùng vất vả, lội suối, leo dốc núi cao. Lúc này chưa có đại lộ, Trường Sơn ô tô ra vào đa phần vẫn phải đi bộ. Không giống như lớp sinh viên trẻ tuổi mười tám đôi mươi, Nguyễn Văn Bổng đã vào tuổi bốn mươi, chớm vào lúc sức lực không còn như thời trai trẻ. Cuối cùng cũng đến Ban Tuyên huấn Trung ương của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam trong rừng Tây Ninh.
Nguyễn Văn Bổng được phân công là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam với bút danh là Trần Hiếu Minh. Bắt tay ngay vào việc nhà văn về Cà Mau, rồi Bến Tre, vùng giải phóng đang được mở rộng, phong trào đồng khởi dậy khắp nơi.
Ở Bến Tre 6 tháng, ông viết tập bút ký Cửu Long cuộn sóng về phong trào đồng khởi Bến Tre, một tỉnh tiêu biểu nhất cho phong trào đồng khởi ở miền Nam. Một tác phẩm đặc sắc của Trần Hiếu Minh là cuốn tiểu thuyết Rừng U Minh viết về phong trào đồng khởi ở Cà Mau. Phong trào đồng khởi ở Cà Mau diễn biến phức tạp từ những năm 1957, năm 1958 khó khăn và cực kỳ đen tối vào năm 1959 và thắng lợi vào 1960.
Phong trào đồng khởi ở các tỉnh miền Nam giành thắng lợi to lớn cũng tạo điều kiện cho một mùa thắng lợi của văn học. Giải thưởng văn học 5 năm Nguyễn Đình Chiểu đã trao tặng cho nhiều tác phẩm trong đó có Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã vào Sài Gòn vào cuối năm 1966. Lúc này thành phố sôi nổi phong trào đấu tranh công khai của học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ, trí thức bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ đạo đức nhân phẩm. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm công tác hướng dẫn tờ Tin Văn đấu tranh chống lại bọn Chu Tử và báo Sống. Ông có mặt và chứng kiến cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Các bài viết về thời kỳ này được in trong tập Sài Gòn ta đó và sau bổ sung in lại trong tập Chuyện bên cầu chữ Y.
Nguyễn Văn Bổng (đứng giữa) tại chiến trường miền Nam năm 1976
Cuối năm 1968, ông về lại Hà Nội. Sau hai năm ở Sài Gòn với nhiều bút ký và truyện ngắn hấp dẫn.
Sau nhiều năm hoạt động vào Nam ra Bắc, ở nhiều chiến trường ác liệt, vừa công tác do đoàn thể giao phó vừa viết, sức khỏe ông yếu dần, mắt kém, đọc và viết đều khó khăn. Tôi không có may mắn được gặp và trò chuyện riêng với ông. Thỉnh thoảng có dịp đến thăm nhà văn Tế Hanh lại trông thấy ông, hai nhà ở cạnh nhau. Tôi chào, ông tươi cười giơ tay vẫy. Có lần đi cùng Dimonina Inna nhà Việt Nam học người Nga đến Hội Nhà văn, ông ôm hôn Inna và trò chuyện vui vẻ.
Một đời văn nhiều đóng góp kể cả hai danh hiệu Nguyễn Văn Bổng, Trần Hiếu Minh. Một đời văn xông pha vào Nam ra Bắc, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt với tư cách nhà văn chiến sĩ, bản lĩnh và tài hoa.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt hai, năm 2000.
“Một đời văn xông pha vào Nam ra Bắc, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt với tư cách nhà văn chiến sĩ, bản lĩnh và tài hoa”.
Bình luận