Nhà văn Lý Lan trở thành tác giả nữ đầu tiên giành giải "Hiệp sĩ Dế mèn"

Với việc truyện dài “Tự truyện một con heo” giành được điểm xuất sắc ở cả vòng sơ khảo và chung khảo, nhà văn Lý Lan đã được Hội đồng giám khảo xem xét toàn bộ sự nghiệp để trao giải "Hiệp sĩ Dế Mèn", Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 – 2024, nối tiếp những tên tuổi xuất sắc như Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023).

Chiều 29/5, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn lần 5-2024.

Nhà văn Lý Lan trở thành tác giả nữ đầu tiên giành giải "Hiệp sĩ Dế mèn" - 1

Quang cảnh Lễ trao giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024. 

Phát biểu tại Lễ trao giải, nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng ban tổ chức, thành viên Hội đồng giám khảo nhấn mạnh: “Sự tươi mới, với cái chất đương đại của đời sống hôm nay vẫn luôn là điều cần thiết để hấp dẫn công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ em, đến với văn hóa nghệ thuật, cho dù chúng ta vẫn rất yêu quý kinh điển và không ngừng quảng bá những giá trị bất biến đó đến với các thế hệ người đọc, người xem. Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn ra đời cách đây 5 năm chính là nhằm tìm kiếm những luồng gió mới trong sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi, vì thiếu nhi”.

Theo nhà báo Lê Xuân Thành, mùa giải Dế Mèn thứ 5 có 135 tác phẩm dự giải, 11 tác phẩm lọt vào Vòng chung khảo để chọn ra 1 giải Hiệp sĩ Dế Mèn, 5 giải Khát vọng Dế Mèn và 2 Tặng thưởng của Hội đồng giám khảo.

“Đó là chưa phải là bức tranh toàn cảnh về nền nghệ thuật thiếu nhi trong năm qua, nhưng là tất cả những nỗ lực của chúng tôi để truyền cảm hứng xem – nghe – đọc cho trẻ em và cho cả những ai từng là trẻ em trước thềm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 này”, nhà báo Lê Xuân Thành cho hay.

Nhà văn Lý Lan trở thành tác giả nữ đầu tiên giành giải "Hiệp sĩ Dế mèn" - 2

Nhà báo Lê Xuân Thành phát biểu tại Lễ trao giải.

Mùa giải thứ 5 của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn quy tụ nhiều loại hình văn học nghệ thuật khác nhau. Trong đó, văn học chiếm ưu thế với 5 tập/bộ truyện dài, 1 tập thơ. Cùng với đó là 1 bộ truyện tranh, 1 bản thảo tranh truyện, 1 chùm tranh truyện. Các loại hình nghệ thuật khác có 1 ca khúc, có 1 series phim hoạt hình.

Năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn vinh danh một tác phẩm thơ của một nữ tác giả trẻ - tác giả Lã Thanh Hà (bút danh Hà mã đi bộ, sinh năm 1993). Tập thơ Vương quốc nhỏ bí mật của Lã Thanh Hà được đánh giá là nổi bật hơn hẳn so với các tác phẩm tham dự. Phần lớn các bài thơ đều đã thoát ly được khỏi lối mòn thường thấy là mô tả khung cảnh nông thôn với những vật nuôi quen thuộc với thế hệ trung niên; giới hạn tình yêu thương chỉ trong trong tình cảm gia đình, trường học hay luôn tập trung vào mô tả, giảng giải bài học cuộc sống có phần thô sơ.

Vương quốc nhỏ bí mật như những lời thủ thỉ, tâm tình về sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, con người với con người nói chung, giữa trẻ nhỏ và cuộc sống, cây cỏ, muôn loài nói riêng. Sự kết nối này lúc rõ ràng lúc ngầm ẩn, được thể hiện xuyên suốt tập thơ. 

Nhà văn Lý Lan trở thành tác giả nữ đầu tiên giành giải "Hiệp sĩ Dế mèn" - 3

Trao giải Khát vọng Dế Mèn cho nhà văn Lữ Mai (ngoài cùng bên trái) và nhà thơ Lã Thanh Hà (ngoài cùng bên phải).

Gương mặt thiếu nhi xuất sắc được vinh danh tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm nay là Lê Sinh Hùng (14 tuổi) với tập bản thảo tranh truyện Thư viện kỳ bí. Tác phẩm thể hiện rất rõ đây là sản phẩm sáng tạo của một bạn nhỏ trong thời hiện đại (lấy cảm hứng từ hoạt hình/ truyện nổi tiếng thế giới; truyền thuyết đô thị về những hồn ma trong thư viện; mối quan tâm đến sách vở; các vấn đề về sinh thái…).

Với cốt truyện hấp dẫn, lớp lang, mở đầu hấp dẫn, có cao trào và kết thúc vừa vặn, vấn đề môi trường và thông điệp được đặt ra trong Thư viện kỳ bí rất tự nhiên, không khiên cưỡng, cũng không nặng giáo điều. 

Bên cạnh phần truyện, Lê Sinh Hùng cũng tự vẽ minh họa và tô màu cho tác phẩm của mình. Phần tranh vẽ phục vụ rất đắc lực cho phần chữ. Với sự trọn vẹn nội tại, bản thảo Thư viện kỳ bí cũng đã được chuyển thể kịch bản và dàn dựng thành vở diễn trên sân khấu nhà trường.

Nhà văn Lý Lan trở thành tác giả nữ đầu tiên giành giải "Hiệp sĩ Dế mèn" - 4

Trao giải cho tác giả nhí Lê Sinh Hùng.

Đặc biệt, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm nay đã tìm được tác giả xứng đáng để “phong tặng” Hiệp sĩ Dế Mèn. Với những cống hiến suốt đời cho văn học thiếu nhi, từ Ngôi nhà trong cỏ đến Tự truyện một con heo, cùng nhiều sáng tác, dịch thuật cho thiếu nhi được độc giả yêu thích, nhà văn Lý Lan đã xứng đáng nhận giải “Hiệp sĩ Dế Mèn”.

Nhà văn Lý Lan trở thành tác giả nữ đầu tiên giành giải "Hiệp sĩ Dế mèn" - 5

Đại diện nhà văn Lý Lan nhận giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn từ nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà báo Lê Xuân Thành.

Không phải là truyện đồng thoại ngộ nghĩnh, ngọt ngào như Bí mật giữa thằn lằn đen và tôi, cũng không trong veo, lấp lánh như những truyện trong Ngôi nhà trong cỏ, truyện dài Tự truyện một con heo của nhà văn Lý Lan tìm kiếm một lớp độc giả thiếu nhi trưởng thành hơn hai tập truyện trước của bà. 

PGS-TS Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo nhận xét, truyện viết rất có nghề. Bầy đặt nhân vật (cả con vật lẫn con người) khá thú vị. Mạch truyện sáng rõ, nhiều chỗ bất ngờ; ngôn ngữ chắt lọc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: “Ưu điểm của tác phẩm này là tác giả rất hiểu đời sống, lối sống của heo, và nhiều loài vật khác nên rất sinh động và rất thật. Vấn đề đặt ra rất hay: khát vọng sống tự do, không muốn làm thú cưng... Đây là tác phẩm nổi trội nhất trong các tác phẩm dự giải lần này”.

Nhà văn Lý Lan trở thành tác giả nữ đầu tiên giành giải "Hiệp sĩ Dế mèn" - 6

Bìa tác phẩm "Tự truyện một con heo" của nhà văn Lý Lan. Ảnh: NXB Trẻ

Nhà văn Lý Lan sinh năm 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nhiều bạn đọc lâu nay vẫn biết đến bà trong vai trò dịch giả của bộ truyện Harry Potter. Bắt đầu sự nghiệp văn học từ những năm 1980, nhà văn Lý Lan đã xuất bản hàng chục tác phẩm văn học gồm truyện, thơ, tiểu thuyết, tản văn. Tác phẩm Ngôi nhà trong cỏ của bà đoạt giải A Cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982 - 1984), sau đó là tác phẩm như Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen. Nhiều độc giả hẳn sẽ nhớ những áng văn như Chuyện của vàng anhCổng trường mở ra của bà được đưa vào sách giáo khoa phổ thông.

Nhà văn Lý Lan trở thành tác giả nữ đầu tiên giành giải "Hiệp sĩ Dế mèn" - 7

Nhà văn Lý Lan

Về mảng sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Lý Lan cho biết, những câu chuyện mang màu sắc đồng thoại có sức hút đặc biệt với bà, do “chịu ảnh hưởng Truyện ngụ ngôn của La Fontaine, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, và sau này là Panchatantra của Vishnu Sharma”.

“Một tác phẩm viết cho thiếu nhi hay cho bất kỳ ai đều cần tấm lòng của người viết, một tấm lòng chân thành và trân trọng người đọc”, Lý Lan tâm niệm.

KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG THIẾU NHI DẾ MÈN LẦN 5 - 2024

I. Giải Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Lý Lan với Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) cùng những cống hiến cho văn học thiếu nhi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà

II. Giải Khát vọng Dế Mèn (5 giải, xếp theo thứ tự a, b, c tên tác phẩm)

1. Cuộc phiêu lưu của Dế Út (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng)

2. Dưới khung trời ngát xanh (bản thảo truyện dài của Lữ Mai)

3. Thư viện kỳ bí (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi)

4. Trăng ơi… từ đâu đến? (ca khúc của Thái Chí Thanh, phổ thơ Trần Đăng Khoa)

5. Vương quốc nhỏ bí mật (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks)

III. Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Dế Mèn (2 Tặng thưởng)

1. Chùm sách thiếu nhi trong bộ Vun đắp tâm hồn (NXB Kim Đồng) của nhà văn May gồm Bánh mì gối xinh (Thư Cao vẽ) và Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới (Thảo Võ vẽ)

2. Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn)

IV. Chứng nhận vào Vòng chung khảo Dế Mèn

1.  Kho báu trong thành phố (truyện dài của Nguyễn Khắc Cường, NXB Trẻ)

2. Mật hiệu OGO (truyện dài, 6 tập của Kiều Bích Hương, NXB Kim Đồng)

3. Trạng Quỳnh thời nhí nhố (series phim hoạt hình 3D do Alpha Animation Studio kết hợp cùng SConnect Việt Nam sản xuất)

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.