Nhạc công đại phong cầm nhà thờ làng

Truyện ngắn của Henryk Sienkiewicz (Nobel văn chương 1905)

Tuyết khô, lạo xạo, chẳng đến nỗi dày, Klen lại có đôi chân cao kều nên gã bước thoăn thoắt trên con đường từ làng Zagrabie sang làng Ponikla. Gã càng rảo bước, bởi mỗi lúc trời thêm giá buốt, mà quần áo gã vận trên người thì ngắn cộc: chiếc áo vét tông ngắn cũn, chiếc áo lông thú còn ngắn hơn mặc chặn bên ngoài, chiếc quần soóc thể thao màu đen, đôi giầy đã mỏng lại rách bươm.

Thêm nữa, tay gã cầm chiếc kèn “ôboa”, gió thổi khiến chiếc mũ gã đội dính chặt vào đầu, trong bao tử gã đang có vài li rượu “arắc”, trong con tim gã đang có một nỗi mừng và trong tâm hồn gã là những nguyên do dẫn tới nỗi mừng này. Chả là, sáng nay gã vừa kí xong bản giao kèo với thầy dòng Krajewski, theo đó gã sẽ là nhạc công đại phong cầm của làng Ponikla.

Gã - lâu nay vốn chỉ là một kẻ lang thang, hết quán rượu này đến quán rượu khác, hết đám cưới nọ đến đám cưới kia, hết chợ này đến chợ nọ, hết hội nọ đến hội kia, để kiếm sống nhờ thổi kèn “ôboa” hoặc chơi đại phong cầm, những thứ nhạc cụ mà gã là người chơi thạo nhất vùng - nay đã ổn định, yên vị tại làng Ponikla, bắt đầu sống đàng hoàng dưới mái nhà của mình. Có nhà cửa hẳn hoi, có vườn tược, 150 rúp tiền công mỗi năm, chưa kể các khoản thù lao khác, lại có thanh thế của một con người mà phải tới bán phần được coi như một Đức Cha, có bổn phận làm sáng danh Chúa, thì ai chả kính nể, có phải không nào?

Chỉ mới đây thôi, một tay Maciek vô danh tiểu tốt nào đó tại làng Zagrabie, hoặc làng Ponikla, chỉ cần có vài thước ruộng là đã khinh gã Klen ra mặt rồi - còn bữa nay thì thiên hạ phải ngả mũ chào gã. Nhạc công đại phong cầm - lại ở một xứ đạo mênh mông như thế này thì chẳng phải là nắm rơm đâu nhé! Đã từ lâu Klen ao ước được cái chức nghiệp này. Có điều, chừng nào lão già Mielnicki còn sống thì gã đâu dám màng tới. Mười ngón tay của ông lão cứng còng, nên lão chơi đàn đến là vất vả, nhưng thầy dòng không nỡ sa thải lão, bởi hai ông già cùng làm với nhau phải đến hai mươi năm nay. Mãi tới khi “Con ngựa cái” của thầy dòng đá vào bụng lão không thương tiếc, khiến lão qua đời ba ngày sau đó, thì gã Klen mới dám xin Đức Cha cho vào làm.

Còn thầy dòng thời chẳng chút ngần ngại, bởi ngay cả trong thành phố thầy cũng chẳng kiếm nổi một nhạc công đại phong cầm chơi khá hơn gã. Có trời biết được Klen kiếm đâu được “ngón đàn” như vậy với đại phong cầm, với kèn và các nhạc cụ khác. Đâu phải cha gã truyền cho gã, vì thời trẻ ông già vốn gốc tích làng Zagrabie làm lính chứ đâu có làm nhạc công, khi về già ông cụ chuyên xe sợi đay, chỉ “chơi chiếc kèn tẩu” vốn lúc nào cũng cắm chặt bên ria mép của mình.

Hồi còn con nít, chỗ nào có tiếng đàn là y như chỗ đó có mặt gã. Khi là một cậu thiếu niên gã sang làng Ponikla “bơm đại phong cầm” giúp lão Mielnicki, người đã nhận ra vẻ thèm thuồng của gã, đã bảo cho gã cách chơi đàn. Và rồi chỉ ba năm sau, gã chơi đàn còn hay hơn cả lão Mielnicki. Tiếp đó, có một đoàn nhạc đến diễn tại làng Zagrabie, gã bèn bỏ làng đi theo họ. Mấy năm liền gã phiêu lãng cùng hội nhạc này, có trời biết gã đi những đâu, có điều chắc chắn là bất cứ nơi nào: ở các chợ, tại các đám cưới và các nhà thờ. Mãi khi hội nhạc của gã tan tác, chết dần chết mòn, thì gã mới trở về làng Zagrabie, một xu dính túi chẳng còn, gã gầy còm - và, sống như một con chim trên cành, gã tiếp tục chơi đàn, lúc thì mua vui cho người trần mắt thịt, lúc thì phụng sự Đức Chúa Trời.

Và cho dù thiên hạ có bảo gã là thằng “lênh đênh”, gã vẫn trở nên nổi tiếng. Ở làng Zagrabie người ta kháo nhau: “Klen thì vẫn hoàn Klen thôi! Nhưng hễ hắn chơi đàn là Chúa hết sầu, con người thì lệ nhoà hai mắt”. Có người lại vấn hỏi: “Tỉnh lại đi, anh Klen, anh bị quỷ ám hay sao vậy?”. Và đúng là, cái con người còm nhom, chân cao kều này đang bị qủy ám.

Nhạc công đại phong cầm nhà thờ làng - 1

Minh họa: Lê Huy Quang

Hồi Mielnicki còn sống, vào những ngày lễ lớn gã thường chơi thay cho lão, có khi suốt cả ngày gã không rời khỏi cây đàn. Nhất hạng, khi cuộc lễ đã được bán phần, lúc con chiên say mê cầu kinh trong nhà thờ, hương khói tràn ngập cả giáo đường, khi tất cả mọi sinh linh đều ngân cao giọng ca, khi chính Klen say sưa với ngón đàn, thì lễ cầu kinh cùng với tiếng ngân của chuông to, chuông nhỏ, cùng với mùi hương trầm, mùi hổ phách và các loại hương thảo mộc, cùng ánh nến chập chờn và ánh lấp lánh của bình thánh thể, khiến lòng người lâng lâng cao độ, đến nỗi dường như cả giáo đường đang tung cánh bay lên.

Khi hạ thấp, lúc nâng cao bình thánh thể thầy dòng mắt lim dim, mơ màng ra bộ không mục sở thị, ở bên trên Klen cũng y như vậy, gã có cảm giác, hình như chiếc đại phong cầm đang tự chơi, rằng tiếng đàn phát ra từ những ống chì nhấp nhô tựa sóng, tuôn chảy tựa sông, ào ào như thác đổ, róc rách tựa suối reo, tí tách như mưa rơi, ngập tràn khắp giáo đường, cả dưới vòm trần lẫn trước bàn thờ, cả trong những màn khói lẫn trong ánh mặt trời và cả trong lòng người - lúc dữ dằn song tuyệt vời tựa sấm nổ, lúc y như tiếng người tụng niệm, lúc ngọt ngào, lúc khoan lúc nhặt, lúc rải đều như chuỗi tràng hạt, lúc như tiếng hót của hoạ mi.

Thế rồi, khi xong lễ “misa”, anh Klen từ chỗ đoàn thánh ca bước xuống, nom anh ngay ngất, hai mắt long lanh vẻ mơ màng - còn khi lại hoàn một kẻ bình dân, gã nói và gã nghĩ, mệt thấy mồ. Trong hậu đường thầy dòng dúi vào tay gã mấy đồng xu thì phải, khen câu gì đó vào tai gã, rồi gã lách qua đám đông mờ mờ, ảo ảo phía trước nhà thờ - và ở đó người ta ngả mũ chào gã, cho dù gã là kẻ đang phải ở nhờ nhà người khác bên làng Zagrabie, người ta phục gã sát đất.

Có điều Klen đi qua phía trước nhà thờ đâu phải để được nghe “Này, trong kìa, Klen đang đi!” - mà chính là để được thấy cái sinh linh yêu quý nhất đời của gã ở làng Zagrabie, ở làng Ponikla và cả ở trần gian này, đó là nàng, Olka, con gái lão thợ đóng gạch bên làng Zagrabie.

Nàng đã ăn sâu trong con tim của gã bằng đôi mắt xanh tựa xa cúc của nàng, bằng gương mặt rạng rỡ của nàng và đôi môi mọng đỏ tựa anh đào của nàng. Thảng hoặc, khi nhìn đời một cách cẩn trọng anh Klen hiểu rằng, ông thợ đóng gạch chẳng chịu trao nàng cho mình đâu. Lúc đó anh nghĩ bụng, bỏ quách nàng cho xong chuyện. Nhưng rồi gã lại sợ, gã không có gan làm chuyện đó - và gã buồn rầu lẩm bẩm: “úi dào, rồi cô nàng phải đi tìm cho bằng được! đến kìm cũng không dứt nổi nàng ra đâu”. Ấy cũng vì nàng mà gã đã giã từ cuộc sống giang hồ, gã sống vì nàng, lúc chơi đàn đại phong cầm gã mường tượng trong đầu là nàng đang nghe, nên gã chơi càng hay hơn.

Còn về phía nàng, thoạt tiên nàng yêu cái “ngón đàn” của gã, rồi sau đó mới yêu chính gã - và với nàng, anh Klen là dễ thương hơn bất kì trai làng nào, dẫu anh có khuôn mặt dị thường, ngăm đen, đôi mắt mơ màng, chiếc vét tông cũn cỡn, chiếc áo lông thú còn ngắn hơn, chân dài ngoẵng, mảnh nhỏ y như chân cò.

Ấy vậy mà, “ông bô” thợ đóng gạch, dẫu cũng thường xuyên đựng gió ở trong túi lại không ưng trao con gái mình cho Klen. “Trai làng, đứa nào cũng nhìn trộm con bé, - lão lẩm bẩm với chính mình, - tội gì lại để cho một thằng Klen như vậy làm khổ đời nó nào”. Thường thì ông lão cho gã được vào nhà, nhưng cũng có hôm ông già nhất định không cho. Thế mà, khi lão Mielnicki về chầu chín suối thì mọi thứ lập tức đổi thay. Kí xong bản giao kèo với thầy dòng, Klen đến ngay nhà ông thợ đóng gạch, rồi gã nói với ông lão thế này: “Tôi không bảo là mọi thứ có ngay lập tức, có điều nhạc công đại phong cầm thì không phải là đứa giang hồ đâu nhé!”. Ông chủ bèn mời gã vào nhà, đem rượu “arắc” ra thết gã, tiếp đãi gã như một vị khách. Còn khi Olka xuất hiện thì ông mừng cho hai đứa khi Klen đã trở thành ông chủ, có nhà, có vườn tược và sau thầy dòng sẽ là người có vai vế nhất ở làng Ponikla.

Thế là Klen ngồi lì ở đó từ trưa cho tới tận chiều tà với niềm hân hoan tột đỉnh, không chỉ của riêng mình mà của cả Olka. Còn giờ đây gã đang trên đường về làng Ponikla, tuyết rơi lạo xạo dưới chân, trong ánh hoàng hôn.

Trời mỗi lúc càng giá buốt, song gã chẳng bận tâm chuyện đó, chỉ biết chân càng rảo bước, vừa đi gã vừa nghĩ về ngày hôm nay, về Olka, cho nên gã thấy ấm hẳn người. Thực ra, trong đời mình, gã chưa hề có, dù chỉ là một ngày sung sướng. Trên con đường vắng, không một bóng cây, hai bên là cánh đồng tê cóng đầy tuyết mà dưới ráng chiều đổi sắc lúc đỏ, lúc xanh, gã nâng niềm vui của mình như thể nâng chiếc đèn pin soi đường trong đêm tối. Gã nhớ như in và gã mường tượng lại tất thảy những chuyện đã qua, nào cuộc nói chuyện với thầy dòng, nào chuyện kí bản giao kèo, từng lời nói của ông thợ đóng gạch và của nàng Olka.

Lúc chỉ có hai đứa với nhau, nàng thỏ thẻ với gã thế này: “Em thì thế nào cũng được! Em sẵn lòng đi theo anh đến cùng trời cuối đất mà chẳng cần những thứ của nả đó, nhưng với bố thì như vậy tốt hơn!” - Lúc này vừa đội ơn nàng hết nỗi, vừa xốn xang trong lòng, gã hôn vào khuỷu tay nàng, rồi nói: “Cầu Chúa ban phước lành cho nàng, Olka!”.

Giờ đây, hồi tưởng lại, gã có phần thấy xấu hổ là đã hôn vào cùi tay nàng, mà chả hiểu tại sao lúc đó gã lại nói ít với nàng như vậy, bởi gã cảm nhận rằng, ông thợ đóng gạch mà cho phép thì hẳn nàng sẽ theo gã đi đến cùng trời cuối đất. Sao mà nàng thực lòng đến vậy! - Còn bây giờ, nếu có điều chi, có lẽ nàng cùng đi với gã, trên con đường vắng, giữa tuyết rơi. - “Nàng là cục vàng quý hoá của tôi! - Klen thầm nghĩ - khi đã vậy, nàng sẽ là bà chủ!” - Rồi gã càng rảo bước, khiến tuyết dưới chân càng lạo xạo to hơn. Sau chốc lát gã lại nghĩ: “Một người con gái như nàng thì chẳng có chuyện thay lòng đổi dạ đâu!” Gã cảm tháy mình thật nặng ơn với nàng.

Bây giờ mà có Olka bên cạnh chắc gã không kìm nổi: gã ắt quẳng kèn xuống đất, ghì chặt nàng vào ngực mình. Nhẽ ra gã đã phải làm việc đó từ cách đây một giờ. Khổ thay, khi nào cũng vậy: hễ cần phải làm gì đó, hoặc nói gì đó từ cõi lòng mình thì gã “người ngay ngô, lưỡi cứng còng”. Thà chơi đại phong cầm còn dễ hơn!

Lúc này, dải mây vàng và đỏ vẫn toả sáng đàng tây, bầu trời đổi dần thành một băng vàng, rồi sợi vàng và sau cùng tắt hẳn. Màn đêm ập xuống, các vì sao lấp lánh trên bầu trời, chúng nhìn xuống mặt đất bằng con mắt sắc sảo và ráo hoảnh như vốn vẫn thường như vậy trong mùa đông. Trời giá lạnh đến nỗi nhạc công đại phong cầm tương lai của làng Ponikla bắt đầu thấy buốt tai, vì rất thuộc địa hình nên gã quyết định đi tắt qua cánh đồng cho chóng về đến nhà mình.

Nhạc công đại phong cầm nhà thờ làng - 2

Ảnh minh họa

Và sau chốc lát, trên cánh đồng mênh mông, bằng phẳng, đầy tuyết trắng gã hoá thành một cái bóng đen, cao kều như trời trồng, nom đến buồn cười. Gã nghĩ bụng, để giết thì giờ có lẽ mình chơi kèn vậy, chừng nào các ngón tay chưa bị tê cóng, và thế là gã làm như gã nghĩ.

Tiếng kèn “ôboa” vang vọng trong đêm tối, giữa đồng không mông quạnh, vừa lạ tai vừa hiu hắt, dường như có phần sờ sợ cái mặt phẳng trắng tinh và buồn tẻ này. Tiếng kèn lại càng thêm lạ khi Klen chơi toàn bài vui. Tại vì gã đang nghĩ về cuộc mừng hôm nay ở nhà ông lão thợ đóng gạch, cạn xong li thứ nhất, rồi li thứ hai gã bắt đầu chơi kèn rồi hát, còn nàng Olka cao hứng, giọng nhỏ nhẹ hát đệm theo gã. Bây giờ gã muốn chơi lại những bài đó, cho nên bài đầu tiên gã chơi là bài hôm nay nàng đã khai mào:

“Xin Chúa Trời san núi,

cho thật phẳng lì!

Xin Chúa Trời dẫn người tôi yêu tới,

lúc còn tinh mơ!”

Lão thợ đóng gạch bộ không thích bài này, vì nó có vẻ “bình dân” qúa, lão bảo hai đứa hát những bài ca cung đình ấy. Thế là hai anh chị chuyển sang bài khác, bài Olka học được ở làng Zagrabie:

“Ngài Ludwik bỏ đi săn,

Để lại nhà nàng Helunia đẹp tựa tranh;

Ngài Ludwik về, nhạc nổi ran,

Lính kèn thổi vang,

nàng Helunia chìm trong giấc nồng”.

Lão thợ đóng gạch thích bài này hơn. Lúc cả nhà cao hứng thì họ say sưa hát bài “chiếc bình xanh của em” vui nhộn. Cô gái trong bài này, sau mới tươi cười, còn thoạt đầu nàng khóc, nàng than, tiếc chiếc bình bị vỡ:

- Chiếc bình xanh của em,

Chàng làm vỡ mất rồi?”

Còn anh chàng an ủi cô nàng thế này:

- “Nín đi, đừng khóc nữa,

Anh sẽ đền cho em?”

Olka dồn hết giọng, cố kéo dài “chiếc bình xanh của em!”, rồi nàng cười khúc khích. Klen dứt miệng khỏi kèn, giả đò làm chàng đáp lại nàng, gã phẩy mạnh tay:

“Nín đi, đừng khóc nữa...”

Còn lúc này, giữa đêm đen, nhớ lại cái vui lúc ban ngày, gã thổi bài “Chiếc bình xanh của em”, rồi gã mỉm cười khi đôi môi đang bận thổi vào kèn còn cho phép gã làm như vậy. Phải cái trời lạnh cóng đến nỗi môi gã dính chặt vào lỗ kèn, các ngón tay tê cứng không lựa nổi van kèn, cho nên một lát sau gã đành ngừng thổi và bước tiếp, thở hổn hển, mặt phờ phạc vì thở dốc.

Chẳng mấy chốc gã thấm mệt. Tại vì gã không lường trước một điều, hoá ra tuyết trên cánh đồng dày hơn trên con đường đầy ổ gà, cho nên gã trầy trật mỗi lần rút đôi chân cao kều lên khỏi tuyết. Đó là chưa kể, có lắm chỗ cánh đồng bị trũng xuống, bão tuyết san bằng tất thảy, để băng qua những chỗ đó phải lội tuyết sâu tới tận đầu gối. Bây giờ Klen thấy tiếc là mình đã không đi theo đường làng, vì biết đâu lại gặp được một chiếc xe ngựa về Ponikla.

Sao đêm càng lấp lánh, trời càng giá buốt, vậy mà Klen toát mồ hôi.

Tuy vậy, hễ lúc nào gió thốc lên cao, theo cánh đồng thổi ra phía sông, thì gã lạnh thấu xương. Gã toan lại thổi kèn, song miệng gã tắc tị càng mệt hơn.

Nhạc công đại phong cầm nhà thờ làng - 3

Ảnh minh họa

Rốt cuộc, cảm giác cô đơn bắt đầu xâm chiếm tâm hồn gã. Bốn bề thanh vắng, tĩnh mịch và im ắng lạ thường. Tại làng Ponikla một ngôi nhà ấm áp đang chờ gã, nhưng gã lại thích nghĩ về làng Zagrabie, gã lẩm bẩm với chính mình: “Olka giờ này đang đi ngủ, nhưng ở đó, lạy Chúa tôi, trong căn nhà ấm áp!” Và khi nghĩ rằng, ở đó Olka có đủ ấm, đủ sáng, thì trái tim chân thành của Klen thấy thêm mừng, khi chính gã giờ này đang bị rét, bị tối.

Rốt cuộc, gã qua được cánh đồng, tiếp đó là những bãi chăn thả lác đác cây đỗ tùng. Klen mệt nhoài đến nỗi gã muốn ngồi sụp ngay xuống bên một bụi cây nào đó để nghỉ. Nhưng gã lại nghĩ bụng: “Thế thì mình chết cóng mất”, nên gã lại bước tiếp. Khốn thay, chỗ các cây đỗ tùng và dưới chân các hàng rào có nhiều cồn tuyết. Klen vượt được mấy cồn tuyết như vậy thì gã kiệt sức đến nỗi cuối cùng gã lẩm bẩm với chính mình:

- Mình cứ ngồi xuống đây, đừng có ngủ thiếp đi thì mình không bị chết cóng đâu, mà để khỏi ngủ thiếp đi thì mình lại chơi bài “Chiếc bình xanh của em”.

Thế là gã ngồi phịch xuống, bắt đầu thổi. - Và tiếng kèn hiu hắt lại nổi lên trong đêm đen tĩnh mịch trên nền tuyết trắng. Có điều, sao mà hai mắt của Klen cứ díp lại, rồi nốt nhạc “chiếc bình xanh của em” yếu và nhỏ dần, sau chót hoàn toàn im bặt. Gã cố cưỡng lại giấc ngủ, gã vẫn còn tỉnh, còn nghĩ về Olka, có điều gã cảm thấy sao mà trống trải, sao mà cô đơn làm vậy, gã tựa hồ một kẻ bị quên lãng, và gã lấy làm lạ, tại sao trong cái tĩnh mịch này, trong cái đêm đen này lại không có nàng Olka ở bên mình.

Rồi gã lẩm bẩm:

- Olka, giờ này nàng ở đâu?

Sau đó gã lại thét lên, như thể gọi nàng:

- Olka!...

Chiếc kèn “ôboa” tuột khỏi đôi tay tê cứng của gã.

Hôm sau, ánh bình minh rọi vào xác gã cùng với cây kèn, đang ở thế ngồi, chân dài ngoẵng, mặt tím bầm như thể vừa kinh ngạc, vừa căng tai nghe nốt nhạc cuối cùng của bài hát: “Chiếc bình xanh của em...”.

Lê Bá Thự dịch

Bố dượng (truyện ngắn)
Bố dượng (truyện ngắn)

“Nó buông chiếc cặp lồng rơi từ trên tay lúc nào không hay, những hạt cơm còn nóng hổi lăn lóc trên nền đất. Năm miếng...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ