Nhớ Vũ Duy Thông
PGS.TS. nhà thơ Vũ Duy Thông sinh năm 1944 tại quê nhà Vĩnh Phúc. Năm nay kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của ông. Nhà thơ đã qua đời vào ngày 28/5/2021. Ông là hội viên các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam. Học xong Đại học Tổng hợp, khoa Ngữ văn, Vũ Duy Thông làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Ông từng là Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam. Từng công tác ở Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Báo chí - xuất bản. Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận - phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương. Nhà thơ Vũ Duy Thông là bạn thân của nhà thơ Hữu Thỉnh từ khi cả hai cùng học cấp III (nay là Trung học phổ thông).
Kỷ niệm
Anh Vũ Duy Thông học trên tôi hai khóa ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoảng từ năm 1963 trở đi. Khi ấy đang có chiến tranh, chúng tôi sơ tán lên Việt Bắc (xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Từ năm 1980 trở đi, khi tôi từ báo Nhân Dân sang báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, hai anh em gặp nhau. Anh mến tôi có lẽ do trước hết cùng là dân học Văn Tổng hợp ra, sau là thấy tôi "lành" (tạm hiểu thế). Tôi mến anh vì anh lịch thiệp, dễ gần. Tôi lại nể trọng nữa, bởi anh là nhà báo bên cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, có hiểu biết, đi nhiều, làm phóng viên thường trú ở một số tỉnh, trải bom đạn chiến tranh những năm Mỹ đánh phá miền Bắc...
Nhà thơ Vũ Duy Thông
Điều cần nói nhất, Vũ Duy Thông là tác giả bài thơ “Bè xuôi sông La”. Có điều thật thú vị là tác phẩm đoạt giải viết cho người lớn lại được đưa vào sách dành cho trẻ em - cuốn “Tiếng Việt lớp 4”. Tuy rằng khi viết, tác giả không chủ ý hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi; nhưng bài thơ vẫn phù hợp với trẻ thơ. Khi bình hơn trăm bài thơ ở sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), tôi có bình bài thơ này.
Năm 1968, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam đang ở giai đoạn ác liệt, Vũ Duy Thông là phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Tĩnh. Ông đến lâm trường Hương Sơn, viết về đội khai thác gỗ số 5, sắp được tuyên dương đơn vị anh hùng. Ông được theo bè gỗ đi một đoạn sông La. Cảnh thanh bình trong bài thơ chỉ là tạm thời. Trong chiến tranh vẫn có những ngày bình yên ngắn ngủi.
Sau này, đã thân và hiểu thơ anh nhiều hơn, tôi viết cho anh bài phê bình cuốn sách “Một trăm bài thơ” (1999), đăng báo Văn nghệ. Hồi anh làm Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (trụ sở còn đặt ở trong sân sau, phía bên trái của nhà 51 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội), tôi có tạt qua đôi ba lần. Rồi anh về khu các cơ quan Trung ương Đảng ở phố Phan Đình Phùng, làm Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Báo chí - xuất bản.
Hai chúng tôi nếu gặp được ở đâu thì quấn quýt, sốt sắng hỏi đang viết gì, có sách mới không. Khoảng năm 2000, Vũ Duy Thông làm tiến sĩ mỹ học, đề tài “Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975”. Từ luận án ấy, anh làm sách, ở phần phụ lục có in lại những bài thơ nổi trội phục vụ cho đề tài nghiên cứu. Thấy thiếu bài “Đi dọc miền Trung” của tôi, tôi vui vẻ nhắc anh. Vũ Duy Thông thoáng nhìn tôi bằng đôi mắt thân thiện, rồi nói lời xin lỗi chân thành, hứa khi tái bản, sẽ bổ sung. Sau đó tôi cho qua luôn, như quên hẳn. Bất ngờ, vài năm sau, anh tìm tôi, tặng cuốn tái bản, có bài thơ kia của tôi.
Nhà thơ Vũ Duy Thông (trái) và tác giả Phạm Đình Ân (phải)
Năm 2020, khi đang có đợt làm hồ sơ đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, nhà thơ Hữu Thỉnh hỏi tôi về Vũ Duy Thông, nhờ liên hệ giúp anh Thông hoàn thiện hồ sơ. Ở cuối một ngõ phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội, nhưng nhà Vũ Duy Thông lại có khoảng không gian phía ngoài cổng và trong sân khá thoáng đãng. Chủ nhà tươi cười ra đón khách. Anh lục sách cũ còn dư tặng bạn. Lần đến sau, tôi nhận ra thần thái anh mệt mỏi, đi lại khó khăn. Các lần sau nữa, thấy anh yếu hơn, nói không rõ câu, nghe không rành tiếng, lại hơi lẫn. Tiễn khách ra cổng, người con trai thưa: bố cháu không nhớ gì đâu chú ạ, mọi việc chú cứ hỏi cháu thôi, cháu cũng sẽ đến cơ quan Hội gặp bác Hữu Thỉnh...
Chỉ sau đó mấy ngày, Hữu Thỉnh đến thăm Vũ Duy Thông.
Trước kia, tôi có biết chút ít về văn xuôi viết cho trẻ em của Vũ Duy Thông, nhưng chưa hề được tác giả tặng cuốn nào. Hóa ra anh viết cho trẻ em cũng nhiều (8 cuốn sách), Vũ Duy Thông có ba lần được trao Giải thưởng viết cho thiếu nhi vào các năm 1980, 1984 và 1987. Anh cũng có Giải Vàng, Giải Bạc về kịch bản phim hoạt hình nữa. Vũ Duy Thông có chỗ đứng trong "làng văn" viết cho trẻ em. Anh có hai bài thơ trong sách giáo khoa tiểu học, được tái bản trong nhiều năm trước đây.
Tác phẩm thơ
Vũ Duy Thông buổi đầu có sáu tập thơ in lần lượt từ năm 1979 đến 1998; đến năm 1991 công bố “Một trăm bài thơ”, sau đó còn in tập thơ nữa vào các năm 2003 và 2012.
1. Hiện thực tâm trạng về cuộc sống trong chiến tranh, trong thời bao cấp có ở nhiều bài thơ của Vũ Duy Thông. Đó là những sáng tác không phải viết ra từ hồi tưởng mà viết từ thời ấy, ít ra cũng được phác thảo từ thời ấy. Vũ Duy Thông viết về “Thành phố vùng đồi khói trắng”, “Hải Phòng”, “Chợ Viềng”, “Làng đào”, “Ngọn đèn lò”, “Bè xuôi sông La”, v.v., viết về vợ, con và những người khác mà anh yêu mến như: nhà thơ kiêm biên kịch sân khấu lừng danh Lưu Quang Vũ, nhà thơ kiêm họa sĩ Hoàng Hữu, nhà thơ Đào Ngọc Vĩnh, một người bạn quê nghèo, em bé nạn nhân chiến tranh, một buổi “Nghe Bit-tô-ven trên đồi chốt”, người em trai đào được trống đồng, “Nghĩa trang Trường Sơn”, v.v. Thêm nữa, nhiều bạn đọc như gặp lại chính mình ở những tháng năm cơ cực và thương xót đến quặn lòng đối với một họa sĩ - thi sĩ tài hoa vĩnh viễn đi xa, chưa kịp hưởng sự công bằng, văn minh, cái ngon, cái đẹp:
Anh ngồi vẽ bìa và húng hắng ho
Cho những cuốn sách thực ra chỉ đáng giá trang bìa
Và cặm cụi làm thơ
Những bài thơ muốn được in ra
Phải cam đoan rằng nhà thơ đã chết.
(Gửi Hoàng Hữu)
Giọng điệu thơ Vũ Duy Thông không khác giọng điệu chung của thơ thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Có một số bài kể, tả, giãi bày, chú ý đến cái nói nhiều hơn cách nói, cũng là dễ hiểu. Điều đáng lưu ý là nhìn chung, anh kể, tả, giãi bày khá xúc động và có nghệ thuật.
2. Hình ảnh, chi tiết nhiều và tinh tế, đó là nét riêng, là mặt mạnh của thơ Vũ Duy Thông. Sinh trưởng tại “mảnh đất trung du tươi tốt dịu êm” (bài “Cho tôi về miền đất cổ sơ”), đong đầy kỷ niệm tốt lành, thi vị, lại trải qua đời làm báo, vào Nam ra Bắc, không xa lạ gì về đạn bom chiến tranh, bởi vậy hồn thơ Vũ Duy Thông được nuôi dưỡng chu đáo. “Bè xuôi sông La” (như đã nêu) dự cuộc thi thơ do Tuần báo Văn nghệ tổ chức, được trao tặng giải Ba năm 1969 (song đôi với bài “Ngọn đèn lò” cùng tác giả) là một trong số những bài thơ hay nhất còn lại đến ngày nay của Vũ Duy Thông.
Bài thơ ca ngợi cảnh đẹp và sản vật của đất nước, khuyến khích tình yêu thiên nhiên, đề cao người lao động, hướng tới một cuộc sống hòa bình, tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc (Tất nhiên việc cổ vũ khai thác rừng nguyên sinh, chở cây rừng về xuôi ào ạt thì không còn phù hợp đối với hôm nay nữa). Bài thơ gợi cảm ở nhịp điệu uyển chuyển, giàu nhạc tính, nhiều hình ảnh, chi tiết sinh động, cái thật xen lẫn cái ảo: Bè đi chiều thầm thì/ Gỗ lượn đàn óng ả/ Như bầy trâu lim dim/ Đắm mình trong yên ả// Bè đi trong sao sa/ Gỗ gối nhau nằm thở.
Ở những bài thơ khác, ngỡ không thể thơ hơn, không thể thôn quê hơn khi Áo quần nhuộm nước nâu già/ Thoảng cay mùi trấu bếp (Mưa trung du), hoặc: Dãy lán bạt tềnh toàng đồi cỏ/ Lỗ chỗ vết giọt gianh (Thành phố vùng đồi khói trắng).
Đọc Vũ Duy Thông, thú vị hơn cả là nhiều khi bất ngờ được hút vào những câu thơ của một người đã sống bằng cả thể xác và tâm hồn thi sĩ với thôn quê. Nhà thơ dẫn bạn đọc cùng về thăm “Con ve khô vỏ vườn già” (bài “Vào thu”) và đàn chim đồng “Nhằn thóc trong rạ khô”, nghe “Gió ngọt ngào rạ cắt” (bài “Ngày về”). Lại nghe Gió lang thang dọc luống bừa/ Tiếng sấm đầu mùa mưa lắc thắc, lại nghe “Tre lào xào như mưa” (bài “Mùa tre đổi lá”).
Người ta thường thường cho rằng thơ phù hợp với sự phóng túng, bay bổng, suy tưởng, và nếu cụ thể quá, tỉ mỉ quá thì thơ không thanh thoát, kém hay, đọc chóng quên. Dẫn chứng trong thơ Vũ Duy Thông nêu dưới đây đứng ngoài cảm nghĩ quen thuộc ấy:
Mạ mập mạp ngạnh trê
Rễ trắng ngần ngó nhú
Gió se mặt bùn non
Đồng nặng nề mang chửa
(Mưa trung du)
Chưa thôi, tỉ mỉ, cặn kẽ đến tận cùng:
Cha ngồi xếp gạch góc vườn
Bóng bửa ra theo từng viên gạch vỡ
(Dòng sông trước nhà)
Nếu không yêu hết mình, kém khả năng quan sát và cảm nhận từ đáy lòng thi sĩ, không dày công rèn luyện cách diễn đạt bằng ngôn ngữ thơ, thì không thể có những hình ảnh ấy, những chi tiết ấy.
3. Màu trắng. Chính màu trắng chứ không phải màu gì khác, gây ấn tượng mạnh trong thơ Vũ Duy Thông. Đọc lướt, dễ bị bỏ qua. Nhân vật trữ tình giãi lòng mình trên “Đồng bông Bình Thuận”, thầm thì với người yêu trong tình huống “Một mình với hoa hồng trắng” đi trên “Đường lau trắng” nao lòng trông “Trắng mây”, “trắng sóng”, “trắng lau ngàn”, trông tựa lông ngỗng bay hoang từ mấy nghìn năm trước. Một bài khác, “Thành phố vùng đồi khói trắng”, tuy sắc khói không phủ khắp bài thơ nhưng nó vẫn gợi nhớ thời kham khổ mà thanh bạch, trong trẻo. Đôi khi, đột ngột những câu thơ màu trắng tưởng như không ăn nhập vào đâu - màu trắng của thiên nhiên tạo vật, màu trắng của nỗi buồn vui ngày thường, màu trắng của đời người.
Khi trầm ngâm liên tưởng cùng tác giả, xâu chuỗi các hình ảnh thơ, ý thơ, bạn đọc sẽ cảm nhận được khát vọng âm thầm mà da diết về sự trong sáng, thanh bạch, trinh trắng, cái thuần khiết sơ khai mà nhà thơ hằng ấp ủ, để rồi suốt cuộc đời tác giả phải hướng tới, ngóng về, tìm đến một cách mệt nhọc, không ngừng nghỉ.
4. “Đôi vai nặng trĩu con đường xa xôi” (bài “Một chút bi quan”). Đường đời, đường thơ khi trải rộng, khi xa hút khuất nẻo luồn vào trăm bài thơ. Đường càng về chiều muộn như càng xa hơn, nhiều dốc và dốc cao hơn. Chập chùng dốc cuộc đời/ Càng lên càng thấm mệt (bài “Tự thức năm”). Đường đời, đường thơ, đối với số đông, là một quá trình vươn tới nhẫn nại, gian truân từng ngày, trèo lên trất chưởng từng bậc:
Thôi cứ làm cau vườn
Nhích lên từng bước một
Trời chỉ cho một búp
Gắng gỏi mà xanh tươi.
(Tự thức ba)
Thời trẻ hăm hở và hời hợt, thấy đường đời bằng phẳng, thênh thang, đích đến cứ như thoắt một cái lù lù trước mặt. Chiều đứng bóng mới thấy mỏi gối, chồn chân, lắm dốc đèo, khát vọng càng cao vời vợi mà đích đến cứ lùi xa, xa mãi. Trở về quê với mái đầu chen sợi bạc, Vũ Duy Thông tự nhủ: Đi hết mình, đi không tính đường xa/ Để được sống trong niềm vui mơ ước (Ngày về).
Nhớ đến nhà thơ Vũ Duy Thông, tôi tâm đắc với lời tâm sự của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: "Có những con ngươi mà ở gần thì thấy ấm áp, xa xa thì thấy thiếu vắng mơ hồ, đến khi mất hẳn mới thấy rõ hơn chân dung của người đó so với khi đang sống, mới thấy bàng hoàng tiếc nuối vì bao điều chưa kịp" (Báo nhân dân hằng tháng, 7-2021).
Đối với Vũ Duy Thông, cái đẹp của đời sống và thơ ca, luôn luôn nảy sinh từ thái độ sống tích cực, từ ý chí quyết tâm, từ năng lực sáng tạo thường xuyên được trau dồi, từ đức tính cần mẫn, từ mơ ước, cao hơn hết là từ khát vọng.
Thơ Vũ Duy Thông
NÓI VỚI CON TRAI
Cha đưa con ra vườn
Xum vầy cùng bạn quen
Trưa vàng hanh tiếng chim
Lá xòe tay bắt nắng
Cái sân rêu đất ẩm
Chum nước mưa đầu hồi
Mỗi lần con ngon giấc
Hoa lại thù thì rơi
Cha nâng con trên tay
Như cây bế bồng chồi
Như cành đìu ríu quả
Con áp má vào cây
Nghe nhựa đất lên mầm
Lòng sẽ thêm giàu có
Con đặt tay lên lá
Tim trọn đời tươi non
Đặt môi lên hoa thơm
Con sẽ yêu trong sạch
Rồi mai gốc ổi già
Khom như ông đánh dậm
Kể chuyện ngày sơ tán
Quả chín rụng ngõ sau
Đầu hồi hai gốc cau
Chuyện con hay đòi võng
Cây hồng trứng quả mọng
Chuyện bà hay nuông chiều
Chuyện cây cột, cây kèo
Kể đời ông vất vả
Bờ giếng kể chuyện mẹ
Ngồi giặt tã đến khuya
Vạt áo mẹ so le
Lo miếng cơm, thìa sữa
Hai cây ngâu trước ngõ
Chuyện mẹ cha thương nhau
Cha bồng con lên cao
Hoa thơm tay con với
Quả ngon tay con hái
Thơm ngọt dành cho con
Rồi mai đây lớn khôn
Con sẽ nghĩ xa hơn
Những điều cha từng nghĩ
Con sẽ đi xa hơn
Niềm mong chờ của mẹ
Sẽ đến ngày lặng lẽ
Cha dừng lại dọc đường.
Thì mái tranh, cây vườn
Sẽ thành nơi mong nhớ
Thành quê hương xứ sở
Theo bước con trọn đời.
CHỢ VIỀNG
Chợ Viềng năm họp một phiên
Tôi đi rao bán chút duyên muộn mằn
Người ta đếm chục tính trăm
Tôi đi gom những dấu chân hững hờ.
Chợ Viềng ai biết đông thưa
Vui đi kẻo nữa sang trưa còn mình
Lòng người nhuộm mất cho xanh
Bao nhiêu cái được để thành tay không
Chung chiêng quai nón lụa hồng
Em làm đứt ruột, đứt lòng người ta
Hững hờ mang tiếng kiêu sa
Mặn mà người lại ngỡ là gió trăng
Thi nhân khổ bởi dùng dằng
Chợ tan còn tính sang năm đi tìm.
THÁNG MƯỜI
Tháng mười lúa chín bên sông
Nước lui phấp phỏng, ngô bồng con thơ
Tháng mười hồn lẻ buông tơ
Dăng dăng sương lạnh báo mùa heo may
Người buồn chai có men cay
Sông dài nên lắm bến này bờ kia
Đa đoan nên phải hẹn thề
Vướng duyên nên nỗi kẻ về người đi
Thôi đừng tiếc nuối làm chi
Vầng trăng đã khuất bên kia nữa rồi
Bao nhiêu là chẵn cuộc đời
Mình sang một chạp cho người giêng hai
Tôi ngồi đếm ngón tay tôi
Để cho đã mấy tháng mười đi qua.

Cùng với niềm hạnh phúc bền vững mà màu sắc và con chữ mang lại, trong mùa xuân mới, bà cũng vừa đón nhận niềm vui với...
Bình luận