Những chuyến đi trên đất nước "triệu voi" - Bài 6: Những chuyến đi kết nối tình hữu nghị công binh Việt - Lào

Nay thăm lại nước Lào, những năm tháng không thể nào quên về Trường Sơn huyền thoại, về đất nước Lào, về những người dân Lào hiền lành thân thiện nay lại khơi dậy lòng tôi...

Bài 1: Vượt Trường Sơn sang Lào

Bài 2: Khảo sát đường kín

Bài 3: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" trên đường Tây Trường Sơn

Bài 4: Những đêm đi gác 

Bài 5: Sang Lào khảo sát hang động, lập dự án công trình CCT 

Đoàn Đại biểu Bộ Tư lệnh Công binh sang thăm, làm việc với Cục Công binh Lào 

Trong đoàn công tác sang nước Lào, rất nhiều kỷ niệm bừng lên trong lòng. Tháng 8 năm 1970, là thầy giáo cấp hai, tôi lên đường đi đánh Mỹ. Lưng đeo ba lô, tay chống gậy, đi bộ vượt Trường Sơn. Gần 6 năm trên đường Tây Trường Sơn, tôi đi khắp các tỉnh Nam Lào, nhưng hầu hết ở vùng rừng núi.

Tháng 4 năm 1976, Sư đoàn Công binh 565 chúng tôi rút quân từ bên Lào về nước. Trung đoàn 34 là đơn vị cuối cùng của Sư đoàn, cũng là đơn vị cuối cùng của Bộ đội Trường Sơn rời đất nước Triệu Voi, sau 15 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Trường Sơn rực lửa.

Nay thăm lại nước Lào, những năm tháng không thể nào quên về Trường Sơn huyền thoại, về đất nước Lào, về những người dân Lào hiền lành thân thiện nay lại khơi dậy lòng tôi.

Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 10 năm 1998, Đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam thăm, làm việc với Cục Công binh quân đội nhân dân Lào. Đại tá Đặng Văn Phúc - Tư lệnh Công binh - Trưởng Đoàn, Đại tá Hoàng Khánh Hưng - Phó tư lệnh Chính trị - Phó Đoàn, các thành viên có: Tôi - Thượng tá Hoàng Kiền - Phó Tham mưu trưởng, Thượng tá Nguyễn Thành Định - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật, Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Ngọc Nam - Phó Viện trưởng Viện kỹ thuật Công binh.

Ngày 15 tháng 10 năm 1998, phi cơ hạ cánh xuống sân bay Thủ đô Viêng chăn. Bạn ra đón tại cầu thang máy bay bằng đường riêng là khách đặc biệt không phải qua cửa kiểm soát. Sau 22 năm, trở lại đất nước Lào bằng máy bay, đến thủ đô Viêng Chăn lần đầu tiên, thật vui mừng phấn khởi.

Cục Công binh Lào ra đón Đoàn vào nghỉ tại khách sạn Lát xa vông của Bộ Quốc phòng Lào. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi chiến đấu trên đường Trường Sơn, gần 6 năm bên nước Lào, nói tiếng Lào cũng được. Sau 22 năm không sử dụng, nay đã quên nhiều, nhưng nghe bạn nói chuyện, tôi lại nhớ dần ra.

Sáng hôm sau, Đoàn vào thăm Cục Công binh. Thượng tá Nguyễn Thành Định - "Chủ nhiệm Hậu cần " của Đoàn phụ trách việc trao tặng quà cho tập thể, cá nhân của bạn, có tranh ảnh và thực phẩm quý là mực khô. Mỗi đồng chí cán bộ Cục Công binh bạn một gói, tập thể một gói chung to.

Cả ngày 18 tháng 10 hai bên hội đàm, trao đổi với nhau mọi vấn đề về lực lượng, nhiệm vụ của công binh mỗi nước, những khó khăn cần sự hợp tác giúp đỡ nhau với tình cảm chân thành đồng chí - anh em. Đoàn đi thăm các đơn vị Công binh của bạn: các tiểu đoàn Công binh, đại đội kho..., còn một trung đoàn đang xây dựng sân bay Xiêng Khoảng, xa quá không đến được.

Nhìn chung là bạn còn rất nhiều khó khăn, nhà cửa cấp 4 trở xuống, trang bị kỹ thuật hư hỏng nhiều, không có phụ tùng sửa chữa. Đến nhà ăn, nhìn mâm cơm thật là cảm động, chỉ có một xoong xôi nếp với một đĩa cá khô, đĩa muối ớt để chấm thôi. Đất đai rộng nhưng để hoang hoá, rất lãng phí. Đại tá Đặng Văn Phúc góp ý với chỉ huy các đơn vị rất nhiều nội dung, đặc biệt là mô hình VAC (vườn, ao, chuồng).

Chiều ngày 19 tháng 10, Cục Công binh Lào mời đoàn đến thăm Đại đội Kho 52. Cán bộ các đơn vị Công binh của bạn đưa vợ đến cùng, liên hoan và múa Lăm vông thật vui. Tôi và anh Phúc là Công binh Trường Sơn, công tác bên Lào khá lâu, nhưng lần đầu tiên nay mới được múa Lăm vông, một nét văn hoá truyền thống rất đẹp của các bộ tộc Lào. Cục Công binh bạn tặng quà cho các thành viên và gửi về Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam.

Những chuyến đi trên đất nước "triệu voi" - Bài 6: Những chuyến đi kết nối tình hữu nghị công binh Việt - Lào - 1

Múa Lăm Vông - một nét văn hoá truyền thống rất đẹp của các bộ tộc Lào.

Bạn đưa đoàn đi thăm Thủ đô, đất đai khá rộng, dân số ít nên không gian nơi đây thoáng đãng, thanh bình. Đến thăm nhà máy thủy điện Nậm Ngừm sản xuất điện, phục vụ cho nhu cầu trong nước và bán cho Thái Lan, thăm Khải hoàn môn, thăm chùa Thạt Luông dát vàng rất đẹp.

Lào là đất nước của đạo Phật nên chùa chiền, sư sãi nhiều lắm. Sau khi thăm các đơn vị, tham quan xong, hai bên tổ chức họp. Tôi là thư ký đoàn được giao soạn thảo văn bản ghi nhớ, Thượng tá Nguyễn Thành Định, Thượng tá - Tiến sĩ Phạm Ngọc Nam tham gia. Trong văn bản ghi nhớ có một điểm là hai bên tổ chức các Đoàn cán bộ cấp cao luân phiên thăm nhau, năm thăm Lào, năm thăm Việt Nam để trao đổi, học tập kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau. Đây là một nội dung rất quan trọng để hai bên báo cáo Bộ Quốc phòng hai nước phê chuẩn, mở ra quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài.

Trước mắt, năm 1998, Công binh Việt Nam giúp Công binh Lào 2 cơ số khí tài và quân cụ cầm tay. Trưởng đoàn thông qua cả Đoàn, bổ sung hoàn chỉnh, hai bên thống nhất cao, cùng ký để thực hiện.

Ngày 20 tháng 10, Thiếu tướng Bun Thom - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào làm việc với Đoàn, chứng kiến những nội dung Công binh hai bên đã có văn bản ghi nhớ.

Đoàn đến thăm và ăn cơm thân mật với gia đình Đại tá O Sả Păn Nha Thon - Cục trưởng Cục Công binh Quân đội nhân dân Lào, thăm gia đình hai Cục phó là Trung tá Viêng Xay (Quân đội Lào không có thượng tá). Gia đình đã chuẩn bị cỗ nhưng khuya quá, đường xa nên chúng tôi đành ra về. Phút chia tay thật lưu luyến, mãi nửa đêm, cả Đoàn mới về đến nhà nghỉ. Hôm sau mới đến thăm gia đình Trung tá Bun Phết, vợ Bun Phết là đại uý Công an, gia đình rất mừng đón tiếp đoàn, ăn trưa tại đây.

Đoàn đến chào Đại sứ quán Việt Nam tại Viêng Chăn khi đến và trước khi về nước, được Đại sứ trao đổi thêm về tình hình nước bạn, hoan nghênh hoạt động và sự giúp đỡ của Công binh Việt Nam đối với Công binh Lào. Cán bộ Đại sứ quán đã dẫn đoàn đi may bộ quần áo ký giả, từ năm 1998 đến nay sau gần phần tư thế kỷ, tôi vẫn đang dùng.

Hôm về, bạn tiễn ra tận cầu thang máy bay theo thủ tục đặc biệt, không qua cửa kiểm soát an ninh,

Sau chuyến đi thăm nước bạn tháng 10 năm 1998, quan hệ giữa lực lượng Công binh hai nước Việt Nam và Lào đã mở ra một giai đoạn mới. Tư lệnh Đặng Văn Phúc vào Trường Sơn từ năm 1964 đến năm 1973, hoạt động bên Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào là chủ yếu, tôi vào Trường Sơn gần 6 năm liên tục hoạt động trên đất bạn Lào, hai anh em có nhiều kỷ niệm với nước Lào.

Anh Phúc trao đổi:

"Anh em mình gắn bó nhiều năm, hiểu sâu về nước Lào. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Tư lệnh Công binh đã đưa 11 trung đoàn Công binh vào mở đường Trường Sơn. Bộ Tư lệnh Công binh đã tổ chức viết Lịch sử Công binh 559 - Đường Trường Sơn do mình và anh Phạm Văn Thọ tổ chức, Kiền tham gia hội thảo đã rõ về đất nước và nhân dân Lào với đường Trường Sơn như thế nào rồi.

Tôi và anh Hưng sẽ bàn trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh để thống nhất chủ trương, những nội dung chính cần giúp bạn, Kiền chủ động phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch cụ thể, thông qua Bộ Tư lệnh để triển khai, cố gắng giúp đỡ Công binh bạn xây dựng và phát triển. Sau chuyến đi về các thành viên trong đoàn tích cực triển khai ngay các công việc giúp bạn thiết thực.

Trong kế hoạch hàng năm, Bộ Tư lệnh Công binh đều đưa vào nội dung quan tâm giúp đỡ Công binh Quân đội nhân dân Lào. Thượng tá, Tiến sỹ Phạm Ngọc Nam đã hoàn thành bộ ảnh đưa vào trưng bày trong Bảo tàng Công binh và tặng các thành viên trong đoàn, thật ý nghĩa".

Sang Lào khánh thành trạm sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật công binh 

Năm 2004, với cương vị Tư lệnh Công binh, tôi bàn trong Bộ Tư lệnh tiếp tục ưu tiên giúp đỡ Công binh Lào. Tôi cùng Đại tá Nguyễn Thành Định - Cục trưởng Cục Kỹ thuật lên gặp và báo cáo Đại tướng Phạm Văn Trà - Bộ trưởng Quốc Phòng, xin mỗi năm giúp Cục Công binh Lào 1 tỷ đồng bằng ngân sách của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh sẽ bảo đảm thêm và triển khai. Bộ trưởng đồng ý phê duyệt.

Nhưng sau đó, Cục Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Bộ trưởng là không cân đối được vốn. Bộ Tư lệnh Công binh quyết định trích từ ngân sách bảo đảm Kỹ thuật hàng năm của Binh chủng cấp giúp Cục Công binh Lào, coi công tác bảo đảm Kỹ thuật của Công binh Lào như đối với Công binh một Quân khu của Việt Nam.

Nhân dịp đoàn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào sang thăm Việt Nam, Đại tá O xả - Cục trưởng Cục Công binh Lào đi cùng và đến thăm, làm việc với Bộ Tư lệnh Công binh. Hai bên trao đổi thân tình.

Tôi hỏi:

- Sao lâu lắm không thấy đoàn cán bộ Cục Công binh các anh sang! Sao nay anh không đi cả đoàn, mà có một mình?

Đồng chí nói:

- Do tình hình kinh tế khó khăn, Bộ Quốc phòng không cho các cơ quan tổ chức đoàn sang Việt Nam, chỉ có các cán bộ đầu ngành đi trong đoàn Bộ Quốc phòng thôi, năm nay tôi mới được sang.

Tôi tư vấn:

- Anh về lập kế hoạch báo cáo Bộ Quốc phòng cho một đoàn sang, đi xe ô tô 16 chỗ, đến cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh, Công binh Việt Nam đón, bảo đảm toàn bộ quá trình thăm và làm việc tại Việt Nam.

Kế hoạch được Bộ Quốc phòng Lào phê duyệt. Một đoàn cán bộ Cục Công binh Lào lần đầu tiên sang thăm Việt Nam theo đường bộ. Bộ Tư lệnh Công binh cử cán bộ vào phối hợp cùng Phòng Công binh Quân khu 4 đón bạn, nghỉ ở nhà khách Quân khu 4, rồi ra Hà Nội.

Hội đàm trao đổi, sau đó đưa đoàn đi thăm một số đơn vị đại diện cho Công binh Việt Nam: Lữ đoàn Công binh công trình 229, Lữ đoàn Công binh vượt sông 239, Nhà máy Z49, Kho K88 (Cục Kỹ thuật), Trường Sỹ quan Công binh. Sau đó, đoàn tham quan Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vịnh Hạ Long, rồi về cùng họp, bàn tiếp.

Bộ Tư lệnh Công binh thông báo sẽ giúp Cục Công binh Lào xây dựng toàn diện các mặt công tác, tập trung trước hết vào công tác kỹ thuật. Chúng tôi cấp cho bạn bộ Điều lệ Công tác kỹ thuật Công binh Quân đội nhân dân Việt Nam, quy trình công tác niêm bảo quản xe máy, vũ khí, khí tài Công binh; trong kế hoạch sẽ giúp bạn xây dựng một Xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật Công binh tại ngoại ô Viêng Chăn, cử cán bộ sang tập huấn về công tác Bảo đảm Kỹ thuật cho lực lượng Công binh toàn quân của Lào.

Bộ Tư lệnh Công binh cũng sẽ cử một đoàn cán bộ sang giúp bạn tổng kiểm tra trang bị kỹ thuật Công binh toàn quân, xây dựng kế hoạch khôi phục đồng bộ, phân loại niêm bảo quản, sử dụng cụ thể. Mỗi năm giúp bạn 1 tỷ đồng, bảo đảm kỹ thuật bằng vật tư, phụ tùng và một số khác nữa, cử một đội của nhà máy Z49 sang sửa chữa đồng bộ, Việt Nam tự bảo đảm các mặt.

Bộ Quốc phòng hai nước đồng ý, kế hoạch được triển khai ngay. Toàn bộ lốp ô tô xe kraz, bình điện dự phòng trong kho, Bộ Tư  lệnh Công binh cho xuất hết sang giúp bạn, mua mới thay thế. Xí nghiệp 143 thuộc Nhà máy Z49 cử một đoàn gồm 40 cán bộ, công nhân sang Lào làm nhiệm vụ dài ngày. Mọi việc được triển khai khẩn trương, trạm sửa chữa kỹ thuật Công binh gồm nhà xưởng và các máy móc dụng cụ đồng bộ được đưa từ Việt Nam sang đã hoàn thành.

Tháng 5 năm 2006, Đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Công binh sang thăm nước Lào và dự lễ khánh thành bàn giao Xưởng sửa chữa Vũ khí Trang bị Kỹ thuật Công binh cho Cục Công binh Lào gồm có các đồng chí : Thiếu tướng Hoàng Kiền - Tư lệnh Công binh, Thiếu tướng Mai Ngọc Linh - Chính ủy Công binh, Đại tá Trần Văn Hoà - Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng , Đại tá Trần Đăng Sơn - Cục trưởng Cục Kỹ thuật Công binh, Đại tá Phạm Quang Xuân - Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Công binh, Đại tá Trần Trung Tiến – Phó Tham mưu trưởng, Đại tá Nguyễn Văn Xoa – Phó Cục Trưởng Cục Hậu cần, Đại tá Ngô Vũ Sinh – Chánh văn phòng, Đại tá Nguyễn Đình Phương – Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249, Đại tá Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc nhà máy Z49, Thượng tá Nguyễn Ngọc Minh – Giám đốc Xí nghiệp 143/Z49 cùng một số cán bộ cơ quan Bộ tư lệnh và nhà máy Z49. Đoàn bay từ Hà Nội sang Viêng Chăn, được Cục đối ngoại và Cục Công binh Lào đón tặng hoa tại sân bay, đưa về khách sạn Lát xa vông thật chu đáo.

Lễ khánh thành bàn giao diễn ra trang trọng. Thiếu tướng Hoàng Kiền - Tư lệnh Công binh Việt Nam phát biểu về quá trình xây dựng, Bộ tư lệnh Công binh chỉ đạo bảo đảm các mặt, huấn luyện đào tạo chuyển giao để xưởng đi vào hoạt động. Đồng chí Thiếu tướng - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào phát biểu, đánh giá cao sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam đối với Cục Công binh Lào nói riêng và Quân đội nhân dân Lào nói chung. Đây là Binh chủng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam giúp Quân đội Lào, tạo tiền đề cho các Quân, Binh chủng khác.

Tại buổi lễ, Thiếu tướng Hoàng Kiền – Tư lệnh Công binh và Đại tá Nguyễn Thành Định – Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh được tặng Huy chương Hữu Nghị của Bộ Quốc phòng nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào. Tiếp theo, Đoàn đi thăm cuộc trình diễn bộ cầu nổi PMP, bộ phà tự hành GSP, xe lội nước PTS, xe lội nước  bánh lốp mới được Công binh Việt Nam giúp đồng bộ, kết quả tốt, được Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Lào đánh giá cao.

Thăm các đơn vị công binh Quân đội nhân dân Lào 

Đại tá O Xả Păn Nha Thon - Cục trưởng Cục Công binh Lào đưa đoàn đại biểu Bộ tư lệnh công binh Việt Nam đến chào Thiếu tướng Kèn Khăm Sẻng La Thon – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào và cùng báo cáo kết quả Công binh Việt Nam giúp Công binh Lào một số mặt về công tác bảo đảm kỹ thuật công binh. Đồng chí Tổng tham mưu trưởng đánh giá rất cao sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam và sự phối hợp giữa hai bên.

Tôi đề nghị được đi thăm các đơn vị Công binh Quân đội nhân dân Lào để tìm hiểu và trao đổi, hợp tác giúp đỡ nhau.

Thiếu tướng Kèn Khăm nói:

"Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có 6 năm chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hoà bình, đồng chí đã sang thăm nước Lào lần thứ ba. Lần đầu, tôi chưa làm Tổng tham mưu trưởng. Lần thứ hai đồng chí sang giúp khảo sát lập dự án CCT, tôi đã làm việc với đồng chí, nay là lần thứ ba.

Bộ Quốc phòng Lào hoan nghênh và cảm ơn sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam nói chung và cá nhân Thiếu tướng Hoàng Kiền nói riêng đối với Cục Công binh Lào. Tôi mong các đồng chí tiếp tục quan tâm giúp đỡ Công binh Lào trong thời gian tới".

Sau đó, Tổng tham mưu trưởng giới thiệu về tổ chức Quân đội nhân dân Lào:

"Quân đội Lào cũng có đủ các quân binh chủng, nhưng lực lượng chính là lục quân có 5 Sư đoàn Bộ binh. Chúng tôi không có quân đoàn, không tổ chức quân khu. Các đồng chí có thể đến thăm các đơn vị Công binh do Cục Công binh quản lý, thăm các Sư đoàn Bộ binh có các tiểu đoàn Công binh, thăm một tỉnh đội có đại đội Công binh và nên đến tỉnh Hủa Phăn, nơi có căn cứ Sầm Nưa mà Công binh Việt Nam đã giúp xây dựng công trình trong kháng chiến chống Mỹ. Tỉnh này giáp với ba tỉnh của Việt Nam, toàn bộ biên giới Sơn La, một phần Điện Biên, một phần Thanh Hoá.

Tôi đến thăm anh em, nói chuyện một tỉnh kết nghĩa với ba tỉnh chung đường biên giới. Mỗi năm, tỉnh Hủa Phăn sang thăm ba tỉnh của Việt Nam, đón ba tỉnh sang thăm, nên cơ quan ngoại vụ vất vả lắm. Bên Lào chúng tôi không tổ chức Bộ đội Biên phòng. Nhiệm vụ Biên Phòng giao cho tỉnh đội luôn. Một đồn biên phòng của Lào đảm nhiệm và quan hệ với ba đồn Biên phòng của Việt Nam, cũng nhiều việc hơn bên các đồng chí...".

Tôi báo cáo xin đi thăm các đơn vị Công binh do Cục Công binh quản lý và các sư đoàn bộ binh, còn Hủa Phăn xa quá, dịp khác chúng tôi đi từ Việt Nam sang cho gần.

Tổng Tham mưu trưởng nhất trí và giao cho Đại tá O Xả đưa Đoàn đi, giao cho Văn phòng Bộ Quốc phòng thông báo cho các Sư đoàn đón tiếp.

Tôi hỏi:

- Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng là người dân tộc Lào gì ạ?

Đồng chí nói:

- Tôi là người Lào Thưng, cũng như dân tộc thiểu số bên Việt Nam. Ở Việt Nam, người kinh là đông nhất, bên Lào người Lào Lum là đông nhất.

- Đồng chí nói tiếng Việt được không ạ?

- Tôi sang Việt Nam nhiều lần, nhưng đều ngắn thôi, nên không thạo tiếng Việt.

Tôi nói, nếu có dịp sang thăm Việt Nam, kính mời Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm Bộ Tư lệnh Công binh.

Đồng chí vui vẻ nhận lời. Tổng Tham mưu trưởng Kèn Khăm nâng ly chúc sức khỏe đoàn, chúc tình hữu nghị giữa Quân đội hai nước, Công binh hai Quân đội ngày càng gắn bó, giúp nhau xây dựng vững mạnh.

Thăm các đơn vị

Đoàn đi thăm các đơn vị Công binh, Trung đoàn, các Tiểu đoàn, Trường sơ cấp, Đại đội kho. Đến Học viện Cay sỏn Phom vi hẳn thăm Khoa Công binh, nhưng do bạn hiệp đồng lệch giờ, nên các giáo viên lên lớp hết, không gặp được.

Thăm các đơn vị Công binh, trang bị kỹ thuật đang được Đội sửa chữa cơ động của Xí nghiệp 143 thuộc Nhà máy Z49 - Bộ Tư lệnh Công binh do Thượng tá Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc xí nghiệp và Trung tá Trần Đăng Hiếu, cán bộ Cục Kỹ thuật Công binh tổ chức giúp sửa chữa. Tình hình về đời sống các đơn vị Công binh Lào vẫn còn nhiều khó khăn, doanh trại đơn sơ, ở toàn nhà tạm cả.

Tối hôm ấy, đến thăm Trường Sơ cấp Công binh mới thành lập, đường xa khó đi, mãi 21 giờ mới đến nơi. Toàn Trường tập trung chờ. Không có điện, dưới ánh đèn dầu tù mù trên sân, học viên lớp Tiểu đội trưởng và lớp Sơ cấp kỹ thuật Công binh chuẩn bị khai giảng khoá đầu tiên. Sau khi nghe Hiệu trưởng nhà trường báo cáo, thấy còn rất nhiều khó khăn.

Tôi phát biểu, thăm hỏi, trao đổi và thông báo sẽ tặng nhà trường một bộ tài liệu đào tạo Tiểu đội trưởng Công binh, một bộ tài liệu đào tạo nhân viên sơ cấp kỹ thuật Công binh các ngành nghề, hai bộ học cụ huấn luyện cho hai đối tượng trên. Cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường rất phấn khởi.

Đồng chí Hiệu trưởng phát biểu: Lần đầu tiên, Trường được đón hai sĩ quan cấp tướng đến thăm, đồng chí Cục trưởng Cục Công binh do bận công việc hôm nay đưa Đoàn đến thăm cũng là lần đầu đến trường. Thật thông cảm với những khó khăn của bạn.

Đến thăm các Sư đoàn bộ binh, Đoàn được đón tiếp rất trọng thể và thân tình, thăm các Tiểu đoàn Công binh, điều kiện sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có khá hơn. Công tác kỹ thuật được Tổng cục Kỹ thuật quan tâm. Đội sửa chữa xe máy công binh Việt Nam đến giúp khôi phục, sửa chữa, đồng bộ trang bị kỹ thuật, đã cơ bản hoàn thành.

Sau khi đi thăm một vòng các đơn vị Công binh, chúng tôi có buổi trao đổi với Cục Công binh Lào. Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam khẳng định, hàng năm tiếp tục cử đội Sửa chữa cơ động mang theo phụ tùng, vật tư, tự bảo đảm kinh phí các mặt, sang giúp Cục Công binh Lào đến khi hoàn thành toàn bộ việc sửa chữa, khôi phục đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, đón 25 cán bộ, nhân viên Lào sang học tập, đào tạo tại Nhà máy Z49 của Bộ Tư lệnh Công binh, thời gian 3 tháng.

Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam tặng hai bộ máy đóng gạch, để Cục Công binh Lào tổ chức đóng gạch, tự xây dựng doanh trại.

Tối cuối cùng trước khi chia tay, Cục Công binh Lào tổ chức buổi liên hoan giao lưu tại Đại đội kho Công binh 52, cán bộ Cục và các đơn vị Công binh cùng vợ có mặt đông đủ. Hai bên phát biểu thân tình, nâng ly chúc sức khỏe, rồi cùng múa lăm vông đến nửa đêm, rất vui. Phút chia tay thật là lưu luyến.

Trên đường về, Cục Công binh đưa Đoàn đến thăm Sư đoàn 4, đóng quân gần thị trấn Sê Nô trên đường 9 thuộc tỉnh Sa Va Na Khét. Ban chỉ huy Sư đoàn đón tiếp, đưa đi thăm khu kỹ thuật của Sư đoàn và trọng tâm là khu trang bị kỹ thuật Công binh. Đội sửa chữa cơ động của Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam đang sửa chữa tại đây, được các đồng chí chỉ huy Sư đoàn rất khen ngợi. Hai bên trao đổi thân tình, tặng quà nhau rồi liên hoan, phòn lăm vông thật vui.

Những chuyến đi trên đất nước "triệu voi" - Bài 6: Những chuyến đi kết nối tình hữu nghị công binh Việt - Lào - 2

Ảnh minh họa

Chiều, Đoàn đi tham quan thị xã Sa Va Na Khet bên bờ sông Mê Công thanh bình tươi đẹp. Buổi tối, Đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam tổ chức liên hoan chia tay Cục Công binh Quân đội nhân dân Lào, mời lãnh đạo tỉnh Sa Va Na Khét, Tỉnh đội, Chỉ huy Sư đoàn 4 cùng dự trong không khí thắm tình hữu nghị anh em Việt Nam - Lào. Mọi người lại say sưa múa Lăm Vông cho đến khuya mới chia tay.

Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường về nước theo quốc lộ 9 qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cục Công binh tiễn Đoàn đến tận cửa khẩu biên giới. Hai bên thống nhất sẽ trao tặng hai bộ máy đóng gạch cùng các tài liệu, học cụ huấn luyện tại cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh. Chia tay, bắt tay chào nhau thật lưu luyến.

Thiếu tướng Kèn Khăm Sẻng La Thon - Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào thăm Bộ Tư lệnh Công binh 

Tháng 4 năm 2007, Thiếu tướng Kèn Khăm Sẻng La Thon, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Lào sang thăm Việt Nam. Ông đến thăm Bộ Tư lệnh Công binh, có Đại tá O Xả Păn Nha Thon, Cục trưởng Cục Công binh đi cùng.

Thiếu tướng Kèn Khăm Sẻng La Thon thay mặt Bộ Quốc phòng Lào trao tặng Huân chương Anh dũng hạng Nhì cho Bộ Tư lệnh Công binh Quân đội nhân dân Việt Nam, Huân chương Anh dũng hạng Ba cho Xí nghiệp 143/Nhà máy Z49. Niềm vinh dự tự hào của Binh chủng Công binh. Thiếu tướng Kèn Khăm mời Bộ Tư lệnh Công binh và Tư lệnh Công binh Hoàng Kiền sang thăm và làm việc, tiếp tục giúp đỡ Cục Công binh Lào vào năm 2008, chúng tôi vui mừng nhận lời.

Tháng 8 năm 2007, tôi có quyết định điều sang làm Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới, không có điều kiện sang Lào thực hiện các nội dung công tác của Công binh nữa. Các Tư lệnh tiếp theo cũng bận nhiều việc nên không có điều kiện sang thăm để hai bên kết nối giao lưu như trước.

Mấy năm sau nghe tin Thiếu tướng Kèn Khăm Sẻng La Thon qua đời, thật là thương tiếc ông...

Đón đọc >> Bài 7: Chuyến tham quan nước Lào thăm chiến trường xưa, lên thăm Pha Thí 

Hoàng Kiền

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chùm thơ “độc lạ” của Charles Baudelaire

Chùm thơ “độc lạ” của Charles Baudelaire

Thi sỹ Pháp Charles Baudelaire (1821 – 1867) là một trong những nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất ở Pháp trong thế kỷ 19, ông thuộc trường phái tượng trưng chủ nghĩa. Ông là tác giả của “Những bông hoa ác” - một trong những tác phẩm xuất sắc nhất lịch sử thơ ca Pháp, có ảnh hưởng quan trọng đến nền thơ ca thế giới, là nguồn bất tận cho thưởng thức, nghiên cứu, chiêm nghiệm thơ ca, văn h