Những chuyến đi trên đất nước "triệu voi" - Bài 5: Sang Lào khảo sát hang động, lập dự án công trình CCT

Cuộc hành quân bằng ô tô, vào rừng tìm hang động kéo dài gần hai tuần, qua nhiều tỉnh của nước bạn, đi theo đường 7, đường 8, đường 12, đường 9, đường Trường Sơn cũ....khắp dọc ngang nước Lào, gặp lại những địa danh trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ, dấu tích chiến tranh không còn, nhưng những con đường, ngọn núi, dòng sông in mãi trong đầu tôi...

Bài 1: Vượt Trường Sơn sang Lào 

Bài 2: Khảo sát đường kín

Bài 3: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" trên đường Tây Trường Sơn

Bài 4: Những đêm đi gác 

Theo sự thống nhất giữa hai bên, Bộ Quốc phòng nước ta cử Đoàn công tác sang giúp bạn khảo sát hang động, quy hoạch hệ thống công trình CCT, một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng.

Đại tá Hoàng Kiền - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh - Trưởng đoàn.

Đại tá Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu - Phó trưởng đoàn.

Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm tư vấn Khảo sát thiết kế Công trình Quốc phòng, Binh chủng Công binh cùng các kỹ sư, nhân viên khảo sát đo đạc và các trang bị kỹ thuật khảo sát đồng bộ đi cùng.

Tôi cùng anh Hà và anh em cơ quan mở bản đồ ra nghiên cứu rất kỹ địa hình toàn nước Lào, vạch ra các phương án sơ bộ, xin ý kiến chỉ đạo của các cấp. Tháng 4 năm 2003, đoàn gồm 7 cán bộ nhân viên đi máy bay hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam bay từ Hà Nội sang Viêng Chăn triển khai nhiệm vụ.

Đi vào đầu mùa hè bên Việt Nam, mùa khô, bên Lào trời quang mây, trên máy bay ATR 72 bay ngang qua Thượng Lào khá thấp, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn xuống quan sát địa hình, nghiên cứu trên không, đối chiếu với bản đồ mang theo để chuẩn bị cho phương án khảo sát thực địa. Các tỉnh khu vực Thượng Lào hoàn toàn rừng núi, rất phù hợp cho việc lựa chọn xây dựng hệ thống công trình.

Sau hơn một giờ bay, máy bay hạ cánh xuống sân bay thủ đô Viêng Chăn, cán bộ Cục Đối ngoại, Cục Tác chiến, Cục Công binh trực tiếp đón Đoàn tại cầu thang máy bay về khách sạn Lát Xa Vông của Bộ Quốc phòng Lào.

Sau khi báo cáo với Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào thông qua kế hoạch, Đại tá Thông Xay Bup Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Công binh, hiện nay là cán bộ Cục Đối ngoại và Trung tá Si Ăm Mon Phết Xổm Phu - Phó Cục trưởng Cục Công binh đi cùng đoàn. Chương trình khảo sát chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đi ô tô khảo sát sơ bộ các khu vực về báo cáo để quyết định khu vực cụ thể.

Giai đoạn 2: Đi bộ khảo sát chi tiết để lập dự án.

Hành trình khảo sát 

Đoàn Việt Nam có 7 người, bạn Lào có 2 người, quân tư trang, máy đo đạc mang theo, bạn bố trí một xe ô tô 16 chỗ ngồi. Khi đến các tỉnh đi vào đường rừng sẽ chuyển sang xe U oắt của tỉnh đội loại xe 2 cầu mới trèo đèo lội suối được. Cuộc hành quân vào rừng núi, vùng sâu, vùng xa của nước Lào được tiến hành theo phương án đã chuẩn bị trong nước và thống nhất tại Viêng Chăn, hành trình từ Thượng Lào xuống.

Một hôm đi từ Viêng Chăn đến Pạc San - Tỉnh Bu Ly Khăm Xay là xế chiều. Đã có điện báo trước, khi đến nhà đồng chí Đại tá Tỉnh đội trưởng, cửa khoá, anh em ngồi chờ từ hai giờ chiều đến tối anh mới về, đeo bịch to cá bắt được, tươi cười bắt tay chào đón chúng tôi.

Tôi hỏi:

- Đồng chí có nhận được điện từ Cục tác chiến báo xuống không?

Đại tá trả lời:

- Có chứ!

Tôi hỏi tiếp:  

- Sao không có ai đón chúng tôi?

Anh trả lời:

- Các đồng chí thông cảm, hôm nay là chủ nhật ngày nghỉ, tôi tranh thủ mang lưới đi đánh ít cá về ăn, đời sống còn khó khăn lắm. Tối nay mời các đồng chí ăn cá Lào tôi đánh lưới về nhé.

Tôi nói mấy tiếng Lào: "Khốp chay lai lai! Việt Lào xăm ma khi!" (Cảm ơn nhiều nhiều! Việt Lào vui đoàn kết!).

Chúng tôi bắt tay nhau, cùng cười. Anh đưa chúng tôi vào cơ quan Tỉnh đội để trao đổi công việc, thống nhất kế hoạch tiếp theo. Buổi tối, Tỉnh đội chiêu đãi Đoàn, có đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch tỉnh dự, anh nói tiếng Việt rất tốt, anh học bên Việt Nam từ cấp hai trở lên, chúng tôi trao đổi công việc, tình hình địa phương, thật thân tình, thể hiện mối đoàn kết hữu nghị đặc biệt hai bên.

Lần lượt qua các khu vực Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, trên địa bàn rất rộng để chọn phương án tối ưu.

Cuộc hành quân bằng ô tô, vào rừng tìm hang động kéo dài gần hai tuần, qua nhiều tỉnh của nước bạn, đi theo đường 7, đường 8, đường 12, đường 9, đường Trường Sơn cũ....khắp dọc ngang nước Lào, gặp lại những địa danh trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ, dấu tích chiến tranh không còn, nhưng những con đường, ngọn núi, dòng sông in mãi trong đầu tôi.

Những chuyến đi trên đất nước "triệu voi" - Bài 5: Sang Lào khảo sát hang động, lập dự án công trình CCT - 1

Ảnh minh họa 

Một hôm đi đến huyện VT, đường xa, lại dốc, xe U-oat chạy nóng máy, vừa đi, vừa nghỉ. Khi qua một bản dọc đường, xe phải dừng lại cho mát máy. Trong đêm tối, bỗng dưng thấy một ông cụ từ bản đi ra, mang theo chai nước. Ông mở nút, rồi tưới lên nắp ca bô xe. Chúng tôi không hiểu gì cả. Tôi hỏi, thì được biết, đây là phong tục. Ông bảo con trâu sắt nó mệt, cho nó uống rượu, để nó chạy.

Tôi nói "khốp chay lai lai, Việt Nam - Lào xăm ma khi" (cám ơn nhiều nhiều, Việt Nam - Lào vui đoàn kết).

Ông cụ cười! "Ô pà hán Việt Nam, chốp chốp" (ô, bộ đội Việt Nam, tốt, tốt). Một lát sau xe nổ máy, ông cụ vỗ tay nói to: "pay đạy  lẹo" (đi được rồi).

Chúng tôi chào cụ rồi tiếp tục hành trình tìm đến huyện VT. Hôm sau đi vào hang động rừng sâu, đoàn tổ chức khảo sát rất nhiều địa điểm trên một khu vực rộng lớn, nhiều hang động rộng, rất đẹp. Một số chỗ gần đường, bạn đã mở ra cho khách du lịch tham quan.

Đi vào núi cao, rừng thẳm, leo trèo thật gian nan, khiến tôi nhớ lại những năm tháng ở Trường Sơn thời đánh Mỹ, bao kỷ niệm trào dâng trong lòng. Hành trình khảo sát sơ bộ bằng ô tô, trên cơ sở đó lập phương án để đi bộ khảo sát tiếp theo. Những chuyến đi bộ khảo sát sẽ thật gian nan.

Trong hành trình theo quốc lộ 12, con đường ngang từ Quảng Bình - Việt Nam vượt Trường Sơn sang Lào, phía bắc đường 12 có cao nguyên Phou Ak. Nhân dịp này, tôi bổ sung kế hoạch đi vào vùng núi Phou Ak, một địa danh tôi quen thuộc trong sử sách thôi, đến chân núi đứng nhìn lên bồi hồi nhớ lại lịch sử của Trung đoàn Công binh 83 Anh hùng, đơn vị đã làm con đường đặc biệt ở đây.

Đường trượt gạo ở Phou Ak                 

Năm 1968, không quân Mỹ đánh phá đường 12 và đường 20 Quyết thắng cùng nhiều trọng điểm trên đường Trường Sơn vô cùng ác liệt, tắc đường, chiến trường thiếu gạo. Ta chuyển hướng vận chuyển lên đường 8 sang Lào rồi đi xuống Lằng Khằng trên đường 12, địch lại tập trung đánh phá, tắc đường ở khu vực Phou Ak.

Tháng 3 năm 1969, Bộ tư lệnh 500 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Công binh 83, đơn vị phối thuộc:

1. Khôi phục đường 8 từ Hà Tĩnh sang Lạc Sao - tỉnh Bu Ly Khăm Xay của Lào.

2. Tìm biện pháp thô sơ vận chuyển 3 nghìn tấn gạo từ trên đỉnh cao nguyên Phou Ak xuống chân cao nguyên Phou Ak giao cho Bộ Tư lệnh 559.

Trung đoàn trưởng Phạm Việt Cường cùng kỹ sư Trần Yến Đệ nghiên cứu địa địa hình, tìm phương án vận chuyển gạo xuống chân núi. Phương pháp đường trượt được quyết định. Kỹ sư Trần Yến Đệ thiết kế, hai tiểu đoàn của Trung đoàn Công binh 83 thi công.

Sau nửa tháng, con đường trượt bằng gỗ dài 1400 mét, rộng 1m nằm dưới tán rừng già hoàn toàn bí mật đã hoàn thành. Mỗi ngày 100 tấn gạo được thả từ đỉnh cao nguyên Phou Ak theo đường trượt xuống chân cao nguyên an toàn. Trong một tháng 3000 tấn gạo đã vận chuyển từ Bộ Tư lệnh 500 giao cho Bộ Tư lệnh 559 đầy đủ, đúng kế hoạch.

Trung đoàn Công binh 83 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng huân chương. Trong ngày lễ đón nhận huân chương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh 500 nói: "Từ trước đến nay, phương thức vận chuyển hàng vào chiến trường miền Nam có: đường gùi thồ, đường ô tô, đường sông (thuyền, túi ni nôn). Bây giờ Trung đoàn Công binh 83 mở thêm một phương thức vận chuyển mới là đường trượt. Phương thức này chưa ai có, ta cần tuyệt đối giữ bí mật".

Đường trượt nay không còn nhưng kỳ tích ấy in mãi vào đỉnh núi Tây Trường Sơn hùng vĩ trên đất nước Lào tươi đẹp đến mãi mai sau.

Với cương vị nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 giai đoạn làm nhiệm vụ ở Trường Sa, Nguyên cán bộ, chiến sĩ Công binh Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nay trở lại Trường Sơn nơi Trung đoàn Công binh 83 đã làm nhiệm vụ hơn bốn thập kỷ trước tại chân núi Phou Ak, thật bồi hồi xúc động và tự hào, tôi đã viết bài thơ

Đường trượt Phou Ak   

Đến thăm Phou Ak hôm nay

Hiểu thêm Đường trượt nơi này mở ra

Chỉ huy, Kỹ thuật tinh hoa

Trung đoàn Sông Mã - Tám Ba Anh hùng

Khó khăn gian khổ vô cùng

Ba nghìn tấn gạo vượt cung chuyển vào

Chiến trường được tiếp sức cao

"Đánh cho Mỹ cút đánh  cho nguỵ nhào"

Một trang sử đẹp tự hào

Công trình sáng tạo in vào Trường Sơn

Dẫu cho dấu tích không còn

Con đường mãi khắc dấu son sáng ngời.

Nhân chuyến đi này, tôi vào thăm làm việc với Cục Công binh Lào, trao đổi về vấn đề xây dựng lực lượng, trang bị của bạn và nhắc lại văn bản ghi nhớ. Thay mặt đồng chí Tư lệnh Binh chủng, tôi mời đoàn cán bộ Cục Công binh Lào sang thăm Việt Nam. Hai bên thống nhất chương trình kế hoạch sang thăm và những việc cần triển khai để chuẩn bị cho dự án CCT.

Những chuyến đi trên đất nước "triệu voi" - Bài 5: Sang Lào khảo sát hang động, lập dự án công trình CCT - 2

Ảnh minh họa 

Đi bộ khảo sát 

Sau khi thống nhất phương án quy hoạch sơ bộ báo cáo, được Bộ tổng tham mưu bạn cho ý kiến chỉ đạo, đoàn tiếp tục hành trình. Đến tỉnh đội K làm việc, nghỉ đêm. Hôm sau, Tỉnh đội trưởng cử một tổ 5 chiến sĩ mang súng AK có hai xe U oát đi cùng.

Tôi hỏi:

- Sao đi đông thế?

Tỉnh đội trưởng nói:

- Các đồng chí vào ba khu vực này thì hai khu vực tỉnh K chúng tôi có phỉ đang hoạt động. Tỉnh X phía trong thì không sao.

Xe đi đến huyện VT, đường rừng trèo đèo lội suối thật gian nan, đến huyện lị là hết đường ô tô, lúc đó gần nửa đêm. Cơn mưa sớm đầu mùa đổ xuống, bao điều bất lợi xảy ra. Huyện mới thành lập chưa có hàng quán gì, Đại tá Thông xay kiêm "Chủ nhiệm hậu cần" đem ba lô ra. Tôi hỏi:

- Ba lô gì mà to thế?

- Đô la Mỹ đấy!

Ai cũng ngạc nhiên, mở ra xem toàn tiền Lào loại 1000 kíp tương đương 2.500 đồng Việt Nam.

Bạn đi tìm mãi nửa tiếng sau mới về, mua được ít gạo nếp và một túi cá khô, tập trung nấu cơm, ăn xong gần nửa đêm. Nằm nghỉ ở nhà khách của huyện là cái lán mới dựng, không có nước rửa. Trời mưa, đất nhão dính nhem nhép, muốn đi vệ sinh phải ra rừng, về nhà là vắt đã nhâu nhâu bám vào chân, thật gian nan. Không có điện, không có đèn dầu, không có dây mắc màn, tạm mắc võng, chùi chân ngả lưng, mãi chả ngủ được.

Nhớ lại những kỷ niệm một thời trên đường Trường Sơn năm xưa với sáu năm, là chiến sĩ lên đến trợ lý công binh, một năm đi khảo sát đường, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng là thanh niên tuổi hai mươi, sức như Phù Đổng... Sau hơn ba mươi năm, tuổi ngoại ngũ tuần lại đi khảo sát nơi núi rừng Trường Sơn cũng trên đất Lào, nhưng lần này hoàn toàn khác. Đó là nhiệm vụ khảo sát lập dự án xây dựng công trình CCT cho bạn, một nhiệm vụ đặc biệt.

Được giao một nhiệm vụ hết sức quan trọng, một vinh dự lớn. Là kỹ sư được đào tạo tại Học viện Kỹ thuật Quân sự - Khoa Công trình Quân sự - Ngành Công sự, nay được đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, tôi quyết tâm cùng đoàn cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sáng hôm sau, làm việc với Chủ tịch huyện và Huyện đội trưởng huyện VT. Các anh ấy chỉ nhà trước mặt nói, đây là nhà một tướng phỉ mới ra hàng, xung quanh đây có năm gia đình có người theo phỉ. Qua trao đổi, tình hình chung là vùng sâu, vùng cao của Bắc Lào và Trung Lào phỉ hoạt động còn rất phức tạp. CCT phải là khu vực dân thật cách mạng, địa bàn trong sạch. Không có cách nào khác, cứ khảo sát, quy hoạch, rồi xây dựng địa bàn trong quá trình triển khai xây dựng.

Chúng tôi bắt đầu đi bộ vào rừng sâu. Có 5 chiến sĩ bộ binh của tỉnh đội mang súng AK sẵn sàng chiến đấu, ba đồng chí đi trước, 2 đồng chí đi sau bảo vệ, một trợ lý huyện đội đi cùng, vào qua bản K, dừng chân. Các cô gái Lào đang dệt vải, lần đầu tiên gặp người Việt Nam, mời ra chụp ảnh, chị em mừng lắm vì dân vùng sâu vùng xa chưa bao giờ được chụp ảnh. Tôi nói lần sau quay lại sẽ có ảnh. Huy động thêm một dân bản dẫn đường, Đại tá Thông xay kiêm "Chủ nhiệm hậu cần của" đoàn ở lại nấu ăn.

Đi được một lúc, tôi chỉ vào vách núi và nói:

- Đây là cái hang.

- Sao biết đây có hang, các anh đến đây rồi à?

- Chưa đến nhưng nhìn bản đồ là biết.

Các bạn đều ngạc nhiên. Tôi là kỹ sư công trình quân sự, học về địa chất công trình, kiến thức về bản đồ địa hình khá sâu. Thượng tá kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn và Trung tá kỹ sư Nguyễn Đức Quảng học địa chất công trình bên Liên Xô, các kỹ sư Trịnh Văn Năm, Nguyễn Ngọc Ban đều có kinh nghiệm về địa chất công trình, kinh nghiệm về công tác khảo sát, phải nghiên cứu trên bản đồ trước.

Hành trình bắt đầu, đi vào rừng sâu hun hút. Rừng ở đây còn nguyên sinh, cây cối rậm rạp, leo trèo rất vất vả. Buổi trưa, đến được hang, mừng lắm. Cả đoàn giải lao ăn lương khô.

Đoàn Việt Nam:

- Đại tá, kỹ sư công trình Hoàng Kiền

- Đại tá, cử nhân Nguyễn Thanh Hà

- Thượng tá, kỹ sư địa chất công trình Nguyễn Thanh Sơn

- Thiếu tá, kỹ sư địa chất thuỷ văn Nguyễn Đức Quảng

- Đại uý, kỹ sư công trình Trịnh Văn Năm

- Quân nhân CN, kỹ sư trắc địa Nguyễn Ngọc Ban

- Quân nhân CN, khảo sát Nguyễn Văn Mậu

Bên Lào:

- Đại tá Thông Xay Bup Phu,"Chủ nhiệm hậu cần" ở lại bản chuẩn bị ăn chiều.

- Trung tá Si Ăm Mon Phết Sổm Phu

- Trợ lý huyện đội VT

- 5 chiến sĩ bảo vệ

- 1 dân bản dẫn đường.

Ăn lương khô xong, đoàn vào khảo sát bên trong. Hang khá rộng, cao, khô ráo, cần cải tạo là sử dụng tốt, đường vào kín đáo, bảo đảm yếu tố ngụy trang bí mật trên không.

Buổi chiều, quay về bản nghỉ ngơi, ăn cơm. Dân Lào chỉ ăn cơm nếp. Thế là cứ ăn cơm nếp suốt hành trình. Thức ăn "hậu cần" cho nhiều ớt lắm, tôi bị viêm họng, đêm hôm ấy ho suốt, không ngủ được. Nằm trên nhà sàn của dân bản, tôi và bạn Thông xay tâm sự đến quá nửa đêm.

Bố mẹ anh là cán bộ cách mạng Lào, anh sang học tại Việt Nam từ nhỏ, hết phổ thông sang học bên Liên Xô ngành công binh rồi về công tác tại Cục Công binh Lào. Gia đình có hai anh em trai đều không lấy vợ. Tôi kể lại cuộc đời quân ngũ của tôi, gắn bó với nước Lào thật là sâu đậm. Chúng tôi coi nhau như anh em trong nhà, tôi khuyên bạn nên lấy vợ, bạn nói có lẽ ở độc thân suốt đời.

Những ngày sau, tiếp tục đi khảo sát các hang động khác, gần một tuần hoàn thành kế hoạch khu A.

Tiếp tục chuyển sang khu B ở huyện LX, cũng hành trình liên tục. Sau tổng số 8 ngày, xong việc khảo sát các hang động khu A và khu B. Tiếp tục sang khu C ở huyện M tỉnh X. Theo điểm đánh dấu trên bản đồ đã chọn, biết đây là một hang lớn. Hết đường ô tô, đoàn đi bộ vào, leo qua quả núi gặp bờ suối, cứ theo bờ suối là đến cửa hang.

Trước cửa hang có một đoạn suối rất rộng, nước xanh trong vắt, có mấy đôi nam nữ dẫn nhau vào tham quan, chụp ảnh. Vào trong, tất cả đều ngỡ ngàng. Hang rộng, dài, trần cao. Đây là một hang động lý tưởng có thể làm khu căn cứ  rất phù hợp. Đáng tiếc là địa phương không quản lý, dân đã vào tham quan tự do và đang có kế hoạch mở ra dự án du lịch ở đây. Tuy vậy vẫn là khu C dự bị, sẽ sử dụng khi có tình huống cấp bách. 

Giai đoạn một đã hoàn thành. Suốt chục ngày, ngày nào cũng ba bữa cơm nếp, xôi, đồ ăn cứ đỏ lừ màu ớt, tôi bị ho nói không ra tiếng nữa. Thế giới đang có dịch Sars, nên cũng lo. Tôi bàn với anh Hà về Viêng Chăn báo cáo. Thiếu tướng Kèn Khăm Sẻng La Thon - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào nghe xong, thống nhất như phương án chúng tôi đã chọn, để chuyển sang giai đoạn hai, khảo sát lập dự án CCT và trao đổi với chúng tôi là đề nghị Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp Lào về xây dựng.

Đại tá Hoàng Kiền và Đại tá Nguyễn Thanh Hà về nước trước. Xuống sân bay Nội Bài, có xe quân y đón đưa vào Bệnh viện quân y 354 để kiểm tra ngay, may mà không phải bệnh Sars.

Năm nay trở lại Trường Sơn

Trèo đèo lội suối núi non điệp trùng

Hang sâu hiểm trở tận cùng

Đã qua mấy tỉnh núi rừng bao la

Một đoàn công tác bạn - ta

Phối  hợp Khảo sát trải qua chục ngày

Trí tâm nhiệt huyết chung tay

Vinh quang nhiệm vụ nồng say nghĩa tình

Tự hào truyền thống Công binh

Lập nên dự án công trình dựng xây

Trọng trách nhiệt huyết tràn đầy

Tự hào nhớ mãi những ngày đã đi.

Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn phụ trách bộ phận ở lại tiếp tục khảo sát, lấy số liệu chi tiết lập dự án. Đại tá Thông Xay vẫn kết hợp làm "Chủ nhiệm hậu cần" cho đoàn và lực lượng bảo vệ cùng đi. Sau 20 ngày nữa, hoàn thành kế hoạch khảo sát.

Về Việt Nam họp Đoàn, thống nhất qui hoạch các khu A, B, C,  tập trung lập dự án. Với cương vị Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh tôi trực tiếp chỉ đạo lập quy hoạch. Đoàn công tác của chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao, đưa ra các phương án dự kiến, báo cáo các cấp, hồ sơ được gửi sang để bạn lựa chọn quyết định.

Năm 2004 tôi là Tư lệnh Công binh, nhận được Điện thoại của Đại tá Thông Xay. Anh thông báo sang Việt Nam học một năm ở Trường của Tổng cục 2. Tôi đến đón bạn về nhà chơi, ăn cơm. Bạn tặng tôi đôi ngà voi. Năm 2006, bạn sang Việt Nam công tác, đến thăm nhà tặng chiếc đồng hồ và tác phẩm điêu khắc, cả 3 hiện vật rất đẹp đều bằng gỗ quý, biểu tượng của đất nước "triệu voi".

Đã nhiều chuyến sang Lào công tác, tham quan, tôi đều đến thăm Cục Công binh, các đơn vị Công binh Lào; các anh cán bộ Công binh Quân đội nhân dân Lào. Chúng tôi giao lưu với nhau như những người anh em thân thiết, lần nào Đại tá Thông Xay cũng có mặt, rất thân tình.

Sau đó anh sang làm Trưởng phòng tuỳ viên Quốc phòng Đại sứ quán Lào tại Hà Nội. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau cho đến khi anh hết nhiệm kỳ.

Cách đây mấy năm, Đại tá Thông Xay điện, thông báo đã thay thận tại Việt Nam, chúng tôi chúc mừng ca ghép thành công. Thiếu tướng Hoàng Kiền, Thiếu tướng Nguyễn Thành Định lên Đại sứ quán Lào tại Hà Nội thăm tặng quà bạn. Khỏi bệnh, trước khi về nước, anh điện thoại mời chúng tôi lên chia tay, thật cảm động. Tôi nói, thay thận, khỏe rồi về lấy vợ đi thôi, bạn lắc đầu. Bố mẹ là cán bộ của Đảng và nhà nước Lào, nhưng Đại tá Thông Xay và anh trai đến khi ấy đều chưa lấy vợ.

Ít lâu sau, Đại tá Thông Xay sang Việt Nam để kết nối quan hệ giữa lực lượng Công binh hai nước trong giai đoạn mới. Anh em tổ chức buổi giao lưu thật sâu đậm nghĩa tình. Phía Việt Nam có Thiếu tướng Hoàng Kiền, Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến, Thiếu tướng Nguyễn Thành Định, Đại tá Trần Đăng Sơn, Đại tá Nguyễn Trọng Thanh. Công ty Tây Trường Sơn có anh Phạm Ngọc Hùng, chị Phạm Phượng, anh Thanh Sơn...

Phía Lào có Đại tá Thông Xay, Đại tá Bang Sỉ - Trưởng phòng Tuỳ viên và hai đồng chí Phó phòng Tuỳ viên quốc phòng Lào tại Hà Nội...

Chúng tôi trao đổi rất nhiều về quan hệ Lào - Việt, tình hữu nghị giữa hai nước được hình thành trải qua các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc của hai Đảng, Nhân dân và Quân đội hai nước. Máu xương của nhân dân hai nước đã đổ xuống, tô thắm tình hữu nghị thuỷ chung son sắt! Hãy cùng nhau giữ gìn và truyền cho con cháu chúng ta giữ gìn, không thể để cho bất cứ thế lực nào phá hoại hoặc làm phai nhạt.

"Việt Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long"

Đánh Mỹ cùng lập chiến công

Xây dựng bảo về đồng lòng giúp nhau.

Chúng tôi cùng vui nói với nhau rằng:

Pa xa xôn Việt - Lào xăm ma khi! (Nhân dân Việt - Lào vui đoàn kết!)

"Thương nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua

Việt Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long"

Mặt trời vẫn mọc đằng Đông

Nghĩa tình Lào - Việt mãi không phai nhoà

Khó khăn gian khổ vượt qua

Con đường phía trước, bài ca sáng lòng!

Viếng đại tá Thông Xay Bup Pha

Được tin Đại tá Thông Xay Bup Pha - Nguyên Cục trưởng Cục Công binh Quân đội nhân dân Lào từ trần ngày 4 tháng 1 năm 2022 tại Thủ đô Viêng Chăn, thật là thương tiếc người bạn gắn bó thân tình của tôi.

Nhờ Giám đốc Công ty Tây Trường Sơn - Phạm Thị Phượng, trụ sở tại Viêng Chăn giúp gửi vòng hoa kính viếng. Tôi liên lạc với Trung tá Vi Khon - Trưởng phòng Cầu đường, gặp Đại tá Viêng Xay - Cục trưởng Cục Công binh Quân đội nhân dân Lào thăm hỏi chia buồn với Cục Công binh Lào.

Đại tá Viêng Xay đã cử đoàn 5 sĩ quan thay mặt gia đình Thiếu tướng Hoàng Kiền đưa vòng hoa vào viếng. Qua video clip bạn gửi sang, gia đình chúng tôi thật cảm động. Tôi điện sang chân thành cám ơn Đại tá Viêng Xay cùng các cán bộ Cục Công binh Lào và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Đại tá Thông Xay Bup Pha. Tôi đem đôi ngà voi, chiếc đồng hồ treo tường, tác phẩm điêu khắc ra lau chùi đặt trên bàn nhìn mãi, nhớ người bạn công binh Quân đội nhân dân Lào rất thân thiết, tiếc thương đau xót vô cùng.

Đón đọc >> Bài 6: Những chuyến đi kết nối tình hữu nghị công binh Việt - Lào 

Hoàng Kiền

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.