Những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử thành phố Đà Lạt
Cùng hai công trình “Đà Lạt, một thời hương xa”, “Đà Lạt, bên dưới sương mù”, cuốn “Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ” tạo nên bộ ba khảo cứu tái hiện lịch sử, chân dung thành phố.
Một số nhà văn thường chọn cho mình một mảnh đất để gắn bó, viết về. Từ bao giờ, ngòi bút Nguyễn Vĩnh Nguyên tìm về những dấu chỉ, trầm tích, vẻ đẹp của Đà Lạt, để rồi cho ra đời các cuốn sách biên khảo công phu, những tác phẩm đầy suy tư như: Đà Lạt một thời hương xa, Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách, Đà Lạt bên dưới sương mù, Ký ức của Ký ức.
Sách Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ. Ảnh: NXB Trẻ. |
Tiếp tục đi sâu vào những khía cạnh khác nhau của thành phố, mới đây Nguyễn Vĩnh Nguyên cho ra mắt Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ - Con người và đô thị Đà Lạt 1899-1975.
Sách kể về những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử của thành phố. Đó là cuộc gặp của hai người Pháp với ý tưởng khai sinh ra thành phố. Đó là cuộc gặp của những nông dân đầu tiên làm nên những nhà vườn, nông trại truyền thống; cuộc gặp của những chính khách, giới thượng lưu, các tao nhân mặc khách, giới nghiên cứu…
Qua sách, bạn đọc có thể biết thêm về những cuộc gặp gỡ thú vị giữa Hàn Mặc Tử và Quách Tấn, giữa hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, giữa Toàn quyền Doumer và nhà khoa học Yersin…
Mỗi nhân vật, mỗi cuộc gặp đều mang tới hình ảnh, hình dung về những gì kiến tạo nên đời sống tinh thần của thành phố cao nguyên. Qua những cuộc gặp ấy, có thể thấy tính cách đặc thù của Đà Lạt: Sự trung lập, hài hòa, và lịch thiệp. Bên cạnh đó, sách còn có những mô tả về biểu tượng kiến trúc, các hình thái sinh hoạt văn hóa, các dấu tích…
Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nguồn: Tạp chí Tia sáng. |
Bạn đọc từng say mê Đà Lạt một thời hương xa (sách tái bản 6 lần trong 5 năm) hay Đà Lạt bên dưới sương mù chắc chắn sẽ tìm được nhiều điều hấp dẫn trong Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ. Cùng hướng tiếp cận mới, nguồn sử liệu khách quan (từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2), những văn bản xưa cũ… Nguyễn Vĩnh Nguyên đã tái hiện chân dung con người và đô thị Đà Lạt.
Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên cho rằng để sống với một thành phố, không chỉ cần tình yêu mà còn cần trách nhiệm, sự gắn bó lý tính. Công việc biên khảo, tìm hiểu, nghiên cứu bên chồng hồ sơ, văn bản bắt nguồn từ chính thắc mắc muốn tìm hiểu, đi sâu vào đời sống, tâm thức của thành phố.
Bình luận