Những diễn ngôn hoàn toàn mới trong thơ “cách cổ hoài tân” của Đặng Thân

Là nhà văn, nhà thơ, nhà bình luận tư tưởng, tác giả Đặng Thân đã xây dựng một hệ từ vựng mới mẻ, độc đáo, sáng tạo cho ngôn ngữ Việt Nam. Tác phẩm “Về trung - Thơ cách cổ hoài tân” chính là sự tiếp nối hành trình đam mê tìm kiếm những khoảng không giới hạn cho sự sáng tạo ngôn từ của ông.

Những diễn ngôn hoàn toàn mới trong thơ “cách cổ hoài tân” của Đặng Thân - 1

Buổi giao lưu với tác giả Đặng Thân về cuốn sách “Về trung - Thơ cách cổ hoài tân” do Tri Thức Trẻ Books tổ chức có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ.

Tại buổi giao lưu với tác giả Đặng Thân về cuốn sách “Về trung - Thơ cách cổ hoài tân”, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đã chỉ ra những ý tứ sâu xa trong nhan đề tác phẩm.

Ông cho rằng, “Về trung” ở đây không phải là về miền Trung, không phải là về với văn học trung đại, cũng không phải về trung điểm, trong khi cuộc đời và nghệ thuật luôn trong một thế cân bằng động, nên thực tế là không có điểm giữa. Mà văn chương Đặng Thân như muốn tìm một nghỉ ngơi, tức là cũng cho độc giả nghỉ ngơi ở một thứ thơ ch[tr]iết tr[ch]ung và tác giả gọi đó là thơ cách cổ hoài tân. Cách tân thơ cổ [điển] và để thơ tân [thời] hoài niệm cái cũ.

Những diễn ngôn hoàn toàn mới trong thơ “cách cổ hoài tân” của Đặng Thân - 2

Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy chia sẻ về nhan đề tập thơ.

Sự xuất hiện của Đặng Thân với tư cách là “đại diện cho một chủ thể diễn ngôn hoàn toàn mới”, là một may mắn cho văn chương Việt trong bối cảnh khủng hoảng văn hóa tranh luận “đối thoại phản biện”, “phản tư” kéo quá dài.

GS. Trần Đình Sử nhận định, trong hiện thực văn chương đương đại với những cấu trúc, chủ đề, thủ pháp dường như na ná nhau, Đặng Thân vẫn tiếp tục con đường riêng của mình, anh đã làm một điều dũng cảm, táo bạo, tạo ra những khác biệt trong văn học Việt Nam khi dày công sáng tạo một con đường văn học riêng khác biệt như thế.

Những diễn ngôn hoàn toàn mới trong thơ “cách cổ hoài tân” của Đặng Thân - 3

GS. Trần Đình Sử chia sẻ về thơ của Đặng Thân.

Với triết học, ông đã thăng hoa, khoáng hoạt, tươi vui... một cách “phạc nhiên” mà lật lại nhiều vấn đề, đối thoại với các nhà triết học và tôn giáo nhân loại từ tiền Socrates đến ngày nay. Với thi ca, đa phần ông đã sáng tạo bằng cảm hứng triết học, đẩy cảm xúc xuống tầng sâu.

Nếu pha một ít cách đọc thi ca vào đọc triết lí của Đặng Thân hoặc pha một ít cách đọc triết học vào đọc thi ca của Đặng Thân thì mới tránh được lối tiếp cận “bì phu” thô thiển, biết “cân bằng trong hỗn loạn” mà thâm nhập vào tư tưởng siêu minh triết của tác giả.

Những diễn ngôn hoàn toàn mới trong thơ “cách cổ hoài tân” của Đặng Thân - 4

Cuốn sách “Về trung - Thơ cách cổ hoài tân”.

Với lối nói giễu nhại, sử dụng nhiều “từ lóng” một cách thần tình, văn thơ Đặng Thân tràn đầy sự lôi cuốn, hấp dẫn với những ai bắt kịp tư tưởng của ông. Thơ Đặng Thân là âm thanh của những “cọng lông siêu độ vang choang choang” (Suến đuên 3), là “lời vô định trào ra từ đại định” (Suến vô định 1). Âm thanh ấy có sức mạnh náo động bờ mê, bến lú, thức tỉnh những u mê - u mê triết học, u mê tôn giáo, u mê chính trị, và cả u mê nghệ thuật, đã ám lấy con người hằng bao thế kỷ.

“Về trung”? Đúng hơn là “trung” về. Điệu cười, phách hát của những Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu, Tản Đà... được hóa giải bằng giọng điệu phạc nhiên bát ngát, ngôn ngữ hậu hiện đại, độc lạ... cho người đọc những phút giây đầy sảng khoái, đầy bất ngờ, thú vị.

Tuy xuất hiện với những cái tên khác lạ, câu chữ khác lạ: “Những bài suến đuên”, “Những bài suến đượi”, “Những bài suến bờ muê”, “Những bài suến thi bá”, “Những bài suến chương”,… nhưng bài nào trong tập thơ cũng đều ra đời có lý do. Tác giả ghi rõ chúng được sáng tác nhân dịp gì, ngày nào, tháng mấy, năm bao nhiêu và theo như GS. Trần Đình Sử nhận định: “đó là dấu tích tâm hồn của nhà thơ đặt vào bài thơ ấy, như vậy, cả tập thơ đều sẽ lưu dấu của nhà thơ”.

Những diễn ngôn hoàn toàn mới trong thơ “cách cổ hoài tân” của Đặng Thân - 5

Tác giả Đặng Thân chia sẻ tại chương trình.

Các chia sẻ tại buổi giao lưu đều cho rằng thơ Đặng Thân khó hiểu, nó không dành cho số đông và ngay cả những người trong nghề cũng khó có thể hiểu hết.

Đặng Thân là người giải mã cấu trúc, giải mã những lý thuyết, những niềm tin của nhiều người và nhiều khi chỉ ra những điều khiến người ta phải hoài nghi về chúng. Theo mạch giả tưởng, nhà thơ đi theo những nhịp điệu thơ cổ, với ngôn ngữ hỗn hợp vừa trang trọng vừa suồng sã. Có nhiều bài ông “phá tung” cái cấu trúc đó ra với những từ khó tìm thấy trong tiếng Việt hiện đại.

Tất cả các yếu tố trên đều có sự cải biến hậu hiện đại, làm hiển lộ một trong những tiếng nói đương đại độc đáo. Nó để cho độc giả có cảm giác khó hiểu và đòi hỏi họ phải đọc đi đọc lại nó nhiều hơn với sự kiên nhẫn, sự tập trung nhiều nhất có thể và độc giả có thể sẽ vỡ ra điều gì đó có giá trị với mình trong một lần đọc nào đó.

Đặng Thân (sinh năm 1964) là một nhà văn viết song ngữ (Việt – Anh), ông là một cây bút tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tiểu luận với phong cách độc đáo. Ông là đại diện cho một chủ thể diễn ngôn hoàn toàn mới, với việc tạo ra chủ thể lời nói mới, thể loại diễn ngôn mới và từ vựng mới.

Một số tác phẩm đã xuất bản của ông: Tập truyện “Ma Net” (2008), tiểu thuyết “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]” (2011), Tập tiểu luận và phê bình “Dị-nghị-luận Đồng-chân-dung” (2013), Thơ “Không hay” (2014),…

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tôi nợ cuộc đời này cả những thương đau”

“Tôi nợ cuộc đời này cả những thương đau”

Chiến tranh đã lùi rất xa. Cuộc đời đã sang một trang khác. Con người cũng đã chuyển sang một trạng thái tinh thần khác. Nhưng dư ba của chiến tranh thì chưa hề ngưng trong mỗi tâm hồn. Cuộc sống mới với sự ồn ào, náo nhiệt cần có của dựng xây, kiến thiết, nhưng cũng cần có những giây phút bình yên như mặt biển “vùi sâu dưới đáy những gì đau thương” (“Biển hát chiều nay” - Hồn