Phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống

(Arttimes) - Lê Thấu viết chầm chậm, kỹ lưỡng không ào ạt theo phong trào có lẽ vì thế mà anh thai nghén quá lâu để rồi sau lần nhận giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội đến nay bạn đọc mới lại được gặp anh. Gặp anh lần này trong một tập sách khiêm nhường với sáu truyện ngắn cũng với một cái tít giản dị "Trong căn nhà sàn bé nhỏ". Nhưng dung lượng nội dung và nghệ thuật của cuốn sách cũng như hình thức bên ngoài thì không “bé nhỏ”.

Phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống - 1 Tập truyện ký "Trong căn nhà sàn bé nhỏ" của Lê Thấu

Văn chương đòi hỏi sự sống hết mình, viết hết mình mới hy vọng có một cái gì đó. Những trang viết của Lê Thấu có được điều đó. Mặc dù rút khỏi “chiến trường” Tây Nguyên đã lâu nhưng vùng đất và con người nơi anh đến, nơi anh sống và đi lại ngót một thập niên vẫn ám ảnh anh trong những trang viết. Mặc dù dưới những thiên truyện tác giả đều ghi thời gian khoảng từ năm 1983 dến 1985 và nội dung câu chuyện cũng xảy ra trong thời điểm ấy nhưng cái tình người, cái tâm của tác giả không bó hẹp trong khung thời gian. Hơn thế trong quá trình hoàn chỉnh tác phẩm để nó đến tay bạn đọc, tôi chắc tác giả đã có điều chỉnh trong cách nghĩ cách nhìn, mới mẻ và trầm tĩnh hơn.

Vùng đất này từng là chỗ dựa tinh thần cho con nguời trong hai cuộc kháng chiến, đã từng là quyết chiến điểm phân định sự thua thắng của cuộc chiến. Đó chính là con người, là cuộc sống là những gì trăn trở mà Lê Thấu ký họa. Những nét ghi lại bằng tâm huyết, bằng ngòi bút tài hoa, tác giả đã góp phần tạo nên bức tranh hoành tráng về Tây Nguyên. Chất Tây nguyên in đậm trong lòng người đọc nhờ những chi tiết, những trang viết đi tới cùng không nửa vời, nhờ sự ba cùng ăn ở làm việc chứ không phải là sự tham quan tìm hiểu của một nhà báo, thoáng chốc ẩn hiện lấy tư liệu. Ở đây là những tư liệu, những chi tiết được tưới tắm bằng tâm hồn, bằng sự cảm thông và sáng tạo.

Tây Nguyên, Hà Nội gắn bó máu thịt với những trang viết của Lê Thấu, bởi số phận của anh gắn bó với số phận thăng trầm của hai địa danh ấy. Vài nét thoáng qua về một người mẹ Hà Nội trong Mặt trời xanh lá cây thật cảm động. Người mẹ xót xa khi tiễn đứa con đi, người mẹ ân hận trước sự lựa chọn bước đi của đời mình, đời con. Đúng sai còn chờ “cái quan định luận” nhưng đọc lên sao mà thương mà buồn đến thế. Ôi những người mẹ tảo tần chu đáo mà không nói ra lời. Cũng chỉ những người con đi xa, người con giàu lòng thương nhớ mới cảm nhận tinh tế đến như thế. Anh thấy trời đêm thành phố “dài hơn, sâu hơn” “lá khô chạy rào rào trên lòng đường” và vương vấn mãi về “những buổi chiều mùa thu lành lạnh” khiến cây cối cũng trầm ngâm (trang 82, 83). Vậy mà khi viết về Tây nguyên ngòi bút tác giả lại dữ dằn quyết liệt như chính bản thân sự sống “Vợ anh, người con gái ở một làng ven sông Hồng, đi bộ đội chiến đấu ở Tây Nguyên hàng chục năm trời không chết, lại chết vì một nhát xà gạc của bọn Phun-rô ở ngay cạnh con sông Ea Krong xa xôi”. Rồi một cô gái mảnh mai phải kêu lên: “Các anh chặt phá rừng mãi rồi mà không run tay ư?”. Người già suốt đời gắn bó với rừng nhờ rừng mà sống mà đánh giặc phải ngửa cổ kêu trời: “Bây giờ rừng đi đâu mất hết!”.

Sự gay gắt trong cuộc sống Tây Nguyên diễn ra từ hai phía ta với địch và cả ta với ta. Cuộc đấu tranh diễn ra cả trong những quan niệm tập tục xưa cũ với cái mới và cả trong những chủ trương sai lầm “Cứ làm chung ăn chung thế này không ai muốn làm rẫy to nữa”. Những quan sát hiện thực đời sống cộng với những trực cảm dự báo của người cầm bút, Lê Thấu đã chỉ ra cái tất yếu phải như thế nào đối với Tây nguyên. Mối tình rừng nguyên sơ mà đằm thắm thủy chung của những con người chân thật như cây như đất. Nàng Hờ Yên xinh đẹp đa tình đứng trước sự lựa chọn giữa hai người đàn ông, giữa hôn nhân và tình yêu chứ không phải chỉ là sự lựa chọn giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Cuối cùng thì tình yêu và chính nghĩa tất thắng. Nhưng con người đâu có phải lúc nào cũng rạch ròi. Nàng vẫn ở với chồng là Y Đăm mà vẫn âm thầm ôm ấp hình bóng chàng Y Đoai.

Cuộc sống gay gắt dữ dằn không phải chỉ là sấm chớp, đất đá, lũ bão của Tây Nguyên mà còn là hợp tan ly biệt của mỗi số phận, mỗi gia đình. Những bức thư của Trâm trong Xóm núi mang nhiều ý nghĩa xã hội. Người cha cách mạng thân kính sau trở thành người phản bội đáng nguyền giận. Người chồng mẫu mực lý tưởng thành kẻ lỗi lầm. Tất cả những đau đớn mất mát ấy cuối cùng không thể tìm kiếm được sự an ủi ở cuộc sống tiện nghi đầy đủ nơi đông đúc phồn hoa mà chỗ tì vịn của con người lại ở Xóm núi, ở miền rừng xanh núi đỏ thiếu cơm nhạt muối. Những đa đoan của thói sống thị thành chỉ có thể gửi niềm hy vọng ở nơi con người và cuộc sống còn giữ được bản ngã chưa bị tha hóa.

Cái hay của văn chương nghệ thuật trước hết là đào sâu vào những giá trị nhân bản và từ đó tìm ra cách thể hiện đạt hiệu quả cao về nghệ thuật. Nói cái gì đã quan trọng nhưng nói như thế nào còn quan trọng hơn. Đề tài Tây Nguyên không ít người viết, nhất là thể loại ký sự, phóng sự rồi tiểu thuyết, truyện ngắn có cả. Song, thành công ở mảng đề tài này thật không dễ. Nếu không đằm sâu vào con người và cuộc sống khó có thể đào bới được gì ở mảnh đất này. Hơn thế cảm xúc về thi ca âm nhạc ở đây thường thuận lợi hơn, nó ào ạt xô đẩy, bốc lửa mạnh mẽ, còn những gì cần đào sâu vào tiềm thức như văn xuôi thật không dễ dàng.

Có lẽ vì thế Lê Thấu đã tìm ra cách thể hiện của mình, tuân theo thi pháp truyền thống nhưng bút pháp linh hoạt, tả kể xen kẽ, hiện tại, quá khứ đồng hiện. Trần trụi đời thường và cũng lãng mạn hư ảo trong liên hết các sự kiện, các số phận tạo nên những trang truyện hấp dẫn. Có thể nói cách cấu trúc tự nhiên như Tây Nguyên có ảnh hưởng trong văn anh. Lê Thấu là nhà báo nhạy cảm với những vấn đề chính trị, cho nên có vẻ khuôn phép trong nội dung, vậy mà đôi lúc cũng phóng túng trong cách nghĩ, cách bình giá hiện thực và có những dự báo về vấn đề rừng, vấn đề nước, vấn đề mô hình kinh tế như trong Xóm núi, trong Người đi tìm nguồn nước. Truyện của anh nhỏ xinh không có cốt truyện rõ ràng, trong đó có cả truyện lẫn ký. Cảm giác chung là buồn Ở nơi buồn muôn thuở mà. Một nỗi buồn giàu ý nghĩa nhân văn và thẩm mỹ. Tập sách găm vào lòng người đọc một mũi tên, mũi ná Tây Nguyên. Bên cạnh nét đẹp hoa văn cách điệu của chiêng ché, của y phục, của mái nhà rông là sự vạm vỡ của những chàng trai, cô gái ở trần với cơ bắp và bộ ngực hừng hực sức sống Tây Nguyên, cái đẹp nguyên sơ thô tháp.

Có lẽ chàng thư sinh Hà Nội quá đắm chìm trong những trang ký họa phác thảo mà quên dựng cho mình bức tranh sơn dầu, sơn mài hoàn chỉnh, mặc dù đã có đủ chất liệu. Những ấn tượng và ám ảnh của những chi tiết những mảnh đời “thấu” đạt thế thái nhân tình giá được liên kết lại thành những số phận bi tráng, nhiều nét bi hoài có thể tìm được những giọt nước mắt đồng cảm của người đọc ở những nhân vật, những hình tượng dài rộng hơn, có tính khái quát cao hơn về con người và cuộc sống Tây Nguyên.

Vết thương tinh thần trong mỗi con người, những tấn bi kịch gia đình, xã hội trong các thiên truyện nhỏ xinh như Xóm núi, Trong căn nhà sàn bé nhỏ có thể làm rớm máu tinh thần xã hội. Đó là những giọt nước mắt đau thương và cảnh tỉnh. Nó kêu gọi mọi người hướng về vùng đất này như một nơi trở về nguồn cội.

Cũng còn tiếc, chất tản văn và sự tỉnh táo của ngòi bút nhà báo đã khiến cho những vấn đề xã hội chưa được đẩy tới trong quá trình sáng tạo. Cái hay cái đẹp là mong muốn vô cùng vô hạn của người đọc. Dù sao đây cũng là một tập sách nhỏ nhưng mà lớn, ít nhưng mà tinh.

TRỊNH ĐÌNH KHÔI None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.