Tình sử Nguyễn Trãi Kỳ 1: Những câu chuyện chưa kể

(Arttimes) - Trong chế độ đa thê, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì với một Nguyễn Trãi đa tài; đa tình, đi lại nhiều nơi trên đất nước cũng dễ dẫn tới những sự kiện hấp dẫn, đáng lưu. ý.

Theo gia phả các chi họ Thất Khê (Cao Bằng) và Vũ Ẻn (Phú Thọ) thì vợ cả Nguyễn Trãi họ Trần, vợ thứ họ Phùng; vợ nữa là Phạm Thị Mẫn, người sinh ra Nguyễn Long (tức Phạm Vũ) . Nhưng theo Nhị Khê Nguyễn tộc thế phả thì Nguyễn Trãi có 4 vợ 8 con: - Bà Trần Thị Thành sinh 3 con trai: Khuê, Ưng; Phù; - Bà họ Phùng sinh 2 trai, 2 gái: Bản, Tích; Thị Trà, Thị Phương; - Phạm Thị Mẫn sinh Anh Vũ; - Bà Nguyễn Thị Lộ không con. Nhị Khê Nguyễn tộc gia phả chép khác là: Nguyễn Trãi 3 vợ sinh 4 trai, 1 gái: - Bà Trần Thị Thành sinh ra Hồng Tiệm, Hồng Lục, Hồng Quý và Thị Đào (có thuyết cho rằng Thị Đào về sau lấy Lê Thánh Tông gắn với truyền thuyết tiên đồng ngọc nữ; có thuyết đồng nhất Thị Đào với Nguyễn Thị Hằng con gái (có thể là con gái nuôi) của đại thần Nguyễn Đức Trung; - Bà Phạm Thị Mẫn sinh ra Anh Vũ; - Bà Nguyễn Thị Lộ không con. Nhưng trong báo Người Hà Nội ra ngày 24 tháng 10 năm 2003 có bài Tìm hiểu phả hệ dòng họ Nguyễn Trãi của Nguyễn Khắc Minh; Trưởng ban quản lý Côn Sơn - Kiếp Bạc thì cho rằng Nguyễn Trãi có 5 vợ: - Bà họ Trần sinh ra Khuê, Ưng, Phù; - Bà họ Phùng sinh ra Thị Trà; Nguyễn Bản, Nguyễn Tích; - Bà Thị Lộ không có con; Bà Phạm Thị Mẫn sinh ra Nguyễn Anh Võ; - Bà họ Lê sinh ra con cháu ở chi Quế Lĩnh, Phương Quất; huyện Kim Môn tỉnh Hải Dương.

Tình sử Nguyễn Trãi Kỳ 1: Những câu chuyện chưa kể - 1 Đại thi hào Nguyễn Trải là người tài hoa, đa tình trong lịch sử 

Có mấy vợ, nhưng Nguyễn Trãì chỉ có Nguyễn Thị Lộ là người được ghi chép nhiều nhất trong các văn bản Hán Nôm (và với phong cách đặc biệt của bà) mà để lại ấn tượng sâu sắc trong sử sách văn chương nước ta. Hiện nay, chỉ tính riêng kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có tới hàng chục tác phẩm ghi lại những truyền thuyết về tình của bà với Nguyễn Trãi như Nguyễn Đình tộc phả (ký hiệu VHv2428), Việt Nam tiền cổ vĩ nhân truyện (ký hiệu VHv289) Nam thiên tiêu biểu (ký hiệu VHv1892), Việt Nam danh nhân sự tích liệt truyện (ký hiệu VHv2407); Dã sử tạp biên (ký hiệu VHvl340), Bản quốc kỷ sự (ký hiệu A.1788), Lê Kỷ (VHvl587)... Đây còn chưa kể đến các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục... để lại những tư liệu hấp dẫn. Chẳng những nhiều tác giả trong nước viết về Nguyễn Thị Lộ, mà người nước ngoài cũng viết: Nữ văn sĩ Pháp. Yveline Féray viết tiểu thuyết Vạn Xuân trong đó có viết về mối tình Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ nối tiếp mối tình cha mẹ ông là Nguyễn Phi Khanh và TrầnThị Thái. Còn ở trong nước: Theo Gia phả họ Nguyễn Nhị Khê: “Nguyễn Trãi lúc thiếu thời gặp Nguyễn Thị Lộ ở Vũ Lăng, mến tài sắc nên rất ưng thuận”; hay “đến thời Nhuận Hồ ông gặp được cô gái là Thị Lộ thấy nàng tinh thông văn nghĩa, ứng đối linh hoạt nên vui mến mà ấy làm vợ”... “Đến thời Minh chiếm nước ta, Thị Lộ bán cháo ở bến sông..,”. Song theo một số tài liệu thành văn khác (trong đó có tư liệu của Giáo sư Bùì Văn Nguyên) và theo truyền thuyết dân gian thì ban đầu Nguyễn Trãi gặp Nguyễn Thị Lộ ở Hồ Tây vào thời thuộc Minh, lúc ông bị giặc Minh giam lỏng ở một góc phía nam thành Đông Quan nhưng vẫn được đi lại trong hạn chế ở nội thành và vài nơi ngoại thành (sau khi trình diện).

Tình sử Nguyễn Trãi Kỳ 1: Những câu chuyện chưa kể - 2 Học sĩ Nguyễn Thị Lộ - Người vợ của Nguyễn Trãi được sử sách ghi lại nhiều nhất 

Một chiều mùa thu, bước chân quen thuộc dẫn Nguyễn Trãi đến với Hồ Tây mộng mơ; huyền diệu. Ông gặp người con gái ấy và xúc cảm buột miệng đọc lên mấy vần thơ: Quê ở đâu ta, bán chiếu gon Trời đã về tới, chửa về con? Cô bán chiếu ứng khẩu họa ngay theo nguyên vận một cách duyên dáng hai câu: Quê ở Đông Triều bán chiếu gon Chồng còn chửa có hỏi gì con? Tài liệu thơ này là ở Tích Khách đường phả ký soạn năm 1740 đầu đời Cảnh Hưng. Từ mấy câu kín đáo, tế nhị này đời sau thêu dệt thành hai bài thơ xướng họa lẳng lơ hơn: 1/ Người ở đâu ta, bán chiểu gon Hỏi thâm chiếu ấy hết hay còn Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi Đã có chồng chưa được mấy con? 2/ Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon Cớ chi ông hỏi hết hay còn Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ Chồng còn chưa có hỏi gì con? Lại có một dị bản khác ghi hai bài ấy có chút khác như: 1/ À ở đâu ta, bán chiếu gon Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi? Đã có chồng chưa, được mấy con? 2/ Tôi ở Hải Hồ bán chiểu gon Can chi ông hỏi hết hay còn Xuân xanh mới độ hai mươi tuổi Đã có chồng đâu... hỏi mấy con? Theo truyền thuyết: bố Nguyễn Thị Lộ giỏi Kinh Dịch dạy cho con nên bà tinh thông can chi; ngũ hành mà có câu “can chi ông hỏi...” Trong Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên có phiên ra quốc ngữ từ chữ Nôm hai bài thơ, được Nguyễn Đức Vân, Kiểu Thu Hoạch tuyển vào in ở Giai thoại văn học Việt Nam có chỗ giống nhưng cũng có chỗ khác với hai bài thơ trên như “Xuân xanh nay độ” đổi thành “Xuân thu phỏng độ”, “Hải Hồ” đổi thành “Tây Hồ” “hai mươi tuổi” đổi thành “trăng tròn lẻ”. Ở Bản quốc kỷ sự thì lại ghi: “Quê ở Thanh Trì bán chiếu gon”. Địa danh quê có những chỗ khác nhau như thế vì hoàn cảnh đặc biệt của Nguyễn Thị Lộ: Quê gốc của bà ở làng Hới, nơi có nghề dệt chiếu nổi tiếng ở xã Hải Triều, tên cũ là làng Hải Hồ, huyện Ngự Thiên, lộ Hưng Long (nay thuộc thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Có một chi họ của bà sau ra ở Đông Triều (Quảng Ninh). Nhiều truyền thuyết và văn bản cho biết bố Nguyễn Thị Lộ là Nguyễn Vinh đỗ Hương tiến (ngang Cử nhân) vào cuối triều Hồ. Cả nhà Nguyễn Thi Lộ bị tàn sát, riêng bà còn bé bỏng, được bà con cứu thoát; đưa ra sống với cậu ở ven Hồ Tây, vừa học vừa giúp nhà cậu làm nghề bán chiếu, phù hợp với tình hình từ rất lâu làng Hới vẫn mang chiếu ra Thăng. 

Long bán... Đến đây; Nguyễn Thị Lộ gặp Nguyễn Trãi, xướng họa thơ ca. Hai tâm hồn thơ ca đồng điệu, hai cảnh ngộ thù nhà nợ nước gặp nhau. Từ đó, Thi Lộ quyết tâm đi theo Nguyễn Trãi. Với Nguyễn Trãi dù có đi đâu, cuối cùng vẫn về nghỉ ở “Góc thành Nam lều một gian”. Còn Thị Lộ, để tiện liên hệ hẳn không ở xa cái “lều một gian ấy”.

Vậy “Góc thành Nam” ở đâu? Từ trước các nhà nghiên cứu từng bàn luận nhưng tính cụ thể, sự thuyết phục còn có hạn. Để có tư liệu cho việc kỷ niệm 560 năm ngày mất của Nguyễn Trãi, chúng tôi có về thôn Khuyến Lương (thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Vùng này đúng là ở phía Nam thành Đông Quan, nằm trong vùng đất Thái ấp xưa của danh tướng Trần Khát Chân, gọi chung là ấp Cổ Mai, trồng nhiều mai, một thứ cây mà Nguyễn Trãi rất thích, hay viết trong thơ. Nơi này có khu đất nổi lên như hình cái bút, dân nhiều đời truyền tới nay là: ở khu đất đó, Nguyễn Trãi mở trường dạy học. Những khi rảnh rỗi Nguyễn Trãi thường qua lại căn lều (sát chân đê ngày nay) là nơi ở của bà Lộ để trao đổi công việc, trút bầu tâm sự.

Đinh Công Vỹ  Còn tiếp... None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ấn tượng chuyến đi thực tế sáng tác văn học nghệ thuật tại Quảng Yên

Ấn tượng chuyến đi thực tế sáng tác văn học nghệ thuật tại Quảng Yên

Ngày 3/10, các thành viên Trại Sáng tác Văn học nghệ thuật năm 2023 tại tỉnh Quảng Ninh đã có chuyến đi thực tế sáng tác đầu tiên tại Thị xã Quảng Yên. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm giúp các văn nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế, giao lưu, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau, tìm tòi ý tưởng, đề tài, nội dung cho các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật…