Tô Ngọc Thạch với “Hải Phòng – những trầm tích thời gian”
Đọc “Hải Phòng - Những trầm tích thời gian” – Tập Khảo cứu của Tô Ngọc Thạch - NXB Hội Nhà văn, 2023.
Vào những ngày cuối năm 2023, Nhà văn Tô Ngọc Thạch đã trình làng một công trình nghiên cứu khá đồ sộ với gần 1.000 trang in, sách khổ lớn. Đấy là, tập khảo cứu mang tên Hải Phòng – Những trầm tích thời gian. Trước đó, tập nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cội nguồn và khai sáng cũng đã được tác giả cho xuất bản, mang nhiều giá trị phát hiện, cung cấp cho bạn đọc những tư liệu tươi mới, hấp dẫn và độc đáo về một danh nhân vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XVI.
Là nhà văn, sinh ra và lớn lên trên quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất Vĩnh Bảo, Hải Phòng, với nửa thế kỷ cầm bút, Tô Ngọc Thạch cũng đã cho ra mắt gần hai chục đầu sách, bao gồm thơ (có 2 tập thơ dịch) rồi bút ký, các tập nghiên cứu về lịch sử và văn hóa dân gian…
Ở ngưỡng ngoại “thất thập,” dù tuổi đã cao, nhưng Tô Ngọc Thạch luôn lao động miệt mài không ngơi nghỉ. Niềm say mê sáng tác và nghiên cứu trong ông luôn tạo nên nguồn cảm hứng, đem lại cho chính ông một sinh lực hiếm có. Mấy chục năm liền, Tô Ngọc Thạch thường duy trì các chuyến “độc mã đăng trình”, điền dã tới các miền đất xa lạ và làm nên hai mảng đóng góp, mang nét đậm trong sáng tác và nghiên cứu của ông.
Trước hết, với thơ, đấy là những trang viết từ những cảm rung của vía hồn nơi con tim thi sĩ, là cái duyên từ nghệ thuật ứng xử ngôn từ, là sự phóng túng ở giọng điệu mới mẻ, trong sức chảy, sức vận động linh diệu, giàu sức gợi.
Còn với văn xuôi, Tô Ngọc Thạch không phải là người “đem hồn mình ra thay thế cho một thế giới, mà chính cái thế giới rộng lớn ngoài kia đã làm nên đại mộng, đại giác. Luôn ùa vào. Luôn tràn đầy cõi hồn ông…”. Để rồi, lượng thông tin đã làm nên năng lượng chuyển vận mạnh mẽ cho cảm xúc, cho mạch tự sự trên mỗi trang viết có được sự giàu có chất văn. Rồi hiệu quả, hiệu ứng qua từng trang mô tả, phẩm bình, đã đem lại giá trị phản ánh, giá trị phát hiện, kiến giải của nhà văn.
Bên cạnh những sáng tác, những công trình nghiên cứu khoa học của Tô Ngọc Thạch, đáng kể là những công trình về sau như Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cội nguồn và khai sáng, Hải Phòng - Những trầm tích thời gian có quy mô lớn hơn, rộng và sâu hơn với quá trình khá công phu trong tiếp cận, khám phá, biểu hiện kiến văn riêng rẽ và độc đáo của một người cầm bút.
Năm công trình nghiên cứu công phu là “cái có” của một quá trình dài bắt đầu từ khi bước vào đời, đem lòng yêu văn chương, nghệ thuật. Dù đang là người lính chiến đấu, hay khi là nghiên cứu sinh ở nước ngoài … Tô Ngọc Thạch luôn nuôi niềm say mê, luôn ý thức tìm hiểu, ghi chép các sự kiện của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong hai tập bút ký mang tên Trôi dạt cõi người xuất bản từ hàng chục năm trước, ông đã viết khá kỹ về địa lý, lịch sử, các phong tục, truyền thống văn hoá trải dài khắp năm châu lục.
Tác phẩm "Hải Phòng – Những trầm tích thời gian".
Với Hải Phòng – Những trầm tích thời gian (NXB Hội Nhà văn, 2023), bằng những tư liệu, dẫn chứng khá thuyết phục, Tô Ngọc Thạch xác lập: “Hải Phòng là miền đất có vị trí vô cùng quan trọng và chiến lược trong quá trình lịch sử xây dựng, cũng như bảo vệ non sông đất nước từ hàng thiên niên kỷ".
Đặc biệt, về việc giáo dục đào tạo được trải dài gần một nghìn năm ở thiên niên kỷ trước, triều đình phong kiến Việt Nam đã tổ chức qua 185 lần thi Đại khoa và chọn ra được gần 3.000 Tiến sỹ Nho học, trong đó Hải Phòng có 94 vị, xếp thứ 11. Trong số gần 3.000 nhà khoa bảng trên, có 56 vị đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh (tức Trạng nguyên), thì Hải Phòng có tới 3 vị, xếp thứ 5 các tỉnh, thành trong toàn quốc.
Theo các tư liệu, sử sách đã xuất bản tại Trung ương cũng như ở Hải Phòng, Tô Ngọc Thạch đã loại ra một số nhà khoa bảng không phải là người quê Hải Phòng và tìm lại cho thành phố này khá nhiều nhà khoa bảng khác. Đây cũng là lớp trầm tích văn hóa không thể thiếu trong Hải Phòng - Những trầm tích thời gian.
Có thể nói, hàng mấy thế kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu có danh tiếng trong và ngoài nước đã viết về Hải Phòng với nhiều chủ đề và góc nhìn khác nhau. Đặc biệt có nhiều trầm tích khá lung linh, hấp dẫn ở tầng chìm, ở góc khuất bị chôn vùi trong các lớp trầm tích, mà hậu thế ít người biết tới trong thời kỳ phong kiến Việt Nam… Hải Phòng - Những trầm tích thời gian của Tô Ngọc Thạch đã bổ sung vào “pho tư liệu quý” một hướng tìm.
Ở Hải Phòng - Những trầm tích thời gian, người đọc còn được chứng kiến, trong rất nhiều tư liệu lần đầu tiên được công bố, Tô Ngọc Thạch đã làm sáng dậy rất nhiều điều huyền bí, sinh động và lý thú.
Từ Cái tên Hải Phòng có từ bao giờ; Thần sắc thời phong kiến Việt Nam; Sự nhầm lẫn thần tích của các Thành hoàng; Gian nan đi tìm Thần sắc cho Nữ Thánh Chân; Các bãi cọc gỗ ven sông Bạch Đằng; Văn bia Tiến sỹ ở Văn Miếu còn có sự nhầm lẫn; Tháp cổ Đồ Sơn; Nguồn gốc tên các sông chính tại Hải Phòng; Làng Mõ; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với sông Kim? Sông Hàn… Hay, Sông Chanh Dương và Tướng công Đào Trọng Kỳ; Rối nước Nhân Hòa; Nhà thờ Chính Tòa Hải Phòng…? Tên Nôm các làng xã và sự tích các làng Tạ và Am; Liệt nữ và hiếu tử; Tên đường phố, sông ngòi xưa và nay tại nội đô Hải Phòng,...
Với rất nhiều những vấn đề được khơi mở trên đây, Hải Phòng – Những trầm tích thời gian,” là nguồn tài liệu quý để bổ sung cho những tư liệu còn thiếu, hoặc chưa có sức thuyết phục, mà các ấn phẩm đã xuất bản từ xưa tới nay còn bỏ ngỏ. Đặc biệt, có một tư liệu quý hiếm là tập bản đồ gốc thời Nguyễn của toàn bộ các huyện, phủ, tỉnh của hai tỉnh Hải Dương, Quảng Yên trước thời Đồng Khánh (1866) ghi bằng chữ Hán, được Tô Ngọc Thạch dịch ra quốc ngữ. Ngoài ra còn có tập bản đồ hành chính của Cảng Hải Phòng và tỉnh, thành phố Hải Phòng do người Pháp in từ năm 1874 đến năm 1940 cũng được tác giả chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Bằng nghệ thuật khai sáng trên những trang viết, Tô Ngọc Thạch bám chặt “phương pháp mở”. “Mở” trong sự đồng hiện cái đa tầng, đa chiều, đa tuyến ở sự kiện, lịch sử được ông tiếp cận, phản ánh. “Mở” khi nhà nghiên cứu phản biện, khi so sánh, khi phủ nhận, khi khẳng định, khi thống nhất hoặc nghi vấn, bỏ lửng… cho những vấn đề cần đặt ra. Cần có ở công trình nối tiếp các nhà nghiên cứu trước đó. Những tư liệu, sự kiện được minh chứng đầy sức thuyết phục sau quá trình mà ông tìm hiểu, giãi mã. Đây là cái riêng, cái đem đến cho người đọc có được sự thỏa mãn nào đó, ở sự hấp dẫn, lý thú khi tiếp cận trên từng trang nghiên cứu.
Ở phần cuối tập sách, Tô Ngọc Thạch đã dành một phần văn xuôi viết khá sinh động cho độc giả hiểu thêm về Những người Hải Phòng đầu tiên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta và 8 bài tản văn hấp dẫn viết về một số nét văn hóa độc đáo của miền đất ven biển nơi đây.
Với gần 1.000 trang viết, lịch sử hành chính của vùng đất Hải Phòng trải dài và bao trùm hàng thiên niên kỷ, liên quan tới nhiều vùng đất khác trong khắp cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài được phản ánh trong Hải Phòng - Những trầm tích thời gian… Có thể, đây mới chỉ là những tia nắng thức dậy, làm sáng thêm những khoảng trời ở góc nhìn, ở sự nhận biết, sự cắt nghĩa, lý giải nào đó cho nhân vật - sự kiện ở quá trình người đọc cần nghiên cứu, hiểu biết và thừa nhận.
Điều đáng nói nữa ở Hải Phòng - Những trầm tích thời gian là Tô Ngọc Thạch đã hệ thống lại toàn bộ lịch sử hành chính, vùng đất, con người các quận huyện, cũng như danh sách các nhà khoa bảng của thành phố Hải Phòng với sự hiểu biết về nhiều vùng đất tại Việt Nam, cũng như tỉnh Quảng Tây và một số tỉnh thành khác của Trung Quốc, hay các quốc gia khác như Canada, Mỹ, Đức, Liên bang Nga… có liên quan.
Như vậy, mấy chục năm qua, cùng với mảng sáng tác văn học, lần nữa, khẳng định sự đóng góp của nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Tô Ngọc Thạch ở sự đắp dầy và nối dài công cuộc nghiên cứu, lao động và sáng tạo nghệ thuật của đời người cầm bút.
Hải Phòng – Những trầm tích thời gian sẽ góp vào pho tư liệu quý hiếm cho những nhà nghiên cứu, những độc giả hôm nay và mai sau khi đem lòng quý yêu và tìm đến mảnh đất Hải Phòng.
Say mê nên đọc tác phẩm của anh nhiều lắm. Nhưng, thời tôi còn là "cuối cán đầu binh" (ở Sở Văn hóa Thông tin Hà...
Bình luận