Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người soi đường cho văn học nghệ thuật nước nhà

Là một nhà văn hóa lỗi lạc, có tâm hồn yêu văn học nghệ thuật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận ra giá trị của văn hoá là hồn cốt của dân tộc, hiểu, xác định đúng và rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật đối với sự phát triển của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nền văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới tiếp tục bám sát hiện thực sôi động của đất nước, đạt được nhiều thành tựu to lớn và bước tiến dài trong sự nghiệp. Ông chính là một trong những người chiến sĩ tiên phong, cầm ngọn đuốc soi đường cho văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam.

Người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Anh, Hà Nội (trước đây thuộc Bắc Ninh), là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước. Nơi đây mang đậm những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật lâu đời của quê hương Kinh Bắc với những làn điệu dân ca quan họ chứa chan tình người.

Ông theo học Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội – một chiếc nôi đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học xã hội và nhân văn, cũng là nơi lưu giữ nhiều truyền thống tốt đẹp. Những năm tháng là sinh viên, ông say mê đọc, học và nghiên cứu về thơ ca. Với luận văn tốt nghiệp đại học có đề tài Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu, ông đã đạt điểm tối ưu duy nhất của toàn khóa.

Truyền thống quê hương cùng những hồn thơ thấm đậm chất dân gian đã chắp cánh cho ước mơ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ một sinh viên văn khoa đến người đứng đầu Đảng và Nhà nước, từ một sinh viên giỏi trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc, một trí tuệ lớn, một nhân cách đạo đức cao cả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người soi đường cho văn học nghệ thuật nước nhà - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp lại người thầy dạy đại học của mình là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà văn Hà Minh Đức trong Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh TTXVN

PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam cho biết, từ khi còn trẻ, anh Nguyễn Phú Trọng đã bộc lộ những năng lực tiềm ẩn về văn chương, ao ước lớn lên được làm những công việc gắn bó với văn chương, báo chí. Anh đã từng cầm bút làm thơ được tập hợp vào Tập san nội bộ viết tay của lớp Văn khóa VIII Đại học Tổng hợp Hà Nội (3/1967) và được đăng bài phê bình văn học (khởi nguồn từ Luận văn tốt nghiệp bảo vệ thành công) có nhan đề Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu trên Tạp chí Văn học số tháng 11 năm 1968.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một Người Hiền, bậc hiền tài của đất nước, thuộc hàng “nguyên khí quốc gia”, một nhà lãnh đạo ưu tú, xứng đáng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã gương mẫu sống, học tập và làm việc theo tấm gương Bác Hồ: hết lòng vì nước, vì dân, trung thực, nhân hậu, chân thành, giản dị”.

Trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa - văn nghệ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà tư tưởng lão thực, nhà lý luận văn hóa văn nghệ thuật thấm nhuần đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn hóa - văn nghệ Hồ Chí Minh. Những quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, văn học nghệ thuật góp phần phục hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thưởng thức của quần chúng, phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của quốc gia văn hiến Việt Nam.

Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là nhà chính trị, nhà tư tưởng kiệt xuất, đồng thời cũng là nhà văn hóa lớn của đất nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người soi đường cho văn học nghệ thuật nước nhà - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các văn nghệ sĩ tham quan triển lãm ảnh trưng bày các tác phẩm về chặng đường 75 năm của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tuân

NSNA Trần Thị Thu Đông, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, trải qua nhiều cương vị công tác, qua các thời kỳ, những bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư duy sâu sắc, toàn diện, sự am hiểu tường tận về vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa, truyền thống lịch sử bao đời của dân tộc Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, của từng lĩnh vực sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật từ văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh đến nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc…

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 do đồng chí chủ trì đã chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện hiệu quả để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, góp phần cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

“Bên cạnh tầm văn hóa, chiều sâu tư duy văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa, đồng thời là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng”, NSNA Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.

Hết lòng chăm lo cho sự phát triển văn học nghệ thuật

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, xuất thân là cử nhân văn chương, sau đó được nâng cao học tập ở trong các lĩnh vực về văn hoá, chính trị nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất am hiểu về văn học nghệ thuật, xác định đó là đối tượng tinh tuý, đặc biệt của văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người soi đường cho văn học nghệ thuật nước nhà - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021 ngày 9/1/2016 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Theo PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đối với lực lượng văn nghệ sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất tinh tế trong ứng xử, ông hiểu tâm lý của văn nghệ sĩ, hiểu cả quá trình sáng tác nghệ thuật, chú trọng tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo, luôn khích lệ tài năng, tâm huyết và trân trọng tác phẩm của anh chị em văn nghệ sĩ.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, văn nghệ sĩ là một đội ngũ hùng hậu, gắn bó máu thịt với Tổ quốc, với Nhân dân, đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá dân tộc, khao khát vươn lên để cống hiến có hiệu quả.

Những năm gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham dự nhiều sự kiện quan trọng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ IX năm 2016; Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và đón nhận Huân chương Sao Vàng năm 2018; Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023;…

Tại những sự kiện này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các văn nghệ sĩ, động viên, khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Đồng thời có những bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, trong đó chỉ rõ những điểm tích cực, hạn chế và định hướng các giải pháp thiết thực cho từng khía cạnh cụ thể của văn học nghệ thuật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người soi đường cho văn học nghệ thuật nước nhà - 4

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Không chỉ chăm lo cho sự phát triển chung của văn học nghệ thuật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn quan tâm đến những công việc rất cụ thể. PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, năm 2013, khi Tổng Bí thư đến thăm, làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại trụ sở của Liên hiệp ở số 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Nhận thấy trụ sở đã có nhiều biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị có kế hoạch tu bổ, sửa chữa.

Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gồm các bài phát biểu, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được ra mắt ngày 21/6 vừa qua đã thể hiện tầm hiểu biết sâu rộng về tri thức, sự am hiểu tinh tế về tính chất, đặc điểm, đặc trưng của văn hóa, của từng loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật của ông.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân, cuốn sách giúp các văn nghệ sĩ nhận thức sâu hơn về những vấn đề lý luận và thực tiễn đã và đang đặt ra đối với sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà và nâng cao ý thức của văn nghệ sĩ về trách nhiệm, vai trò, cũng như vị thế của mình trong xã hội ngày nay.

“Cuốn sách là món quà khiến cho toàn bộ giới văn nghệ sĩ xúc động vì trong chính thời điểm này, khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nó chứa đựng tình cảm, niềm tin mà đồng chí đã gửi gắm lại cho các thế hệ văn nghệ sĩ của hôm nay và mai sau”, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân xúc động chia sẻ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người soi đường cho văn học nghệ thuật nước nhà - 5

Các đại biểu tại Lễ ra mắt cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 21/6/2024.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo mẫu mực, có những cống hiến to lớn, vẻ vang đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và nhân dân Việt Nam. Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá, nền văn học nghệ thuật nước nhà và chính ông cũng là một chiến sĩ lỗi lạc trên mặt trận văn hoá.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất