Từ bước chân đầu tiên trên đất Quảng Bình 60 năm trước…

60 năm, quãng thời gian đáng để suy ngẫm về những “được - mất”, “hơn - thua” của một đời người. Sống trong thời đại lắm biến động như hiện nay, một đời người có thể đặt chân tới hàng chục, thậm chí hàng trăm địa danh, nhưng hầu hết “một đi không trở lại”. Thì thiên hạ hầu như ai cũng có nhiều ước vọng, thích mơ tưởng đến những chân trời mới, nhưng rồi “lực bất tòng tâm” và thời cuộc đưa đẩy – theo nhà Phật thì vì “duyên nghiệp”, mỗi người chỉ có thể gắn bó lâu dài với một vài vùng đất.

Với tôi, đó là Quảng Bình, vùng đất mà người xưa gọi là “đất Ô Châu – Ai đi đến đó quẩy bầu về không” và mặc dù quê tôi ở Hà Tĩnh và nay định cư tại Huế. Quả đúng là do “duyên” và “nghiệp”. Tròn 60 năm trước, năm 1963, lần đầu tôi đặt chân đến Quảng Bình chỉ là do nghề nghiệp xây dựng cầu đường mà tôi tốt nghiệp 4 năm về trước… 4 năm vào đời, theo các đơn vị làm cầu của Bộ Giao thông, tôi đã đến Pò Lội (Lạng Sơn), Ba Thá, Tế Tiêu (Hà Đông), Khe Choang, Khe Kiền (miền Tây Nghệ An), để rồi “một đi không trở lại” khi các “nhịp cầu nối những bờ vui”. Nhưng với Quảng Bình thì khác, từ bước chân đầu tiên năm 1963 trên đường phố thị xã Đồng Hới còn thưa vắng và rất xa lạ, 60 năm qua, không biết bao lần tôi đã trở về…

Thì mới ngay đây, giữa những ngày hè 2023 nắng 39-40 độ, tôi vừa có dịp về thăm những người thân ở hai bờ sông Kiến Giang. Chập tối, trước lúc trở lại Huế, tôi theo xe về Đồng Hới tiễn hai đứa cháu – một ra sân bay vô TP Hồ Chí Minh, một lên tàu hỏa ra Hà Nội. Quảng Bình và Đồng Hới hôm nay đã thành điểm du lịch khá đông khách. Đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo cũng như các tuyến ven sông Nhật Lệ rực rỡ ánh đèn và bảng hiệu hàng hóa. Trên đường ra sân bay và ga Đồng Hới, xe tắc-xi và rất nhiều xe con tư nhân nối nhau vào đưa tiễn người thân lên đường…

Từ bước chân đầu tiên trên đất Quảng Bình 60 năm trước… - 1

Tác giả và ông Lại Văn Ly đứng 2 bên cột mốc biên giới trên đèo Mụ Giạ dịp trở lại đường 12A dựng phim “Khúc tráng ca trên Đồi 37” năm 2009.

Trước khung cảnh đông vui của Đồng Hới hôm nay, tôi nhắc lại với đứa cháu chuyến “thám hiểm” Đồng Hới tròn 60 năm trước. Gọi là “thám hiểm” vì chàng trai 24 tuổi là tôi lúc đó không có một người bạn nào ở Quảng Bình, không thể tìm được nơi mình sẽ đến trên bản đồ – cầu Ca Tang đường 12A lúc đó là một địa danh gần như bí mật quốc gia!  Nhưng thời đó, “đi đến nơi đâu Tổ Quốc cần” không chỉ là khẩu hiệu trang trí ở hội trường, mặc dù lúc ấy, tôi nào đã hiểu gì mấy chỗ đứng mới của mình, chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành việc điều động của “tổ chức”. Tôi đâu có ngờ mình là một trong hàng ngàn, hàng vạn con người đang thực hiện một kế hoạch lớn sẽ xoay chuyển thế trận mới giữa hai miền Nam-Bắc; càng không ngờ nơi mình đến rồi sẽ trở thành một vùng đất nổi tiếng khắp thế giới.

Đó là cách nhìn hai năm sau (khoảng từ tháng 4/1965), khi đoạn đường 12A lên đèo Mụ Giạ mà đài báo phương Tây gọi là “đầu mối đường mòn Hồ Chí Minh”, nơi bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất miền Bắc trong mấy năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại. Còn khi tôi nhận quyết định vào đường 12A thì vẫn đinh ninh là mình lại đi đến một công trình xây dựng mới “theo yêu cầu của Tổ Quốc”. Là một cán bộ kỹ thuật mới 24 tuổi, một “tép riu” trong đội ngũ ngành giao thông, làm sao tôi hình dung được, có thể cùng thời điểm đó, tại Hà Nội, bên tấm bản đồ chiến lược, các tướng lĩnh và cán bộ cao cấp ngành giao thông đang hướng vào mũi bút chì tìm những con đường thuận lợi nhất chi viện cho cuộc chiến đấu ở miền Nam đang ngày một quyết liệt. Con “đường mòn” theo nghĩa đen xuyên qua vĩ tuyến 17, nơi chia cắt hai miền đất nước,  rẽ lau lách qua Bến Tắt, rồi tuyến vượt đỉnh cao “1001” qua Vít-thù-lù, Làng Ho, cho đội quân âm thầm gùi cõng đi vào miền Nam, không đảm đương được yêu cầu mới của mặt trận. Phải có con đường cho xe cơ giới vận tải hàng và vũ khí hạng nặng vào Nam. Phương án tối ưu và có thể nói là duy nhất lúc đó đáp ứng đòi hỏi ấy là đường 12A.

Thế là từ công trường cầu Khe Kiền trên đường số 7 Nghệ An, tôi được điều vào công tác tại đường 12A. Do không dễ nắm thông tin đường sá, xe cộ như bây giờ, tôi cứ nghĩ đã vào Quảng Bình thì đương nhiên mua vé xe vào Đồng Hới. Đến nơi, mới hay lúc đó chưa có xe khách chạy lên miền núi Minh Hóa. Thế là vật vờ 1 đêm tại bến xe Đồng Hới không ai quen biết, để sáng mai mua vé ô tô trở ra Hà Tĩnh, lại chờ chực để mua vé lên Chu Lễ (Hương Khê). Đây là điểm cuối của tuyến xe khách. Để đến được trụ sở Ban Kiến thiết 212 vừa dựng bên bờ khe Ca Tang, tôi chỉ còn cách tìm đến ga Chu Lễ, chờ mua vé đi xe goòng lên ga Tân Ấp. Đây là ga xép, địa đầu phía bắc Quảng Bình, nằm trên đường sắt Thống Nhất hiện nay.

Lại phải “mở ngoặc” giải thích cho đứa cháu “xe goòng” là kiểu phương tiện vận tài như thế nào. Hồi đó, đường sắt chỉ mới chạy đến Vinh (Nghệ An). Từ Vinh vào đến Đò Vàng, hàng ngày có khoảng 3-4 toa tàu cũ, được kéo bởi một đầu máy ô tô “cải tiến” cọc cạch chở khách và hàng hóa trong vùng, chạy trên đoạn đường sắt gần như bỏ hoang, lau lách trùm lên cả đường ray. Vậy mà chính trên đoạn đường goòng này, từ thời chống Pháp, một đội ngũ công nhân đặc biệt đã lập được chiến tích không nhỏ trong việc tiếp vận cho chiến trường Bình Trị Thiên. Tuyến 559 – Đường Trường Sơn là vĩ đại, nhưng không thể quên đọan đường goòng Vinh - Đò Vàng bền bỉ và can trường giữ vững lưu thông suốt hai cuộc kháng chiến. Goòng - cuốn tiểu thuyết hay nhất của nhà văn Văn Linh (người có rất nhiều tác phẩm viết về Quảng Bình, vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật) đã tái hiện cuộc chiến đấu trên đoạn đường heo hút này …

60 năm trước, trên một chuyến goòng như thế, tôi xuống ga Tân Ấp – lần thứ hai trong ba ngày, đặt chân lên đất Quảng Bình. Sân ga chỉ lèo tèo vài người, hỏi đường lên Ca Tang, họ chỉ đoạn đường ô tô men vách núi phía trước lên cao dần và bảo với vẻ thương hại: “Tội! Một thân một mình… Còn xa lắm! Mà trời sắp tối rồi. Cậu ra đường, may ra có đoàn xe quân sự chạy qua, xin đi nhờ…”.

***

Tròn 6 thập kỷ đã qua từ ngày đó! Anh chàng kỹ thuật viên 24 tuổi xuân lơ láo trên sân ga Tân Ấp hoang sơ ngày đó, nay đã thành ông lão vượt bát tuần dăm năm rồi! Con đường men vách núi cạnh ga Tân Ấp đi ngược lên Ca Tang ngày nào đầy lau lách, bí hiểm hù dọa những ai lần đầu đặt chân đến, nay thuộc đại lộ Hồ Chí Minh, hàng ngày xe khách không chỉ chạy qua Ca Tang mà sang tận Viên Chăn (Lào), đua chen với hàng loạt xe tải to kềnh chuyên chở hàng hóa trao đổi giữa ba nước Việt-Lào-Thái... Đất nước quả đã lật qua trang sử mới nên hai đứa cháu cùng độ tuổi của tôi 60 năm trước, mới có xe đưa tiễn tận sân ga.

Nghe chuyện “ngày xưa”, không biết các cháu có thầm cho rằng ông già lại định “dạy đời” điều gì đây?  Kể ra thì trong cuộc sống ngày càng sung túc hôm nay, không ít “cô cậu” được chiều chuộng, bao bọc đủ thứ, khi ra đời lóng ngóng như “gà công nghiệp”, mặc dù mọi người đều biết câu ca “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” cũng như nhiều câu tục ngữ, thành ngữ xưa nhắc nhở rằng cuộc sống gian khổ là môi trường tạo nên ý chí, nghị lực của con người. Tuy vậy, cũng có người gần như sống trong “lồng kính” vẫn trở thành nhân tài. Thiên hạ bách tính mà!

Từ bước chân đầu tiên trên đất Quảng Bình 60 năm trước… - 2

Tác giả trở lại thăm Ca Tang – nơi tác giả đặt chân đầu tiên trên đường 12A năm 1963 và ngày 16/4/1965, ở đây đã diễn ra cuộc chiến bi tráng giữa tiểu đoàn cao xạ Nguyễn Viết Xuân với 200 lượt phản lực Mỹ.

Với tôi, những năm tháng gian khổ ở Quảng Bình hóa ra lại là điều may mắn. Một kẻ đang thầm nuôi mộng văn chương như tôi, được sống nơi đầu sóng ngọn gió, được chia sẻ nỗi đau khi đồng đội hy sinh, được chung niềm vui ngày chiến thắng với mọi người là những trải nghiệm vô giá tạo nên phẩm cách người cầm bút. Điều này, hình như nhiều người đã nói. Tôi chỉ lạ một điều, trong những năm ở Quảng Bình, bao nhiêu lượt thay đổi tổ chức, điều quân đổi cán, bạn bè tôi lần lượt kẻ ra Hà Nội, người sang quân đội, riêng tôi vẫn yên vị. Lại chỉ có thể nói là do… duyên nghiệp.

Chính nhờ những năm tháng sống và chiến đấu trên vùng đất lửa Quảng Bình, tôi đã có tác phẩm đầu tay – Tập ký sự "Vì sự sống con đường" (NXB Thanh niên, 1968) và sau đó là bộ tiểu thuyết 2 tập dày trên ngàn trang Đường giáp mặt trận và Chỗ đứng người kỹ sư (NXB Lao động, 1976, 1980) năm 2012 đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (cùng với tiểu thuyết Những cánh cửa đã mở). 

Nói cho công bằng, nếu chỉ có thực tế cuộc sống ở một “điểm nóng” như Quảng Bình, chưa hẳn tôi đã viết được những tác phẩm như vừa kể. Tôi còn có may mắn gặp được những “thủ trưởng” có “đôi mắt xanh” nhìn ra triển vọng của một cây bút trẻ – cũng có thể gọi là những “Mạnh Thường Quân” ngay trên vùng đất lửa. Đó là ông Lại Văn Ly, Trưởng Ty giao thông Quảng Bình hồi đầu cuộc chiến tranh phá hoại. Năm 1967, nhân chuyến ra Hà Nội công tác và chữa bệnh, theo đề nghị của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh quê Quảng Bình và nhà viết kịch Học Phi (tác giả viết vở kịch về cuộc chiến bi tráng tại “Đồi 37” đường 12A) ông Lại Văn Ly đã cho tôi ở lại Hà Nội thêm 1 tháng để tôi hoàn thành tập ký sự đầu tay…

Ông Lê Đức Mận – người được cử làm Trưởng Ty Giao thông khi ông Lại Văn Ly lên làm Phó Chủ tịch kiểm Trưởng Ban Bảo đảm giao thông tỉnh Quảng Bình còn quan tâm đến tôi nhiều hơn nữa. Cuối năm 1968, khi Hội Nhà văn Việt Nam mở Lớp “Bồi dưỡng viết văn trẻ khóa 3” (tiền thân của Trường Viết văn Nguyễn Du sau này), gửi công văn đề nghị Ty Giao thông Quảng Bình cho tôi ra học, ông đã thân tình bảo tôi đại ý: Đảng ủy và Ty đồng ý để cho tôi đi học, nhưng quyết định cuối cùng là của đương sự…

Ông nói vậy, vì đó là giai đoạn Mỹ “ném bom hạn chế”, Quảng Bình thực sự là nơi chúng thử đủ loại vũ khí mới như bom từ trường, thủy lôi; một mình đạp xe ra Hà Nội rất dễ bỏ xác dọc đường. Bạn trẻ hôm nay khó hình dung chuyến đi bằng xe đạp từ Đồng Hới ra Hà Nội thời đó. Tôi qua đò ngang sông Gianh – người lái đò nắm chắc luồng lạch không có bom thủy lôi, từ trường nên vừa chèo, vừa trò chuyện vui vẻ cho khách an lòng, nhưng ai cũng thầm mong qua nhanh khỏi “cửa tử” này (Trước đó một thời gian, chuyến xe chở đồng chí D. - Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, khi qua phà đã trúng thủy lôi hy sinh). Từ Ba Đồn, tôi tìm được bạn đường, có lẽ là một sĩ quan từ mặt trận Quảng Trị đạp xe ra, nên cũng vui. Đẩy xe lên đỉnh Đèo Ngang, hai anh em dửng thở lấy hơi, anh cho tôi bồi dưỡng sữa bột, nhưng khi xuống đèo, cả hai suýt trúng bom!...

Kết thúc lớp học 8 tháng, tôi còn được hưởng ưu đãi là ở lại Nhà sáng tác Quảng Bá (nay là Bảo tàng Văn học Việt Nam) để hoàn thành tiểu thuyết đầu tay “Đường qua làng Hạ” (NXB Thanh niên, 1976) lấy bối cảnh là cuộc chiến rất gian khổ và nhiều hy sinh khi khôi phục lại đoạn đường bờ nam sông Gianh bị bom đánh nát, cho đoàn tên lửa SAM đầu tiên đi vào Quảng Bình – Vĩnh Linh “chọi” với pháo đài bay B.52. Lúc đó, tôi nào đã có đóng góp gì, nhưng quý trọng chất liệu đời sống của dải đất Quảng Bình anh hùng, Hội Nhà văn Việt Nam đã cử 3 nhà văn tên tuổi là Nguyễn Công Hoan, Bùi Huy Phồn, Đoàn Giỏi nghe tôi đọc 3 ngày liền để góp ý sửa chữa bản thảo đầu tiên “Đường qua làng Hạ”…

Cũng nhờ theo đuổi đề tài viết về Quảng Bình và Trường Sơn, năm 1970, khi Quảng Bình và miền Bắc tạm có hòa bình, tôi lại được Ty Giao thông cho dự Trại Sáng tác về đề tài công nhân do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Công đoàn Việt Nam tổ chức suốt 6 tháng liền tại một làng thuộc huyện Quốc Oai (Hà Tây). Đây có lẽ là Trại Sáng tác dài nhất cho đến nay. Trại do các nhà văn Nguyên Hồng, Kim Lân… phụ trách. Đi Trại viết văn mà vẫn được giao thông Quảng Bình trả lương. Một số cây bút vùng mỏ Quảng Ninh và các cơ sở công nghiệp khác cũng được ưu đãi như thế, nhưng với một cây bút vừa chập chững vào đường văn như tôi thì đây là “cơ hội vàng”.

Cũng tự nhủ là mình phải viết cái gì cho xứng với cuộc sống lao động sáng tạo và chiến đấu anh dũng của đồng đội và nhân dân Quảng Bình, tôi đã quyết định thử sức với đề cương bộ tiểu thuyết 2 tập, dự kiến dài gần ngàn trang, bối cảnh chính là cuộc sống và chiến đấu trên đường 12A những năm 1964-1966. Lúc đó, các bộ tiểu thuyết 2-3 tập của Liên Xô và của một số nhà văn Việt Nam như Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng… đang được chú ý. Tập I tiểu thuyết chủ yếu là việc mở tuyến đá Bãi Dinh mà tôi có dự phần từ năm 1964.

Ở đây, thời Pháp bắc 2 cầu sắt qua 2 con khe, nối 2 cầu là đoạn đập tràn đắp bằng đá cuội, năm nào cũng bị lũ cuốn trôi. Đã có đồ án khôi phục lại như cũ, nhưng một kỹ sư nêu ý kiến: nếu có thể mở đường băng qua dãy núi đá lởm chởm thì chỉ cần làm 1 cầu thôi! Để dễ hình dung, có thể xem 2 cầu cũ bắc qua 2 con khe như là 2 chân chữ Y, còn nếu mở được tuyến đá thì chỉ cần 1 cầu qua chân chữ Y. Thế là một cuộc chiến giữa hai phái “bảo thủ” và “cải cách” xảy ra… Nhờ đó, chuyện mở đường làm cầu mới là bối cảnh thích hợp cho các nhân vật thể hiện phẩm cách và tư tưởng trong cuộc sống, mà hồi đó vấn đề “hồng và chuyên” khá là thời sự. Điều thú vị và cũng may mắn là tôi không chỉ gặp mà có mối quen biết với vị Cục trưởng từng ở tù đế quốc và bám chiến trường Bình Trị Thiên từ thời chống Pháp – vị cán bộ chính trị “đỏ rực” này lại đứng đầu phe “cải cách”, hết lòng ủng hộ nhóm cán bộ kỹ thuật dám vượt lên vách đá hiểm trở để “làm một chiếc cầu mà bằng 2” – gần đúng với khẩu hiệu được nêu cao hồi đó: “Mỗi người làm việc bằng 2 vì miền Nam ruột thịt!”… 

Do chiến tranh phá hoại lại tiếp tục ác liệt từ năm 1972, rồi cả nước tập trung cho chiến dịch mùa Xuân 1975, tập I bộ tiểu thuyết đến năm 1976 mới được xuất bản với tên “Đường giáp mặt trận” (NXB Lao động) và năm 1980, tập 2 ra đời với tên “Chỗ đứng người kỹ sư”. Qua chút ít thành công của bộ tiểu thuyết này, tôi nghiệm ra rằng, khi nhà văn thực sự hiểu biết cuộc sống, trang viết chỉ có mục đích xây dựng thì không ngại gì đụng chạm.

Năm 1970, khi đọc bản thảo Phần I có tên Đáy móng mặt người, nhà văn Kim Lân nói: “Cậu viết thế này dễ bị “đánh” lắm!”. Ông nhắc tôi, có lẽ do hệ lụy vụ truyện “Con chó xấu xí” của ông (in năm 1962) bị một số kẻ phê phán chưa hết ám ảnh, nhưng nghe giọng nói không dấu được vẻ thích thú với nụ cười chúm chím hiền từ của ông, tôi hiểu là mình đã viết trúng “vấn đề”. Ông nói vậy vì có chương miêu tả bác Thát – mà “nguyên mẫu” là ông Lê Đình Mỹ, một cán bộ huyện ủy từng hoạt động bí mật thời chống Pháp, nay là bí thư đảng ủy đội cầu, ra xem hố móng trụ cầu giữa lúc trời rét căm căm, thấy công nhân đều ngồi trên bờ, ông liền xắn quần nhảy xuống và hô: “Ai là đảng viên? Xuống! Ai là đoàn viên? Xuống!”. Khi mọi người bắt đầu đào xới, thấy các thanh chống ván xung quanh hố móng quá vướng víu, ông vừa cầm búa định đập bỏ thì một công nhân nói: “Kỹ sư họ đã tính…”. Ông vừa vung búa, vừa nói: “Tính với toán! Rô phẩy với phẩy rô!”. Ông chưa dứt lời thì cả một mảng cọc ván đổ ập. Tất cả những người mà ông vừa hô hào nhảy xuống, lập tức vọt lên thoát thân...

Một chi tiết có thật 100% khi đào hố móng cầu Khe Núng (cạnh cầu Ca Tang) đúng lúc tôi vừa đến đường 12A từ 60 năm trước, nhưng vẫn có tính thời sự do bệnh “duy ý chí” đang không ngừng gây tai họa trong nhiều lĩnh vực. Nhà văn lo tác giả “bị đánh”, nhưng tờ báo đầu tiên có bài phê bình, động viên cây bút trẻ là báo “Nhân Dân”. Có lẽ cũng nên nói thêm, nhân vật bác Thát là đối tượng phê phán, nhưng tác phẩm không bị suy diễn “nói xấu lãnh đạo”, do qua trang viết, bạn đọc thấy rõ tác giả tuy chỉ trích quyết liệt hạn chế của nhân vật, nhưng lại tỏ ra thương yêu con người chỉ huy già quên mình vì công việc… 

   Tôi nhắc tiểu thuyết “Đường giáp mặt trận” hơi bị… dài, còn vì người nhiệt tình ủng hộ trước hết chính là ông Lê Đức Mận. Ông và bác Lê Đình Mỹ là “cặp đôi” giúp tôi dựng nên hai nhân vật chính sinh động trong bộ tiểu thuyết này. Sau khi từ Trại Sáng tác trở lại cơ quan, hết giờ làm việc, tôi lại cắm cúi chữa và chép lại bản thảo. Thật không ngờ là ông Mận muốn đọc, thỉnh thoảng lại ghé hỏi với nụ cười đầy khích lệ: “Đã có phần tiếp theo chưa?...”. Và tại Đại hội Đảng bộ ngành giao thông, ông đã hào hứng “quảng cáo” cho cuốn sách trước lúc nó được xuất bản 5 năm, mặc dù trước Đại hội, ông vừa cử cán bộ về quê tôi “điều tra” lí lịch để kết nạp tôi vào Đảng, nhưng đã… thất bại!

***

60 năm qua, sau khi đặt bước chân đầu tiên lên bến xe Đồng Hới đến nay, dù đã viết mấy ngàn trang sách, báo về Quảng Bình, tôi vẫn thấy mình còn “mắc nợ” vùng đất đã cho tôi không biết bao nhiêu là ân huệ. Thì chỉ riêng cuộc đời người mẹ sống thọ 100 tuổi đã mở rộng cửa nhận tôi làm con rể 50 năm trước và những bà con trong làng quê bên sông  Kiến Giang này – những con người bình thường nhưng trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và biến động xã hội đến trời long đất lở ở Việt Nam, họ đều là “những số phận chứa một phần lịch sử” như câu thơ của thi sĩ Nga E.Eptusencô đã viết. Với tôi, đây là món nợ không thể trả được khi đã là ông lão 85 tuổi, nhưng tôi kỳ vọng ở những cây bút còn sức trẻ ở Quảng Bình cũng như đang “bám trụ” trên nhiều vùng quê khác, trong khi nuôi ước vọng bay cao bay xa trên con đường nghệ thuật, sẽ kiên trì đào sâu vào “mỏ quý” ở chính quê hương mình để viết nên tác phẩm lớn, như nhà văn Mạc Ngôn chỉ khai thác quanh miền quê Cao Mật mà đoạt giải Nô-ben…

Nhớ lại những ngày đầu đến Quảng Bình và cũng là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với hai “thủ trưởng” đã hết lòng giúp đỡ một cây bút trẻ; đồng thời tôi hy vọng là Quảng Bình cũng như các địa phương khác, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều hơn đối với hoạt động văn hoá - văn nghệ hiện nay, sẽ có những quyết sách cụ thể, tạo điều kiện cho các mặt hoạt động văn hoá - văn nghệ ở địa phương phát triển thuận lợi…  

“Với tôi, những năm tháng gian khổ ở Quảng Bình hóa ra lại là điều may mắn. Một kẻ đang thầm nuôi mộng văn chương như tôi, được sống nơi đầu sóng ngọn gió, được chia sẻ nỗi đau khi đồng đội hy sinh, được chung niềm vui ngày chiến thắng với mọi người là những trải nghiệm vô giá tạo nên phẩm cách người cầm bút.

Nguyễn Khắc Phê

Tin liên quan

Tin mới nhất