Văn học về Thăng Long - Hà Nội từ thời xa xưa

Văn học về Thăng Long - Hà Nội vốn là một dòng chảy lớn từ xa xưa – thế kỷ X cho đến nay. Tìm hiểu văn học quá khứ để thấy việc tiếp nối truyền thống trong hiện tại là cần thiết qua cái nhìn tổng quan lịch sử.

Địa danh Thăng Long - Hà Nội trong quá trình lịch sử

Thăng Long (chữ Hán tên cũ, và tên mới) là tên gọi cũ của thành phố Hà Nội. Đây là kinh đô của nước Đại Việt thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng (từ năm 1010 đến năm 1788). Tương truyền, vào năm 1009, khi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô Hoa Lư đến đất Đại La, thì mơ thấy rồng bay lên, nên gọi tên kinh đô mới là Thăng Long - tức “rồng bay lên” theo nghĩa từ Hán Việt.

Năm 1243, nhà Trần tôn tạo, sửa đổi, và gọi Thăng Long là Long Phưng. Cuối thời Trần, Hồ Quý Ly đã đổi tên thành Đông Đô. Năm 1428, vua Lê Lợi đặt kinh đô tại Thăng Long, và đổi tên là Đông Kinh (đối xứng với Tây Kinh là Thanh Hóa).

Năm 1805, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn đặt kinh đô tại Phú Xuân (Huế), và cho phá thành Thăng Long để xây lại theo phương pháp của phương Tây. Đồng thời, cũng cho đổi tên từ “Thăng Long” có nghĩa là rồng bay thành từ đồng âm “Thăng Long” với chữ Long có nghĩa là thịnh vượng. Địa danh Thăng Long tồn tại cho đến thời vua Minh Mạng, thì được đổi thành tỉnh Hà Nội vào năm 1831.

Trong văn học, Thăng Long - Hà Nội còn được gắn với nhiều tên gọi khác nhau. Cái tên Trường An (hay Tràng An) thường được các nhà nho xưa sử dụng như một danh từ chung để chỉ kinh đô. Người bình dân sử dụng nhiều trong ca dao, như:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An”

Ngoài ra, cái tên Phượng Thành (hay Phụng Thành), Long Biên, Long Thành, Hà Thành, Kinh kỳ trong thơ văn.

Hà Nội – thủ đô hơn 1000 năm tuổi  đã lọt vào danh sách khoảng 80 thủ đô trên thế giới có bề dày lịch sử như vậy.

Văn học về Thăng Long - Hà Nội từ thời xa xưa - 1

Ký họa Tháp rùa.

Văn học chữ Hán hoặc Hán Nôm và thơ Nôm

Văn học chữ Hán, Hán Nôm hoặc chữ Nôm qua các thời kỳ lịch sử viết về Thăng Long - Hà Nội có một số tác phẩm nổi tiếng còn được lưu truyền tới ngày nay. 

Một tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như Thượng Kinh ký sự của Lê Hữu Trác. Ông sinh năm 1721, là người xã Liên Xá, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông thuộc dòng dõi một gia đình có nhiều đời đại đăng khoa. Ông đã từng xếp bút nghiên, theo việc đao cung, nhưng rồi phải rời quân ngũ về quê ngoại, phụng dưỡng mẹ già. Từ đó, dốc lòng nghiên cứu y khoa, mở trường dạy y học, và ra công trước tác một bộ sách y khoa - Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh.

Năm 1782, ông được Huy Quận công Hoàng Đình Bảo tiến cử lên kinh đô, để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ). Sau đó, ông về nhà kịp trước khi xảy ra loạn kiêu binh, mở đầu thời đại loạn đến năm 1802.

Sau khi về, ông ghi lại những điều mắt thấy tai nghe tại kinh đô trong cuốn tuỳ bút Thượng kinh ký sự. Tác phẩm có nhiều chương, tràn đầy giá trị về hiện thực lịch sử thời kỳ rối loạn của triều đình phong kiến Lê - Trịnh, thời Lê mạt.

Xuất hiện muộn hơn và còn sống sang thế kỷ XIX là nhà thơ Hán học uyên thâm đã từng đỗ Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872). Ông quê gốc ở Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội, làm quan ở triều Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức kiêm chức Thị giảng cho các hoàng tử. Tác phẩm chính có Phương Đình văn loại và các sách nghiên cứu như Chư kinh khảo lục, Chư sử khảo thích, Tứ thư bị giảng.

Đương thời Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát là hai danh sĩ tiêu biểu xuất sắc: “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán”. Ông là nhà thơ có tài, sáng tác nhiều thơ  hay về đất nước, nhân dân và dân tộc (như bài Chương Dương độ nổi tiếng). Đặc biệt ông có nhiều bài thơ hay về Thăng Long- Hà Nội được nhiều người thích thú và còn tham gia dịch thành thơ quốc ngữ trong ngày hôm nay như bài Du Tây Hồ.

Bài thơ chữ Hán Du Tây Hồ được rất nhiều người hứng thú tham gia dịch thành thơ, nhà thơ Ngô Văn Phú (2008) và nhiều người khác như Nguyễn Văn Đề (2014), Nguyễn Minh (2017), Phạm Thành Cát (2018), Lương Trọng Nhàn (2018), Trương Việt Linh (2019, 2020)…

Cao Bá Quát có bài Thăng Long thành lãm thắng hữu cảm (Cảm xúc khi lên thành Thăng Long ngắm cảnh) được Hoàng Tạo dịch:

Bậc nhất phồn hoa kinh khuyết cũ

Cao sâu Nùng, Nhị vẫn  sơn  hà

Trành trì trơ mấy hồi kim cổ

Thành phố thay bao lớp trẻ già

Nguyên văn chữ Hán thơ Nguyễn Văn Siêu:

Du Tây Hồ

Kim cổ dữ như thử

Giang sơn diệc thức phu

Thành trì không lịch lịch

Thiên thuỷ tự du du

Chung thanh tỉnh phù thế

Thu sắc minh tàn thu

Thả tâm  kim triêu hứng

Đồng quân đãng bách ưu

Dịch thơ của Ngô Văn Phú:

Xưa kia từng đã thế này

Núi sông đứng đó có hay chăng là

Thành trì dằng dặc còn trơ

Bên trời bên nước lững lờ chốn đây

Tiếng chuông tỉnh mộng đời này

Màu cây, sắc lá rõ ngày cuối thu

Sớm nay chơi đến lu bù

Cùng anh rửa sạch mọi lo lầu lầu

Sách Văn khắc Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội của Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010) - do Đỗ Thị Hảo làm chủ biên, cùng tập thể tác giả - là một công trình sưu tầm và dịch thuật công phu. Theo giới thiệu vắn tắt, thì Văn khắc là bộ phận rất quý của văn hiến ngàn năm Thăng Long. Hơn 1000 văn bia của Trung tâm Thăng Long xưa (Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm) chứa đựng biết bao tài liệu, biết bao hồn phách… của nền văn minh Thăng Long rực rỡ lâu đời, đáng tự hào!

Trong hơn 1000 văn bia nội thành (còn nếu kể cả văn chương, câu đối hoành phi… thì con số lên đến hơn 10.000), các soạn giả chọn dịch chú thích 123 bia, văn chương (minh văn) biển gỗ, thể hiện cái độc đáo và đa dạng của người Hà Nội.

Bên cạnh đó, còn có cuốn sách Thơ Thăng Long - Hà Nội qua Hà Thành thi sao của Nhà xuất bản Hà Nội. Đây là quyển sách nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của Nhà xuất bản Hà Nội.

Xin lược trích đôi lời bình luận sách:

“Hà Thành thi sao” - cuốn sách sao chép lại những thi phẩm về Thăng Long - Hà Nội là một trong những công trình tinh tuyển đặc sắc nhất trong dòng thơ ca Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội từ trước tới nay. Công trình được nhà Hán học Nhâm Văn Đinh và Trần Duy Vân dày công biên soạn và sao chép lại từ năm 1975.

Ở tập sách này, ngoài những tác giả có đôi bài thơ về Thăng Long – Hà Nội được trích từ “Hoàng Việt thi tuyển”, “Truyền kỳ lục”, “Thăng Long cổ tích khảo”,… thì còn tới 7 thi phẩm riêng về Thăng Long - Hà Nội được sao chép lại.

Đó là “La thành cổ tích vịnh”, “Thăng Long tam thập vịnh”, “Thăng Long thập cửu vịnh”, “Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ”, “Long Biên bách nhị vinh”, “Long Biên ái hoa hội”, “An Nam kinh đô bát cảnh”.

Với “Hà Thành thi sao”, hình ảnh Thăng Long - Hà Nội được khắc hoạ với một vẻ đẹp đa dạng, muôn hình vạn trạng, thể hiện ở những di tích, danh thắng, qua những sự kiện nổi bật diễn ra trên mảnh đất nghìn năm, ở nếp sống thanh lịch, bức tranh sinh hoạt đời thường của người Hà Nội…

Điều đặc biệt ở tuyển tập này là dưới mỗi thi phẩm đều có phần nguyên chú và địa chỉ, sự tích, truyền thuyết, hay những sự kiện liên quan đến bài thơ. Đây chính là nguồn tư liệu vô cùng giá trị về truyền thống văn hoá của đất và người Thăng Long - Hà Nội, nhưng đến thời điểm hiện nay, phần lớn vẫn chưa được dịch chú và giới thiệu đến bạn đọc rộng rãi”.

… Cuốn sách được kết cấu thành ba phần chính:

1. Lời đề dẫn của người biên soạn. Trong bài viết này, tác giả tập trung giới thiệu tổng quát về tác giả Trần Duy Vân cùng tác phẩm của ông; khảo cứu văn bản Hà Thành thi sao, khái quát giá trị chính về mặt nội dung của tác phẩm.

2. Phần tuyển tác phẩm: Giới thiệu 270 thi phẩm được lựa chọn từ tác phẩm Hà Thành thi sao. Đây là phần nội dung chính của công trình. Tất cả 270 tác phẩm được lựa chọn đều được giới thiệu đầy đủ với tất cả các phần: nguyên văn chữ Hán Nôm (được chế bản vi tính), phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ.

3. Phần Phụ lục tuyển chọn thêm 29 bài thơ đặc sắc, trực tiếp viết về Thăng Long - Hà Nội, nằm ngoài văn bản Hà Thành thi sao. Đây là sự bổ khuyết của những người biên soạn vào công trình của người đi trước, hướng tới một tuyển tập Hà Thành thi sao mới trọn vẹn hơn, đầy đủ hơn.

Cũng trong phần Phụ lục này, các tác giả giới thiệu thêm phần chữ Hán Hà Thành thi sao được scan lại nguyên bản (…) Ngoài ra là một số hình ảnh về Hà Nội xưa, như sự minh hoạ cho phần nội dung tác phẩm…

Về thơ Nôm, thời cận đại có bài thơ Thăng Long thành hoài cổ được coi là tuyệt bút của Bà Huyện Thanh Quan, viết theo thể thất ngôn bát cú của Đường thi. Đã có nhiều lời giải hay cho bài thơ được đưa vào sách giáo khoa.

Bà Huyện Thanh Quan là người sống vào thời gian khoảng nửa đầu thế kỷ XIX ở nước ta, có thời vào Kinh làm chức Nữ quan Cung trung giáo tập tại kinh đô Phú Xuân (Huế) của triều Nguyễn. Sau đó, bà từ quan, về sống ở quê hương, tiếp tục làm thơ và để lại nhiều kiệt tác trong nền thi ca trung đại. Phong cách thơ của nữ sĩ thường trang nhã, hài hoà, giọng điệu thơ du dương, chậm và buồn, mang màu sắc cổ kính và tài hoa.

Nỗi buồn hoài cổ mang tính nhân văn cao cả trong Thăng Long thành hoài cổ cũng được nữ sĩ diễn tả tương tự trong bài Chùa Trấn Bắc. Nhà thơ đứng lặng nhìn sắc màu thời gian và nỗi buồn như lan toả, thấm thía.

Các nữ sĩ tài danh xưa kia cũng thường du ngoạn và để lại những vần thơ về Tây Hồ như Niềm vui dạo đêm của Đoàn Thị Điểm, Chơi Tây Hồ nhớ bạn, Hồ Xuân Hương, Vịnh Thăng Long thành hoài cổ Hồ Xuân Hương  

Đồng cảm với các nữ sĩ, văn hào Nguyễn Du cũng có hai bài thơ vịnh  Thăng Long sau nhiều năm xa cách (xin gọi là Thăng Long (I) và Thăng Long (II).

Thăng Long (I):

Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng

Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long

Thiên niên cự thất thành quan đạo

Nhất phiến tân thành một cố cung

Tương thức mỹ nhân khan bão tử

Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông

Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy

Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung

Thăng Long (II):

Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành

Do thị Thăng Long cựu đế kinh

Cù hạng tứ khai mê cựu tích

Quản huyền nhất biến tạp tân thanh

Thiên niên phú quý cung tranh đoạt

Tảo tuế thân bằng bán tử sinh

 Thế sự phù trầm hưu thán túc

Tự gia đầu bạc diệc tinh tinh

Hiện nay Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, 2020) với hơn 500 trang đã được  Đỗ Trung Lai soạn thảo và biên dịch gồm có 3 phần: Thanh Hiên thi tập (1785 - 1804), Nam trung tạp ngâm (1804 - 1813), Bắc hành tạp lục (1813 - 1814). Đây là công trình công phu có giá trị và rất quý.                                       

Trong tương lai, sưu tầm đầy đủ các tác phẩm chính thống và rộng rãi của tư nhân trong xã hội thời trung đại, chúng ta sẽ có một kho tàng tư liệu quý giá về văn học nói chung và nói riêng viết về Thăng Long - Hà Nội thời xa xưa.

Đoàn Trọng Huy

Tin liên quan

Tin mới nhất

4 con giáp vừa giàu vừa may cuối tháng 10 này

4 con giáp vừa giàu vừa may cuối tháng 10 này

Theo tử vi, vào những ngày cuối tháng 10, người thuộc 4 chòm sao này sẽ mở ra bước ngoặt lớn. Họ sẽ tạm biệt quá khứ và đón chào những hy vọng, cơ hội mới, không những sự nghiệp thăng tiến mà cuộc sống nói chung đầy hứng khởi.

Truyện cổ tích: Cóc kiện Trời

Truyện cổ tích: Cóc kiện Trời

Câu chuyện giải thích hiện tượng thiên nhiên mỗi khi cóc nghiến răng khi trời mưa, đồng thời cho thấy tinh thần đoàn kết là sức mạnh tốt nhất.