Truyện ngắn “Kép tư bền” của Nguyễn Công Hoan
Nhà văn bậc thầy Nguyễn Công Hoan viết thiên truyện ngắn xuất sắc “Kép Tư Bền” trong thời gian ông bị đau mắt.
Trong Đời viết văn của tôi, nhà văn cho biết: “Có đề tài lúc chập tối, tôi bứt rứt, bực bội, đắn đo, không biết có nên thức mà viết hay không. Tôi mà liều, mắt bị sưng rất nặng. Nhưng chờ cho đến ngày khỏi mới viết, thì câu chuyện nó nguội, hóa thiu, hóa thối ra mất thôi. Thế là tôi quyết định viết” (Nguyễn Công Hoan, Đời viết văn của tôi, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1994, tr. 270).
Nhà văn Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan đã lẳng lặng dậy và rón rén đến bên bàn viết. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu vặn nhỏ (vì phải giấu vợ), nhà văn vừa viết, vừa lau mắt. Ông đã đầy đọa đôi mắt ốm yếu của mình từ mười giờ tối đến năm giờ sáng ngày 27/3/1933 để viết cho bằng xong truyện Kép Tư Bền.
Nguyễn Công Hoan là nhà văn đặc biệt nhạy cảm trước những cảnh ngộ, tình huống có tính chất trào phúng. Trong thiên truyện Kép Tư Bền, ông đã phát hiện ra mâu thuẫn hết sức trớ trêu của anh Tư Bền: anh ta buộc phải cười (vì phải đóng vai hề) vào đúng cái lúc đáng ra anh phải khóc (người cha của anh sắp chết).
Tác phẩm "Kép Tư Bền"
Kết cấu của truyện ngắn Kép Tư Bền được tổ chức theo trình tự thời gian. Nhà văn đã dẫn dắt câu chuyện theo chiều hướng mỗi lúc lại càng bộc lộ rõ hơn mâu thuẫn có tính chất trào phúng, thời gian càng kéo dài lại càng làm nổi bật hơn cảnh ngộ bi thảm của anh kép Tư Bền. Con mắt sắc sảo, thấm đượm nhân tình của ông đã nhìn thấy, đằng sau cái vở hài kịch vui vẻ, ồn ào đang diễn ra trên sân khấu, là cả một tấn bi kịch thê thảm thực sự của một con người. Ngòi bút truyện ngắn bậc thầy của ông đã làm hiện hiện lên trước mắt người đọc “sự tương phản gay gắt” giữa cảnh ngộ bi thảm, tâm trạng đau xót của kép Tư Bền với nội dung vui nhộn, bông lơn, cười cợt của cái vai hề mà anh cực chẳng đã phải biểu diễn trên sân khấu.
Cùng với thủ pháp tương phản, trong truyện ngắn Kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan còn sử dụng thành công thủ pháp “tăng cấp”. Tăng cấp trong việc miêu tả nội dung vai diễn của của kép Tư Bền mỗi lúc lại càng rôm rả, “nhiều cái vui trò” hơn. Tăng cấp trong việc thể hiện sự cổ vũ, hoan nghênh, tán thưởng của khán giả càng lúc lại càng cuồng nhiệt hơn. Tăng cấp trong việc đưa tin bệnh tình người cha kép Tư Bền mỗi lúc một một nguy kịch hơn. Lúc kép Tư Bền từ nhà đi đến rạp Kịch trường thì cha anh “sắp chết”, “đã thấy nguy lắm rồi”.
Đến hồi thứ hai, khi Tư Bền đang phệnh phạo trên sân khấu thì cha anh đã “nguy hơn ban nãy. Đã cấm khẩu rồi!”. Hết hồi hai, lúc đang ngồi thừ người trong phòng trò thì Tư Bền lại nhận được tin “cha anh đã mê đặc, chân tay đã lạnh cả rồi”. Buổi biểu diễn vừa kết thúc, Tư Bền đang trong tâm trạng rối bời thì một bạn hát chạy đến nói: Cha anh đã “hỏng từ nãy mất rồi”. Mỗi một lời thông báo về bệnh tình của người cha kép Tư Bền lại thêm từ “rồi” ở cuối như những tín hiệu báo trước, trong cuộc chạy đua nước rút với tử thần, kép Tư Bền lúc nào cũng chậm hơn.
Để tô đậm tâm trạng nóng lòng, sốt ruột của kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan đã miêu tả dòng thời gian của vở diễn trôi chảy thật nặng nề, chậm chạp. Đó là dòng thời gian tâm trạng. Cảnh đầu diễn ra đối với anh Tư Bền, “sao mà lâu thế!”. Cảnh thứ hai, cũng “lâu như cảnh đầu, mãi mới hết”. Cái cảnh cuối cùng, “anh cho là lâu tới, thì khán giả cho là chóng quá”. Đến lúc sắp hạ màn, kép Tư Bền cúi chào, thì “cả rạp vỗ tay đôm đốp thật dài”.
Anh tưởng phen này đã “hết nợ”, có thể về để kịp nhìn mặt cha trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, thì ở chỗ ghế hạng nhất, tiếng kêu “Bis! Bis!” lại nổi lên. Anh Tư Bền, cực chẳng đã, “lại phải giấu bộ mặt rầu rầu” để “vui vẻ diễn lại đoạn cuối một lần nữa”. Rồi đến khi bài kèn chào nổi lên, cái màn từ từ buông xuống, kép Tư Bền vẫn chưa được buông tha. Anh vẫn bị đầy đọa, hành hạ tiếp bằng những cái bắt tay, những lời khen ngợi, những bó hoa, làm cho anh “ruột càng như thiêu như đốt”.
Ảnh minh họa.
Qua truyện ngắn Kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan đã thể hiện sự cảm thông với nỗi niềm, tâm sự của một con người buộc phải làm trò cười trong hoàn cảnh đáng khóc. Nhà văn đã nhìn thấy những biểu hiện tinh tế trong tâm hồn kép Tư Bền và miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật “mỗi lúc một thêm rầu rĩ, xót xa, cay đắng”.
Ở nhà, cha kép Tư Bền “đương dở chứng khò khè, chỉ chờ từng phút để thở một hơi nữa là hết nợ” thì trong buồng trò, anh cũng “đương nẫu ruột nhầu gan”. Anh “ngồi ủ rũ trước cái gương, bụng thì rối beng, mặt thì nhăn nhó, nhưng tay vẫn phải sờ vào hộp phấn để đánh mặt, quệt vào đĩa mực để bôi nhọ cái mồm…”.
Trình diễn xong cảnh đầu, đến cảnh thứ hai, cái vẻ “lo âu” của kép Tư Bền “nó hiện ra ở trước mặt”. Đến khi nhận được tin cha đã mê đặc, kép Tư Bền “ứa hai hàng nước mắt”, không sao kìm nổi nỗi đau thương đã “khóc nức khóc nở”. Khi bị đẩy ra sân khấu tiếp tục làm trò, anh “vừa thắt dải áo, vừa sụt sịt mếu máo”.
Chứng kiến cảnh anh kép hát buộc phải diễn trò, người kể chuyện đưa ra nhận xét: “Cái cảnh thương tâm của anh Tư Bền đi đôi với cái bông lơn, cứ diễn ra mãi, mỗi chốc lại càng thương tâm hơn lên”. Thủ pháp tăng cấp vừa có tác dụng tô đậm thêm cảnh ngộ bi thảm của nhân vật, vừa tạo ra trong tác phẩm một không khí căng thẳng, hồi hội, đầy kịch tính. Tác phẩm được kết thúc vào đúng cái lúc tâm trạng của kép Tư Bền tột cũng bi thảm, đau đớn, tạo nên một dư vị thật ngậm ngùi, chua chát cho người đọc.
Trong truyện ngắn Kép Tư Bền, cũng nhờ thủ pháp tương phản mà Nguyễn Công Hoan đã lột trần cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa của ông chủ rạp Kịch trường. Con mắt sắc sảo của nhà văn đã nhìn thấu tim đen của hắn. Để buộc kép Tư Bền phải nhận lời đóng vai chính cho vở Ông nghị ba phải, hắn đã dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn, từ dọa nạt đến ân cần thăm hỏi người cha của anh, từ dỗ dành, phỉnh nịnh đến trói buộc anh bằng giấy giao kèo… Thật là nhẫn tâm khi hắn biết cha kép Tư Bền đang ốm sắp chết mà vẫn cố tình “đẩy anh ra sân khấu” để anh “lại phải hò, hét, ngâm, cười, múa, nhảy, để mua gượng lấy những tràng vỗ tay”.
Nguyễn Công Hoan đã bóc trần lớp sơn bên ngoài hào nhoáng của một bộ phận thuộc tầng lớp ông chủ, những kẻ giả nhân giả nghĩa, nhân danh nghệ thuật mà thực chất là lợi dụng nghệ thuật, chà đạp lên cả lương tâm, đạo lí, cả tình cảm thiêng liêng của con người, coi đồng tiền là trên hết. Qua Kép Tư Bền, Nguyễn Công Hoan đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc của mình trước tình cảnh một nghệ sĩ “tính thích tự do” nhưng vì nghèo túng mà phải bán rẻ tự do, trở thành kẻ lệ thuộc vào túi tiền của những ông chủ. Cảm hứng hài kịch ở đây đã nhường chỗ cho cảm hứng bi kịch, trào lên niềm xót thương chân thành của nhà văn trước tình cảnh thê thảm của người nghệ sĩ nghèo trong xã hội cũ.
Viết xong truyện ngắn Kép Tư Bền, mắt Nguyễn Công Hoan đau nặng thêm, nhưng nhà văn cảm thấy “rất khoan khoái, nhẹ nhõm”. Thiên truyện xuất sắc này cùng với 14 truyện ngắn khác được in trong tập truyện Kép Tư Bền (1935). Cuốn sách đã được 18 tờ báo lớn nhỏ khắp Trung, Nam, Bắc đăng bài khen ngợi. Nhà sách Hương Giang ở Huế đã mở một cuộc trưng cầu ý kiến các bạn đọc để xem cuốn sách nào được hoan nghênh. Kết quả là Kép Tư Bền được xếp lên đầu. Tập truyện ngắn đầu tay này của Nguyễn Công Hoan cũng là một trong những nhân tố làm bùng nổ cuộc tranh luận gay gắt giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.
(Đọc "Núm Sống" - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2023)
Bình luận