Về bến sông xưa cùng Trương Đức Minh Tứ
“Về bến sông xưa” là tác phẩm mới nhất của Trương Đức Minh Tứ, do Nhà xuất bản Thuận Hóa in ấn.
Trước đó, anh từng cho ra mắt bạn đọc các tác phẩm: “Dưới chân thành cổ” (NXB Hội Nhà văn), “Hương rừng” (Hội VHNT Quảng trị), “Dòng sông ký ức” (NXB Văn học)... Anh cũng từng được nhiều giải thưởng văn học và báo chí giá trị của Trung ương và địa phương, có rất nhiều đóng góp cho báo chí và văn chương quê nhà (anh là Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập báo Quảng Trị, Chủ tịch Hội nhà báo Quảng Trị).
Bìa bút ký “Về bến sông xưa”
Nhà văn - nhà báo lão thành Phan Quang - nguyên Giám đốc TBT Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam viết về Trương Đức Minh Tứ và tác phẩm “Về bến sông xưa”: Tôi thích thú, có thể nói là trân trọng quý yêu một tác phẩm hòa quyện báo chí và văn học. Tác giả gắn bó từ tuổi thơ với sông Hiếu, dòng sông chảy vắt ngang qua TP Đông Hà: “Mỗi dòng sông cũng như mỗi đời người, đều có gốc gác cội nguồn tình yêu và nỗi nhớ đan cài”.
Xin được nói luôn, tôi trân trọng quý yêu “Về bến sông xưa” mộ phần còn bởi tác phẩm khuấy động trong tôi bao kỷ niệm buồn vui, đan xen những dòng nước mắt và những nụ cười hồn nhiên bên bờ sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, sông Nhùng, sông Mỹ Chánh Ô lâu quê hương Quảng trị.
Quảng Trị - với người viết bài viết này, là quê hương, mảnh đất thiêng liêng hơn mọi tình yêu. Quảng trị, là thơ Vĩnh Mai: “Đò em lên xuống Ba Lòng/ Chở người cán bộ qua vùng chiến khu… Ai về bến Trấm thì lên/ Về cho sơm sớm mưa đêm khó chèo". Là thơ Chế Lan Viên: “Ôi gió Lào ơi! Ngươi đừng thổi nữa /Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ /Những đồi sim không đủ quả nuôi người /Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười /Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng”. Là tâm sự của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Cái mảnh đất Quảng Trị gần như tôi si mê nó, hình như trong con người tôi và mảnh đất ấy có chung một sợi dây thần kinh mà hễ cứ chạm đến đấy thì cả con người tôi rung lên. Tôi đã gắn bó với nó - quê hương chiến tranh và khổ ải ấy - hơn cả với quê mình”.
Nhà báo Trương Đức Minh Tứ (trái)
Và Quảng trị trong văn Trương Đức Minh Tứ: “Quê hương hai tiếng ấy với tôi bình dị như bờ tre, gốc rạ, như cái giếng đầu làng, nguồn nước mà cả làng dùng chung; là hình ảnh lam lũ của cha mẹ ta, của người anh, người chị trên cánh đồng xa; là mái nhà chật chội, đụng đâu cũng thấy cột kèo, không còn phù hợp với lốisống hiện đại. Nhưng quê hương gắn với mái nhà xưa, với bà con lối xóm, là nơi chúng ta đã sinh ra và lớn lên, nếm trải qua những năm tháng gian khó nhưng bình yên bên mái ấm gia đình. Và cứ mỗi khi thấy bất an trong lòng, tôi lại quay về bên mái nhà xưa”. (“Về bến sông xưa”, trang 220).
Tôi càng yêu quê hương Quảng Trị, càng yêu tiếng hát mẹ tôi Tân Nhân, yêu giọng ngâm thơ nghệ sỹ Châu Loan, yêu những giai điệu của Trần Hoàn, Hoàng Thi Thơ, yêu thơ Chế Lan Viên, Vĩnh Mai, yêu văn Phan Quang, Ngô Thảo, Nguyễn Khắc Thứ, Trương Quang Đệ… và yêu các cây bút trẻ hôm nay: Trương Đức Minh Tứ, Bùi Phan Thảo...
Ông Trương Đức Minh Tứ tái đắc cử Chủ tịch Hội nhà báo Quảng Trị
Một ngày gần đây, cùng đoàn báo Việt Nam về tri ân nơi quê hương Quảng Trị, mới giật mình chính miền đất nắng lửa gió Lào và ớt cay đến xé lưỡi này, có quá nhiều nhà báo thành danh khắp miền Tổ quốc, từ thế hệ các ông Phan Quang, Chế Lan Viên, Ngô Thảo, đến lớp trẻ hôm nay, là Trần Trọng Dũng- nguyên TBT báo Công An TPHCM, nay là Phó chủ tịch Hội nhà báo VN (con trai đồng chí Trần Trọng Tân- nguyên trưởng ban Tư Tưởng văn hóa TW), Đinh Như Hoan- Phó tổng biên tập báo Nhân dân, Nguyễn Khắc Văn- Phó TBT báo SGGP, Lê Thế Chữ- TBT báo Tuổi trẻ. Trương Đức Minh Tứ- TBT báo Quảng trị, Chủ tich Hội nhà báo Quảng trị. Mỗi thành phẩm, tác phẩm của họ tôi đều hết sức trân trọng và yêu quý, như khi nâng niu tập sách Về bấn sông xưa này trên tay...
Tôi hết sức đồng cảm với nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam viết về Trương Đức Minh Tứ và tập sách: “Trên đường ra biển Cửa Việt nhà báo Trương Đức Minh Tứ tặng chúng tôi tập bút ký của anh vừa xuất bản “Về bến sông xưa” (NXB Thuận Hóa,). Minh Tứ sinh năm 1964, cựu sinh viên Văn khoa, Đại học Tổng hợp Huế, ít hơn Phan Quang 36 tuổi - nhà báo thuộc thế hệ con cháu.
Trong tác phẩm của mình, bút ký đầu tiên đặt ở vị trí hàng đầu, tác giả viết về nhà báo, nhà văn đồng hương Phan Quang với tiêu đề “Nhà báo kỳ cựu Phan Quang”, gắn với quê hương Quảng Trị qua cuộc đời và qua chính các tác phẩm của ông. Minh Tứ đã dành cho thế hệ nhà báo cách mạng lớp cha ông sự kính trọng cả về tâm và tài; về tầm nhìn, đức độ, tình yêu quê hương. Minh Tứ khởi nghiệp nghề báo tại vùng đất Tây Nguyên, gắn bó với phố núi vùng bắc Cao Nguyên đầy nắng gió. Khi đã có độ chín về nghề nghiệp anh trở về bên dòng sông Hiếu yêu thương biết mấy tự hào của quê hương Quảng Trị và giữ trọng trách Thư ký Tòa soạn, Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập Báo Quảng Trị nhiều năm nay”
Xin tạm khép lại bài viết với những dòng tâm sự của nhà báo lão thành Phan Quang: Đọc “Về bến sông xưa” của Trương Đức Minh Tứ, tôi bồi hồi nhớ lần trở lại bờ sông Bến Hải gần nửa thế kỷ trước, khi Hiệp định Paris lập lại hòa bình tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, từ 7 giờ sáng 28/1/1973. Cái quan trọng, theo nội dung được bốn bên ký kết hiệp định thỏa thuận, là quân Mỹ sẽ rút hết khỏi Việt Nam. Đây là giờ khắc Sông Bến Hải bên bồi bên lở/Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/Cách ngăn mười tám năm trường/ Khi mô mới được nối đường vô ra/Bây giờ cầu lại bắc qua/ Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình (Tố Hữu). Tôi đã băng qua cầu Hiền Lương sáng hôm ấy trên chiếc cầu phao do công binh ta vừa mới bắc trong đêm. Chiếc xe dã chiến vừa đưa tôi từ Hà Nội vào giới tuyến bám sau xe của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị ngang qua sông Bến Hải vào thị xã Đông Hà lúc này chỉ còn là một mớ đổ nát hoang tàn. Nghe nói còn sót lại duy nhất một ngôi chùa do Hội Phật giáo vừa mới xây, không hiểu sao nằm ngoài tầm ngắm của đạn bom từ đôi bờ và từ các chiến hạm ngoài biển khơi cho nên vẫn tồn tại.
Những người đã bám trụ Đông Hà những ngày ác liệt ấy sáng nay tiếp nhà báo cứ dặn đi dặn lại: Phải cẩn thận, hết sức cẩn thận. Công binh ta chỉ có thời gian vừa đủ để rà soát bom mìn một quãng Quốc lộ 9 chạy ngang qua thị xã. Mọi người chỉ có thể di chuyển an toàn trên chặng đường ấy. Mà nhất thiết phải đi trên mặt đường, không được đặt chân dù chỉ một bước ngắn lên hai bên lề, chưa nói chuyện tìm đến một nơi nào khác. Có vô khối bom mìn đang ẩn mình ở mọi nơi. Đang trò chuyện, bỗng chúng tôi thảng thốt nghe mấy tiếng nổ dội lại vang rền.
“Tôi đã có dịp đến nhìn ngôi chùa ấy ở vào mạn cuối chặng đường an toàn và ngạc nhiên thấy chùa được kiến trúc trên cái nền hình lục giác chứ không như những ngôi chùa tôi vẫn hình dung. Sau mới biết đó là Tịnh xá Ngọc Hà, người dân địa phương gọi chùa Tám mái. Không nhìn thấy và tuyệt nhiên không nghe ai nói đến căn nhà rường của thân sinh cây bút họ Trương gần bờ sông Hiếu. Phải chăng tại đất đá do bom đạn từ các chiến hạm ở ngoài khơi dội vào hắt lên từ bốn phía phủ kín, không còn được thấy bóng dáng căn nhà, mặt khác lại làm cho nó biến thành một hầm trú ẩn của quân ta. Đọc cuốn sách của bạn, tai kẻ viết bài này tưởng như nghe từ quá khứ vọng lại tiếng ngói vỡ lạo xạo dưới mỗi bước chân của chính mình, một lần vào đầu năm 1947, khi tôi theo cha trong đêm về lại khu vườn cũ nơi có căn nhà rườAng cha làm, tìm xem may ra còn sót lại chút gì sau khi giặc Pháp đốt cháy trọn làng quê, mang đến nơi sơ tán, thêm vào để tạm sống qua ngày. Quảng Trị quê miềng nửa thế kỷ trở về trước từng phải trải qua những ngày những đêm như thế” - tôi trầm ngâm hồi tưởng khi gấp lại cuốn “Về bến sông xưa” một đêm xuân Hà Nội yên tĩnh đến lạ lùng” (Phan Quang)
Nhìn trên bản đồ Việt Nam thì Hà Tiên là một cái chấm nhỏ ven biển cuối trời phương Nam giáp với Campuchia, trong khi đó...
Bình luận