Vì sao thơ Trần Mạnh Hảo hấp dẫn người đọc?

Có thể nói hơn ba thập niên gần đây một trong những thể loại văn học vốn được ưa thích ở nước ta là thơ ngày càng thất sủng đối với độc giả. Nhất là từ khi thơ tự in được phép ra đời. Số lượng các tập thơ in ra ngày càng nhiều thì thêm một lần thơ nước ta bị phổ thông và nghiệp dư hóa. Gần hết các tập thơ in ra kể cả thơ tự in và thơ là ấn phẩm được nhà nước đặt hàng đều không bán được. Bất chấp hàng năm Hội nhà văn, Liên hiệp văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương đều tặng thưởng cho các tập thơ được mặc định là “hay, chất lượng”.

Trong không khi ảm đạm của thơ như thế, thì “Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo” (TTTTMH) được tung ra, trở thành một tác phẩm được người đọc săn lùng và tìm đọc. Theo nhà thơ Chử Thu Hằng – một đại lý phát hành tác phẩm này cho biết, 1000 bản in đầu tiên đã bán hết chỉ trong ba tuần lễ, tác giả phải lập tức in nối bản, mà lượng người tìm mua vẫn chưa hạ nhiệt. Tình trạng độc giả tìm đọc TTTTMH xem như một hiện tượng đáng mừng của văn học, của thơ năm 2022. Có thể nói thơ Trần Mạnh Hảo đã cứu lại danh dự cho thơ Việt Nam trong mắt người  đọc.

Vì sao thơ Trần Mạnh Hảo hấp dẫn người đọc? - 1

“Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo”

TTTTMH có 478 trang (phần mục lục chiếm 22 trang). Nếu trừ hai bài thơ ngắn “Bác cà cuống” ,“Trâu thơ” in lại bài “Cà cuống vua nước mắm”, “Trâu và thơ” do sơ xuất của biên tập thì trong 455 trang nội dung của tuyển tập này tuyển 534 bài thơ trong hành trình sáng tác thơ hơn nửa thế kỉ của Trần Mạnh Hảo (Bài thơ “Khi chưa có mùa thu” –Trang 55 được ghi năm sáng tác vào 1970).

Tôi đọc khá kĩ 534 bài thơ này thì điều nhận thấy đầu tiên, sở dĩ thơ Trần Manh Hảo có sức hút đối với bạn đọc vì tất cả các bài thơ trong tuyển tập này dù viết về đề tài riêng tư, đề tài xa lạ với các đề tài thơ truyền thống như mây hoa tuyết nguyệt thì thơ Hảo vẫn nổi lên những vấn đề xã hội mà người đọc quan tâm với một cách viết của nhà thơ mang tâm thế và nhiệt huyết thực sự đối với xã hội.

Đó là nỗi mất mát trong chiến tranh, số mệnh, quyền con người, nỗi bất công, oan trái trong xã hội hiện nay. Đây là đặc trưng lớn nhất trong thơ Trần Mạnh Hảo. Trong khi gần hết các nhà thơ lặn ngụp với các đề tài riêng tư, thậm chí khi viết về  những đề tài lớn thì đa phần vẫn không thoát khỏi sự phô diễn những trăn trở cá nhân không gắn gì với suy tư của quần thể xã hội, nỗi bức xúc của con người trước thực tế, đặc biệt là những ngang trái, bất công.

Chính sự ẩn mình quá sâu trong riêng tư nên hầu hết các nhà thơ luôn vuốt ve, đánh bóng cảm xúc của mình bằng những vần thơ, câu chữ vô hại chỉ để phản ảnh mặt đẹp, mặt thuận chiều của cuộc sống, của xã hội. Còn trong thơ Trần Mạnh Hảo – cũng vẫn là thể loại trữ tình-  bằng sự quan sát tinh tế, bằng sự dấn thân và một cách nhìn của nhà thơ có trách nhiệm với cuộc đời, với con người, ông đã phản ảnh khá đầy đù, toàn diện các mặt của sự kiện một cách khách quan và đầy sự nồng nhiệt có chủ kiến.

Nếu đời chị tính từ thời bác Tố

Chắc giờ ngoài tuổi chín mươi

Những đêm nay tôi vẫn thấy một người

Thấy nhiều người

Chạy vụt khỏi nhà cụ Cố

Trong mưa gió

Trong đêm đen

Trong cúp điện

Hình như chị Dậu vừa chạy ra khỏi nhà cùng đất nước

Để mình tôi (ở) lại với Tắt Đèn

(Trong cúp điện đọc Tắt Đèn - trang 100) 

Quá quen và có thể nói đã quá nhàm chán với những tác phẩm một chiều được viết theo chủ quan của tác giả, với những bài thơ, câu thơ “nước đường pha loãng” ru ngủ và tô hồng nên khi tiếp xúc thơ Trần Mạnh Hảo độc giả lập tức bị thu hút. Với bút pháp và cách nhìn chân thực và biện chứng về hiện trạng xã hội cùng cách viết dũng cảm mà tinh tế đã tạo nên luồng gió mới của thơ khiến độc giả phải chú ý.

Có thể nói thơ-thể loại trữ tình – đến với Trần Mạnh Hảo đã mang một diện mạo và sức mạnh lớn. Thơ ông đột phá vào tất cả mọi trạng thái nóng bỏng, bức xúc của xã hội với một nhiệt tình của một công dân chân chính. Mỗi bài thơ của ông mang đủ chức năng tỉnh thức và cảnh báo.

Kinh trận bão của giáo điều duy ác

Bắt con chim phải cục tác như gà

Ai muốn biến tình thương thành giáo mác

Gieo hận thù đến thác cũng không tha

(Vào kết – Trang 150)

Đọc thơ Trần Mạnh Hảo người đọc thấy rõ những nỗi ám ảnh của hiện thực xã hội ảnh hưởng rất nhiều vào thơ ông. Đó là nỗi ám ảnh về chiến tranh, về sự cực khổ, vất vả của người dân không chỉ trong chiến tranh mà còn trong hoà bình, nỗi ám ảnh về những vùng quê tươi đẹp nhưng vẫn lam lũ và nhiều ngang trái, nỗi ám ảnh về mẹ, nỗi về nhân tính thế thái…

Vì sao thơ Trần Mạnh Hảo hấp dẫn người đọc? - 2

Chân dung Trần Mạnh Hảo.

Những ám ảnh này đều mang suy tư chính đáng của người dân. Bằng phản xạ thính nhậy của nhà thơ, bằng cảm quan thường trực của một tâm hồn đa cảm và có trách nhiệm trước cuộc đời, thơ của Trần Mạnh Hảo đã vẽ nên bức tranh chân thực của xã hội Việt nam đang vặn mình đầy trăn trở để đi lên và phát triển.

Chính phác hoạ được bức tranh hiện thực qua suy tưởng này đã làm nên giá trị của thơ ông. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường - Nguyên Trưởng Khoa lý luận Trường ĐHSP Hà Nội khi trao đổi với tôi về thơ Trần Mạnh Hảo đã đưa ra một nghi vấn “Thơ Trần Mạnh Hảo có thay đổi theo thời gian không?”. Riêng tôi có thể khẳng định trong hơn nửa thế kỉ làm thơ Hảo vẫn trung thành với chất công dân của mình cùng một nhãn quan sắc sảo và một trí tuệ mẫn tiệp. Tố chất này cũng khiến thơ ông giữ được tính hấp dẫn lâu bền với người đọc. 

Đọc 534 bài thơ trong TTTTMH tôi nhận ra đây là một nhà thơ có một nội lực thơ mạnh mẽ và phong phú. Thơ Trần Mạnh Hảo có đề tài đa dạng như thiên nhiên, như cây trong vườn, từ con sâu đo, con xiến tóc, con ốc, con sáo đến cái xơ mướp, cái bóng… Thậm chí cả tiếng “ôi” cũng thành thơ.

Ngay những đề tài có vẻ bị cấm kị trong thơ như tình dục hay “cái ấy” - sinh thực khí cũng xuất hiện trong thơ ông. Nội lực thơ là thế nhưng như trên tôi đã nói, nhiều nỗi ám ảnh thường xuất hiện trong suy tư của ông mà thành thơ và trở thành những đề tài tạo ra nhiều thi phẩm giá trị.

Mặc dù thể hiện đề tài đa dạng, chạm tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống nhưng có một số đề tài luôn trở đi, trở lại trong sự day dứt khôn nguôi để hình thành lên một khối lượng thơ  nhiều gấp bội so với các đề tài khác. Về đất nước và các vùng quê có 55 bài, về văn chương, nghệ thuật có 43 bài.

Ở đề tàì này Trần Mạnh Hảo đã khắc hoạ thành công không ít chân dung các văn nghệ sĩ từ xa xưa đến hiện nay, Từ Lý Bạch, Đốtôiépki đến Kapka, Nam Cao, Nguyên Hồng đến Thanh Tùng… Nhiều nhân vật nổi tiếng trong văn chương như Kiều, chị Dậu, Chí Phèo-Thị Nở. Về thế giới có 27 bài. Tình yêu-tình dục có 26 bài, về mẹ có 26 bài. Về thế sự có 22 bài, về chiến tranh có 14 bài….

Ở bất cứ đề tài nào ông cũng có những bài thơ tài hoa và chân thực đến gan ruột. Viết về đất nước:

          Bom ném xuống đầu tôi vỡ hết

          Ngọn lửa nào vờ chết trong tro

          Em là lửa để tôi làm tro bếp

          Em hóa thành tổ quốc lúc cam go

(Tổ quốc của tình yêu - trang 84-85)

Viết về những nhân vật trong văn học nổi tiếng mà ông coi cho là “ấm ớ” :

Bao giờ chú Tễu ra uy

Rau răm nở đó hoa quỳ vênh vang

Chí Phèo áo gấm về làng

Để Xuân tóc đỏ cợt Giang Minh Sài

(Ấm ờ à, ấm ớ ơi - Trang 112-113)

Trong những bài thơ viết về nhà văn, nhà thơ cổ kim cũng như cùng thời có lẽ bài thơ viết về thi sĩ Thanh Tùng của cảng Hải Phòng là một trong những bài thơ hay nhất. Cái hay ở đây không chỉ nói được vóc dáng, tâm tính Thanh Tùng mà còn khái quát được chất cảng ở nhà thơ của thành phố hoa phượng đỏ:

Ông vừa đi vừa hốt hoảng

Nhồm nhoàm nhai những đám mây Hải Phòng

Đêm đói quá nằm mơ ăn hải cảng

Và Hải phòng ông đã uống xong

(Thanh Tùng - người ăn hải cảng, trang 192-193)

Viết về mẹ với những câu thơ nặng tình đối với người sinh thành ra mình với lòng biết ơn vô bờ với những câu thơ vừa lạ vừa quen:

Con ăn hết cánh đồng nốc cạn dòng sông mẹ tưới

Mây trắng trời hay cơm mẹ xới chờ con

 Ẩm thực ngàn thu mẹ chờ con tới

Có mẹ nằm,con biết đất làng ngon…

(Ẩm thực mẹ -155)

Sau Hồ Xuân Hương 200 năm chỉ có Trần Mạnh Hảo viết về điều, về vật dễ bị coi là kiêng kị dung tục trong văn chương và nhất là với thơ. Nhưng khác nữ sĩ họ Hồ, ông nói thẳng, nhìn thẳng, táo bạo và khái quát đẩy thành một triết lý ở đời trong bài thơ “Bác Linga” trang 449.

Vì sao thơ Trần Mạnh Hảo hấp dẫn người đọc? - 3

Trần Mạnh Hảo

Một nội lực thơ mạnh mẽ, phong phú với bút phóng túng và sáng tạo như vậy nhưng đi vào bếp núc sáng tạo thì Trần Mạnh Hảo lại tuân thủ những nguyên tắc thi pháp có thể gọi là cổ điển. Trong toàn bộ 534 bài thơ trong TTTTMH được viết theo các thể thơ kinh điển như trường thiên, lục bát, tứ tuyệt, song thất lục bát, duy nhất bài thơ “Người anh hùng họ Ngụy” trang 130-131, và bài thơ “Ngày đầu tiên làm thơ “ ( trang 39) là có dáng dấp những bài thơ văn xuôi, câu trong bài cắt xuống dòng không vần. Trần Mạnh Hảo rất tôn trọng vần, điệu trong thơ. Trừ trường hợp cá biệt trong bài thơ “ Những nhà thơ trẻ chúng tôi” (trang 366-369) có nhiều khổ thơ vần không được xử dụng. Khổ thơ dưới đây là tiêu biểu biểu:

Những bản thảo nằm mơ trong đáy ba lô

Không có giấc mơ nào bay về nhà xuất bản

Cả sư đoàn dừng lại để nghe thơ… 

Trần Mạnh Hảo là nhà thơ thứ hai trong làng thơ Việt Nam hiện đại sau Tố Hữu coi trọng và bằng mọi cách giữ vần trong thơ. Chỉ có điều khác là vần trong thơ Tố Hữu chỉ tạo nên những câu thơ đơn nghĩa  còn ở thơ Trần Mạnh Hảo nhiều khi trong quá trình tìm vần đã tạo ra những câu thơ đột biến, thăng hoa về ý, về xúc cảm. Khổ thơ dưới đây coi như một dẫn chứng:

Rụng cả hồn anh sông Hồng em lắc

Chim ngói mùa thu yêu rắc cốm vòng

Em nồng nàn như gió mùa đông bắc

Ôm nhau làm lay động giấc Thăng Long

(Còn em còn Thăng Long, trang 144)

Đặc điểm thứ ba cũng là điểm mạnh trong thơ Trần Mạnh Hảo là sự tùy hứng, bay bổng trong suy tưởng dẫn đến sự thăng hoa, sự phiêu trong câu thơ với những so sánh đột ngột :

Ngủ như bông súng ngoài đồng

Xé bùn lên vẫn sợ lòng bùn đau

(Mùa xuân ru con- trang 109)

Hay:

Em vẫn phóng xe vèo như chú sóc

Để trong hồn ai khóc giọt mưa ngâu

(Vàng xưa ơi- trang191)

Tựu trung lại, sức hấp dẫn của thơ Trần Mạnh Hảo bắt đầu từ nội lực thơ của ông. Từ nội lực thơ này cộng với chất công dân và sự phản ảnh đa chiều cảm xúc và sự vật được mô tả trong bút pháp đa dạng, thăng hoa với nhiều suy tưởng đột biến tạo nên chất lạ duy mỹ. Tất nhiên vì suy tưởng và kể cả mặc định cho sự suy tưởng quyết liệt một chiều đã khiến Trần Mạnh Hảo đôi khi viết ra những câu thơ quá với hiện thực được phản ảnh. Tỷ như:

Anh hẹn hò cùng lưỡi lê đại bác

Rung động đầu đời ôm xác bạn bè chôn

Em chợt lén vào giấc mơ giải thoát

Mắt em sâu chết khát cả tâm hồn

(Ai đền anh tuổi 20 đã mất – Trang186) 

   

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất