Trần Mạnh Hảo: “Có nghe bùn nín thở”

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, đặc biệt quý mến anh em “trọ trẹ”, nơi ông có nhiều kỷ niệm. Tháng 8 vừa rồi, nhà thơ Trần Mạnh Hảo chat vào inbox trên ứng dụng Messenger: “Em cho anh địa chỉ, anh gửi tặng tập Trần Mạnh Hảo – Tuyển tập thơ”. Đọc dòng tin, cảm động không để đâu cho hết. Hai ngày sau tôi nhận được tuyển tập, bìa cứng, ngót 500 trang in, khổ 16x24cm.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo là “khuôn mặt” đa chiều, đa tầng. Ông xuất hiện trên thi đàn với tư cách nhà thơ, nhưng các địa hạt khác như lý luận phê bình, văn xuôi, nghiên cứu triết học... đều để lại dấu ấn.

Trần Mạnh Hảo: “Có nghe bùn nín thở” - 1

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Cho đến nay, ông đã xuất bản: “Trường Sơn của bé”, 1974; “Tiếng chim gõ cửa”, 1976; “Hoa vừa đi vừa nở”, 1981; “Mặt trời trong lòng đất”- trường ca, 1981; “Bư cặp núi và một hòn núi lẻ”, 1986; “Đá nước hình tia chớp” - trường ca, 1994; “Mình anh trong một  thế giới”, 1991; “Chìa khóa của mỗi người” - tiểu thuyết , 1987; “Ly thân” - tiểu thuyết, 1989; “Trăng mật” - tiểu thuyết 1989; “Sinh ra để yêu nhau” - tiểu thuyết, 1989; “Thơ phản thơ” - lý luận phê bình, 1995; “Phê bình phản phê bình” - lý luận phê bình, 1996. Và nay, “Trần Mạnh Hảo – Tuyển tập thơ”, NXB Hội Nhà văn, năm 2022 ra đời, đúng 26 năm. Cứ tưởng ông “quên thơ”?

Về tập thơ đầu tay “Trường Sơn của bé”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho biết, ông hoàn thành những năm trong quân ngũ. Trước giải phóng, nhân nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vào dự Hội nghị Anh hùng chống Mỹ, ở chiến khu Tây Ninh, hai người gặp nhau.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu mang bản thảo ra Hà Nội cho nhà thơ Trinh Đường biên tập, sau đó Nhà xuất bản Giải phóng đã in, sách được bầy bán khắp các hiệu sách hồi đó. Trinh Đường, Định Hải, Phạm Hổ khen nức nở. Hai nhà thơ tài danh của thi đàn lúc đó là Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đều viết bài ca ngợi.

Trần Mạnh Hảo bắt đầu sự nghiệp thơ bằng thơ viết cho thiếu nhi, với tâm trạng người lính ra chiến trường nhớ gia đình, đàn em nhỏ. Ông có thơ đăng báo từ năm 1962, ở báo Thiếu niên Tiền phong “Ô hay trái bắp / Vừa mới đẻ thôi / Mà râu đã mọc / Thành ông lão rồi”, (Trái bắp); “Thóc cởi trần làm gạo/ Thành cơm đau đớn thay”, (Hạt thóc, hạt cơm)... Những câu thơ đầu tiên đã đầy ẩn dụ, gợi trí tưởng tượng.

Với Trần Mạnh Hảo, tôi kính trọng ông vì nhiều nhẽ; trong đó có việc ông để lại cho xứ Nghệ 2 bài thơ “Gió Ngàn Hống” và “Sông Lam”. Nhắc đến văn thơ viết về Xứ Nghệ, không ai không nhớ hai thi phẩm, được xếp vào kiệt tác này. Dù rằng, các nhà thơ, nhà văn Xứ Nghệ vẫn tự hào “Quê mình – quê thơ”, ai cũng có tác phẩm và các nhà thơ sinh ra ở miền quê khác viết về Xứ Nghệ không ít.

Ông tâm sự, Hà Tĩnh có núi cao là Ngàn Hống, sông sâu như sông La, sông Lam nên âm dương cân bằng. Nên mới là đất thơ, mới có thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, thế hệ hiện đại có Huy Cận, Xuân Diệu... “Chúng ta là sản phẩm của núi sông, trong lòng có hồn núi sông”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhận định.

Theo ông, mặc dù với Xứ Nghệ, sông Lam phân định ranh giới Nghệ An – Hà Tĩnh, nhưng “phần hồn” của con sông cả này lại nghiêng về Hà Tĩnh. “Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh / Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du / Sông đứng thành Hồng Lĩnh / Sông đi thành ví giặm trời xanh” (Sông Lam).

...

Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát

Thương đất nghèo sông xanh rớt mùng tơi

Sông ẩn hồn trong vại cà vại nhút

Một củ khoai cũng lấp ló mây trời

...

Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát

Trăng cháy lòng mình sâu quyết liệt cả cơ hàn

Người giàu có nên đất nghèo khô khát

Kìa gió Lào thổi cong sông Lam

Trong bài “Sông Lam”, không chỉ khác biệt ở các thi ảnh ẩn dụ chỉ có Trần Mạnh Hảo phát hiện ra, mà còn là sự hài hòa giữa âm dương, cân bằng của vĩnh cửu. “Chú xem Thanh - Nghệ - Tĩnh là gốc của người Việt cổ, gốc là Mường. Phương ngữ Nghệ chính là gốc của ngôn ngữ Mường. Sau này người Việt cổ xuôi bè ra,= đồng bằng, dần dần lập ra thị, gặp văn hóa Hán mới thành người Kinh bây giờ. Phải tự hào về xứ Nghệ, tự hào về Hà Tĩnh, nó nguyên gốc tổ tiên ”, ông chia sẻ.

“Hồn Tố Như còn u u Ngàn Hống/ Trăng tìm về Hà Tĩnh uống cuồng phong/ Núi vẫn gõ lên trời trăm dùi trống/ Đất âm thầm mời cát ngủ yên lòng” (Gió Ngàn Hống). Hiện thực của tự nhiên, quật quăng nhân thế, thăng trầm lịch sử của vùng đất này hiện lên giàu cảm xúc. Nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu – một người lam lũ với ví giặm “đứng ngồi không yên” khi gặp bài thơ. Ca khúc “Gió Ngàn Hống” cùng tên, trên nền giai điệu vừa ví giặm, vừa ca trù Cổ Đạm – khi xưa Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ khai sinh, ra đời.

*

Với “Trần Mạnh Hảo – Tuyển tập thơ”, ông trình làng gần 600 bài, dài ngắn khác nhau. Đề từ sách ông viết: “Ôi đất nước/ Anh đã yêu đến băng hoại cả đời”. Điều này, dự báo tuyển tập sẽ ngồn ngộn cảm xúc thế sự, thời cuộc. Đúng như vậy. Tổ quốc, con âm thầm yêu mẹ; Tổ quốc – đêm cuối cùng Huyền Trân; Lời Trưng Nữ vương trước khi tuẫn tiết; Tổ quốc của tình yêu; Sông Hồng; Sông Hồng ba mươi bảy độ; Sông Lam; Những dòng sông quan họ; Anh cất giấu một khoảng trời miền Bắc; Đã hóa đá trên vịnh Hạ Long; Cuộc chiến tranh khôn nguôi...

Mảng đề tài thân phận người cũng rậm rịt trong tuyển tập. Tất nhiên, mảng quê hương, tình yêu nam nữ cũng không thiếu; Trần Mạnh Hảo, cho đến bây giờ đã ngoại thất thập nhưng vẫn yêu, hà cớ gì không có thơ tình? Phải nói là các mảng đề tài đều vạm vỡ trong “Trần Mạnh Hảo – Tuyển tập thơ”.

Trần Mạnh Hảo: “Có nghe bùn nín thở” - 2

Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo.

Có thể thấy ông “đã yêu đất nước đến băng hoại cả đời”, như tự bạch với nhân vật “em” trong thi ca... Với Tổ quốc, nguồn cảm hứng nham thạch trong thơ, Trần Mạnh Hảo đưa ra nhiều khái niệm mới, tu từ từ hình ảnh đến phân tứ, tạo nên trường cảm xúc sang chấn. “Có ai đó hay bàn về Tổ quốc/ Nằm trong vỏ ốc nói hy sinh /Ai mặc ấm mà ngồi thương Mẹ rét / Trước khi yêu Tổ quốc họ yêu mình”.

Những kẻ này hoàn toàn khác những người lính: “Những người lính ngã trong hào biên giới/ Tổ quốc chảy trong dòng máu của mình/ Người lính ấy không nhân danh la lối/ Họ âm thầm lao tới nhận hy sinh” (Tổ quốc, con âm thầm yêu mẹ). Tổ quốc được ông gọi thành kính là “Mẹ”, thiêng liêng mẫu tử.

Bài thơ này ông sáng tác năm 1979, khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam vừa lắng thì lại bùng lên cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Xin nhớ rằng, đất nước đã có một “không gian hòa bình” từ lâu, nhưng cuộc chiến chống “cái tôi”, bao kẻ hôm qua vừa “nhân danh”, hôm nay đã bị kỷ luật, tước hết chức vụ còn nguyên đó. Thậm chí “nóng bỏng” hơn vì sự tồn vong. Cảm nhận thời cuộc là chức năng của văn chương, dự báo thời cuộc là thiên chức của thi ca. Trần Mạnh Hảo luôn có cái nhìn xuyên thời gian. “Thơ phải đa tầng, đa nghĩa, tạo nên đa cảm xúc”, ông thường nói.

...

Mẹ ơi, bao người chưa nói về Tổ quốc

Lấy mồ hôi gieo hạt lúa nhọc nhằn

Tâm hồn họ như khoai vùi trong bếp

Lúc đói lòng xin được bới ra ăn

Vẻ đẹp của “bao người chưa nói về Tổ quốc” thật hồn hậu, thật giản dị. Bất giác, tôi nhớ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch". Mất nhân dân, sẽ là mất tất cả.

Cũng ở thời điểm này, Trần Mạnh Hảo sáng tác trường ca “Đất nước hình tia chớp” (in đầu tiên trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, năm 1978), thổi lên hào khí ở một khúc quanh của lịch sử đất nước, vì sự bình an của Mẹ Tổ quốc. “Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất/ Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai/ Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp/ Rạch chân trời một lối đến tương lai”.

*

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng nhận được một số tặng thưởng văn chương, trong đó có giải thưởng của Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1996 về lý luận phê bình cho tác phẩm “Thơ phản thơ”. “Mình không có duyên với giải thưởng. Ngay tập thơ đầu tiên cho thiếu nhi, cứ tưởng nhận được giải thưởng, nhưng rồi vuột”, ông tâm sự, rất vui, hoàn toàn nhẹ bẫng, bỏ buông. 

Trần Mạnh Hảo: “Có nghe bùn nín thở” - 3

Chân dung Nhà thơ Trần Mạnh Hảo

Từ người lính, trưởng thành cùng thế hệ các nhà thơ chống Mỹ cứu nước, Trần Mạnh Hảo có những đóng góp cho dòng thơ của thời “Vóc dáng nhà thơ ngang tầm chiến lũy”. Tập thơ “Tiếng chim gõ cửa”, 1976; xác tín một người thanh niên chiến sĩ trong ông. Đến trường ca “Đất nước hình tia chớp”, 1978 và “Mình anh trong một thế giới”, 1991; thơ ông dần dần xác lập được giọng điệu riêng mang thương hiệu Trần Mạnh Hảo.

Thơ Trần Mạnh Hảo dù là thơ ngắn, thơ dài, trường ca hay thơ cho trẻ em đều có một nét riêng: vạm vỡ, nghịch ngợm. “Tôi đọc thơ Trần Mạnh Hảo như hứng được làn gió mạnh, vừa mát, vừa nóng, nhưng có cảm giác được thay đổi không khí… Chỉ tiếc những năm gần đây Trần Mạnh Hảo không đắm vào thơ nữa”, nhà thơ Ngô Văn Phú từng viết như vậy.

Trần Mạnh Hảo đã trở lại; tình yêu với thơ, quê hương, đất nước ngày càng đầy lên quyết liệt từ trong cảm xúc. “Khi em ngắm hoa sen/ Có nghe bùn nín thở”, đau đáu phận người./.

Ngô Đức Hành

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày