“Viễn ca” của một “lãng tử"

Sau hai tập thơ “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời”, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh trở lại với “Viễn ca” – một tập thơ đào sâu vào suy tưởng, vào ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh. Độc giả sẽ bắt gặp trong “Viễn ca” những “Thành phố chiêm bao”, “Giấc mơ tình yêu”, “Công viên mùa thu”, “Hoàng hôn”, “Giao mùa” và “Ngày cũ”,… ở đó, anh mở đầu bằng bài thơ “Viết sáng mồng 1” và kết thúc bằng bài thơ “Đường về”.

Trong buổi trò chuyện nhân dịp ra mắt tập thơ Viễn ca sáng 28/8, tại Hà Nội, tác giả Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ, sau 25 năm “quăng thân vào gió bụi, va đập với đời sống báo chí”, anh đã dành cho mình khoảng thời gian để trở về với thơ ca, với những ước mơ thuở còn là chàng sinh viên Khoa Văn, Đại học Tổng hợp.

“Viễn ca” của một “lãng tử" - 1

Lễ ra mắt tập thơ "Viễn ca" có sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ và độc giả. Ảnh: Huyền Thương

Tác giả chia sẻ: “Đối với những người viết lách, trong chặng đường đời của họ sẽ có thêm một chặng hành trình sáng tác, trong hành trình đó, sẽ có nhiều dấu mốc, nhiều phong cảnh và con đường sáng tác sẽ mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt. Như chặng hành trình 5 năm qua của tôi, tôi đã có nhiều trải nghiệm cá nhân, có nhiều sự vẫy gọi và nó đã tạo ra nhiều điều liên tưởng. Chính vì vậy, Viễn ca ra đời. Tập thơ là một tập hợp của những sáng tác của tôi trong những năm gần đây”.

Đọc thơ Nguyễn Tiến Thanh người đọc sẽ cảm nhận được sự thống nhất về phong cách cũng như phong phú về đề tài và trong đó cũng nghiêng nhiều về phía cổ điển, chất chứa những ký ức của một thời thanh xuân tươi đẹp: “Lá rụng xuống sân trường năm 88 / Ta hai mươi rụng dưới mắt em nhìn”.

“Viễn ca” của một “lãng tử" - 2

Tác giả Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ về chặng đường thơ ca của mình. Ảnh; Huyền Thương

Đối với những người viết, có lẽ sẽ có thời điểm họ khao khát được trở về những kỷ niệm đẹp đẽ và nuối tiếc về một thời đã qua, đối với tác giả Nguyễn Tiến Thanh cũng vậy, những ký ức thời sinh viên đã để lại nhiều dấu ấn trong con đường thơ ca của anh.

“Đó là thời của cảm xúc tinh khôi, của đôi mắt nhìn đời trong trẻo, vừa giàu sức sáng tạo vừa có sự liều lĩnh của tuổi trẻ; thời của khát vọng, của ước mơ vươn tới những phương trời huyền ảo, lấp lánh. Đối với tôi, thời sinh viên là thời điểm có lẽ tôi làm được nhiều việc hơn 30 năm sau đó, tôi viết rất nhiều, tôi cùng bạn bè đi khắp nơi đọc thơ và đó cũng là một thời đại hoàng kim của thơ ca, thơ ca được trân trọng, yêu quý”, tác giả tâm sự.

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cho biết, từ khi còn là học sinh cấp 3 anh đã đọc những bài thơ tám chữ của tác giả Nguyễn Tiến Thanh trong sổ tay của một cựu sinh viên Đại học Bách khoa và có những bài thơ đã theo anh mãi sau này.

“Những bài thơ của anh đã làm đẹp cho tâm hồn của nhiều thế hệ sinh viên. Anh có những câu thơ ấn tượng bởi có các cặp đối ngẫu song hành trong cùng một dòng thơ, gợi nhiều liên tưởng dư ba... Chất lãng tử du ca là hồn cốt của Tiến Thanh, gọi về cho anh những câu thơ tài hoa, làm người đọc hòa theo không gian và cảm xúc của tác giả”, Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ nhấn mạnh.

Viễn ca còn chứa đựng những thiết tha, đau đáu của tác giả dành cho thơ lục bát, anh chia sẻ: “Tôi làm thơ lục bát từ thời trẻ, làm thơ lục bát dễ mà lại khó, nó cho chúng ta những trải nghiệm mới trong việc sử dụng ngôn ngữ, sử dụng vần, liên từ, nhịp điệu và hình ảnh”.

“Viễn ca” của một “lãng tử" - 3

Bìa tập thơ "Viễn ca". Ảnh: Huyền Thương

Nhận định về hồn thơ, người thơ Nguyễn Tiến Thanh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Có một thời gian tôi nghĩ rằng thơ ca đã rời bỏ Nguyễn Tiến Thanh, vì công việc quản lý và những việc khác, hoặc anh đã già nua ở đâu đó bên trong lòng mình nhưng đến khi các tập thơ gần đây xuất hiện và đặc biệt là Viễn ca, thì tôi biết đã nhầm lẫn”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có nhiều liên tưởng khi đọc tác phẩm này: “Chúng ta thường thấy có một số dòng sông chảy trên đồng bằng, cuối cùng biến mất trong một dãy núi nào đó và rồi nó lại hiện ra ở phía bên kia núi thì quá trình sáng tác thơ ca của Nguyễn Tiến Thanh cũng giống như dòng sông đó. Thì ra, không phải thơ ca biến mất hay Nguyễn Tiến Thanh không quan tâm đến thơ nữa mà chẳng qua là anh phải đi qua một đoạn nào đó, có thể là một đường hầm của đời sống này để cuối cùng hiện ra với tinh thần khác, nhịp điệu khác, chiều kích khác và vẻ đẹp khác”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng liên tưởng đến hình ảnh của cây trầm khi nghĩ về chặng đường sáng tác của Nguyễn Tiến Thanh: “Cây trầm có cành và lá không thay đổi, thơ của anh cũng giống vậy. Từ những năm là sinh viên cho đến giờ anh vẫn không thay đổi, anh vẫn viết thơ lục bát, vẫn viết thơ 5 chữ nhưng khi Viễn ca xuất hiện thì cũng như cây trầm, cành là không thay đổi nhưng bên trong đã có trầm”.

“Viễn ca” của một “lãng tử" - 4

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về những sáng tác của Nguyễn Tiến Thanh. Ảnh: Huyền Thương

Nhà thơ Nguyễn Xuân Hải thì nhận định, Nguyễn Tiến Thanh là người níu giữ vẻ đẹp, là nhà thơ của cảm xúc. Trong các bài thơ của anh có thể là trầm luân, cô độc, viễn xứ, buồn rã rượi nhưng ngôn ngữ và những hình ảnh anh đưa vào thơ rất đẹp. Đọc thơ anh khiến độc giả thấy được bóng dáng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, của nhà thơ Lưu Quang Vũ, của nhà thơ Vũ Quần Phương nhưng anh có một điều rất khác với những người đàn anh đi trước, đó là chất lãng tử của chàng sinh viên Khoa Văn, Đại học Tổng hợp.

Là một người thầy cũ của tác giả, PGS. TS Phạm Quang Long cho biết, ông đã có nhiều ấn tượng với tác giả Nguyễn Tiến Thanh ngay từ thời anh còn là sinh viên. Lúc đó ông nghĩ con người lãng tử ấy sẽ gắn liền với thơ ca nhưng ông đã bất ngờ và vui mừng vì trong anh còn có nhiều nội lực khác nữa. PGS. TS Phạm Quang Long hy vọng trong thời gian tới, tác giả sẽ tiếp tục mang những tiếng ca, lời ca tâm tình đi xa trên con đường sáng tác.

39 bài thơ của Viễn ca cho người ta cảm nhận được sự mới mẻ, đó là sự mới mẻ trong thơ của một người thơ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Khi mà thị trường ô tô ngày càng phát triển, các thương hiệu lớn đang chuẩn bị cho ra mắt những mẫu xe mới với thiết kế và công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.