Việt Phương với “cửa mở”, cơn địa chấn trong làng thơ

Nhà thơ Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, bút danh là Việt Phương và cũng là tên thường dùng lúc sinh thời, sinh ngày 6 tháng 12 năm 1928. Nhà thơ sinh ra và lớn lên ở nhà số 4 phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 2011, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, lúc ông bước vào tuổi 83. Một trong những nhà văn có tuổi đời già nhất, nhưng tuổi “nghề” lại trẻ nhất.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Phương học tú tài phần II, Trung học phổ thông Trường Bưởi (nay là Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An). Ông đang học dở thì bị chính quyền thuộc địa Pháp nghi là hoạt động yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, nên bị bắt giam.

Sau khi đất nước giành được độc lập, ông đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ông từng là thư ký riêng lâu đời nhất cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc ông mới 19 tuổi, đồng thời tham gia nhóm cán bộ giúp việc cho Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn và là thành viên cốt cán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương. Trong những năm tháng tham gia cách mạng, ngoài công việc chuyên môn, để nâng cao trình độ hiểu biết, ông không ngừng học thêm, bằng cách tự học.

Việt Phương với “cửa mở”, cơn địa chấn trong làng thơ - 1

Chân dung nhà thơ Việt Phương.

Ông nghỉ hưu ở tuổi 65, nhưng được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định cử làm Ủy viên Thường trực của Tổ Chuyên gia Tư vấn Thủ tướng. Khi Tổ Chuyên gia Tư vấn chuyển thành Ban Nghiên cứu Đổi mới của Thủ tướng, Việt Phương vẫn tiếp tục là ủy viên Thường trực của Ban.

Thời điểm đó, tuy tuổi cao sức yếu, nhưng ông luôn luôn ngày đêm trăn trở về các vấn đề kinh tế, chính trị xã hội của đất nước. Ông đặc biết quan tâm đến cuộc sống khốn khó của những người dân lao động, một nắng hai sương.

Vốn dĩ sinh ra không phải là nhà thơ “chuyên nghiệp”, nhưng với “nàng thơ” Việt Phương tâm sự:

"Ta sống như một tấm lòng thợ mỏ,

Cuốc đêm ngày vào những thớ tâm tư.

Dâng than tốt cho đời thêm sáng tỏ

Ngọc tình yêu không tan vỡ bao giờ!”.

Việt Phương cho rằng: Nhà thơ làm thơ để giải tỏa nỗi niềm, nhưng làm “Thơ chết người như bỡn/, Thơ làm sống người đọc chăng?”.

Và ông nói tiếp: “Miệt mài trong lý luận/ Vẫn mơ màng câu hỏi tuổi mười lăm”. .

Bởi ông hiểu: “Thấu một nhẽ thăng trầm thực ảo/ Thế mà khờ khạo như bóng mây”....

Từ đó, nhà thơ kết luận: “Tôi đã bạc đầu, ta vẫn như đứa trẻ lên ba!”.

Việt Phương sáng tác khá nhiều tập thơ như: “Khóc Bác”; “Bơ vơ đông đảo”; “Cỏ dọc đường trần”; “Nhặt nắng trong sương”; “Sống”; “Một chút hư không, một chút đầy”; “Lan”… Đặc biệt khi nhắc đến nhà thơ Việt Phương không thể không nói đến hai tập thơ nổi tiếng của ông: “Cửa mở “ và “Cửa đã mở”.

Trong số các tập thơ của Việt Phương, tập thơ ra đời sớm nhất là tập “Cửa mở” và đã gây tiếng vang lớn, nó như quả bom tấn nổ giữa bầu trời đêm, gây nên cơn địa chấn trong làng thơ ca Việt Nam và thu hút sự chú ý của dư luận. Tập thơ này Nó tác động mạnh mẽ trong cộng đồng thi ca, nhưng cũng gây ra không ít hệ lụy, rắc rối, nếu không muốn nói là một “nghi án văn chương”.

Đến nỗi Đảng bộ Văn phòng Phủ Thủ tướng, nơi ông sinh hoạt, ngày 12/11/1970 đã phải tổ chức cuộc họp bàn về tập thơ “Cửa mở”. Sở dĩ có cuộc họp vì có nhiều ý kiến trái chiều về tập thơ này. Người khen không ít mà người chê khá nặng lời. Hội nghị đã phải ra biên bản dài trên 7.000 từ.

Trong đó khẳng định: Đảng bộ không có trách nhiệm nói về văn học nghệ thuật, nhưng những tư tưởng trong “Cửa mở” là hoàn toàn của Đảng. Hội nghị có mời Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn tới dự. Sau 2 tiếng đồng hồ Bí thư thứ Nhất chả đả động gì đến “Cửa mở” mà thao thao, mà hào sảng về những vấn đề của văn học nghệ thuật, về thơ ca.

Và trong chuyến thăm Liên Xô, Bí thư thứ Nhất tình cờ gặp em vợ của nhà thơ Việt Phương (bạn học của con gái đồng chí Lê Duẩn) tại Matxcova, Bí thư thứ Nhất tươi cười nói: “Mình đã đọc “Cửa mở”. Mình biết Việt Phương. Việt Phương người tốt. “Cửa mở” không có vấn đề gì”.

Trong thời gian này, đồng chí Trường Chinh (nhà thơ Sóng Hồng), Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng, trong một dịp gặp Việt Phương mủm mỉm cười: “Mình đọc rồi… Có hơi hướng neo-surrealism (siêu hiện thực mới)”.

Kể lại chuyện này, Việt Phương tâm sự: “Tôi được che chở nhiều quá. Nhiều anh em viết còn thua thiệt nhiều lắm”.

Tập thơ “Cửa mở” là một hiện tượng văn học, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, chỉ ra những cái xấu trong mỗi con người, những trò giả dối trong xã hội. Và nhờ sự minh oan đó, nên gần 40 năm sau, Việt Phương mới lại cho ra mắt bạn đọc tập thơ thứ hai “Cửa đã mở”. Và liền sau đó ông liên tục cho ra đời nhiều tập thơ và được công chúng yêu thơ ngưỡng mộ và được dư luận đánh giá cao.

Việt Phương với “cửa mở”, cơn địa chấn trong làng thơ - 2

Qua những vần thơ của Việt Phương ta thấy ông đi trước một bước – Cái bước này đem lại cho nhà thơ  tất cả những gì mà một người đi trước có thể nhận và thực tế bắt buộc phải nhận.

Về thơ của Việt Phương, cố nữ thi sỹ Xuân Quỳnh nhận định: “Thơ tình của Việt Phương dành tặng cho những cô tôi đã yêu, những cô tôi đang yêu, những cô tôi sẽ yêu và tôi chưa kịp yêu. Một tình yêu không có địa chỉ chăng? “Đâu cũng em mà em chả là ai” thật sao. Không. Tôi nghĩ có địa chỉ đấy. Có “là ai” đấy, nhưng ông chỉ đứng trước căn nhà đó thôi. Có thể vài lần Việt Phương đưa tay bấm chuông, nhưng chủ nhà chưa kịp mở cửa thì ông đã rời xa. Việt Phương là con người có thể “nhận tất cả tình yêu của em không có anh trong ấy”, có thể nơi nào đó  “Thì thầm nói chuyện cùng em/ Em cứ ngủ bình yên trong thành phố” và có thể “Yêu em một tình yêu tự đủ”.

Nhiều người nói rằng: Việt Phương là một trong số không nhiều nhà thơ Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi về thơ trong thơ mình. Thơ Việt Phương là một cõi riêng, đẹp và thiêng liêng.

Thế nhưng thơ là gì? Thơ ở đâu? Thơ có thể làm nên điều gì? Vẫn luôn day dứt nỗi lòng của Việt Phương .

Trong các tập thơ của Việt Phương, công chúng yêu thơ đều cho rằng tập thơ “Cửa mở” đầu tiên ra đời năm 1970 là “một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học và cũng là một sự kiện đời sống, một sự kiện xã hội. Chọn dòng thơ suy tưởng để nói về đề tài lớn như Tổ quốc, Nhân dân, Con người, Chiến tranh, Vũ trụ, Tình yêu… là một sự lựa chọn có ý thức của Việt Phương. Những bài thơ thành công của “Cửa mở” đã mở thêm một cánh cửa cho thơ Việt Nam hiện đại”.

Nếu nhìn ở một góc độ khác để soi xét tập thơ “Cửa mở” ta thấy cuộc sống trong “Cửa mở” nhiều sắc độ hơn, sinh động hơn, gay gắt hơn và vì thề thực hơn. Những câu hỏi, những định nghĩa, những lý giải trong nhiều bài thơ khiến “Cửa mở” có một giọng điệu riêng vô cùng cần thiết cho mọi người làm thơ”.

Vì thế đọc thơ Việt Phương mọi người bị cuốn hút bởi những câu thơ mới mẻ, tinh khôi:

"Ơ hôm nay ta bỗng nhìn thấy màumầu của tiếng

Trẻ nhỏ tiếng màu xanh xe điện tiếng màu vàng

Nhịp guốc đi đỏ màu mận chín

Sự sống như chàng trai vạm vỡ 

Áo cộc mùa hè chặt quá bạc trên vai”...

Hơn nữa, bạn đọc bị cuốn hút còn do thơ tự do được mở đến gần như không còn giới hạn của những vần thơ, tác giả viết:

"Nỗi đau trái đất

Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi,

Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc

Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương”. .

Và theo nữ thi sỹ Ý Nhi thì “những điều khiến cho “Cửa mở” thực sự chấn động tâm thức người đọc chính là sức nghĩ, cách nghĩ nhiều phần táo bạo, khác lạ của nhà thơ trong dòng chảy của thơ Việt – vốn thiên về tình cảm - của những năm 70 thế kỷ trước. Việt Phương là một con sóng lạ, một nhịp đập không thường”.

Nhưng theo tôi – người viết bài này – độc giả bất ngờ hơn cả, bàng hoàng hơn cả có lẽ là những câu thơ đặt ra những vấn đề trong tư tưởng, trong nhận thức, trong tình cảm của  người Việt Nam trong những năm tháng đó, thể hiện qua những vần thơ:

"Tất cả nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa

Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ yêu thương

Đã chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa

Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường”.

Đọc những câu thơ này ta lại nhớ tới hai câu thơ dưới đây. Vì khi đã yêu thương thì mọi cái đều tốt đẹp cả:

"Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ

Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ”.

Đọc những câu thơ Việt Phương khiến ta nhớ tới một thời:

"Cái sức mạnh diệu kỳ trong giọt lệ

Sự chùn gân che bằng vẻ ra oai,

Lôi chiêng trống để phô trươngg ầm ĩ,

Sự bình yên thủ thỉ biết đêm dài,

Kiểu vỗ ngực nói những trời những bể,

Cách khiêm nhườnừơng lặng lẽ gánh hai vai”. .

Thơ Việt Phương mang đầy tính lý luận, triết lý, phản ánh mọi mặt tốt đẹp cũng như mọi tiêu cực trong xã hội, trong mỗi con người. Cho dù vận nước trải bao khó khăn thử thách, nhưng ông vẫn luôn luôn tin vào vận nước, tin vào sức mạnh của dân tộc, một dân tộc biết hy sinh, biết chiến đấu vì một điều tốt đẹp nhân văn cao cả.

Việt Phương với “cửa mở”, cơn địa chấn trong làng thơ - 3

Một số tập thơ của Việt Phương.

Việt Phương từng là thư ký, cố vấn cho nhiều vị lãnh đạo cao cấp, nhưng sinh thời ông không muốn nhắc nhiều về thời gian đã qua và ngay cả “nghi án văn chương” một thời người ta “nhấc lên” rồi “đặt xuống”. Ông chỉ tâm niệm một điều “hãy sống hết mình, làm việc hết mình bằng trí óc, bằng lương tâm và bằng cả trái tim mình”. Tuyên ngôn sống của ông giờ đây:

"Cuộc đời đẹp lắm là ta ngần ngại/,

Cuộc đời đau quá làm ta mê mãi!”.

Qua những vần thơ của Việt Phương ta thấy ông đi trước một bước – Cái bước này đem lại cho nhà thơ  tất cả những gì mà một người đi trước có thể nhận và thực tế bắt buộc phải nhận./.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân