“Xã hội diễn cảnh” qua góc nhìn của Guy Debord
Là tác phẩm nổi tiếng nhất của triết gia Pháp Guy Debord, “Xã hội diễn cảnh” đã góp phần định hình nhiều quan điểm phê phán về xã hội hiện đại và văn hóa đại chúng.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách Xã hội diễn cảnh, Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức tọa đàm thảo luận về cuốn sách với sự tham gia của các diễn giả: Phạm Xuân Thạch, Phùng Ngọc Kiên, Dương Thắng.
Các diễn giả tại tọa đàm thảo luận về cuốn sách "Xã hội diễn cảnh".
Xã hội diễn cảnh (xuất bản năm 1967) là một tác phẩm triết học và lý thuyết phê phán Mácxít của triết gia Guy Debord. Được viết theo kiểu cách ngôn, cuốn sách bao gồm 221 luận cương, mỗi luận cương là một đoạn văn ngắn phân tích sâu sắc về sự biến đổi của xã hội hiện đại, nơi mà đời sống con người dần bị thay thế bởi những hình ảnh và “màn diễn” do hệ thống tư bản chủ nghĩa tạo ra.
Trong cuốn sách ông viết: “Diễn cảnh không phải là một tập hợp hình ảnh, mà là một quan hệ xã hội giữa những con người, qua sự trung gian của hình ảnh”.
Khái niệm “diễn cảnh” của Guy Debord đã trở thành chiếc chìa khóa quý báu để hiểu được thế giới ngày nay.
Tác phẩm "Xã hội diễn cảnh".
Tại tọa đàm, dịch giả, nhà nghiên cứu Dương Thắng cho rằng, hiện nay, với sự phát triển của truyền thông đại chúng tất cả mọi người đều cần thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong một xã hội diễn cảnh, nổi bật trong đó là ảnh hưởng của việc trình diễn thông tin lấn áp trong xã hội.
Ngay trong tiểu mục đầu tiên của cuốn sách, Debord đã xác định bối cảnh mình đề cập đến, đó là xã hội tư bản hiện đại khi đã tiến vào một giai đoạn phát triển mới mà ông gọi là “xã hội diễn cảnh”. Nói cách khác, xã hội tư bản hiện đại có đặc trưng lớn nhất là sự tích luỹ khổng lồ của các diễn cảnh.
“Guy Debord không nói về sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông, mà ông muốn nhấn mạnh rằng xã hội hôm nay được định hình bằng những đối tượng mới do con người sản sinh ra, nó không chỉ làm thay đổi quan hệ giữa cá nhân với nhau mà còn tạo ra những mối quan hệ xã hội mới, những quyền uy mới. Vì vậy, đối với Debord, một diễn cảnh về cơ bản là một mối quan hệ xã hội giữa người với người, họ kết nối với nhau thông qua sự chung gian của hình ảnh”, dịch giả, nhà nghiên cứu Dương Thắng nhấn mạnh.
Độc giả tham dự sự kiện.
PGS. TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định đây là cuốn sách triết rất đặc biệt, nó cần cho cuộc sống của con người trong xã hội hiện nay.
Theo PGS. TS Phạm Xuân Thạch, Guy Debord là người đã kế thừa Chủ nghĩa Mác một cách đẹp đẽ nhất, trong cuốn sách của ông độc giả sẽ gặp lại những vấn đề mác Mác từng để cập đến như: giai cấp, tư hữu, sản xuất, tha hóa,…
“Sự tiếp nhận Chủ nghĩa Mác của ông hay ở chỗ, không chỉ tiếp nhận một cách nguyên khối mà có sự phê phán và nhìn thấy được giới hạn của Mác. Nếu Mác đi đến chỗ tích tụ hàng hóa sẽ tạo ra dư thừa thì Debord đi tiếp đến chỗ hàng hóa không chỉ là hàng hóa mà hàng hóa trước hết là hình ảnh ở các câu chuyện và câu chuyện đó là một sự công thức hóa mối quan hệ giữa người với người”, PGS. TS Phạm Xuân Thạch giải thích.
PGS. TS Phạm Xuân Thạch chia sẻ tại tọa đàm.
Có thể thấy trong cuốn sách, Debord đưa ra khái niệm "diễn cảnh" để mô tả một xã hội mà trong đó quan hệ giữa hàng hóa đã thay thế quan hệ giữa con người với con người. Ông cho rằng, trong xã hội diễn cảnh, mọi người sống qua các hình ảnh do truyền thông và quảng cáo tạo ra, hơn là qua trải nghiệm thực tế.
Liên hệ đến một số vấn đề trong xã hội hiện đại, PGS. TS Phạm Xuân Thạch cho rằng, một số mạng xã hội hiện nay đang ấn định tư duy của người dùng, ví dụ như việc khiến người dùng không đọc, không có suy nghĩ trừu tượng mà chỉ nhìn và xem các hình ảnh, video.
Hình ảnh trở thành hàng hóa thể hiện rõ khi một số người phụ nữ sẽ mua một chiếc váy mà có thể họ không thích nó, hay chính xác hơn là người bán đã bán cho họ hình ảnh, họ sẽ mặc để trông giống như một diễn viên Hàn Quốc nào đó.
Hay khi chúng ta dùng món đồ của thương hiệu này mà không phải của thương hiệu khác bởi vì chúng ta đang mua một diễn cảnh trong quảng cáo và bởi lúc này, hàng hóa không chỉ là hàng hóa mà nó là hình ảnh và các câu chuyện, là sự công thức hóa các quan hệ giữa người với người.
Tác giả Guy-Ernest Debord.
Cuốn sách cũng phân tích việc sử dụng kiến thức để củng cố thực tại, làm mờ quá khứ, và ngăn cản cá nhân nhận ra rằng xã hội diễn cảnh chỉ là một khoảnh khắc trong lịch sử có thể bị lật đổ thông qua cách mạng.
Ra đời năm 1969, Xã hội diễn cảnh là một tác phẩm quan trọng, không chỉ trong lĩnh vực triết học mà còn trong lý thuyết văn hóa và xã hội học, nó tiếp tục được nghiên cứu và thảo luận rộng rãi đến ngày nay.
Guy-Ernest Debord sinh năm 1931 ở Paris, cha ông mất sớm, mẹ ông thuộc một gia đình tư sản trung lưu chủ nhà máy sản xuất giày. Ông được đánh giá là một hiện tượng kỳ lạ của giới trí thức Pháp nửa sau của thế kỷ 20, ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx. Năm 1952 Guy Debord sáng lập Quốc tế chữ cái, rồi tham gia Quốc tế tình huống vào 5 năm sau đó. Ông mất năm 1994. Năm 2009, chính quyền Pháp (thuộc cánh hữu) đã chính thức công nhận tư liệu lưu trữ của ông là “bảo vật quốc gia”. |
Một trong các phẩm quan trọng nhất của trường phái pháp luật thực chứng: "Khái niệm hệ thống pháp luật – Một dẫn...
Bình luận