Bình Định: Miền đất võ (Đọc “Võ cổ truyền Bình Định” của Nguyễn An Pha)

Từ đầu thế kỉ thứ XVII, vào năm 1600, khi chúa Nguyễn Hoàng thống lĩnh cai trị cả một vùng đất rộng lớn từ sông Gianh (Quảng Bình) vào đến Quy Nhơn (Bình Định) thì cũng từ đó biên cương Đại Việt ở phía Nam không ngừng được mở mang và phát triển. Trong quá trình mở cõi, trải qua hàng thế kỉ, đất và người Bình Định đã không ngừng được hun đúc để trở thành xứ sở của một miền đất võ. Điều này được ghi rõ trong sách Đại Nam nhất thống chí thời nhà Nguyễn khi viết về Bình Định với khái quát, “Học trò chăm chỉ, nhân dân siêng cày, tính tình trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa”. Chính đức tính dũng cảm, thích việc nghĩa đã nói lên truyền thống võ thuật được truyền lại hết đời này qua đời khác của con người sống trên vùng đất này và từ đó làm nên một miền đất võ mang tên Bình Định.

Để nói về lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển của võ cổ truyền Bình Định, có hàng chục công trình lớn nhỏ của những tác giả khác đã được công bố. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn Võ cổ truyền Bình Định dày hơn 330 trang sách của nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha vừa được xuất bản vào những ngày cuối năm 2021 được đánh giá là đầy đủ, nghiêm túc và hoàn chỉnh nhất.

Bình Định: Miền đất võ (Đọc “Võ cổ truyền Bình Định” của Nguyễn An Pha) - 1

Cuốn sách "Võ cổ truyền Bình Định" của Nguyễn An Pha

Cuốn sách gồm bốn phần chính. Ở phần một Cội nguồn hình thành và phát triển võ cổ truyền Bình Định, tác giả đã đưa ra những lí giải xác đáng về sự phát sinh võ thuật của vùng đất kinh đô cũ của vương quốc Chămpa.

Trong quá trình sinh tồn và phát triển của đời sống xã hội người dân nơi đây, để dựng nước và giữ nước cũng như để bảo vệ bản thân trước những nguy cơ đến từ giới tự nhiên và xã hội, khi mà con người chưa có những vũ khí cần thiết thì họ đã phải học võ, luyện võ để từ đó hình thành nên những bậc kì tài về võ nghệ, tạo nên những môn phái, những lò võ, những dòng võ nổi tiếng còn vang vọng và dư âm đến hôm nay trên đất Bình Định. Đó là một sự lí giải mang đậm tính khoa học về nguồn gốc của võ cổ truyền Bình Định.

Biên soạn Võ cổ truyền Bình Định, Nguyễn An Pha đã đề cập đến những lò võ có từ trước thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ. Đó là những dòng võ mà ngày nay nhắc đến tên tuổi, những người yêu mến võ thuật cổ truyền Bình Định hầu như ai cũng từng nghe tiếng.

Đó là lò võ Trương Văn Hiến nơi đã cho ra đời những bậc tài danh lẫy lừng của thời đại Tây Sơn như ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Đặng Văn Long...; Đó còn là những tổ sư võ thuật danh tiếng như Diệp Đình Tòng, Đinh Văn Nhưng, Dòng võ Trương Đức, Ngô Mãnh, Trần Kim Hùng, Chàng Lía... mà ngày nay sử sách vẫn còn ghi.

Đọc Võ cổ truyền Bình Định, chúng ta còn thấy được sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của nó. Sau khi nhà Tây Sơn bị vua Gia Long nhà Nguyễn tận diệt, triều đại Tây Sơn sụp đổ nhưng võ cổ truyền Bình Định thì Gia Long không thể tận diệt vì nó được người dân Bình Định yêu mến, bảo vệ và gìn giữ.

Đó là một điều kì lạ. Vì thế mà ngày nay, những dòng võ Thuận Truyền, An Vinh, An Thái… vẫn có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trên đất Bình Định và đã có những thành ngữ “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”, “Trai An Thái, gái An Vinh” với tư cách là những tuyệt kĩ. Đó là một thành công của công trình dày hơi này.

Ở phần hai của sách, tác giả đã dày công giới thiệu 26 chân dung võ sư tiêu biểu của võ cổ truyền Bình Định. Đó là những tên tuổi mà khi nói đến võ Bình Định không thể không nhắc đến. Họ là các võ sư Xuân Bình, Lê Thành Phiên, Lê Bá Cừu, Đào Thanh, Hà Trọng Sơn, Phan Thọ... 26 chân dung các bậc võ sư cũng là 26 chân dung của những cây đại thụ võ cổ truyền Bình Định mà đến nay dù nhiều vị đã qua đời nhưng tên tuổi của họ vẫn là danh bất hư truyền.

Từ những chân dung võ sư mà tài năng được người đời hâm mộ xem là những bậc kì nhân này, độc giả còn rút ra được từ Võ cổ truyền Bình Định một kết luận là nói chung, những người theo nghề võ Bình Định không chỉ là những người tài năng trong thiên hạ mà họ còn là những con người thượng võ, coi trọng sự đức độ, nhẫn nhịn và kín tiếng.

Dù tài năng đến vô địch, các bậc võ nhân, võ sư Bình Định luôn đi ngược lại với sự hợm mình, kiêu căng và không làm điều ác. Họ sống yên bình giữa làng quê, chống lại cái ác để bảo vệ cái thiện. Có lẽ đó là điều đã làm nên sức sống bất diệt của võ cổ truyền Bình Định như một mảng đặc trưng của văn hóa phi vật thể. Vì thế mà những trang sách của Võ cổ truyền Bình Định là viết về võ Bình Định nhưng cũng là viết về một nét đặc trưng của con người Bình Định, bền chí, kiên gan và dũng cảm.

Phần 3 và 4 của sách Võ cổ truyền Bình Định được tác giả dành để nói về một số một số bài thiệu võ quyền, võ binh khí và võ y của võ cổ truyền Bình Định với nhiều hình ảnh tư liệu. Tất cả đã nói lên cả một quá trình đầy công phu để nghiên cứu, sưu tầm và biện soạn ra Võ cổ truyền Bình Định của Nguyễn An Pha.

Cũng vì thế mà dù là một công trình nghiên cứu về võ cổ truyền nhưng Võ cổ truyền Bình Định của Nguyễn An Pha với kết cấu hợp lí, ngôn ngữ thể hiện dung dị khiến người đọc rất dễ hiểu với ngay cả những người không biết gì về võ. Đó cũng là một thành công của cuốn sách dưới dạng phổ cập kiến thức võ cổ truyền của một địa phương đến công chúng.

Phần 5, phụ lục, tác giả đã giới thiệu rõ về trống trận Quang Trung và nhạc võ Tây Sơn; về học võ – dạy võ; thờ tổ - giỗ tổ, về những mẩu chuyện, giai thoại làng võ đã nói lên đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định.

Tác giả Nguyễn An Pha, không chỉ là một nhà quản lí văn hóa mà hơn thế anh còn là một đạo diễn sân khấu truyền thống, một nhà nghiên cứu về folklore học trong đó chuyên sâu về hát bội, dân ca duyên hải Nam Trung bộ, nghệ thuật bài chòi dân gian... và nay, thêm cả về võ cổ truyền của đất Bình Định quê anh.

Người ta thường nói văn là người, nói về văn cũng là nói về con người nhưng qua tác phẩm Võ cổ truyền Bình Định của Nguyễn An Pha, chúng ta còn được thấy thêm một chân lí rất rõ, võ cũng là người, nói về võ cũng là để nói về con người.

Biên soạn và công bố Võ cổ truyền Bình Định, Nguyễn An Pha đã không chỉ giới thiệu với bạn đọc về võ cổ truyền mà qua đó anh còn hàm ý giới thiệu về xứ sở Bình Định với những miền quê xanh tươi ngút ngàn trong đó ẩn chứa những truyền thống võ thuật có từ xa xưa được lưu truyền từ đời này qua đời khác như một sự sống bất diệt.

Người Bình Định hàng thế kỉ nay vẫn tự hào về một vùng đất địa linh nhân kiệt, văn võ song toàn nên đã tạo nên cả một vùng “Đất võ trời văn” với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, riêng có như hát bội, bài chòi, võ cổ truyền, trống trận Quang Trung và nhạc võ Tây Sơn… Vì thế, hoàn thiện và xuất bản Võ cổ truyền Bình Định, Nguyễn An Pha đã góp phần hoàn thiện hồ sơ công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Mới đây, vào ngày 15-2-2022, phát biểu trong chuyến về thăm và làm việc tại Bình Định, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực hỗ trợ tỉnh Bình Định để võ cổ truyền Bình Định được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Với tất cả sự cố gắng đầy tinh thần tự giác của người dân và chính quyền các cấp trong đó có sự ra đời của sách Võ cổ truyền Bình Định của Nguyễn An Pha, võ cổ truyền Bình Định sẽ được góp phần lưu giữ, bảo tồn và sống mãi./.

Hà Tùng Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất