Nhà văn Nguyễn Tuân những chuyện chưa kể

Từ hàng ghế đầu, nhà văn Nguyễn Tuân tay cầm chiếc can (Bar toong) đủng đỉnh bước lên bục. Hàng chục chiếc quạt trần quay tít, tạo nên tiếng kêu lạt xạt. Từng đợt “gió” xoáy thổi vào bộ tóc bạc phơ của nhà văn rung rinh trước “gió”...

Nhà văn Nguyễn Tuân với sông Đà

Năm 1983, Tổng biên tập báo Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam), nhà văn Nguyễn Văn Bổng cùng nhà văn lão thành Nguyễn Tuân đưa đoàn nhà văn, nhà thơ Liên Xô xuống thăm công trình thủy điện sông Đà (Hòa Bình).

Sau khi đã đi thăm toàn bộ công trình, tiếp xúc với lãnh đạo, kỹ sư, công nhân Liên Xô và Việt Nam, Ban lãnh đạo Tổng công trình Thủy điện sông Đà có nhã ý tổ chức cuộc gặp gỡ các chuyên gia, kỹ sư và công nhân kỹ thuật của 16 nước Cộng hòa Liên bang với văn nghệ sĩ Liên Xô và Việt Nam tại hội trường “Làng chuyên gia” nằm dưới chân núi Đúng (Hòa Bình).

Tuy là hội trường của “làng” nhưng rất lớn và trang bị nội ngoại thất ở vào thời điểm ấy kể ra cũng cực kỳ hiện đại. Nhà thơ I-sa-ép (Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà văn Liên Xô) làm Trưởng đoàn là một con người có phong thái hào hoa phong nhã. Ông có đôi mắt xếch, màu sáng xanh. Cách diễn đạt qua khẩu khí thuộc tài hoa hùng biện. Sau những thủ tục xã giao giới thiệu I-sa-ép đứng lên bục đọc thơ và diễn thuyết. Bằng giọng nói, cử chỉ của đôi tay, ánh mắt ngay từ phút đầu đã có sức thuyết phục ghê gớm.

Nhà văn Nguyễn Tuân những chuyện chưa kể - 1

Hội trường im phăng phắc không một tiếng động nhỏ và thỉnh thoảng lại rộ lên từng tràng vỗ tay liên tiếp như lớp sóng. Kết thúc buổi nói chuyện của nhà thơ I-sa-ép, tôi đếm cả thẩy có đến hơn mười lần vỗ tay như vậy.

Là một người chứng kiến, tôi tỏ ra phân vân và nghĩ ngay đến phía Việt Nam phát biểu, như nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Văn Bổng liệu có được hoan nghênh tương xứng?

I-sa-ép vừa ngừng lời, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đứng lên, bằng chất giọng Quảng Nam sôi nổi đầy nhiệt huyết vốn có, ông đáp từ rất nhanh và “chuyển làn” một cách mau lẹ:

- Thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam và Tuần báo Văn Nghệ, tôi trân trọng cảm ơn tấm lòng nhiệt tình, tài năng và tình cảm cao quý của đoàn Nhà văn Liên Xô, do nhà thơ I-sa-ép làm Trưởng đoàn đã đến với sông Đà, đến với Việt Nam, đem món quà tinh thần cao quý của nhân dân Liên Xô đến với cán bộ, chuyên gia, kỹ sư và công nhân Liên Xô và Việt Nam đang có mặt tại công trình thủy điện sông Đà.

Tiếng vỗ tay vang lên như sấm dậy. Chờ tiếng vỗ tay ngớt, nhà văn Nguyễn Văn Bổng tiếp:

- Thưa các đồng chí và các bạn! Người có thể thay mặt giới văn nghệ và nhân dân Việt Nam phát biểu hôm nay, người đã từng vượt lũ sông Đà, vượt Thác Bờ, thấu hiểu tính nết của con sông hung dữ này là tác giả của tác phẩm Sông Đà đỏ hiện đang rất được bạn đọc Việt Nam và nước ngoài đón nhận và hoan nghênh, đó là nhà văn lão thành Nguyễn Tuân, năm nay ông đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi!

Từ hàng ghế đầu, nhà văn Nguyễn Tuân tay cầm chiếc can (Bar toong) đủng đỉnh bước lên bục. Hàng chục chiếc quạt trần quay tít, tạo nên tiếng kêu lạt xạt. Từng đợt “gió” xoáy thổi vào bộ tóc bạc phơ của nhà văn rung rinh trước “gió”.

Nhà văn Nguyễn Tuân những chuyện chưa kể - 2

Đứng trên bục cao, trên khuôn mặt sang trọng, mũi cao, đôi mắt sáng, hàm răng trắng đều tăm tắp và nụ cười đặc biệt Nguyễn Tuân, ông nhìn bao quát toàn bộ hội trường một lượt. Mọi người im lặng chờ đợi. Ông mở đầu bằng ngôn ngữ chọn lọc, bằng chất giọng “Hà Nội gốc”, phát âm khá chuẩn:

- Thưa các đồng chí và các bạn! Là nhà văn của nhân dân Việt Nam, cho phép tôi thay mặt giới văn nghệ sĩ và nhân dân Việt Nam thật sự biết ơn nhân dân Liên Xô anh hùng đã ủng hộ hết mình bằng tinh thần và vật chất để nhân dân Việt Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ. Và hôm nay nhân dân Liên Xô lại tặng cho nhân dân Việt Nam món quà thực sự to lớn là Công trình Thủy điện Sông Đà – một công trình thủy điện tầm cỡ vào bậc nhất vùng Đông Nam Á, đem đến cho nhân dân Việt Nam ánh sáng và đời sống ấm no trong tương lai.

Tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Ông tiếp:

- Tôi đã đi thăm đất nước Liên Xô giàu đẹp nhiều lần, để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp và những kỷ niệm thật sâu sắc nhưng chưa bao giờ được nói chuyện với cả nước Liên Xô vĩ đại như hôm nay, bởi vì trong hội trường lớn này với sự hiện diện của cán bộ chuyên gia, kỹ sư và công nhân kỹ thuật từ 16 nước Công hòa Liên bang Xô Viết ngay tại Việt Nam, ngay trên công trình Thủy điện Sông Đà này!

Thật là đặc biệt hết sức đặc biệt!

Lại tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy. Chờ tiếng vỗ tay tạm dừng, giọng nhà văn Nguyễn Tuân lại đĩnh đạc vang lên:

- Thưa các đồng chí và các bạn! Điều mà cá nhân tôi, nhà văn Nguyễn Văn Bổng và có lẽ cả nhân dân Việt Nam thật sự lấy làm tiếc cho việc đặt tên là “Làng chuyên gia”. Tôi suy nghĩ kỹ và mạo muội đề nghị đặt tên làng lại thành “Làng Vơ-la-đi-mia-I-lích-Lê-Nin!

Cả hội trường lại nổi sóng bởi những tràng vỗ tay từng đợt, từng đợt và từng đôi mắt rưng rưng cảm động như muốn khóc, khi nhà thơ I-sa-ét đứng lên ôm hôn nhà văn Nguyễn Tuân hồi lâu. Bằng một giọng điềm tĩnh và lối dẫn dắt hấp dẫn, nhà văn Nguyễn Tuân đã “lôi” người nghe vào cuộc. Ông nói về công lao to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga và nhân dân Liên Xô anh hùng và vĩ đại. Ông nói đến sự ủng hộ to lớn và hữu hiệu của Liên Xô đối với cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã dành toàn thắng vào ngày 30/4/1975, ngày thống nhất đất nước. Ông thay mặt giới văn nghệ sĩ Việt Nam nói lên trách nhiệm của những người cầm bút và sáng tạo nghệ thuật phải để lại cho thế hệ sau biết trân trọng và lưu giữ, có những tình cảm đẹp đẽ và cao quý giữa hai dân tộc chúng ta.

Và đột nhiên trên gương mặt ông tỏ ra băn khoăn khó tả. Giọng ông trầm hẳn xuống:

- Tôi thật hết sức băn khoăn là các đồng chí và các bạn đã đến với Việt Nam bằng tình cảm cao đẹp, bằng tinh thần lao động dũng cảm và sáng tạo, lại xa Tổ quốc, quê hương, xa gia đình vợ con, bè bạn đã lâu. Tôi thật sự băn khoăn vì các bạn đã hết mình vì Việt Nam nhưng các bạn đang thiếu một yếu tố vật chất quan trọng mà nhân dân Việt Nam không thể nào giúp đỡ được. Tôi xin hỏi các đồng chí và các bạn: điều băn khoăn đó là gì nào?

Cả hội trường im lặng hồi lâu suy nghĩ rồi có tiếng lào xào trao đổi. Tiếng xì xào ngày một tăng kèm theo tiếng cười và ánh mắt như dò hỏi: Liệu ai có thể trả lời được?

Dưới hội trường, câu trả lời hình như đã được thống nhất, một đáp án duy nhất: đó là gái, đích thị là gái rồi!

Nhà văn Nguyễn Tuân cười không thành tiếng. Bộ tóc màu trắng phau lại đung đưa.

Ánh mắt dò hỏi: Ai trả lời được nào?

Dưới hội trường có tiếng trả lời nhỏ không chính thức: Con gái ạ!

Đó là đáp án duy nhất và lại tiếng vỗ tay như sấm, tưởng như đã trả lời đúng.

Chờ tiếng vỗ tay ngớt, ông gặng hỏi: Ai có thể trả lời đúng?

Chờ đợi và chờ đợi... Để cải thiện bầu không khí, ông chủ động “cởi nút”:

- Đó là tuế…uyết….tuyết!... Việt Nam là nước nhiệt đới, kiếm đâu ra tuyết được nào?

Quả bóng đang bơm căng đã được “xì hơi”! Cái nút kỹ xảo và tài năng sở trường trong diễn thuyết của ông đã được sử dụng triệt để.

Cả hội trường đứng lên vỗ tay từng đợt, từng đợt và nhà văn Nguyễn Tuân gật đầu, giơ tay chào rồi “biến” lúc nào không ai hay biết!

Vậy mà chuyến đi thăm Sông Đà mùa hè năm ấy của nhà văn Nguyễn Tuân và Nguyễn Văn Bổng đã cách đây gần 40 năm và nhà văn Nguyễn Tuân vĩnh biệt chúng ta cũng đã 35 năm rồi, chóng thật!

Ôi thời gian, thời gian! Sông Đà 1983 – Hà Nội 2022.

Cuối năm 1984, tôi từ miền Trung mang bức thư của NXB Đà Nẵng ra và khẩn khoản mời ông viết lời bạt cho cuốn sách về Hội An sắp xuất bản. Xem thư xong ông hỏi:

- Những ai tham gia cuốn sách này?

- Thưa bác, người viết lời dẫn là Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu Dân tộc học Lê Văn Hảo. Tranh nghệ thuật của hai họa sĩ Bùi Xuân Phái và Lưu Công Nhân. Ảnh in trong tập sách do chính người đưa thư thể hiện.

Ông rót rượu mời tôi và mỉm cười:

- Mình đồng ý cộng tác. Bạn vào nói với nhà xuất bản như vậy.

Sau khi uống xong chén rượu, tôi tiếp luôn:

- Đảng bộ, UBND thị xã Hội An và NXB Đà Nẵng có nhã ý mời bác cháu ta vào đón Tết tại Hội An, nơi bác đã từng đến và viết Cửa Đại cách đây trên bốn chục năm trước.

- Hội An - Faifô - Hoa Phố - Hải Phố rồi Hoài Phố… những địa danh ấy đang còn phải bàn cãi. Mình rất mừng trước sự phát hiện và cách đặt vấn đề của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Giáo sư Tiến sĩ Kiến trúc sư Ka-zích, người Ba Lan. Đến sáng tác ở đây tựa như nhà thám hiểm đi tìm châu lục mới, đầy thú vị!

Bằng một giọng hơi trầm và chậm rãi, ông tiếp:

- Tuy nhiên mình già rồi, sống chẳng được là bao nên phải ở nhà đón Tết với bà cháu và con gái Thu Giang thôi.

Ngừng lời, ông lấy giấy và chiếc bút dạ đen nét to, phóng bút: “Chúc anh Hoàng Kim Đáng, năm mới chụp được nhiều ảnh đẹp Hà Nội, Tết năm con trâu - 1985”.

- Quà mừng năm mới của mình đấy! Hãy lồng vào khung kính treo cạnh bức chân dung Nguyễn Tuân trong triển lãm của bạn, thay cho bài viết và để đồng bào Hội An thấy mình nhé! Cảm ơn!

Cầm những dòng chữ trên tay còn thơm mùi mực, tôi cảm động thật sự.

- Chữ bác viết còn đẹp hơn cả chữ của người tử tù trong tác phẩm đấy!

Sáng hôm sau, tôi đáp chuyến tàu Thống nhất tốc hành cuối cùng của năm cũ, trên đường Hà Nội – miền Trung.

Chuyện ở Hội An tôi chưa kể với nhà văn Nguyễn Tuân

Hội An sau mười năm giải phóng, cuộc sống và sinh hoạt đã căn bản thay đổi. Tôi tranh thủ ghi lại cảnh đón Tết của đồng bào rồi xách máy dạo trên một đường phố cổ. Thành, anh bạn giáo viên cùng đi với tôi, người Hội An. Thành mới được điều về công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã.

Đi trong khu phố cổ, ký ức về những trang viết của ông luôn sống dậy để tôi đối chiếu, so sánh. Không thấy có tiếng rao bán Ngầu mạc nạm, cũng không thấy tiếng loong coong từ những chiếc xe tay có đeo chiếc lục lạc đồng nào, nhưng phố xá, nhà cửa thì vẫn cổ lỗ. Đột nhiên tôi rủ Thành vào một cửa hiệu bán sách. Thành ghé tai tôi nói nhỏ:

- Nhà cụ Huỳnh – của hiệu sách Vang bóng một thời đấy! Chả là ngày xưa, hiệu sách cụ Huỳnh có bán sách Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân nên hiệu sách cũng đã “một thời vang bóng” đấy.

Nhà văn Nguyễn Tuân những chuyện chưa kể - 3

Ngôi nhà cổ hình ống, rộng thùng thình nay chỉ còn lại có hai cha con. Cô gái, con cụ là một trong mấy chiếc “lọ độc bình cổ” ở Hội An. Gọi là cô gái nhưng thực ra tuổi cũng ngoại tứ tuần rồi. Công bằng mà nói, tiểu thư là một người đàn bà nhan sắc, có to béo đẫy đà gì đâu mà gọi là “độc bình”?

Thành ghé vào tai tôi thì thào:

- Độc bình có nghĩa là một mình ở vậy. Có thể là do khó tính trong kén chọn phò mã hoặc cá chưa gặp nước… khó tính lắm đấy!

- Ta cứ vào!

Tôi kéo Thành bước vào cửa hiệu. Tự nhiên hai chúng tôi bị lọt thỏm trong căn nhà rộng thênh thang và cổ lỗ. Xung quanh tường là những dãy tủ sách khá lớn nhưng chỉ còn trơ lại khung tủ. Sách không còn một cuốn. Chiếc quầy kính kê chính giữa chỉ bầy bán chút ít văn hóa phẩm rẻ tiền.

Như một nhà thám hiểm, tôi đảo mắt nhìn lên trần nhà. Vẫn còn chiếc quạt kéo cổ nom giống hệt chiếc y môn, đã phủ đầy bụi. Cả chiếc đèn điện ba giây uốn lượn cầu kỳ của Pháp, có lẽ được du nhập từ thời kỳ Bá Đa Lộc sang truyền đạo, cũng đã phủ đầy bụi như vậy. Trí tò mò kích động và mách bảo tôi. Không kìm giữ được nữa, tôi khẩn khoản:

- Thưa cô, cho phép tôi được tham quan ngôi nhà. Ngôi nhà cổ của gia đình ta đẹp quá!

Cô gái chủ nhà tự nhiên mắt sáng quắc, mặt tái đi:

- Các người không được vào nhà tôi. Các người không được chiếm nhà tôi. Các người định đuổi cha con tôi ra nghĩa địa à? Bố tôi đang ốm liệt giường!...

Môi cô ta tím bầm, run run và suýt bật ra tiếng khóc. Giọng cô trở nên rền rẫm và lạc hẳn đi – Cách mạng định chiếm nhà của dân chúng hay sao?...

- Thưa cô, tôi là ký giả ở Hà Nội, được cử vào đây làm một cuốn sách giới thiệu về Hội An. Thấy nhà ta đẹp, xin muốn được tham quan.

- Không được vào nhà tôi. Không được chiếm nhà tôi! Trước tình thế gay go, tôi đành rút thẻ nhà báo “đệ trình” trước mặt cô:

- Lấy danh sự là một ký giả, tôi xin thề: Cách mạng không bao giờ chiếm nhà ai cả!

- Cụ Huỳnh từ trên giường lồm cồm bò dậy. Bóng tối mờ ảo của ngôi nhà cổ làm cụ Huỳnh ẩn hiện như một cái bóng. Cụ lẫm chẫm bước ra đứng trước mặt tôi với bộ quần áo to thụng màu cháo lòng còn nhàu nếp nhăn, có lẽ do nằm đã lâu ngày. Râu và tóc cụ bạc trắng như cước. Từ trong hố mắt sâu thẳm và quầng thâm, toát ra vẻ lo ngại thực sự. Môi cụ mấp máy và thều thào:

- Xin mời ngài cứ tự do!...

- Không được! Bố tôi đang ốm nặng. Các ông không được hành hạ!

- Tôi rút thẻ nhà báo trịnh trọng đưa cụ xem. Sau khi nói rõ ý định làm sách, tôi tiếp luôn:

- Thưa cụ, hiệu sách của nhà ta trước đây có bán sách Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân ạ?

- Ngài cũng biết nhà văn Nguyễn Tuân?

- Dạ, thưa có ạ!

- Tôi hỏi khí không phải: Ngoài quý danh Nguyễn Tuân, ông còn mang bút danh gì nữa không ạ?

- Thưa cụ, nhà văn Nguyễn Tuân người chính gốc Hà Nội. Ông cụ thân sinh ra nhà văn Nguyễn Tuân đã có một thời gian công vụ ở Hội An ta. Nhà văn theo cha vào và đã viết về Cửa Đại khoảng trên bốn chục năm trước. Ngoài bút danh Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời, cụ còn nổi tiếng với các bút danh khác như Ngột Lôi Quật, Thanh Hà, Nhất Lang, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc… qua những tác phẩm điển hình và nổi tiếng thời ấy là: Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tàn đèn dầu lạc, Thiếu quê hương, Tóc chị Hoài!...

- Thưa ngài ở trong này chúng tôi coi nhà văn Nguyễn Tuân là ngôi sao sáng số một của trời Nam về văn học!

- Dạ thưa cụ, Cách mạng cũng đánh giá như vậy! Sau này cụ còn viết nhiều, viết khỏe và viết hay qua các tập Tùy bút kháng chiến, Tình chiến dịch, Đường vui, Sông Đà và tập tùy bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Qua tác phẩm này, ông đã đánh trực diện, đánh vỗ mặt vào đế quốc Mỹ xâm lược và kẻ đứng đầu lúc bấy giờ là Giôn Xơn hay Ních Xơn. Tập ký này có tiếng vang không hề thua kém Vang bóng một thời trước cách mạng.

Ông cụ Huỳnh đưa lại tôi chiếc thẻ nhà báo trong tâm trạng nỗi lo âu đã vợi hẳn. Giọng cụ Huỳnh nhẹ nhõm có vẻ thân tình hơn.

- Người Hội An rất mong được thấy lại dung nhan nhà văn viết Cửa Đại vào lúc tuổi già và muốn hiểu rõ cách mạng đã “tẩy não” nhà văn ra sao?

- Nói đến chuyện “tẩy não” tôi nghĩ rằng cụ Huỳnh đã đọc cuốn Những nhà văn tiền chiến của Hà Nội hôm nay của một cây bút chống Cộng ký tên là Kim Nhật.

- Thưa cụ không làm gì có chuyện nhà văn bị “tẩy não”! Cháu có hân hạnh được quen biết nhà văn và được cụ rất yêu mến. Trong chuyến đi này cháu có mang theo cả Tuyển tập Nguyễn Tuân do NXB Văn học chủ trương, cả bức chân dung tác giả cháu mới chụp. Nếu cụ vui lòng, khoảng 6 giờ 30 phút tối nay cháu xin mang hầu cụ.

- Rất hân hạnh được mời ngài cùng tôi đi thăm ngôi nhà bẹp và tồi tàn này!

Thì ra tên tuổi và tác phẩm của nhà văn đã giúp cụ Huỳnh xé toang bức màn ngăn cách với Cách mạng! Uy tín của nhà văn đã giúp chúng tôi tiếp cận với đồng bào một cách dễ dàng như vậy đấy!

Nhà văn Nguyễn Tuân những chuyện chưa kể - 4

Tôi và Thành theo cụ vào nhà trong. Không thấy có tiếng phản đối của cô gái ấy nữa. Cảm nhận bước đầu của tôi là, ngôi nhà này cũng giông giống một ngôi nhà cổ ở phố Hàng Đào ngoài Hà Nội. Với lối kiến trúc, với tài hoa chạm trổ của nghề mộc Kim Bồng, với màu thời gian phủ lên bức tường, tôi ước tính ngôi nhà này xây dựng ít nhất cũng phải trên 200 năm rồi.

Vượt qua dãy thứ hai đến một bức tường chắn ngang mọc đầy rêu phong và cây cối. Nắng chiều vàng nhạt đổ xuống bức tường. Ánh nắng phản chiếu qua lại tạo nên những sắc màu kỳ ảo. Tôi ra hiệu cho Thành dừng lại và mời cụ đứng sát phía tường. Bộ tóc bạc phơ, màu trắng của áo quần tương phản với màu tường nhưng lại đồng chiều với thời gian, tuổi tác chủ nhân với ngôi nhà.

Tôi bỗng nảy ra ý định hơi nghịch ngợm nửa đùa nửa thật, tôi hỏi:

- Dạ thưa cụ, nếu như cháu không phải người thân quen của nhà văn mà là người của cách mạng đến đây với ý định lấy nhà?

- Ngài nói sao?

Đột nhiên đôi mắt cụ mở to. Mồm cụ méo xệch, trông đến thảm hại. Tôi ghi vội tấm hình cụ vào ống kính rồi “chuyển làn” sang phương án hai:

- Thưa cụ, điều cháu nói vừa rồi đó là lời nói xạo. Mong cụ thứ lỗi cho.

Cụ Huỳnh vẫn còn đôi chút phân vân, ngơ ngác. Tôi lại bấm máy kiểu thứ hai và câu chuyện lại tiếp tục:

- Hà Nội và Hội An ta đều là đất văn hiến. Nếu cháu không lầm thì A-lếch-xăng-đơ-rốt là người có công tạo ra chữ quốc ngữ bằng mẫu tự Latinh và nơi truyền bá chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam cũng bắt đầu từ Hội An ta!

- Dạ phải đó.

- Vậy cháu muốn mời cụ lên lầu cao để chụp một tấm hình cụ đang nằm trên ghế xích đu, đeo kính lão đọc sách. Hậu cảnh là mái ngói lô xô. Nắng chiều như dát vàng chiếu vào những cây cối mọc trên mái ngói. Tấm ảnh nói lên chiều dày thời gian và bề dày văn hóa của Hội An ta.

Nụ cười chớm xuất hiện trên môi cụ Huỳnh. Cụ gật đầu tỏ vẻ hài lòng:

- Xin đa tạ ngài. Mời ngài theo tôi lên gác.

Chớp thời cơ tôi ghi lại nụ cười trên môi cụ qua tấm hình thứ ba. Tiếp đó tôi và Thành xốc nách dìu cụ lên gác một cách thận trọng, bởi lẽ cầu thang đã ọp ẹp. Ánh sáng lờ mờ và yếu ớt do luồng sáng trời hiếm hoi từ ngoài, khó khăn lắm mới lọt vào được cầu thang. Lên được chừng mười bậc thì một bóng đen xuất hiện phía trên gác đang huỳnh huỵch lao xuống, miệng tuôn ra hàng tràng tiếng Pháp, tiếng Nhật rồi sau đó là tiếng chửi đổng bằng tiếng Việt.

Gián điệp? Tôi chợt nhớ ra trẻ con ở đây đã có dịp phát hiện và kể với Thành những chuyện ly kỳ rùng rợn đó mà chúng không đủ khả năng đột nhập để mà khám phá. Kể cũng hơi chờn chợn, nhưng tôi quyết định cứ lên. Tới sàn gác, một tấm phản cũ kỹ, bẩn thỉu, chất đầy đầu mẩu gỗ và vỏ trấu vãi tung tóe. Ở giữa có một lỗ hổng và chiếc ba-đờ-xuy (áo khoác ngoài kiểu Âu) bóng nhẫy ghét và mồ hôi, chắc chắn là chủ nhân của nó vừa quăng ra.

Tôi chợt hiểu và khẳng định: đây là chỗ nằm của người điên (mà trong này gọi là người khùng). Trên mái ngói có tới năm bảy lỗ thủng to bằng chiếc mũ, do gỗ sàn lâu ngày bị mục vì nước mưa. Nhìn qua chiếc lỗ đen ngòm vì tối tăm ấy lại thấy một người đàn bà cũng khá là bẩn thỉu, đang nhìn lên. Đôi mắt trắng dã, tay đang quờ vào giá gạo bốc từng nắm nhỏ bỏ vào mồm nhai.

Đích thị là người điên rồi! Không rõ thực hư thế nào, nghe nói người đàn ông kia là em trai, trước đây đã học đến tú tài. Tiếng Pháp, tiếng Nhật nói như gió. Sau bị loạn trí và đâm khùng như vậy.

Tôi định dìu cụ bước ra bao lơn để chụp ảnh. Ánh sáng thì đủ nhưng sàn ọp ẹp lắm. Tôi đành khất cụ dịp khác và cũng chưa tiện tâm sự để biết rõ những điều bí mật mà trẻ em đang muốn biết.

Tối nay, theo đúng hẹn, tôi mang bộ ảnh phong cảnh đất nước và bức chân dung Nguyễn Tuân phóng lớn đến giới thiệu để cụ xem. Xem ảnh cụ Huỳnh sung sướng như chính mình vừa đi thăm đất nước. Cuối cùng, tôi đưa cụ xem tiếp Tuyển tập Nguyễn Tuân có in ảnh và tấm ảnh tôi mới chụp đã phóng to để ở triển lãm và tờ chúc thư cụ viết cho trước ngày tôi lên đường vào miền Trung.

Cụ Huỳnh mắt trân trân, hết nhìn tờ chúc thư rồi ngắm cảnh và đột nhiên cụ thốt lên:

- Trời! Đúng nhà văn Nguyễn Tuân đây rồi! Cả dung nhan, chữ viết vẫn giống thời trai trẻ. Chữ viết của nhà văn viết đẹp như vẽ.

Cô gái ấy đứng lấp sau cụ Huỳnh từ lúc nào tôi không để ý. Khi nghe tiếng cô khe khẽ:

- Nhà ta cũng có sách do nhà văn Nguyễn Tuân ký tặng. Chữ viết của ông hồi ấy cũng giống hệt bây giờ. Trông cụ đẹp lão như một nhà bác học, ba nhỉ!

Cụ Huỳnh tỏ vẻ mãn nguyện thực sự. Không riêng gì cô con gái, cụ nói cả với chúng tôi:

- Nước Nga có Tôn-xtôi và Pu-skin. Việt Nam ta có Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Văn Cao, Tô Hoài… Nhà văn Nguyễn Tuân sẽ sống mãi trong bạn đọc Việt Nam và thế giới!

Đó là những điều tôi chưa kịp kể về Hội An với nhà văn Nguyễn Tuân khi cụ đang sống.

Hôm nay trước vong linh cụ, tôi xin phép được kính cẩn giãi bày cùng bạn đọc và vĩnh biệt nhà văn.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất