Đắm mình với vẻ đẹp ban sơ của thiên nhiên trong “Thiên Thanh”
Triển lãm cá nhân đầu tiên "Thiên Thanh" của họa sĩ Lê Thu Huyền diễn ra từ ngày 15-23/4/2024 khép lại, nhưng dư âm mà nó để lại trong lòng người xem vẫn còn vẹn nguyên một không gian đối thoại tinh tế giữa bảng màu và những tầng sâu cảm xúc. “Thiên Thanh” gợi một tình yêu thiên nhiên và đất nước một cách chân thực, tươi sáng và đầy cảm xúc hé lộ một sự phá cách táo bạo trong nghệ thuật đầy tiềm năng và hứa hẹn.
Một tác phẩm được trưng bày tại triển lãm "Thiên Thanh" - Về với vẻ đẹp ban sơ của tự nhiên
Họa sĩ Lê Thu Huyền đã sử dụng một ngôn ngữ hội họa tinh tế, kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và cảm xúc lãng mạn. Mỗi nét cọ của chị đều chứa đựng sự quan sát tỉ mỉ, tình yêu sâu sắc và sự trân trọng đối với vẻ đẹp của thiên nhiên.
Điểm đặc biệt trong các tác phẩm của Lê Thu Huyền chính là cách chị sử dụng màu sắc. Bảng màu đa sắc của "Thiên Thanh" tươi sáng, rực rỡ nhưng dịu dàng, thanh khiết, tạo nên một không gian thị giác phong phú và đa dạng. Màu xanh của cây lá, màu lam của bầu trời và mặt nước, hồng tươi rực rỡ của hoa, màu vàng cam của ánh nắng... Tất cả hòa quyện vào nhau một cách hài hòa, tạo nên những bức tranh sống động và tràn đầy năng lượng.
Họa sĩ không đi theo lối tả thực chi tiết mà tập trung vào việc gợi mở, khơi gợi những liên tưởng trong tâm trí người xem. Hình tượng trong tranh của Lê Thu Huyền thường mang tính biểu tượng cao, có thể là những dáng hình mềm mại, những cấu trúc trừu tượng, hoặc những mảnh ghép của ký ức và giấc mơ... Sự kết hợp giữa yếu tố hình và phi hình tạo nên một không gian đa chiều, nơi người xem có thể tự do giải mã và tìm thấy sự đồng điệu với những trải nghiệm cá nhân.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm "Thiên Thanh" của họa sĩ Lê Thu Huyền
30 tác phẩm hội hoạ trừu tượng tạo nên một "Thiên Thanh" tựa khúc ca du dương về thế giới tự nhiên, nơi mỗi tác phẩm là một nốt nhạc trầm bổng, khắc họa những khoảnh khắc bình dị mà lay động lòng người của thiên nhiên. Bước chân vào triển lãm, người xem như lạc vào một thế giới khác, tách biệt khỏi những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thường nhật để đắm mình trong vẻ đẹp thanh tao, nguyên sơ của núi rừng, sông nước và bầu trời, của những những tầng ý nghĩa tâm linh trong vũ trụ, mang đến cảm giác bình yên về một đời sống an lạc và hài hòa.
Chỉ là nguệch ngoạc vài nét vẽ ngộ nghĩnh từ những ngày thơ bé đang mải nhìn trời, nước, mây, cây xanh, đỏ, tím, vàng mà đâu có biết đấy là cơ duyên gắn chặt với cuộc đời mình cho đến lúc này, khi nhẹ nhõm cảm nhận thời tiết nghệ thuật để mạnh mẽ và năng động khi quảng giao với nghề và nghiệp cùng bạn bè nhiều thế hệ.
Nghịch màu để vẽ thanh, nghịch đất để làm gốm, Lê Thu Huyền gắn bó với nhiều sự kiện trong đời sống, nghệ thuật đất nước đang ngổn ngang để ngỏ muôn câu hỏi khó đâu dễ trả lời. Thế giới tiếp tục phẳng, mở lòng muôn ngả giao lưu kết nối mà không làm nhoè bản sắc văn hoá Việt.
Thôi thì cứ theo duyên, theo phận theo nghiệp mà đi. Trời vẫn cao, đất vẫn rộng và dòng sông vẫn đôi bờ xanh mềm mại. Không gian vẫn bình yên trong góc khuất của của tâm hồn, cho Lê Thu Huyền nương vào Thiền để thêm duyên, tích phúc cho bất cứ ai...
Hà Nội, ngày 29/3/2025
Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam
Với Giám đốc Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền Vũ Ngọc Long, trong hơn 2000 hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Lê Thu Huyền là một họa sĩ đặc biệt, có phong thái rất riêng biệt không trộn lẫn. Xem tranh, thị giác tiếp nhận cảm giác “ngon mắt không tả được”. Đứng trước “Thiên Thanh”, người yêu mỹ thuật đều thấy mình hòa nhập vào trong một không gian 3 chiều của thiên nhiên phong cảnh. Màu sắc được Huyền sử dụng gợi ra hình ảnh, cảm xúc về thiên nhiên rất thân thiện với người xem, khơi gợi một cảm giác an nhàn trước thiên nhiên ưu đãi.
“Đặc trưng ngôn ngữ hội họa của Lê Thu Huyền ẩn chứa cả những chiều sâu tâm linh và triết lý cuộc sống” - họa sĩ Đỗ Bảng nhận định. Ông lý giải rằng trong tranh Lê Thu Huyền đâu đó thấy thấp thoáng bóng dáng của những thiền sư vận áo vàng, và những hình tiên nữ trong điêu khắc đình làng thế kỷ XVII. “Núp sau những mầu đỏ, lam, vàng, tím… tôi thấy ẩn hiện những cô đôi Thượng ngàn trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Chị vẽ về cõi trời (thiên phủ); cõi đất (địa phủ); cõi nước (thoải phủ) và cõi rừng núi sơn lâm (nhạc phủ)… Tuy nhiên Lê Thu Huyền không có ý định vẽ theo lối mô tả mà chỉ gợi lên bằng mầu sắc, mảng miếng và bố cục”.
Quả thực trong tranh Lê Thu Huyền, hội hoạ gắn liền với đời sống tâm hồn của con người theo tâm linh ngũ hành. Họa sĩ Thiên Hải, một master phong thủy của Việt Nam, Singapore, Hồng Kông cho rằng tranh của Lê Thu Huyền có sinh khí nội lực, trừu tượng nhưng thiên về tâm linh. Màu sắc ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) đều hiển hiện đầy đủ, giàu sinh khí và nội lực trong từng bức tranh có trọn vẹn yếu tố phong thủy.
Cũng theo họa sĩ Đỗ Bảng, hội họa của Lê Thu Huyền “có lẽ bắt nguồn từ sự thăng hoa trong tiềm thức, có lúc cảm hứng đột biến và xuất thần. Những âm thanh vang lên thông qua bảng mầu, đường nét nhịp điệu, không gian và mảng khối… dưới dạng “siêu hình tượng” (Peinture non figurative) nó không giống cái gì cụ thể, bởi nó không mô tả những gì sẵn có trong đời sống mà lại giống rất nhiều thứ. Như vậy hình thể với màu sắc, đường nét với mảng khối là một, dù hòa điệu hay tương phản, giao ứng hay đối nghịch, ẩn hay hiện, lộn xộn hay trật tự, động hay tĩnh thì cũng luôn có sự logic và không để người xem trông thấy cái cụ thể, chỉ biểu đạt để họ cảm thấy.
Lần đầu tiên “trình làng” có thể tranh của Lê Thu Huyền không phải tất cả là hoàn mỹ, vẫn thấy đâu đó còn có sự ngô nghê, bản năng, nhưng cái sự bản năng, ngô nghê đó người xem dễ chấp nhận, bởi chị sử dụng mầu sắc khá uyển chuyển, vì không trường qui, cơ bản nên tạo được nhiều sự bất ngờ… Với cái nền móng lần đầu này, người xem hy vọng những lần triển lãm tiếp theo chị sẽ dần khẳng định mình hơn nữa”.
Họa sĩ Lê Thu Huyền (thứ hai từ trái sang) tại Triển lãm "Thiên Thanh"
Triển lãm "Thiên Thanh" không chỉ thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn, những họa sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng tới thưởng lãm tranh mà còn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Nhiều người bày tỏ sự ấn tượng trước khả năng nắm bắt và thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên một cách tinh tế và độc đáo của Lê Thu Huyền. Sự thành công của triển lãm cá nhân đầu tiên này đã khẳng định tài năng và vị trí của họa sĩ Lê Thu Huyền trong làng mỹ thuật đương đại Việt Nam, đồng thời mở ra những kỳ vọng về những bước phát triển rực rỡ hơn nữa trong sự nghiệp sáng tạo của chị. "Thiên Thanh" thực sự là một đóa hoa tươi thắm, góp phần làm phong phú thêm bức tranh nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Khi xem “Thiên thanh” họa sĩ Ngô Xuân Bính bày tỏ: "Tôi rất mừng - vì những bức vẽ của chị có sự thay đổi thực sự và tiến bộ - được như vậy thật vui - vì không dễ gì đối với người làm nghề - nghệ thuật thực sự - sự thay đổi thị hiếu mẫn cảm, tinh tế về nhận thức không chí có học và thời gian... mà phải là thiên bẩm với tình yêu thực thụ, lao động thực thụ, chân xác nhiều năm".
Hoạ sĩ Lê Thu Huyền hiện đang phụ trách Ban Truyền thông Tạp chí Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam), hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chuyên ngành phê bình mỹ thuật, hội viên Unesco Mỹ thuật Hà Nội. Triển lãm “Thiên Thanh” - Về với vẻ đẹp ban sơ của tự nhiên là triển lãm cá nhân đầu tiên đánh dấu bước chuyển mình trong sự nghiệp mỹ thuật của hoạ sĩ. Trong quá trình hoạt động mỹ thuật cô đã được nhiều bằng khen vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam trong ngoại giao trong nước cũng như quốc tế. |
Một số tác phẩm tranh được trưng bày tại triển lãm "Thiên thanh":
Bình luận