Nhà văn Trình Quang Phú – Chữ tình còn mãi

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ra mắt tác phẩm "Nhà văn và chữ tình gởi lại" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của nhà văn Trình Quang Phú đầy ấm áp, xúc động với sự tham dự của lãnh đạo Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ, gia đình, bạn hữu và đông đảo bạn đọc yêu mến tác giả.

Nhà văn và chữ tình gởi lại gồm 25 bài bút ký ghi lại chân thực những kỉ niệm, những tình cảm đáng quý của nhà văn Trình Quang Phú với các văn nghệ sĩ tên tuổi của nền văn học nghệ thuật Việt Nam, thể hiện góc nhìn dung dị, tỉ mỉ và sâu sắc của nhà văn.

Như nhiều nhà văn, nhà thơ nhận định trong lễ ra mắt sách, Nhà văn và chữ tình gởi lại cho người đọc thấy được những ký ức và những vẻ đẹp khác trong góc khuất tâm hồn của các văn nghệ sĩ tên tuổi đã mất mà trước nay độc giả chưa từng được biết đến; cuốn sách đã làm sống lại cả một thời kỳ văn học thông qua kỷ niệm với các nhà văn. Ngoài ra, cuốn sách còn là nguồn tư liệu quý về ảnh, ảnh bút tích, thông tin cá nhân, tác phẩm…

Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trình Quang Phú xoay quanh tác phẩm này của ông.

Nhà văn Trình Quang Phú – Chữ tình còn mãi - 1

Nhà văn Trình Quang Phú tại buổi lễ ra mắt tác phẩm "Nhà văn và chữ tình gởi lại"

PV: Lao động trong nhiều lĩnh vực và ở lĩnh vực nào cũng gặt hái thành công, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cao quý. Đâu là động lực khiến ông tận hiến không biết mệt mỏi mà vẫn dành thời gian cho sáng tác văn chương?

Nhà văn Trình Quang Phú: Mười hai tuổi làm người lính liên lạc, suốt từ đó đến giờ tôi luôn coi mình là người lính dù ở cương vị nào, từ nhà ngoại giao hay nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học hay kể cả nhà văn. Người lính thì chỉ có chiến đấu và chiến thắng thôi, tôi lấy ý chí ấy của người lính cụ Hồ, luôn tự khuyên mình phải cần mẫn. Thời gian trôi qua thì không bao giờ lấy lại được, cho nên phải giành giật thời gian để sống, làm việc và cống hiến. Kể cả với nghề viết.

Nghề viết với tôi như một mối tình thủy chung đi suốt cuộc đời mình, vì vậy mà lúc nào có thể dành được thời gian là tôi viết. Tôi nghĩ tất cả những gì nhận được trong cuộc sống đều có thể tạo cho mình những xúc động để mình viết được. Cuộc sống của các nhà văn đi trước, các nhà văn đã mất để lại cho mình những tình cảm sâu sắc lắm, bởi họ đã viết nên bằng sự rung động thật sự của trái tim họ để hiến dâng cho đời, mình viết về họ và đó cũng là lời khuyên đối với mình, hãy dùng tất cả thời gian, dùng tất cả trí tuệ, làm sao để hiến dâng cho đời những rung động của mình đối với các nhà văn và đối với cuộc sống.

PV: Xin ông cho biết cơ duyên ông viết nên tác phẩm“Nhà văn và chữ tình gởi lại”?

Nhà văn Trình Quang Phú: Tập ký ức văn học này tôi ghi lại những kỷ niệm đời thường của các nhà văn, nhà thơ mà tôi đã gặp, đã thân. Có những nhà văn, nghệ sĩ tôi chỉ ghi lại bằng hình ảnh, những ảnh đó cũng chụp nửa thế kỷ trước giờ mới ra mắt bạn đọc. Tất cả hình ảnh, chuyện đời thường về mỗi nhà văn, tôi nghĩ là nét thời gian được giữ lại, đúng hơn là chữ tình mến yêu của họ gởi lại cho hôm nay và mai sau.

Tôi có may mắn khi mới viết được những trang ký đầu tiên (vào khoảng 1959 - 1960) đã có dịp gặp gỡ với những nhà văn nhà thơ có tên tuổi như gặp nhà văn Nguyễn Tuân. Đặc biệt, ngày đó tôi quen thân với vợ chồng nhà văn Nguyễn Văn Bổng, mỗi lần tôi về Hà Nội anh chị cho tôi ở nhờ nhà anh chị tại số 10 Nguyễn Thượng Hiền, chị Hồ Vân lo cho tôi cả bữa ăn sáng, ăn tối.

Lúc ấy, Hà Nội còn bao cấp khó khăn. Anh Bổng đọc các bài viết của tôi và khích lệ: “Em nên ghi chép nhiều, vốn sống đang trước mặt em, quí lắm. Viết xong không vừa lòng ngay, phải đọc lại nhiều lần để sửa, viết văn là phải kiên trì...”. Về sau các anh Phạm Hổ, Vương Linh đều có quê ở Liên khu 5 như anh Nguyễn Văn Bổng, các anh cũng động viên tôi nhiều.

Trong quyển sách này, rất tiếc tôi chưa viết được về ba nhà văn, nhà thơ này và tôi cũng không chụp được ảnh nào về các nhà văn khu 5 yêu quí mà tôi đã gặp trong những ngày đầu đời cầm bút hơn 60 năm trước.

Nhà văn Trình Quang Phú – Chữ tình còn mãi - 2

Tác phẩm "Nhà văn và chữ tình gởi lại"

PV: Trong tác phẩm ông ghi lại nhiều kỷ niệm đời thường với các văn nghệ. Đâu là kỷ niệm sâu sắc nhất với ông?

Nhà văn Trình Quang Phú: Tất cả những gì tôi đã ghi trong cuốn sách này đều là những kỉ niệm sâu sắc, dù nhỏ dù lớn, dù thoáng qua, tất cả đều để lại những kỉ niệm sâu sắc mà tôi không thể nào quên được. Kể cả những bức ảnh tôi chụp bây giờ 50 năm mới công bố.

PV: Hai tác phẩm ông tái bản và xuất bản gần đây nhất là “Còn với non sông một chữ tình” và “Nhà văn và chữ tình gởi lại” viết về nhiều những con người mà tuổi tên đã đi cùng thời đại ông luôn đặt nặng chữ tình. Ông có thể chia sẻ về chữ tình mà ông gửi gắm trong các tác phẩm của mình?

Nhà văn Trình Quang Phú: Đã là trang viết là phải có chữ tình, đã là trang viết là phải có những rung động. Vì vậy qua những trang viết của mình, tôi muốn gửi đến thông điệp tất cả chỉ còn lại một chữ tình mà thôi.

Cái chữ tình quý lắm, tôi nghĩ nhiều người nói cái gì rồi cũng hết, chức vụ to mấy rồi cũng qua đi, tiền của cũng thế thôi nhưng chữ tình thì nó sẽ còn mãi. Lúc tôi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã đọc cho tôi nghe câu thơ: “Cho hay mọi cái đều thay đổi/ Còn với non sông một chữ tình” – câu thơ của Đào Duy Anh và ông nói với tôi: “Phú ơi, tất cả là chữ tình”.

Từ lúc Đại tướng nói với tôi đó thì tôi bắt đầu ghi tâm mình phải làm sao để gửi thông điệp này cho đời. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường ngày nay, tôi thấy chữ tình không còn sâu sắc, nó không còn đẹp đẽ như ngày xưa nữa. Cái lúc ở chiến trường mà hạt gạo hạt lúa cắn làm đôi, tôi thấy chữ tình sâu sắc lắm.

Qua quyển sách này, tôi bày tỏ ở đây lòng kính yêu quí trọng sâu sắc với những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đã ra đi... đồng thời gửi gắm những tình cảm của mình và xin được góp một góc nhỏ vào bảo tàng “động” về các nhà văn Việt Nam. Tôi hi vọng là trong cuộc sống, chúng ta phải sống bằng tình cảm chân thật nhất, trung thực nhất và có thể nói là sống động nhất để gửi lại cho đời.

PV: Viết về nhiều nhà văn lớn, đồng thời là nhà văn thuộc thế hệ đi trước đã gặt hái đc nhiều thành công, ông có nhắn nhủ gì với hế hệ những người cầm bút trẻ, tương lai của nền văn học nước nhà?

Nhà văn Trình Quang Phú: Tôi chỉ mong rằng đã là nhà văn thì phải dùng cái rung động của trái tim mình để viết, để cống hiến. Mong rằng các bạn trẻ sẽ có những rung động thật sự đối với đời, đối với cuộc sống, đối với nhân dân, đối với đất nước và đặc biệt đối với đồng đội, đồng chí của mình, mà cái rung động thật sự đó chính là những tình cảm chân thành nhất, trung thực nhất, sẽ luôn luôn sống với nhau bằng chữ tình. Có như vậy thì chúng ta mới trở thành những con người tử tế, những con người sống mực thước và biết thương yêu nhau. Tôi nghĩ là cuộc sống sẽ văn minh hơn, hạnh phúc hơn.

PGS.TS, Đại tá, nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1940, quê Phú Yên, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh; hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển phương Đông, nguyên chuyên viên Ban CP72 của Trung ương Đảng; nguyên trợ lý Chủ tịch Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; tư vấn Thủ tướng; ủy viên Đoàn chủ tịch; ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (khóa 5, 6, 7); ủy viên Ủy ban Trung ương; Phó Chủ nhiệm Hội đồng đối ngoại và kiều bào của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 6, 7; Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam; Viện sĩ Viện hàn lâm các vấn đề xã hội Cộng hòa Liên bang Nga.

Ngoài ra, ông còn hoạt động trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1960, làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo. Ông đã xuất bản trên 20 đầu sách, trong đó có nhiều sách được tái bản nhiều. Ông được trao tặng số giải thưởng về văn học nghệ thuật như: Giải nhì ký sự báo Cứu Quốc năm 1962, Giải nhì truyện ngắn của báo Văn nghệ Phú Khánh, Huy chương vàng quốc tế về ảnh nghệ thuật. Tháng 5/2022, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Nguyễn Chi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T