Bức tranh toàn cảnh nhiều điểm sáng của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam năm 2023

Sáng 19/1, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức buổi Tổng kết hoạt động để nhìn lại bức tranh toàn cảnh VCPMC năm 2023 với sự góp mặt của các đại biểu khách quý đại diện cho các Ban, Bộ, Ngành trung ương và Hà Nội, các đối tác của VCPMC và gần 300 tác giả thành viên.

Bức tranh toàn cảnh nhiều điểm sáng của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam năm 2023 - 1

Các đại biểu, tác giả, đối tác tham dự Lễ tổng kết năm 2023 của VCPMC.

Theo báo cáo tổng kết, số lượng thành viên trong năm 2023 của VCPMC tăng thêm 398 tác giả. Tổng số thành viên ủy quyền tại VCPMC đến nay là 5.782 tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Bộ phận Hội viên tại hai miền đã tăng cường hỗ trợ tư vấn cho các tác giả nhằm bảo lưu quyền và lợi ích nếu cần giao dịch với các đơn vị về hợp tác phổ biến, khai thác tác phẩm; phối hợp với tác giả rà soát vi phạm ở một số lĩnh vực trực tuyến, biểu diễn... để tiến hành truy thu, đòi bồi thường.

Về thu tiền sử dụng quyền tác giả, năm 2023, tổng số tiền bản quyền mà VCPMC đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 344.120.862.896 đồng. Số tiền bản quyền thu tại Việt Nam (chưa tính nguồn thu từ CMOs quốc tế) tăng khoảng 29% so với năm 2022, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra.

Năm 2023 cũng là năm có nhiều khởi sắc trong công tác đối ngoại của VCPMC, với một số điểm nhấn quan trọng như: Đoàn SESAC – MINT DIGITAL thăm và làm việc với văn phòng VCPMC tại Hà Nội; tham dự Hội thảo Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương của CISAC tại Thái lan; gặp mặt, trao đổi với Google một số nội dung về việc phối hợp giữa hai bên trong việc xử lý, trao đổi dữ liệu và kế hoạch đào tạo;…

Về quan hệ hợp tác song phương, hiện nay, VCPMC đã ký thỏa thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bên cạnh đó, VCPMC còn duy trì hoạt động chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, chăm lo các nhạc sĩ bệnh tật, nghèo khó. Thăm hỏi trao quà cho các tác giả lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng, Hội Âm nhạc TP. Cần Thơ, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh. Tham gia các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội nhằm chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Bức tranh toàn cảnh nhiều điểm sáng của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam năm 2023 - 2

Lễ tổng kết được tổ chức trong không khí trang trọng, ấm áp, thân mật.

Để có được kết quả trên, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, VCPMC đã luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL, Hội Nhạc sĩ Việt Nam… sự chung sức đồng lòng của gần 5.800 nhạc sĩ thành viên, đặc biệt là việc mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác song phương với các tổ chức Tập thể quyền của nhiều quốc gia trên thế giới qua đó học hỏi kinh nghiệp, tiếp cận khoa học công nghệ, tham gia vào nhiều khóa học nhằm hoàn thiện và chuẩn hóa các hoạt động của VCPMC, xứng tầm là Tổ chức Đại diện Quyền tác giả âm nhạc duy nhất tại Việt Nam - thành viên của CISAC.

Mặc dù VCPMC đã rất nỗ lực trong việc bảo vệ quyền lợi của các thành viên, song thực tế việc thực thi quyền tác giả âm nhạc gặp không ít khó khăn do cơ chế, chính sách cũng như nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả âm nhạc nói riêng.

Theo VCPMC, hiện nay Trung tâm thường xuyên gặp khó khăn bởi nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn có tình trạng trì hoãn trả tiền bản quyền, lạm dụng cơ chế thỏa thuận để cố ý làm mờ nhạt đi quyền “độc quyền” của tác giả đã được pháp luật quy định cũng như né tránh nghĩa vụ thuộc về bên sử dụng, gây khó khăn, tốn kém về chi phí xử lý, thời gian và nhân lực của VCPMC.

Trong năm 2023, bộ phận cấp phép các lĩnh vực đã tích cực và chủ động gửi văn bản đến các đơn vị sử dụng âm nhạc đề nghị thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyên, số lượng văn bản, thư từ trao đổi lên tới 1.500 lượt.

Phát biểu chúc mừng tại buổi tổng kết, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh, sự phát triển của VCPMC như ngày hôm nay được tạo nên từ nhiều lý do. Trong đó, sự đoàn kết, nhất trí, chung sức tập trung toàn bộ năng lượng, trí tuệ làm việc để hướng tới mục đích bảo vệ quyền lợi của những nhà sáng tạo là một lý do quan trọng.

Bức tranh toàn cảnh nhiều điểm sáng của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam năm 2023 - 3

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu.

“Trong thời đại công nghiệp phát triển như vũ bão hiện nay, VCPMC còn cho chúng ta bài học về sự tiên phong, giám nghĩ, dám làm, dám thực hiện. Không chỉ hoạt động một cách đơn lẻ mà VCPMC còn hướng tới cả tầm quốc tế, ở đó quyền lợi của những người sáng tạo dưới lĩnh vực âm nhạc đều được coi trọng, được soi sáng và được bảo vệ”, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tặng quà tri ân các nhạc sĩ, là các tác giả thành viên đã đồng hành cùng VCPMC trong suốt 21 năm qua.

Bức tranh toàn cảnh nhiều điểm sáng của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam năm 2023 - 4

Tặng quà tri ân các tác giả.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập ngày 19/4/2002, theo Công văn số 28/BTCCBCPTCPCP ngày 18/4/2002 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ nay là Bộ Nội vụ và Quyết định số 19/2002/QĐ ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

VCPMC là thành viên chính thức của CISAC Liên minh quốc tế các Hiệp hội những Nhà soạn Nhạc và Lời gồm 239 Hiệp hội của 123 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 5 triệu tác giả.

Tính đến thời điểm 01/2024 đã có 5.840 tác giả và hơn 220.000 tác phẩm âm nhạc được ủy quyền cho VCPMC. 

Huyền Thương - Tuấn Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất