Hình ảnh MV phản cảm: Nghệ sĩ hãy thôi làm ngơ...

“Ở nước ta, việc dán nhãn độ tuổi cho MV ca nhạc chưa phải là điều bắt buộc bởi sự phát triển của công nghệ luôn đi nhanh hơn sự phát triển của luật pháp. Điều này đã tạo ra những lỗ hổng, những thiếu sót chưa thể kịp thời bổ sung, thay đổi. Cho nên việc dán nhãn độ tuổi cho sản phẩm âm nhạc vẫn chỉ có thể trông chờ vào ý thức tự thân của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ hãy thôi làm ngơ mà cần phải ý thức được sức ảnh hưởng to lớn của mình đối với công chúng, đặc biệt là đối với khán giả, người hâm mộ”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Những “món ăn” không dành cho số đông

Mới đây, MV “Black Hickey - Con dấu chủ quyền” của Chi Pu vướng phải tranh cãi khi nhiều khán giả nhận xét, MV có những phân cảnh quá “bạo” với những hành động thân mật đến mức nhạy cảm mà không được giới hạn độ tuổi.

Thậm chí, một số khán giả gay gắt chỉ trích nữ ca sĩ đang cổ súy cho hành vi tình dục nơi công sở. Và chỉ sau hơn 3 ngày phát hành, sáng 12/8, MV này bỗng biến mất khỏi kênh YouTube chính thức của Chi Pu khiến công chúng không khỏi thắc mắc và hiện nữ ca sĩ vẫn chưa lên tiếng giải thích về sự bất thường này.

Hình ảnh MV phản cảm: Nghệ sĩ hãy thôi làm ngơ... - 1

Phân cảnh "tình tứ" trong MV mới của Chi Pu.

Thực tế cho thấy, MV phản cảm được đăng tải tràn lan trên các trang mạng giải trí ở nước ta như “chuyện thường ngày ở huyện”. Và phần lớn các MV có chứa những cảnh nhạy cảm đều phát hành online trên các trang mạng trực tuyến như Youtube, Facebook… như một cách lách luật vì việc tung lên mạng không cần xin giấy phép phát hành, không bị kiểm duyệt hoặc nếu bị phát hiện, tố cáo sai phạm thì ca sĩ, người tung clip, MV sẽ “rút” MV, clip đó khỏi internet. Chính sự tự do này khiến cho nhiều nhà sản xuất hiện nay hướng đến việc phát hành sản phẩm trên internet ngày một nhiều hơn.

Với sự cộng hưởng cả về mặt âm thanh và hình ảnh, những MV đang là xu thế được lựa chọn thưởng thức của phần lớn khán giả trẻ. Vì thế, nếu không có sự định hướng, kiểm soát về chất lượng nghệ thuật của các MV thì vô hình trung sẽ cổ vũ cho sự phát triển của những sản phẩm âm nhạc cẩu thả về chất lượng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Hình ảnh MV phản cảm: Nghệ sĩ hãy thôi làm ngơ... - 2

Trước đó, một MV khác của Chi Pu là "Mời anh vào team em" cũng từng bị ném đá dữ dội bởi có nhiều phân cảnh hở hang, khiêu gợi quá đà.

Hầu hết những MV ca nhạc phản cảm được phát hành trên mạng khiến dư luận bức xúc đều là được công chúng phát hiện, báo chí đăng tải thông tin, sau đó cơ quan chức năng mới vào cuộc. Tuy nhiên, dù có vào cuộc, việc xử lý cũng vô cùng khó khăn. Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan được giao quản lý, kiểm duyệt và cấp phép các sản phẩm âm nhạc, nhưng chỉ những MV được phát hành dưới dạng đĩa mới có thể kiểm soát được.

Còn các MV phát hành trên mạng, có chăng là Cục sẽ yêu cầu cắt bỏ bớt các cảnh “nóng” mới được cấp phép lưu hành. Chưa kể, một số hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng nhưng mức phạt tiền còn thấp, vì vậy không bảo đảm được tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực.

Luật Điện ảnh hiện nay đã có quy định cụ thể về kiểm duyệt cảnh nóng, dán nhãn phim theo độ tuổi. Thế nhưng việc dán nhãn độ tuổi cho những sản phẩm âm nhạc có cảnh nhạy cảm vẫn chỉ trông chờ vào ý thức chủ quan của người nghệ sĩ. Đứng trước áp lực về view (lượt xem) của mỗi sản phẩm khiến cho không ít nghệ sĩ lạm dụng các yếu tố "cảnh nóng" để thu hút người xem mà không nghĩ rằng ranh giới giữa gợi cảm và phản cảm dung tục là rất mong manh.

Phóng viên Arttimes.vn đã ghi nhận ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung về vấn đề này.

“Nghệ sĩ hãy thôi làm ngơ...”

Chúng ta đều biết rằng Youtube là một nền tảng video mà mọi lứa tuổi đều có thể truy cập. Đặc biệt người xem Youtube đa phần là lứa tuổi thanh thiếu niên đôi khi nhận thức còn chưa đúng đắn, gia đình lại không có sự quan tâm đúng mực, để con em mình tự do tìm kiếm, xem những MV phản cảm với nội dung không lành mạnh.

Khách quan mà nói, người nghệ sĩ đúng là không thể nào tránh được hết những trường hợp như vậy. Nhưng việc họ chủ động dán nhãn hạn chế độ tuổi ở những sản phẩm âm nhạc có nội dung không dành cho số đông là điều cần thiết và rất đáng hoan nghênh, thể hiện sự văn minh và có ý thức với cộng đồng. Bởi một khi Youtube trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những MV phản cảm được tự do phát hành thì những tác động tiêu cực của nó tới thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam là điều rất đáng lo ngại.

Hình ảnh MV phản cảm: Nghệ sĩ hãy thôi làm ngơ... - 3

Nguyễn Văn Chung là một nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc trẻ Việt Nam. Anh được xem là một nhạc sĩ trẻ khá thành công trong việc gây dựng hình ảnh cho các ca sĩ như Khánh Phương, Akira Phan, Tần Khánh, The Men... (Ảnh: NVCC)

Ở nước ta, việc dán nhãn độ tuổi cho MV ca nhạc chưa phải là điều bắt buộc bởi sự phát triển của công nghệ luôn đi nhanh hơn sự phát triển của luật pháp. Điều này đã tạo ra những lỗ hổng, những thiếu sót chưa thể kịp thời bổ sung, thay đổi. Cho nên việc dán nhãn độ tuổi cho sản phẩm âm nhạc vẫn chỉ có thể trông chờ vào ý thức tự thân của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ hãy thôi làm ngơ mà cần phải ý thức được sức ảnh hưởng to lớn của mình đối với công chúng, đặc biệt là đối với khán giả, người hâm mộ.

Dù rằng mỗi nghệ sĩ đều mong muốn có những sáng tạo nghệ thuật của riêng mình từ những góc cạnh khác nhau của đời sống. Có người muốn truyền tải thông điệp tích cực, có người lại muốn đào sâu vào những mặt trái. Nhưng vốn dĩ giá trị cốt lõi ở người nghệ sĩ vẫn là mang đến cái đẹp cho cuộc đời, lan tỏa những năng lượng tích cực cho công chúng. Như vậy thì những sản phẩm của nghệ sĩ sẽ đáng được trân trọng hơn, sự trân trọng đó sẽ đến từ cả phía khán giả, đồng nghiệp và các nhà chuyên môn.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất