Nhạc sĩ Hoàng Giai và bức thư gửi Thời báo Văn học nghệ thuật
Vào một ngày cuối năm 2022, tòa soạn Thời báo Văn học nghệ thuật nhận được bức thư dài của bạn đọc - nhạc sĩ Hoàng Giai, đang ở tuổi Quý Dậu - 90, gửi đến ông Tổng Biên tập - nhà báo, nhà văn Hoàng Dự.
Nhạc sĩ Hoàng Giai
Trong thư có đoạn viết: “... Tôi rất xúc động khi đọc bài “Nhà văn Võ Khắc Nghiêm - Một vỉa than lấp lánh” của nhà văn Hoàng Dự đăng trên Thời báo Văn học nghệ thuật số 40 ra ngày 6/10/2022. Là một bạn đọc thân thiết của quý báo, lại cùng họ Hoàng với nhau, tôi biết ông có thời gian trước năm 1992 đã từng công tác ở Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; còn tôi ngày ấy là Trưởng khoa Thiếu nhi Trường Đoàn Trung ương (nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam). Rất may là hiện nay tôi còn khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn còn cảm hứng làm câu thơ lục bát: “Vui sao Quý Dậu gà vàng/Vẫn còn vỗ cánh gáy vang mỗi ngày”.
Tôi có niềm vui dành nhiều thời gian để đọc sách báo. Hiện nay, thường mỗi ngày tôi đọc năm loại báo viết: báo Hà Nội Mới (được tặng thường xuyên), các báo: Văn nghệ Công An, Tinh hoa Việt, An ninh thế giới, đặc biệt là Thời báo Văn học nghệ thuật và tôi lưu giữ có trình tự ngay từ số đầu tiên ra ngày thứ năm - 30/7/2020, đến nay đã ra được trên 130 số với những bài viết hay của nhiều tác giả, như các nhà thơ: Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Bằng Việt, Đỗ Trung Lai..., các nhà văn như Phan Quang, Võ Khắc Nghiêm, Hoàng Quốc Hải, Lê Minh Khuê, Châu La Việt, Nguyễn Hiếu, Lê Bá Thự, Nguyễn Đắc Như... Tôi nhận thấy Thời báo Văn học nghệ thuật có nhiều bài viết hay, là tư liệu quý nên mỗi số báo của quý tòa soạn tôi thường mua 3 tờ: một để đọc và lưu, một tờ gửi về quê tặng chú em là nhà giáo dạy văn, có sáng tác thơ văn và một tờ để tặng cho gia đình nhạc sĩ mà tôi yêu quý.
Thời gian gần đây trên Thời báo nghệ thuật xuất hiện thêm khá nhiều bài viết hay, hấp dẫn của nhà văn, nhà báo Kim Quốc Hoa (rất cập thông tin). Đặc biệt là Hoàng Kim Đáng trước đây tôi chỉ biết là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhưng qua những loạt bài viết in trên quý báo về những chân dung văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa, khoa học, tướng lĩnh, tiêu biểu như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Tuân, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Trần Quốc Vượng, Tào Mạt... tôi nhận thấy Hoàng Kim Đáng còn là một nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa rất đáng được quý trọng.
Tôi hy vọng tờ báo của chúng ta ngày càng có nhiều tác giả, có nhiều bài viết hay, nhiều bạn đọc tin yêu và đón nhận. Tôi xin gửi đến ông Tổng Biên tập - nhà văn, nhà báo Hoàng Dự lời chào kính trọng”.
HOÀNG GIAI KHÔNG CHỈ LÀ NHẠC SĨ
Nhà báo Nguyễn Thảo (còn có tên tác giả là Ngô Khiêm), khi viết về nhạc sĩ Hoàng Giai, bài viết mang tên “Nhạc sĩ Hoàng Giai với “Kho tư liệu” về âm nhạc thiếu nhi” đăng trên báo Giáo dục Thời đại dài hai trang, số ra ngày 12/12/2022 có đoạn viết: “Hoàng Giai có năng khiếu về âm nhạc, vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ. Ông đã sáng tác hàng trăm bài hát cho thiếu nhi. Ông còn sưu tầm và biên soạn 3 cuốn sách có giá trị về âm nhạc dành cho thiếu nhi, như: “Em mơ gặp Bác Hồ”, “100 ca khúc đặc sắc về thiếu nhi với Bác Hồ” (NXB Âm nhạc) và tập ca khúc 100 bài mang tên “Màu áo chú bộ đội” của nhiều tác giả, sách do NXB Dân trí ấn hành”. Vẫn theo tác giả Nguyễn Thảo: “Nếu nghe kỹ những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Giai, ta có thể thấy được nó cũng giống như con người ông vậy: giản dị, mộc mạc, chân tình, lời lẽ dễ nghe, dễ hiểu và cũng dễ thuộc. Ông tận tình và chu đáo với tất cả mọi người. Với tôi, ông là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm, người thầy đáng kính, một tấm gương nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp...”.
Đặc biệt, tập ca khúc thiếu nhi (kèm theo đĩa CD) của nhạc sĩ Hoàng Giai mang tên “Tinh khôn lắm tài - Em hát về 12 con giáp”, NXB Âm nhạc ấn hành, nhạc và lời Hoàng Giai và phổ thơ của các nhà thơ: Phạm Đông Hưng, Nguyễn Bao, Quản Tập, Băng Sơn, Ngô Văn Đảm, Khương Duy. Phối âm phối khí: nhạc sĩ - NSƯT Hoàng Lương (khi ấy là Trưởng ban ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam), do Đội ca thiếu nhi Cầu vồng của Đài biểu diễn.
Trong lời giới thiệu tập ca khúc này, GS.TSKH - Nhà nghiên cứu âm nhạc Tô Ngọc Thanh viết: “... Có lẽ không em bé nào lại không từng hát những “Con cò bé tý”, “Rửa mặt như mèo”, “Con vịt xòe ra hai cái cánh” hoặc “Chú voi con”, “Con bướm”... nhưng chắc chắn rằng chưa ai có được cảm hứng để viết về các con vật trong hệ thống mười hai con giáp như nhạc sĩ Hoàng Giai. Khi phổ nhạc, Hoàng Giai không chỉ giữ nguyên những đặc trưng “trẻ em” trong thơ mà còn bổ sung thông qua thủ pháp âm nhạc...”.
Hoàng Giai là nhạc sĩ viết nhiều cho thiếu nhi và đóng góp những tìm tòi trong lĩnh vực này. Tập bài hát “Em hát về 12 con giáp tinh khôn lắm tài” là một bước tìm tòi mới của tác giả. Những ca khúc thiếu nhi tiêu biểu của Hoàng Giai được nhiều người biết đến như: “Măng non trưởng thành” (Huy chương Vàng Hội diễn văn nghệ quần chúng (Hải Phòng - 1965), “Em bước theo Đoàn thanh niên” - Giải A cuộc vận động sáng tác Văn học Nghệ thuật của Ủy ban thiếu niên - nhi đồng Trung ương - 1968; “Bông hồng và tiếng hát” phổ thơ Phạm Hổ - Giải thưởng cuộc thi ca khúc khăn quàng đỏ - 1999; “Hà Giang quê hương em” - Giải Nhất cuộc thi sáng tác âm nhạc của Ủy ban bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em - Hà Giang 1993…
CÙNG NHÀ VĂN CAO VĂN TUẾ TUYỂN CHỌN 300 CÂU CHÂM NGÔN
Nhạc sĩ Hoàng Giai và nhà văn Cao Văn Tuế quen biết nhau đã từ lâu, cùng là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội từ khi thành lập Hội năm 1966. Cao Văn Tuế là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hoàng Giai là hội viên Hội Âm nhạc; lại ở gần nhau.
Năm 1992 gia đình nhạc sĩ Hoàng Giai về ở làng Đông Xã, gần làng An Thọ, thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ - nơi nhà văn Cao Văn Tuế mở hiệu cắt tóc Tô Xuân ở 528 Thụy Khuê, Hoàng Giai thường đến với Cao Văn Tuế để cắt tóc, đàm đạo văn chương, tìm những bài thơ hay để phổ nhạc. Cao Văn Tuế chuyên sáng tác thơ văn, câu đối, ngụ ngôn và châm ngôn, nhưng Hoàng Giai phục Văn Tuế nhất là viết châm ngôn. Từ năm 1991 đến những ngày cuối đời, Cao Văn Tuế đã để lại hàng nghìn câu châm ngôn, là kết quả của những câu thu lượm được, đúc kết mà thành châm ngôn từ rất nhiều người khách đến quán Tô Xuân cắt tóc mà Cao Văn Tuế trở thành “Nhà châm ngôn học” từ đấy.
Đặc biệt là đêm đầu tiên của năm 1991, Cao Văn Tuế bắt tay vào viết châm ngôn, đêm ấy ông đã viết liền mạch được 32 câu thì 31 câu được các báo đăng ngay tức thì và trở thành nổi tiếng, trở thành hiện tượng Cao Văn Tuế.
Hiện tượng viết châm ngôn như Cao Văn Tuế đã có gần 50 bài viết xuất hiện trên các báo. Nhà văn Xuân Cang có thời gian là Tổng Biên tập báo Lao Động, đã viết trong quyển “Phác thảo chân dung nhà văn dưới ánh sáng kinh dịch”. Ông dẫn châm ngôn được định nghĩa trong Từ điển Bách khoa và giới thiệu hàng loạt câu châm ngôn của Cao Văn Tuế và khẳng định: “Trong số 242 câu châm ngôn công bố trong “Tâm văn” và hàng trăm câu khác đăng báo, được tuyển chọn ghi trong lịch bóc hàng ngày, có bao nhiêu câu sẽ được lưu truyền? Cho nên chúng tôi xin gọi chung là “Chùm hoa, một chùm hoa châm ngôn”. Cao Văn Tuế - một đời văn để lại, một chùm hoa châm ngôn, còn gì quý hơn?”.
Cao Văn Tuế có 16 câu châm ngôn được in trên lịch (có 12 câu in trên lịch NXB Văn Hóa Thông tin năm 1998). Mỗi khi Cao Văn Tuế viết được chùm châm ngôn nào đều đọc cho Hoàng Giai nghe và sau đó là hai cái đầu gật gù và bắt tay nhau thật chặt.
Ngày 10/4/2012 Hoàng Giai và Cao Văn Tuế thống nhất biên soạn một cuốn sổ tay bỏ túi, là cuốn sách nhỏ mang tên “Những dòng tâm thức” tuyển chọn từ hàng nghìn câu châm ngôn còn 300 câu, xếp thành 10 chủ đề như: Khôn dại, giao tiếp ứng xử, Con người và Xã hội, tầm nhìn và bản lĩnh, bài học đường đời... Sách in trên NXB Văn hóa Thông tin. Có thể nói mục nào cũng là một tấm gương soi vào đó mà tự thấy mình. Đặc biệt nhà văn Cao Văn Tuế có bài thơ: “Nhớ Cao Chu Thần Thánh Quát” được khắc vào bia đá đặt vào tủ kính trong Nhà tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát ở xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội!
Hoàng Giai là người nhiều lần trực tiếp động viên và cùng tuyển chọn, soạn thảo từ hàng nghìn câu châm ngôn, loại bỏ dần chỉ còn 300 câu để xuất bản, công sức, trí tuệ bỏ ra đâu phải chuyện nhỏ.
Ông là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa - nhạc sĩ Hoàng Giai!
Nghe các đồng nghiệp ca tụng về Trương Tuyết Mai, một vài vị mày râu còn kháo nhau: Nàng xinh đẹp, dịu dàng là thế mà...
Bình luận