Nhạc sĩ Trần Hữu Bích: Sự nghiệp thăng hoa, gia đình hạnh phúc, người hiền luôn gặp lành

Đã lâu tôi mới được gặp lại nhạc sĩ Trần Hữu Bích. Anh chị thân thiết với cả gia đình chúng tôi, từ mẹ tôi Tân Nhân, bố tôi Lê Khánh Căn khi cùng công tác ở Đài phát thanh giải phóng (CP90). Rồi sau này là chính tôi, khi tôi hoạt động báo chí và nghệ thuật ở TPHCM.

Điều tôi luôn cảm nhận ở anh chị là một sự nghiệp rất thăng hoa, một gia đình rất hạnh phúc. Và sau này con cái đi theo nghệ thuật đều rất phương trưởng. Người ta hay nói hay chữ Tài Tình để chỉ về một con người thành đạt, tài giỏi, thì anh Trần Hữu Bích theo tôi có cả hai chữ ấy: Tài và rất tình. Có lẽ đó là nguyên do cho anh (và chị) luôn thành công ở cuộc đời này. Người hiền thì bao giờ hẳn cũng gặp lành, các cụ nói có bao giờ sai đâu!

*

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích sinh năm 1947, là con út trong một gia đình trí thức ở Hà nội, là giai phố cổ chân chính. Cái lạ là trong ngôi nhà ấy, các anh chị đều ăn học nên người, đều là bác sĩ, kỹ sư và cán bộ nhà nước, không một ai theo nghề âm nhạc, làm người nghệ sĩ, ngoại trừ ông con út Trần Hữu Bích. Hoặc nói rộng ra có một anh trai, là bác sĩ Trần hữu Ngoạn (nguyên là Giám đốc bệnh viện  Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) rất yêu thích âm nhạc, nên đã hướng dẫn chú em chơi đàn Violin từ lúc 6 tuổi.

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích: Sự nghiệp thăng hoa, gia đình hạnh phúc, người hiền luôn gặp lành - 1

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích.

Năm 1956, trường Âm nhạc Việt nam thành lập, anh Ngoạn đưa Bích đến dự thi, và trúng tuyển tắp lự vào trường Âm nhạc Việt nam, khoa đàn dây violon. Sau 10 năm học khóa Trung cấp đặc biệt, năm 1966 nhạc sĩ Trần Hữu Bích tốt nghiệp loại xuất sắc. Phải nói thật rằng, vào thời kỳ đó, những gì ưu tú nhất đều dành cho miền Nam, nên lúa Trần Mùi, Tôi Lan Phương, Nguyễn Hào... lần lượt đi B vào đoàn ca múa Giải phóng, còn nhạc sĩ Trần Hữu Bích được đưa về công tác tại Đoàn ca nhạc Đài phát thanh Giải phóng, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền nam thống nhất đất nước bằng khả năng Âm nhạc của mình.

Ngoài việc chơi đàn Violin, nhạc sĩ Trần Hữu Bích còn Hòa âm, phối khí các bài hát cho dàn nhạc để thu thanh phát trên sóng đài Giải phóng, gần như liên tục phát ngày đêm để đáp ứng yêu cầu của cán bộ chiến sỹ cả nước..

Tháng 1-1975, một bộ phận xung kích của Đoàn Ca nhạc Đài phát thanh Giải phóng được lệnh đi biểu diễn phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Trần Hữu Bích đầy xúc động khi nhớ lại những ngày tháng hào hùng ấy: Đoàn gồm các diễn viên ca nhạc, có những gương mặt quen thuộc: NSND Thanh Hoa, NSƯT Ngọc Báu, NSƯT Huy Hùng, NSƯT Thu Phương, ca sĩ Trung Dũng, ca sĩ Ngọc Tước, nhạc sĩ Trần Hữu Bích, Lê Gia Hiếu, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Công Đại, Vũ Huy Tiến,Trương Tuyết Mai, Võ Phùng Xuân… Ở bộ phận Cải Lương là: NSƯT Thanh Hùng, NSƯT Ngọc Hoa, Kim Hà, Thanh Mộng, Thanh Vũ… Diễn viên bộ phận Ca Huế có NSƯT Thanh Thanh, NSƯT Thái Hùng… Diễn viên bộ phận Ca Bài Chòi: Bích Hồng, chị Tuyết… và nhiều diễn viên khác.

Đoàn đã lên đường trong đêm mùa đông, nhưng miền Nam  thôi thúc như có lửa cháy trong lòng” Ta đi theo ánh lửa tự trái tim mình”. Đoàn lần lượt hành quân bộ đi biểu diễn phục vụ các chiến sĩ từ Quảng Bình, Quảng Trị, Khe Sanh, A Sầu, A Lưới, Bộ đội 559 trên rừng Trường Sơn, đến Quế Sơn Quảng Nam... Biểu diễn dã chiến nên không có sân khấu, không có hệ thống âm thanh, ca sĩ chỉ cầm loa dùng pin để hát, khán giả có lúc đông, đôi khi chỉ vài chục người vẫn phục vụ. Thời gian ở Quảng Nam thì nghe tin ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Một kỷ niệm đáng nhớ thời gian này các anh được gặp ông Võ Chí Công (Sau này là Chủ tịch nước).

Đầu tháng 4-1975, Đà Nẵng giải phóng, toàn đoàn được phục vụ bà con thành phố Đà Nẵng nhiều đêm. Giữa tháng 5-1975, đoàn  trở ra Huế, biểu diễn ở Huế rồi về Hà Nội để vào tiếp quản Sài Gòn.

Vì những đóng góp to lớn cho công cuộc giải phóng đất nước, năm 2018 Đài phát thanh Giải phóng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang.

*

Những năm tháng công tác ở Đài phát thanh Giải phóng cũng như những tháng ngày biểu diễn phục vụ bộ đội ở Trường sơn đã cho nhạc sĩ Trần Hữu Bích những vốn sống vô cùng quý giá không có gì có thể đánh đổi được. Đặc biệt là ca khúc “Lời anh dặn” phổ thơ Lê Đức Thọ làm tặng đồng chí TBT Lê Duẩn trên đường vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.Bài hát này mới đây được vang lên trên sân khấu Nhà hát lớn TPHCM do nữ Thượng tá – NSƯT Hương Giang trình diễn, đã làm xúc động trái tim bao người...

Sau này khi đất nước thống nhất, năm 1975 nhạc sĩ Trần Hữu Bích về Sài gòn làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam 2, sau đó năm 1977 chuyển sang đài Truyền hình TP Hồ chí Minh. Những sự thay đổi của đất nước là động lực thôi thúc nhạc sĩ phải sáng tác những tác phẩm âm nhạc. Và  muốn làm công việc sáng tác một cách nghiêm túc, anh nghĩ, cần phải đi học.

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích: Sự nghiệp thăng hoa, gia đình hạnh phúc, người hiền luôn gặp lành - 2

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 1979,  nhạc sĩ Trần Hữu Bích đã thi vào Nhạc viện TP HCM khoa sáng tác chỉ huy, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Thời kỳ này đất nước đang gặp nhiều khó khăn: chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, kinh tế và đời sống vô cùng chật vật, nhưng tình yêu nghệ thuật đã làm nhạc sĩ vẫn quyết tâm bỏ ra 5 năm để học. Và vẫn tiếp tục với cây đàn Violin, vì nó là người tình nhân muôn thuở , cũng là công cụ làm kinh tế gia đình. Anh vừa trực tiếp tham gia biểu diễn, vừa là chỉ đạo nghệ thuật của nhiều ban nhạc: chỉ đạo nghệ thuật ở sân khấu ca nhạc Trống Đồng (từ năm 1989) Trưởng ban nhạc Vũ trường Queen Bee, vũ trường Rex... Dàn dựng cho các đoàn nghệ thuật Ca Múa Nhạc: Minh Hải, Phan Thiết, Chim Yến Nghĩa Bình, Hải Đăng Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ… giành nhiều huy chương vàng hội diễn nghệ thuật toàn quốc. Làm giám khảo cho cuộc thi Tiếng hát Truyền hình, Tiếng hát mãi xanh, Búp Sen Hồng thiếu nhi và  hội diễn quần chúng các nhà máy xí nghiệp, tổng công ty Cao Su Miền nam, các trường đại học và các quận huyện trong thành phố.

Năm 1984 sau khi tốt nghiệp tại nhạc viện TP. HCM, nhạc sĩ Trần Hữu Bích dành hết thời gian và công sức cho việc sáng tác, hòa âm phối khí, viết nhạc cho các bô phim, như: “Về nơi gió cát” Đạo diễn Huy Thành, “Đàn chim và cơn bão” Đạo diễn Cao Thụy, “Chim phóng sinh” Đạo diễn Quang Đại, “Con khỉ mồ côi” “Dòng suối không cầu” Đạo diễn Trương Dũng, nhiều nhạc phim cho đạo diễn Trần Vịnh, đạo diễn Xuân Phước v..v.. Nhạc cho kịch, nhạc cho các vở cải lương, Nhạc không lời như: Concerto cho Violin và dàn nhạc, Sonate “Biển” cho Violin và Piano,Romance 'Suy tưởng" cho Violin và Piano, Tứ tấu đàn giây "Giọt mưa phương Nam", nhiều tiểu phẩm cho Piano, Violin, Kèn Cor.... và viết khoảng hơn 200 ca khúc đã được sử dụng trên sóng phát thanh, trên đài Truyền hình và các hãng băng đĩa, một số ca khúc được nhiều người yêu thích như: “Nụ hồng” do ca sĩ Thái Châu, NSND Trung Đức, NSUT Trọng Tấn… biểu diễn, bài “Thầm lặng một vầng trăng” do NSUT Vân Khánh, ca sĩ Bảo Yến trình diễn…

Năm 1995  nhạc sĩ được bổ nhiệm Phó trưởng ban Văn Nghệ Đài Truyền hình TP. HCM, phụ trách trực tiếp các chương trình Âm nhạc Giao hưởng thính phòng, các chương trình dân ca và chương trình ca nhạc chủ đề. Trần Hữu Bích đã biên tập, kịch bản, hòa âm phối khí, dàn dựng các phim ca nhạc đạt Huy chương vàng liên hoan Truyền hình toàn quốc: “Khát khao và nỗi nhớ”, “Sài Gòn trong mắt em”,  “Đất mẹ”, “Cuộc chia ly màu đỏ”, đặc biệt là phi ca nhạc “Ngọn lửa Điện Biên”...

*

Âm nhạc là cuộc sống và là niềm đam mê của không riêng gì nhạc sĩ Trần Hữu Bích, mà là của cả gia đình lớn của anh. Đây là một gia đình âm nhạc rất tiêu biểu, hạnh phúc và  thành đạt. Chị Bích Nga vợ anh trước là ca sĩ đơn ca của đoàn Ca múa Tuyên quang, từ năm 1971 về  đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Giải phóng, sau 1975 là biên tập Âm nhạc FM của Đài Truyền hình Tp HCM.

Con trai của Nhạc sĩ Trần Hữu Bích là nghệ sĩ violon tên tuổi Trần Hữu Quốc. Quốc sinh năm 1973, học Violon lúc 5 tuổi do bố dạy, năm 1980 thi vào nhạc viện tp HCM, năm 1987 được nhạc viện TP HCM cử sang học ở nhạc viện Gnesin Moscow nước Nga. Là thành viên của ban nhạc Moscow Ensembl XXI, anh đã đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới. Sau 16 năm học ở Nga,Trần hữu Quốc tốt nghiệp xuất sắc năm 2003, hiện là giáo sư Âm nhạc, giảng dạy tại Sahmyook University Seoul Hàn quốc và là trưởng ban nhạc một số dàn nhạc tại Hàn quốc. Vợ của Trần Hữu Quốc là  Cho Eun Joung - Nghệ sĩ Piano tại Seoul Hàn Quốc. Cháu nội là Trần May (Jeon Min) 17 tuổi, hiện đang học Violin tại Nhạc viện Tchaikovsky, tham dự nhiều cuộc thi Violin quốc tế, đạt giải nhì Concour Kogan fest, giải nhất concour Bach, giải 3 concour Leopold Auer, giải nhì concour Glier, giải nhất concour violin quốc tế tại Thụy sĩ, giải Vàng Concour Summer Season 2022, giải nhất concour Odin IX, giải nhất concour Romanticism XIII và nhiều giải thưởng nữa.

Con gái của Nhạc sĩ Trần Hữu Bích là Trần Lê My, sinh năm 1985, bắt đầu học Piano từ lúc 5 tuổi, năm 1993 thi vào nhạc viện TP HCM, đạt giải 3 cuộc thi tài năng trẻ Piano, giải nhất thể hiện tác phẩm Việt nam.

Năm 1997 đạt giải 3 cuộc thi Piano quốc tế Per Giovani tại Salerno Italia. Năm 2004 đậu thủ khoa Piano tại nhạc viện tp HCM,sau đó được Bộ giáo dục và đào tạo cử đi học Piano tại Trung quốc, và năm 2010 đã  tốt nghiệp loại xuất sắc, hiện đang là giảng viên Piano tại Montreal Canada. Con rể: Nguyễn Công Cao Thăng là nghệ sĩ Piano tại Montreal Canada. Cháu ngoại Nguyễn My An 11 tuổi cũng đang học Violin tại Nhạc viên Montreal Canada.

Thế đấy. Tất cả mọi thành viên trong gia đình Nhạc sĩ Trần Hữu Bích đều đi theo Âm nhạc, bởi đây là tình yêu thiên phú, tình yêu cha truyền con nối , cũng bởi âm nhạc luôn làm cho tâm hồn con người trở nên thánh thiện và tốt lành...

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những điểm đến nghỉ dưỡng độc đáo cho năm 2024

Những điểm đến nghỉ dưỡng độc đáo cho năm 2024

Mùa hè 2024 chắc chắn sẽ trở nên đặc sắc hơn với những điểm nghỉ dưỡng đầy hấp dẫn và độc đáo, làm say lòng bất kỳ ai đam mê khám phá này. Chúng cũng mang lại cho du khách những giây phút thư giãn tuyệt vời và kỷ niệm khó quên.