“Tài nữ cầm” của đất Bạc Liêu

Về đất Bạc Liêu, nhắc đến tài tử Ngọc Cần là thường nghe nói về một “tài nữ” giỏi giang điêu luyện trong từng ngón đờn; cũng là người phá vỡ thế độc tôn trong suy nghĩ của những đấng mày râu về chiếc “quân tử cầm”, tức đàn kìm, một loại nhạc cụ vốn dành cho nam giới.

“Tài nữ cầm” của đất Bạc Liêu - 1

Đỗ Ngọc Cần (trong ảnh) sinh năm 1978 ở một vùng quê nghèo khó thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Chị may mắn được nuôi dưỡng bởi bề dày truyền thống gia đình với bốn đời theo nghệ thuật hát tuồng, cải lương và tài tử. Năm chín tuổi, chị đã được cha là nghệ nhân Sáu Trọng truyền dạy đờn, đặc biệt say mê cây đàn kìm của cha. Năm 1993, ở tuổi 16, chị đã mang về giải thưởng đầu tiên: Giải đặc biệt trong Hội thi độc tấu đờn ca tài tử, do Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức. Đây cũng là một thành tích vượt trội, đầy bất ngờ đối với bản thân, gia đình cũng như những nghệ sĩ hoạt động trong giới đờn ca tài tử ở Bạc Liêu.

Nhưng có lẽ, điều đáng ngạc nhiên nhất ở tài tử Ngọc Cần lúc bấy giờ là sự xuất thần của chị ở giải này khi chỉ mới được học một ngày đêm mà chị đã đàn nhuần nhuyễn 20 bản tổ, biểu diễn điêu luyện liên tiếp trong 45 phút. “Điều này xưa nay không có tiền lệ”, nghệ nhân Chung Văn On, người thầy mà cha chị đưa con đi học trước khi tham dự cuộc thi khẳng định. Cũng từ giải thưởng này mà cô bé quê mùa, đen đúa mang tên Ngọc Cần bắt đầu được nhiều người biết đến, nhất là những ai hâm mộ loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử. Với khát khao theo đuổi bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc, chị luôn cố gắng trau dồi và mong tìm được một môi trường chuyên nghiệp hơn để hoạt động. Năm 1996, chị chính thức được tỉnh Minh Hải (trước đây) mời về đầu quân cho Đoàn cải lương Hương Tràm. Sau đó, do tách tỉnh, từ năm 1999, chị hoạt động ở Đoàn cải lương Cao Văn Lầu cho đến ngày nay.

Gần 30 năm theo đuổi đam mê, đến nay, Ngọc Cần vẫn giữ vẹn nguyên tình yêu đậm đà, sâu sắc với bộ môn đờn ca tài tử, hơn hết là với cây đàn kìm. Hiện chị được xem là nữ nhạc công đàn kìm duy nhất và tài năng của nhà hát Cao Văn Lầu. Không những được xem là linh hồn của ban nhạc, là điểm tựa của đoàn, người phụ nữ tài danh này còn là một thí sinh đặc biệt. Vì hầu hết ở các cuộc thi chị đều mang về những giải thưởng cao nhất cùng nhiều lời khen tặng quý báu. Năm 2008, tại cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Ngọc Cần đã đoạt giải độc tấu hay nhất với bản “Dạ cổ hoài lang” của cố soạn giả Cao Văn Lầu. Nghe Ngọc Cần diễn xướng đàn kìm tại cuộc thi, nhiều soạn giả danh tiếng nhận xét, đây là tiếng đàn điêu luyện, được trau chuốt đầy đủ từ kỹ năng đến tâm hồn. Trước đó, cố soạn giả Viễn Châu cũng từng đến thăm chị với món quà là cây đàn kìm, ông động viên: “Hãy tiếp tục với cây đàn, rồi con sẽ thành công”.

Không chỉ là “cô gái vàng”, một “tài nữ cầm”, Ngọc Cần còn là một cô gái đặc biệt với nhiều thành tích đáng quý khác. Từ một cô bé quê mùa chỉ học hết lớp 7 trường làng, phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, bằng nỗ lực của mình, chị đã quay trở lại trường và lần lượt vượt qua các cấp học và mới đây (năm 2019), Ngọc Cần đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản lý văn hóa. Chị chia sẻ, muốn học tập để nâng cao trình độ, phá vỡ một suy nghĩ cũ kỹ: “xướng ca vô loài”. Con người tài hoa ấy còn được xem là một người thầy, là bậc tiền bối đáng kính của nhiều  thế hệ đàn em trong giới đờn ca tài tử đất Bạc Liêu. Bởi chị luôn biết chia sẻ, dành sự quan tâm, chỉ dạy nhiệt tình cho những ai yêu bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Với chị, có thể giúp cho ai hát đúng một câu hát, đàn đúng một “chữ đờn” thì đó là niềm vui, hạnh phúc của mình. Chị ấp ủ một dự định trong tương lai sẽ mở lớp học đờn ca tài tử, để chia sẻ với những người yêu thích học, cho bộ môn nghệ thuật này được gìn giữ mãi.

Gặp gỡ trò chuyện, lại được nghe tài tử Ngọc Cần nắn nót từng phím đàn, những cung bậc du dương, chợt thấy lòng mình như quên mọi ưu phiền. Và khi nghe chị hát, diễn tấu một điệu Nam ai mùi mẫn với ngón đờn điêu luyện, lả lướt trên từng phím đàn với câu: “Ông ơi cả đời tôi chỉ có cây đờn là bạn tri âm, theo bước chân lưu lạc chốn phong trần. Cho đến một đêm khuya tôi ngã quỵ bên mình,...”, thấy quan niệm “Quân tử cầm” giờ đây đã được phá vỡ bởi “Tài nữ cầm”.

Theo Nhân Dân

Tin liên quan

Tin mới nhất