Bên dòng sông huyền thoại

Đang chúi mũi vào chiếc điện thoại để giết thời gian, bỗng có người reo to: “Cột cờ Hiền Lương kia kìa”. Tôi giật mình nhìn lên, qua kính xe thấy cột cờ uy nghiêm cao vượt lên trên các dãy nhà, cây cối, in đậm nét trên nền trời xanh với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay như chào đón du khách đến thăm. Anh chị em trên xe bỏ hết việc đang làm, hướng mắt về phía Cột cờ với khuôn mặt thành kính.

Thế là tôi đã đến Cột cờ bên cầu Hiền Lương, phía bắc sông Bến Hải - niềm tin yêu và hy vọng của đồng bào miền Nam khi đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền. Đây cũng là niềm tự hào của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, khẳng định cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Bên dòng sông huyền thoại - 1

 Cột cờ cầu Hiền Lương

Gần 70 năm trước, Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sĩ) được ký về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Theo Hiệp định khi đó đất nước ta tạm thời bị chia cắt bởi giới tuyến 17, với ước vọng hai năm sau sẽ Tổng tuyển cử, thống nhất non sông. Nhưng rồi bọn hiếu chiến, lực lượng phản động quốc tế can thiệp nhằm chia cắt nước Việt làm đôi; buộc nhân dân ta lại phải bước vào trận chiến mới để giành lại trọn vẹn non sông. 

Sông Bến Hải không rộng, nước chảy êm đềm; đôi bờ cây và cỏ, hoa đua nhau sinh sôi, nảy nở như mọi con sông khác trên đất nước Việt Nam. Vậy mà nơi đây từng phải chứng kiến những trận đánh dữ dội của quân và dân ta với bọn xâm lược không phải bằng vũ khí, súng đạn mà bằng trí tuệ, mưu lược trên mặt trận ngoại giao để giữ vững chủ quyền đất nước, trọn vẹn non sông.

***

Tôi, sinh ra ở mảnh đất xứ Thanh, lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Năm học 1964 - 1965, lần đầu tiên trong đời cắp sách tới trường đã được thầy cô nói về vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương... với nỗi đau đất nước bị chia cắt, nhiều gia đình ly tán, con mất cha, vợ mất chồng... Nỗi đau ấy đã thấm vào máu thịt. Thời ấy rất nhiều thầy cô và bạn bè khi cùng hát bài: “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nước mắt ướt đẫm hai má. Và câu chuyện huyền thoại về Cột cờ phía Bắc cầu Hiền Lương, trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, cột bao giờ cũng cao hơn cột cờ phía bờ Nam; ngạo nghễ giữ chặt lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Hình ảnh ấy giúp chúng tôi - những cô cậu học trò nhỏ bé lúc đó thêm kính yêu lớp lớp cha ông đã lên đường vào Nam chiến đấu giải phóng từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc, in đậm trong tâm trí tôi.

Lớn lên một chút, chúng tôi hiểu thế nào là chiến tranh khi được tận mắt thấy, tai nghe tiếng gầm gào của máy bay, tiếng rú của đại bác; tiếng bom nổ và cả tiếng thét hãi hùng của những đứa trẻ trúng mảnh bom từ máy bay thả xuống, đại bác từ biển Đông bắn vào. Nhà tan, cửa nát, có lớp học ở quê tôi buổi sáng còn đủ 35 học trò và cô giáo; trưa đến chỉ còn một hố bom to đùng, sâu hoắm. Cách lớp học một đoạn, trên ngọn tre những miếng áo, mảnh quần, sách, vở... vương máu của cô trò còn sót lại, dính vào.

Chúng tôi biết yêu thương đất nước từ bé, và hiểu: sự man rợ của kẻ thù, sự tàn ác của chiến tranh gieo lên đất nước này qua các cuộc chiến tranh đã hun đúc nên lòng tự hào dân tộc, khí phách của người Việt Nam: “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Có lẽ chính khí phách người Việt, Văn hóa của người Việt trường tồn qua các thế hệ đã làm nên sức mạnh Việt Nam: “quét sạch lũ cướp nước và bán nước”.

***

Trong “Nhà trưng bày vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” xây gần cầu Hiền Lương, cô Võ Thị Hồng - hướng dẫn viên tuổi ngoài ba mươi nghẹn lời, trào nước mắt khi nhắc lại những mất mát đau thương của Quảng Trị nói chung và cầu Hiền Lương nói riêng trong những ngày đấu tranh không khoan nhượng để bảo về giá trị văn hóa Việt Nam, bảo vệ từng tấc đất linh thiêng nơi lịch sử đã giao cho mảnh đất này.

Bên dòng sông huyền thoại - 2

Tượng đài Công an vũ trang

Nước mắt của cô hướng dẫn viên Võ Thị Hồng, nước mắt của các anh chị văn nghệ sĩ đến từ vùng đất Cao nguyên ra thăm; dù họ sinh ra và lớn lên ở nhiều tỉnh khác nhau trên cả nước, thuộc nhiều dân tộc khác nhau nhưng đều là dân nước Việt, đến đây mắt đều nhòa lệ vì xúc động.

Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, Trưởng đoàn nắm chặt tay cô hướng dẫn viên, mắt ngấn lệ, nhưng một tay vẫn nắm chặt cây bút và cuốn sổ. Tôi biết chắc chắn, những ngày tới chị sẽ có thêm tác phẩm ưng ý về vùng đất này.

Nhà giáo - nhà văn Nguyễn Văn Rèn, người con của đất thép Vĩnh Linh, sinh ra trên vùng địa đạo Vịnh Mốc, lên chín tuổi đã phải xa gia đình sơ tán ra tỉnh Thái Bình học tập - một chủ trương sáng suốt của Đảng ta lúc ấy để bảo vệ nhân dân và đào tạo nguồn cho thế hệ tiếp theo. Nay trở lại đây, mái tóc đã ngả màu sương gió, nghe giới thiệu về quê mình cũng không cầm được nước mắt; chăm chăm nhìn vào từng hiện vật trưng bày - hình như những kỷ vật này có cả máu thịt của người thân đã ngã xuống, hòa vào trong ấy. Bao người thân yêu đã ngã xuống để mang lại cuộc sống tốt đẹp hôm nay, chắc chắn ý tưởng sẽ được khơi nguồn từ đây, tạo nên tác phẩm đứng được với thời gian của tác giả.

Nhạc sỹ, họa sỹ Hồ Tuấn, nắm chặt tay tôi lúc nào không biết, nghẹn ngào nói nhỏ: “Chiến tranh còn khủng khiếp hơn cả những ngôn từ ta đang nghe hôm nay, hình như tiếng Việt cũng chưa diễn tả hết được”. Người con trai xứ Huế, hiện đang công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Năng. Tuổi thơ Hồ Tuấn sống ở thành phố Huế, tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần quật khởi của dân tộc ta để đi đến chiến thắng cuối cùng. Trở lại vùng đất Quảng Trị hôm nay đã khơi dậy cho nghệ sĩ cảm hứng sáng tác, chắc chắn tác phẩm của anh sẽ mang đến cho người xem, người nghe về huyền thoại của một vùng đất thép anh hùng, nói lên được cả những điều mà ngôn từ tiếng Việt không diễn tả hết. 

Và nhiều anh chị trong đoàn đến đây, nghe kể về vùng đất này, tận mắt xem những kỷ vật còn sót lại, nước mắt rưng rưng... sẽ có cảm xúc để sáng tạo.

***

Lau vội dòng nước mắt lăn dài trên má, cô hướng dẫn viên Võ Thị Hồng cao giọng khi nói về Đồn Công an Vũ trang bên cầu Hiền Lương, những người dũng cảm, mưu trí, có thần kinh thép khi mặt đối mặt trực tiếp với kẻ thù chỉ cách nhau một cánh tay. Các anh phải dùng tài hùng biện của mình khuất phục kẻ thù, buộc chúng phải cúi đầu khâm phục. Nhưng cũng có lúc phải nắm chắc tay súng trừng trị kẻ thù ngoan cố; không tiếc xương máu để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. 

Cầu giới tuyến Hiền Lương nối đôi bờ nam bắc rộng chưa đến hai mét, nhịp cầu làm bằng sắt, mặt cầu lát gỗ được phục chế để bảo tồn và là điểm nhấn để du khách đến đây tham quan. Trong những năm tháng đất nước còn chia cắt theo Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sĩ), một nửa cầu phía nam do chế độ Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, nửa phía bắc cầu do ta kiểm soát. Hàng ngày hai bên gặp nhau ở giữa cầu để trao đổi - đây thật sự là một trận chiến không tiếng súng nhưng cũng không kém phần cam go, quyết liệt. Cán bộ chiến sĩ Đồn Hiền Lương do Công an Vũ trang khi ấy (sau này ta đổi tên thành “Bộ đội Biên Phòng”) đảm trách. Các anh đã bẻ gãy mưu đồ đen tối của kẻ thù nhằm hủy hoại Hiệp định Giơnevơ, đồng thời nêu bật ý chí của nhân dân ta cương quyết đấu tranh không khoan nhượng để thực hiện Hiệp định. Cuộc chiến pháp lý ấy đã trở thành tiếng sấm chấn động năm châu, được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới khi ấy ủng hộ.  

Gần Cột cờ cầu Hiền Lương về phía tây còn có tượng đài Đồn Công an Vũ trang uy nghi, hùng tráng khắc ghi lại hình ảnh người Công an Vũ trang nắm chắc tay súng giữ yên bờ cõi; góp công vào chiến thắng chung của dân tộc. Đánh giá về chiến công xuất sắc Đồn Công an Vũ Trang Hiền Lương, Tổng bí thư Lê Duẩn đã viết: “Đồn Hiền Lương là một đồn Anh Hùng rất xứng đáng với dân tộc Anh Hùng, Quân đội Anh Hùng của toàn thể nhân dân Việt Nam” (2/2/1973).

Bên dòng sông huyền thoại - 3

Cầu Hiền Lương

***

Quy luật của thời gian không chiều lòng người, thoáng chốc ông mặt trời vội vã chui xuống dãy núi phía tây. Phương nam, có ánh mây hồng rực rỡ như một bó hoa lớn dâng lên trời xanh, khép lại một ngày để chuẩn bị đón ngày mới hôm sau. Chúng tôi, đến từ tỉnh Đắk Lắk trù phú và xinh đẹp, vùng đất hiện nay có gần 50 dân tộc của khắp các vùng miền về hội tụ, đều tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc của các gia đình Việt ở Đắk Lắk hôm nay nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã chắp cánh cho thành công, phát triển của văn học nghệ thuật. Cũng chính văn học nghệ thuật đã góp phần cổ vũ, khởi xướng và định hướng bảo tồn giá trị văn hóa cho các vùng miền dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần mang lại bình yên cho một vùng đất. 

Hôm nay trở lại cầu Hiền Lương, trở lại vùng đất thép tỉnh Quảng Trị, chúng tôi hiểu, và thấm thía hơn về cuộc sống tốt đẹp hôm nay của chúng ta đã phải trả bằng xương máu của cha ông đổ xuống để bảo vệ và gìn giữ mà có. Nhưng những thế lực ngoại bang thù địch, cấu kết với bọn phản động lưu vong vẫn chưa từ bỏ tham vọng làm mất an ninh trật tự; phá hoại cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của nhân dân ta. Chúng ta phải luôn nâng cao cảnh giác, chống lại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, nói xấu chế độ của chúng; để bảo vệ Đảng bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Bác Hồ đã dạy; “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO”, lớp cha ông đi trước đã làm được, nhiệm vụ của chúng ta giờ đây là GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY những thành quả đã đạt được ấy.

Bên dòng sông huyền thoại - 4

Tác giả và hướng dẫn viên Võ Thị Hồng

Tự hào với non sông đất nước tươi đẹp và anh hùng. Tự hào với truyền thống anh hùng của người Việt Nam trường tồn theo thời gian. Hôm nay tôi có may mắn được tham gia đoàn đi thực tế sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk, về lại địa danh anh hùng - niềm tự hào của cả nước và cũng là địa điểm làm kẻ thù khi nhắc đến phải kinh hãi. Tôi tin rằng, từ địa danh anh hùng này, chúng ta những văn nghệ sĩ đến đây sẽ mang theo ngọn lửa được thắp sáng từ trái tim, thổi bùng nhiệt huyết của “người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”; sáng tạo nên tác phẩm đứng được với thời gian, góp phần xây dựng quê hương, đất nước thành niềm tự hào với bạn bè quốc tế về một vùng đất anh hùng, đáng sống.

Buôn Ma Thuột 17/7/2023

Bút ký của Hồng Chiến

Hà Tiên miền đất mở cõi
Hà Tiên miền đất mở cõi

Nhìn trên bản đồ Việt Nam thì Hà Tiên là một cái chấm nhỏ ven biển cuối trời phương Nam giáp với Campuchia, trong khi đó...

Tin liên quan

Tin mới nhất