Lệ Giang cổ trấn - Venice phương Đông

Lệ Giang có nghĩa là dòng sông đẹp, tượng trưng cho một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây, đó là nước. Kiến trúc Lệ Giang là sự thống nhất cơ hữu giữa vẻ đẹp và sự khéo léo của bàn tay con người, giữa nghệ thuật và nền văn minh cổ xưa.

Sông Ngọc Hà (Jade Water), mang cái tinh khiết của núi non, chảy quanh thành cổ, chia nhỏ Lệ Giang thành vô vàn ốc đảo, được nối với nhau bằng những cây cầu đá. Cấu trúc phức hợp đó làm cho Lệ Giang càng trở nên độc đáo. Nhưng Lệ Giang còn có tên Đại Nghiên cổ trấn (nghiên mực lớn), đây là cách gọi ví von thú vị nhưng rất chính xác. Bởi vùng đất này có hình dáng như một nghiên mực khổng lồ, nước từ trung tâm chảy theo những con kênh len lỏi đến mọi ngóc ngách trong thành cổ, tạo nên một thị trấn cổ đầy ấn tượng.

Lệ Giang là một trong bốn cổ trấn của đất nước Trung Hoa. Thành cổ  Lệ Giang bao gồm: Lệ Giang cổ trấn (trong đó có Hắc Long Đàm), khu phố cổ Bạch Sa và Thúc Hà cổ trấn.

Lệ Giang nằm về phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam, có diện tích 21.219 km2. Tại phố cổ Lệ Giang, cư dân bản địa hiện có 6.749 hộ với 22.520 người.

Lệ Giang cổ trấn - Venice phương Đông - 1

Cầu cổ Lệ Giang. Ảnh: Trần Mạnh Thường

Thành cổ Lệ Giang tọa lạc trên độ cao 2.400m so với mặt nước biển, thuộc cao nguyên Văn Quý, cách thành phố Côn Minh (Vân Nam) 500km. Lệ Giang là một thành phố đẹp tuyệt vời, nơi sinh sống của các dân tộc: Bạch (Bai), Nạp Tây (Naxi) và Tạng (Zang).

Lệ Giang không có tường thành bao bọc. Trung tâm thành phố nổi tiếng về các cây cầu, nên được mệnh danh là “Venice phương Đông”. Toàn thành phố Lệ Giang có tất cả 354 cây cầu (bình quân mỗi 1km2  có 93 cầu) bắc qua hệ thống sông Ngọc Hà. Trong đó có những cây cầu thường được nhắc đến nhiều nhất: cầu Đại Thạch, Nam Môn, Mã Yên, Nhân Thọ... đều được xây dựng vào thời cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh. Lệ Giang cổ trấn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới ngày 04/12/1997.

Đô thị cổ Lệ Giang có lịch sử lâu đời cách nay hơn 1.000 năm đã từng là nơi hợp lưu buôn bán dọc theo “đường mòn Trà mã đạo” con đường được biết đến như  là “con đường tơ lụa Tây Nam”. Lệ Giang cổ trấn được xây dựng vào cuối thời nhà Tống đầu thời nhà Nguyên cuối thế kỷ XIII TCN. Lệ Giang cổ trấn nổi tiếng với hệ thống đường thủy và những cây cầu được bố trí có trật tự và rất phù hợp với giao thông thời bấy giờ.

Nền văn hóa Lệ Giang là sự kết hợp giữa văn hóa của người Nạp Tây với các yếu tố trái ngược của những thương nhân người Hán định cư ở khu vực này từ nhiều thế kỷ trước. Người Nạp Tây sống trong những ngôi nhà xây bằng gỗ và gạch bùn, mà họ học được từ các thương nhân Nam Kinh. Các thợ mộc địa phương xây các khung nhà gỗ rất công phu theo trí nhớ mà không cần các bản vẽ thiết kế hay sơ đồ. Những ngôi nhà này thường được tô điểm bằng các chi tiết chạm khắc hoa văn và chim muông lên trên cửa sổ. Các chạm khắc do người Bạch thực hiện chủ yếu là mô tả hệ động thực vật bốn mùa theo truyền thống của người Hán. Ngay cả những gia đình nông dân nghèo cũng thu góp những gì họ có, để lắp các cửa sổ được chạm khắc tỉ mỉ và họ coi chúng quan trọng hơn việc trang trí nội thất trong ngôi nhà.

Về nghệ thuật kiến trúc Lệ Giang cổ trấn thể hiện rõ từ cách bố trí tổng thể của thành phố cũng như kỹ thuật. Lệ Giang cổ trấn là nơi hội tụ tinh hoa của người Hán, Bạch, Nạp Tây, Lô Lô và các nhóm dân tộc thiểu số trong trong khu vực.

Kiến trúc của thành cổ Lệ Giang không bị ảnh hưởng của những môtip đặc thù của những trung tâm các thành phố khác trong khu vực, ngược lại sở hữu một nét đặc trưng riêng biệt vô cùng độc đáo.

Trong kiến trúc đô thị, Lệ Giang cổ trấn lấy nước làm cốt lõi, thể hiện bố cục không gian độc đáo với  hệ thống nước được bố trí khắp cổ trấn. Khu vực cổ thành cũng rất nổi tiếng với những cây cầu cong bắc qua những con kênh với dòng nước trong xanh.

Lệ Giang cổ trấn - Venice phương Đông - 2

Một con kênh xuyên qua Lệ Giang cổ trấn. Ảnh: Trần Mạnh Thường

Về hình dáng và kết cấu bên ngoài các ngôi nhà trong khu thành cổ kết hợp kiến trúc  Hán và kiến trúc Bạch, Tạng... chủ yếu sử dụng tường đất và đá, mái nhà xếp tầng lợp ngói xanh, khung gỗ có chạm khắc các chi tiết hội họa và mỹ thuật hình thành nên phong cách đặc trưng. Hầu hết các ngôi nhà ở Lệ Giang đều được xây theo kiểu: “tam phường nhất chiếu bích, tứ hợp ngũ thiên tinh, tiền hậu vận viện, nhất tấn lượng viện đẳng kỉ” (nghĩa là: 3 phường một chiếu, 4 hẹp 5 sao, trước sau nhất tấn hạng nhất).

Kiến trúc Lệ Giang là sự thống nhất cơ hữu giữa vẻ đẹp và sự khéo léo của bàn tay con người, giữa nghệ thuật và nền văn minh cổ xưa. Nghệ thuật chứa đựng trong kiến trúc Lệ Giang xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của người Nạp Tây, là sản phẩm của sự hội nhập văn hóa và công nghệ  dân tộc địa phương, đồng thời  là một phần quan trọng trong  di sản  kiến trúc  quý giá  của dân tộc Trung Hoa.

Lệ Giang là một trong  4 cổ trấn nổi tiếng nhất của đất nước Trung Hoa. Thành phố tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình với những công trình kiến trúc  tráng lệ được xây dựng từ thời Minh - Thanh.

Trước hết phải kể đến cầu Ngọc Long nằm về phía Bắc Quảng trường Tứ Phương, ở đây có một cọn nước, một nét đặc trưng của thành Lệ Giang. Cạnh cọn nước là Quảng trường Ngọc Hà, nơi có một giàn gồ với hành lang dài khoảng 20m, treo đầy những chiếc chuông ước nguyên  còn gọi chuông gió hay chuông gió Đông Ba. Mỗi chiếc chuông có một tấm gỗ ghi ước nguyện, dưới chiếc chuông đó buộc một chiếc chuông nhỏ, nối với chiếc nón mây phía trên bằng sợi dây màu đỏ. Mỗi khi có gió, ngàn chiếc chuông lắc lư, kêu leng keng nghe rất vui tai.

Trên đường từ cầu Ngọc Long đi đến Quảng trường Tứ Phương, sẽ gặp một con ngõ nhỏ mang tên Đại Nghiên Hoa. Ở con ngõ này có nhiều cửa hàng nho nhỏ, xinh xinh. Đầu ngõ treo những tấm thiệp ước nguyện đầy màu sắc, khiến con ngõ càng thêm sự chú ý của mọi người.

Nhiều người cho rằng “trái tim” của Lệ Giang cổ trấn chính là phố Tứ Phương hay là Quảng trường Tứ Phương. Từ quảng trường này, du khách có thể rẽ đi khắp 4 phương của cổ trấn. Không khí ở đây lức nào cũng náo nhiệt, với những hàng quán đồ ăn đặc sản, đồ lưu niệm của người Nạp Tây. Mỗi sáng sớm ở đây người dân đến nhảy những điệu múa dân tộc Nạp Tây, tối đến đốt lửa trại, cùng nhau trò chuyện.

Từ phố Tứ Phương đi về phía Nam cổ trấn là Mộc Phủ, phủ đệ uy nghi bậc nhất trên

đất Lệ Giang. Trước kia tại đây là nơi ở của nhà họ Mộc - thổ ty trị vì Lệ Giang. Phủ

đệ này rất xa hoa, tráng lệ không kém gì cung thất hoàng tộc ở kinh đô. 

Vạn Cổ lâu (lầu Vạn Cổ) một tòa tháp được xây bằng gỗ có mái hiên 5 lớp kiểu tháp, cao 33m, tượng trưng cho 330.000 người thuộc các nhóm dân tộc  khác nhau ở quận tự trị Lệ Giang Nạp Tây trước đây. Tại đây có thể nhìn thấy núi tuyết Ngọc Long ở phía Bắc và những cây cầu nhỏ ở phía Đông.

Từ Vạn Cổ lâu đi về phía Tây Bắc, ta bắt gặp Cung Văn Xương. Cung điện Văn Xương được xây vào thời nhà Thanh, có lịch sử trên 280 năm, là nơi thờ Nho giáo và Phật giáo. Cung Văn Xương là đền thờ lớn nhất ở phố cổ Lệ Giang, là nơi yên tĩnh nhất dành cho du khách ngắm toàn cảnh Lệ Giang. 

Dưới chân núi Ngọc Long là Hắc Long Đàm, ở phía Bắc Lệ Giang cổ trấn. Nước từ

thượng nguồn chảy về đây tạo thành hồ nước trong vắt, rộng 40.000 m2 phản chiếu núi tuyết Ngọc Long, nên còn gọi “Công viên Ngọc Tuyền”. Nguồn nước từ hồ này chảy về  thành cổ Lệ Giang, len lỏi qua những ngõ ngách cổ trấn.

Đền Long Đàm Bạch Mã cũng là điểm đến rất hấp dẫn. Ngôi đền này tọa lạc dưới chân núi Shizi ở về phía Nam thành cổ Lệ Giang,được xây dựng vào năm Càn Long thứ 19, triều đại nhà Thanh (năm 1754), nhưng đã bị phá hủy trong cuộc chiến ở Tây An và đã được xây lại vào năm Quang Tự thứ 8 (1882). Ngôi đền được bao bọc bởi những ngọn núi cao sừng sững và hồ nước trong xanh, khung cảnh nên thơ, sơn thủy hữu tình.

Đặc biệt khu phố cổ Bạch Sa làm say đắm nhiều du khách, được xây dựng dưới triều  đại nhà Tống và nhà Nguyên, cách phố cổ Đại Nghiên 8km về phía Bắc. Những ngôi nhà ở đây được sắp xếp theo trục Bắc - Nam, xung quanh quảng trường trung tâm.

Thúc Hà cổ trấn cũng là một phần của Lệ Giang cổ trấn, nằm cách phố cổ Đại Nghiên 4km về phía Tây Bắc, với những ngôi nhà nép mình dưới chân núi và được bao quanh bởi nước, phản ánh sự pha trộn của văn hóa địa phương, phong tục dân gian và truyền thống qua nhiều thế kỷ.

Thúc Hà cổ trấn là một trong những khu định cư sớm nhất của người Nạp Tây ở Lệ Giang, nổi tiếng với những cây cầu nhỏ, những ngôi nhà cổ và những con đường lát đá xanh, giống như một phiên bản thu nhỏ  của Lệ Giang, nhưng nó yên tĩnh và cổ kính hơn do không phát triển thương mại như Đại Nghiên cổ trấn.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Họ đã sống như thế” - Mảng sáng tối ở xã hội đương đại

“Họ đã sống như thế” - Mảng sáng tối ở xã hội đương đại

Đọc tiểu thuyết “Họ đã sống như thế” (NXB Hội Nhà văn, 2024) của nhà văn Vũ Tuyết Mây với 400 trang in, tôi có cảm nhận Vũ Tuyết Mây phải có trải nghiệm sâu rộng mới gửi vào những trang sách, một mảng đề tài xã hội gồm: tri thức, công chức, viên chức và người lao động, phân bố ở nhiều nghề phục vụ nông nghiệp (trong đó ngành đỉnh cao là công nghệ).