Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam Việt Nam
Ngay sau lễ tổng kết thắng lợi của “đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm” (5/6/1958), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan Đảng, chính quyền đã tổ chức nhiều đợt cho văn nghệ sĩ đi thực tế.
Nêu một ví dụ cho dễ hình dung. Từ 17 đến 21/7/1958, có thêm 58 văn nghệ sĩ đi thực tế, chia làm 14 tổ: 1 tổ đi nông trường Điện Biên do Nguyễn Huy Tưởng phụ trách; 1 tổ đi Hòn Gai - Cẩm Phả do Nguyễn Xuân Sanh và Trinh Đường phụ trách; 1 tổ đi nhà máy xi-măng và cảng Hải Phòng do Nguyên Hồng và Vương Lan phụ trách; 1 tổ đi nhà máy dệt Nam Định do Lê Minh phụ trách; 2 tổ đi các tổ đổi công và hợp tác xã ở Hải Dương do Bùi Hiển và Đào Vũ phụ trách; 2 tổ đi các tổ đổi công và hợp tác xã ở Thái Bình do Hoàng Trung Thông và Trần Vượng phụ trách; 4 tổ đi tập đoàn đánh cá Cửa Hội và các nông trường, cơ sở sản xuất miền Nam tập kết do Ngô Quang Thắng, Đoàn Giỏi, Xuân Vũ, Nguyễn Quang Sáng phụ trách. Những người can dự Nhân văn - Giai phẩm, kể cả người đã bị khai trừ có thời hạn khỏi các Hội cũng được tham gia đợt đi thực tế này.
Đi thực tế từ đó trở thành một trong những phương thức tổ chức công tác của các hội, chi hội chuyên ngành. Từ phía lãnh đạo, các văn nghệ sĩ đi thực tế là để thấy và từ đó phản ánh được vào tác phẩm của mình “cuộc sống mới, con người mới, xã hội chủ nghĩa” được cho là đang nảy nở trong chính cuộc sống sản xuất, chiến đấu của công nông binh.
Văn nghệ sĩ Sài Gòn – Gia Định dự lễ mít tinh ra mắt Ủy ban Quân quản thành phố ngày 7/5/1975.
Tất nhiên đây cũng là cơ hội cho văn nghệ sĩ gần gũi các tầng lớp dân cư, có thêm vốn tư liệu đời sống. Không ai từ chối đi thực tế; không ít văn nghệ sĩ, từ các đợt đi thực tế ban đầu, đã nảy sinh nguyện vọng đi lâu, “cắm sâu” tại một cơ sở, một địa phương nào đó, quan sát những quá trình nhiều chiều đang diễn ra trong cuộc sống xã hội. Cùng với việc tổ chức đi thực tế, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng tổ chức cho văn nghệ sĩ nhiều lớp học tập lý luận về “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”, tổ chức các cuộc thảo luận về “tính đảng” của văn học nghệ thuật, về sáng tác theo phương pháp “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Một trong những thành quả tạo nên mùa màng khả quan những năm 1960 của văn nghệ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trước hết ở văn học, là điều sẽ được gọi là sự “chín lại” của những tác giả từng thành danh ở văn nghệ “tiền chiến” trước 1945, như các nhà thơ Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh..., các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bùi Hiển…
Nhiều tác giả bước vào nghề từ 1945, như Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Khải, Nguyễn Ngọc Tấn... đã trở thành lực lượng sáng tác chủ lực của nền văn nghệ mới. Những tác phẩm được dư luận thừa nhận, tất nhiên phải đạt những yêu cầu về tư tưởng đã xác định. Một số người bị cấm công bố tác phẩm, thời gian này cũng sáng tác được những tác phẩm mà về sau được công bố (sau đổi mới, những năm 1990) sẽ được dư luận xem là đặc sắc, như “Đi, đây, Việt Bắc!” và “Mùa sạch” của Trần Dần, hoặc xem là kiệt tác, như “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm...
Các nghệ sĩ ở các lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, trong những năm 1960 cũng có nhiều thành tựu sáng tạo sẽ được khẳng định trong thời gian về sau, với sự đánh giá của dư luận văn nghệ, sự định giá của thị trường nghệ thuật, và các giải thưởng các loại. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề ra hai nhiệm vụ lớn: làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ chế độ đế quốc và nửa phong kiến ở miền Nam để thực hiện thống nhất nước nhà. “Cách mạng Việt Nam ở miền Nam nói chung không thể đi ra ngoài quy luật chung của cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa từ trước đến nay, cho nên con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Cùng với việc tổ chức đấu tranh vũ trang, Trung ương Cục miền Nam đồng thời tổ chức các đoàn thể cách mạng và tiến tới lập chính quyền cách mạng tại miền Nam. Sau khi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960), đoàn thể văn nghệ sĩ trong mặt trận là Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được thành lập (15/7/1961).
Ban chấp hành lâm thời gồm Chủ tịch Trần Hữu Trang (nhà soạn kịch); Phó chủ tịch Vân Tùng (nhà thơ, nhà văn); Tổng thư ký: Lý Văn Sâm (nhà văn); Ủy viên: Phan Thế (nhà soạn nhạc), Thanh Hải (nhà thơ). Hội xuất bản tờ báo Văn nghệ giải phóng, ban đầu ấn hành ở vùng căn cứ Tây Ninh; số 1 đề ngày 15/1/1961; về sau báo được in tại nhà in Trần Phú của trung ương cục.
Theo hồi ức của những người trong cuộc, tính đến ngày giải phóng (30/4/1975), đã có khoảng 100 số Văn nghệ giải phóng được in và phát hành. Những người chủ trì biên tập và xuất bản báo Văn nghệ giải phóng là Lý Văn Sâm, Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), Anh Đức, Giang Nam, Bùi Kinh Lăng, Hoài Vũ. Hội thành lập Đoàn văn công giải phóng, mở các lớp hoặc trại sáng tác, bồi dưỡng chuyên môn cho văn nghệ sĩ các khu vực trong toàn miền.
Nhà xuất bản Giải phóng của Hội Văn nghệ giải phóng, hoạt động ẩn danh tại miền Bắc (cơ quan đặt trong khuôn viên trường Mỹ thuật Việt Nam, phố Yết Kiêu, Hà Nội), do nhà văn Phan Tứ đứng tên giám đốc, nhà văn Hà Mậu Nhai phó giám đốc, bộ biên tập gồm hàng chục cán bộ vốn là con em miền Nam trưởng thành trên đất Bắc (như Ý Nhi, Lê Duyên, Bích Tiên, Thái Thành Đức Phổ...), có sự hỗ trợ của Tiểu ban miền Nam thuộc Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã đưa tới công chúng hàng trăm ngàn bản in những tác phẩm của các tác giả Văn nghệ giải phóng như thơ Thanh Hải, Giang Nam, Thu Bồn, truyện ngắn Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, truyện và bút ký Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Trần Hiếu Minh, Trần Đình Vân, Thủy Thủ, Lê Vĩnh Hòa...
Giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng, công bố năm 1965, gây được tiếng vang lớn. Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức, họp tại Hà Nội các ngày từ 26/11 đến 1/12/1962, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện.
Phát biểu của Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh tại đại hội cho rằng “văn nghệ miền Bắc nước ta hiện nay là một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa tuy còn trẻ tuổi nhưng nó đã tỏ ra có sức sống dồi dào và đầy hứa hẹn”; ông đề xuất những yêu cầu về sự thể hiện tính đảng của tác phẩm văn nghệ, của văn nghệ sĩ. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa III gồm 51 thành viên; Chủ tịch Đặng Thai Mai, các Phó chủ tịch Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi; Tổng thư ký Hoài Thanh, Phó tổng thư ký Bảo Định Giang.
Sau đại hội, một số hội chuyên ngành văn nghệ ở cấp toàn quốc được thành lập. Đó là Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (tháng 12/1965), và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (tháng 3/1967). Một số địa phương cũng xúc tiến lập hội: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình (1961); Chi hội Văn nghệ thành phố Hải Phòng (tháng 1/1964), Chi hội Văn học nghệ thuật thành phố Hà Nội (10/10/1966), Chi hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An (tháng 6/1967).
Thời gian sau đại hội, miền Bắc chuẩn bị chuyển sang đời sống thời chiến, theo chủ trương của cấp trên, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tiến hành thu hẹp một số tổ chức. Tạp chí Văn nghệ (1957 - 1963) của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam được hợp nhất với tuần báo Văn học (1958 - 1963) của Hội Nhà văn Việt Nam, thành tuần báo Văn nghệ, trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, ra số 1 vào ngày thứ sáu, 3/5/1963; Chủ nhiệm Nguyễn Đình Thi, Thư ký tòa soạn Hoàng Trung Thông. Nhà xuất bản Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (thành lập 1958) được sáp nhập với Nhà xuất bản Văn hóa - Viện Văn học, thành Nhà xuất bản Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, trụ sở 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Điều hơi bất ngờ là sóng gió đã nổi lên trong đời sống văn nghệ. Cuốn truyện Vào đời (của Hà Minh Tuân, Nhà xuất bản Văn học, 1962) vừa ra mắt đã bị dư luận của một bộ phận công chúng có phần quá “cảnh giác” trước những trang đời mà theo họ, được miêu tả có phần đen tối, “tiêu cực”; họ lên tiếng phê phán kịch liệt cuốn truyện trên nhiều tờ báo. Không ít cây bút phê bình cũng hùa theo, gây ra một luồng dư luận phê phán căng thẳng kéo dài suốt 3 tháng giữa năm 1963.
Ngay sau đó, hưởng ứng việc lãnh đạo cấp cao chủ trương cho cán bộ các cấp các ngành học tập nghị quyết IX chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại” trong tư tưởng chính trị và văn nghệ, trên báo Văn nghệ và nhiều báo khác xuất hiện những chùm bài cảnh báo giới văn nghệ và công chúng, nêu những dấu hiệu cần lưu ý, những mô típ “nhạy cảm” (tính người chung chung, tư tưởng hòa bình chủ nghĩa…) ở một số tác phẩm sân khấu, văn học, điện ảnh của các tác giả Việt Nam hoặc tác phẩm của các nước anh em, đã được dịch in hoặc trình diễn, trình chiếu trên miền Bắc.
Đời sống trên miền Bắc chuyển sang thời chiến do chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, kể từ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964). Nhiều đơn vị cơ quan, gồm cả cơ quan văn hóa văn nghệ, từ các đô thị sơ tán, phân tán một phần về các vùng nông thôn. Chính thời gian này, đời sống văn nghệ miền Bắc có những tín hiệu vui. Rõ nhất là sự xuất hiện một thế hệ tác giả văn học, trước tiên là “lớp nhà thơ chống Mỹ” gồm những cây bút trẻ xuất hiện hồi những năm 1963 - 1965, như Xuân Quỳnh, Ca Lê Hiến, Thái Giang, Hoàng Hưng, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Vương Anh, Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc, Phan Thị Thanh Nhàn, Vương Trọng, Mã Giang Lân...
Trong các lĩnh vực sáng tác văn xuôi, sáng tác và hoạt động sân khấu, ca nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh..., thế hệ trẻ - những văn nghệ sĩ sinh hồi thập niên 1940s - cũng dần dần tạo được chỗ đứng bên cạnh các lớp đàn anh. Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ IV (Hà Nội, 21 - 25/1/1968) gồm trên 300 đại biểu các ngành văn nghệ ở Trung ương và các địa phương miền Bắc; trong số khách mời có đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại miền Bắc: ông Phan Lạc Tuyên, có các đại diện của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam: Trần Đình Vân (nhà báo, nhà văn), Liên Nam (nhà thơ), Trần Đông (quay phim).
Hai lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đã có những bài phát biểu dài. Đồng thời với việc biểu dương những đóng góp đáng kể của văn nghệ, thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi đại hội cũng lưu ý tình trạng “phát triển chậm”, bệnh “sơ lược” trong phản ánh cuộc sống của nền văn nghệ. Đại hội bầu Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa IV gồm 63 thành viên, Chủ tịch Đặng Thai Mai, các Phó chủ tịch Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát, Trần Văn Cẩn, Phương Danh, Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi, các Phó tổng thư ký Bảo Định Giang, Huỳnh Văn Thuận, Đỗ Nhuận.
Sau đại hội, trong nhiệm kỳ IV (1968 - 1984) Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, có thêm các hội thành viên được thành lập. Hội chuyên ngành quy mô toàn quốc là Hội Điện ảnh Việt Nam (tháng 11/1969). Ở các địa phương là Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1968), Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh (1969), Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh (1969), Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình (1971), Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng (1972), Hội Văn học nghệ thuật Lào Cai (1972), Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An (1973), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa (1974), Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú (1975), Chi hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn (1968).Chiến tranh tại miền Nam tiếp diễn, với cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) của quân giải phóng; rồi phía Mỹ ngừng ném bom một phần miền Bắc; rồi việc mở hội nghị Paris (từ tháng 5/1968), quá trình đàm phán 4 bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), thực chất là 2 bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ), kéo dài 5 năm, các bên “vừa đánh vừa đàm”. Do còn bất đồng về các điều khoản thỏa thuận, phía Mỹ mở chiến dịch dùng máy bay B52 dội bom các thành phố lớn miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên (18 - 30/12/1972), nhưng không khuất phục được miền Bắc. Rốt cuộc, hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris (Pháp) ngày 27/1/1973.
Thực hiện hiệp định, quân Mỹ rút hết ra khỏi miền Nam Việt Nam từ cuối tháng 3/1973. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh đã khiến chính quyền Việt Nam cộng hòa phải đầu hàng (30/4/1975). Lãnh thổ miền Nam thuộc quyền cai quản của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngay sau ngày 30/4/1975, lực lượng văn nghệ giải phóng đã có mặt tại Sài Gòn. Cuối tháng 5/1975, tờ Văn nghệ giải phóng của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu tiên xuất bản tại Sài Gòn trong thể tài tuần báo, trụ sở tòa soạn 190 Công Lý.
Thời gian này đã chứng kiến nhiều sự kiện gặp gỡ của giới văn nghệ. Buổi tối 10/4/1975 tại thành phố Đà Nẵng, Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ tổ chức gặp mặt với “những người sáng tác văn nghệ yêu nước” ở thành phố Đà Nẵng, trao đổi ý kiến về chương trình công tác văn hóa văn nghệ trong thành phố, phát động một phong trào sáng tác văn nghệ yêu nước.
Buổi tối 14/4/1975 tại Viện Đại học Huế có cuộc họp mặt của giới văn nghệ sĩ tại thành phố Huế và văn nghệ sĩ giải phóng Thừa Thiên - Huế. Ngày 9/5/1975 ở Sài Gòn, tại trụ sở Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam diễn ra cuộc gặp gỡ giữa các văn nghệ sĩ giải phóng với đoàn văn nghệ sĩ miền Bắc; đoàn miền Bắc gồm: Nguyễn Văn Bổng, Cù Huy Cận, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Bảo Định Giang, Quang Hải, Hải Hồ, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Cẩm Lai, Vũ Tú Nam, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Sách, Quang Thọ, Thanh Tâm, Huỳnh Văn Gấm; đoàn miền Nam gồm: Thu Bồn, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Trịnh Mai Diêm, Bùi Kinh Lăng, Võ Trần Nhã, Bình Minh, Lưu Hữu Phước, Lý Văn Sâm, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Chí Trung, Diệp Minh Tuyền, Hoài Vũ, Rum Bảo Việt, Phạm Võ.
Từ 5/7/1976, Văn phòng Hội Văn nghệ giải phóng và tòa soạn Văn nghệ giải phóng chuyển về số 117 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 17/6/1975 tại Sài Gòn diễn ra “Hội nghị các nhà văn giải phóng” lần I, để chuẩn bị đại hội các nhà văn giải phóng; có 500 người tham dự, trong đó ngoài các “nhà văn giải phóng” từ chiến khu trở về, còn có những người trong giới làm văn nghệ ở đô thị miền Nam như Trần Tuấn Khải, Mặc Khải, Vũ Hạnh, Nguyễn Trọng Văn, Sơn Nam, Lưu Nghi, Võ Đình Cường, Hoàng Trọng Miên, Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Bảo Hóa, Vĩnh Điền, Thu An, Hàn Song Thanh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Bình Nguyên Lộc, Ái Lan, Phương Đài, Hợp Phố, Hà Huy Hà... Các ngày 14 - 15/10/1975, Hội nghị lần II Hội Văn nghệ giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiều 15/10 Ban Chấp hành Hội làm lễ ra mắt, gồm: Đoàn Cố vấn (cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, cụ Mặc Khải, bà Ái Lan, kịch sĩ Bảy Nhiêu), Chủ tịch (Viễn Phương), 3 Phó chủ tịch (Trương Bỉnh Tòng, Ba Vân, Nguyễn Hữu An), Tổng thư ký (Vũ Hạnh), 3 Phó tổng thư ký và 25 ủy viên.
Cuộc tổng tuyển cử toàn quốc (25/4/1976) đã tuyên bố thống nhất hai miền Nam Bắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất với Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bắc Nam một nước, văn nghệ một nhà. Việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước cũng yêu cầu thống nhất các tổ chức đoàn thể, kể cả đoàn thể văn nghệ. Sau các lần họp trù bị, ngày 18/1/1977 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, gồm Chủ tịch Đặng Thai Mai, các Phó chủ tịch Nguyễn Đình Thi (kiêm Tổng thư ký), Thế Lữ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Xuân Khoát, các Phó tổng thư ký: Bảo Định Giang, Huỳnh Văn Thuận, Nông Quốc Chấn, Đỗ Nhuận; đã họp với Ban Lãnh đạo Hội Văn nghệ giải phóng, gồm Chủ tịch Lưu Hữu Phước, Tổng thư ký Lý Văn Sâm, các Phó tổng thư ký Giang Nam, Bùi Kinh Lăng, các ủy viên thường vụ Nguyên Ngọc, Thanh Hải; cùng các ủy viên chấp hành của 2 hội.
Tham dự hội nghị còn có các Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Độ, Hà Huy Giáp, các Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Xuân Trường, Cù Huy Cận, Viện trưởng Viện Văn học Hoàng Trung Thông. Hội nghị đã quyết định chính thức hợp nhất hai hội, lấy tên chung là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, do Đặng Thai Mai làm Chủ tịch.
Cũng từ ngày 18/1/1977, tuần báo Văn nghệ (của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam) và tuần báo Văn nghệ giải phóng (của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam) đã hợp nhất thành tuần báo Văn nghệ, cơ quan của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, phát hành ngày thứ bảy hàng tuần, tòa soạn đặt tại 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội. Cơ quan thường trú tuần báo Văn nghệ ở các tỉnh phía Nam đặt tại 117 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tòa soạn tại 81 Nguyễn Văn Trỗi, Thành phố Hồ Chí Minh; số đầu tiên chính là số Tết Mậu Ngọ (số 1+2), ra ngày 27/1/1978.Đến đây hoàn tất việc thống nhất hệ thống các đoàn thể văn nghệ do Đảng lãnh đạo, sau ngày thống nhất đất nước.
Trong không khí cả nước đang hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1989 – 19/5/2023) và hướng...
Bình luận