Kỷ niệm đẹp về cuộc thi

Sáng 22/07/2023 tại Hà Nội, Thời báo Văn học Nghệ thuật tổ chức lễ trao giải “Tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam”. Là một trong những tác giả đoạt giải chính thức cuộc thi (Giải Ba), tôi vô cùng xúc động, tự hào, không quên những gì đã diễn ra trong thời gian ngắn (56 ngày).

Khác với phong cách cổ điển, lần này danh tính Ban giám khảo được công khai từ ngày đầu phát động cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này khẳng định tài năng, nhân cách của Ban giám khảo mà Ban tổ chức đã “Chọn mặt gửi vàng”. Năm thành viên Ban giám khảo là nhà văn, nhà báo lão thành, tài hoa, tâm huyết; tu nghiệp tại nước ngoài; từng xuất hiện trên sóng truyền hình với chương trình: Văn học nghệ thuật; Không gian văn hóa nghệ thuật. Họ đã nhiều dịp làm giám khảo các cuộc thi, tạo dựng uy tín, niềm tin trong giới văn nghệ sĩ và công chúng.

Kỷ niệm đẹp về cuộc thi - 1

Tác giả Hạnh An nhận giải ba cuộc thi “Tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam”.

Để tạo thuận lợi cho người thi có nguồn tư liệu chính xác, Thời báo Văn học Nghệ thuật liên tục đăng tải những bài viết của các nhà nghiên cứu văn học uy tín về lịch sử 75 năm Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trên báo giấy, báo điện tử, diễn đàn VNVN.

Trước giờ trao Giải, Ban tổ chức tặng mỗi đại biểu số báo ra ngày 22/07/2023. Với 40 trang nội dung phong phú, nhiều ảnh màu hấp dẫn, phản ánh quá trình tiếp nhận, bảo mật bài thi; chấm thi; tổng hợp kết quả…. Tất cả các bước trên được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng trình tự.

Con số 1265 tác giả dự thi trên khắp mọi miền Tổ quốc; đối tượng thi ngoài Văn nghệ sĩ, có cán bộ về hưu, giáo viên, lực lượng vũ trang, quân nhân,... Điều đó khẳng định sức hút của cuộc thi và tình yêu văn học nghệ thuật của công chúng; uy tín của Thời báo Văn học Nghệ thuật – cơ quan ngôn luận “Em út ở độ tuổi Mẫu giáo”. Với 14 Giải chính thức, trong đó Giải Nhất thuộc về Bà Trần Thị Bích Hải, công dân 73 tuổi ở Hà Nội, làm bất ngờ giới văn nghệ sĩ, càng khẳng định sự công tâm, đạo đức sáng ngời của Ban giám khảo.

Góp phần quan trọng vào thành công của cuộc thi không thể không nhắc tới nhà văn, nhà báo Hoàng Dự. Dù đã bước sang độ tuổi U70, trên vai gánh trọng trách nặng nề: Tổng biên tập tờ báo văn nghệ lớn; Trưởng ban tổ chức cuộc thi, ông phải nỗ lực hết mình. Hàng ngày, Hoàng Dự cùng các thành viên tiếp nhận bài thi trên 03 kênh: Bưu điện, trực tiếp tại tòa soạn, hộp thư điện tử. Ấy là chưa kể đến công việc bảo mật, bảo vệ bài thi an toàn tuyệt đối trong thời tiết mùa hè nóng nực, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn; trụ sở tòa soạn phải thuê địa điểm. Được biết kinh phí cuộc thi phần lớn do các nhà tài trợ là chủ các doanh nghiệp, tôi càng kính phục ngưỡng mộ ông – Tổng biên tập đa tài.

Tuy cách xa Hà Nội hơn 1.300 km, tôi may mắn nhận được thông tin cuộc thi từ ngày đầu qua một người bạn thân trong làng văn. Với tình yêu văn học nghệ thuật, lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ văn nghệ sĩ đã và đang hiến dâng trí tuệ và tâm hồn, sáng tạo giá trị tinh thần vô giá cho dân tộc đã thôi thúc tôi tham gia cuộc thi này.

Tuy nhiên khó khăn nhất đối với tôi là việc sưu tầm, tìm hiểu tài liệu. Nhưng tôi không nản lòng. Tôi sử dụng nhiều kênh: Sách, Tạp chí, Báo điện tử; nhờ sự trợ giúp của văn nghệ sĩ Hà Nội và Nha Trang. Xúc động biết bao khi tôi nhận được cuốn “70 năm Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam” do Nhà văn dịch giả Thúy Toàn gửi chuyển phát nhanh từ Hà Nội.

Kỷ niệm đẹp về cuộc thi - 2

Bài dự thi của tác giả Hạnh An.

Sau 40 ngày lao động nghiêm túc trong đó có 36 giờ “song ca” bên nhân viên vi tính để chỉnh sửa, đưa gần 150 bức ảnh vào bài. Ngoài ra, tôi in một đĩa CD 10 ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ tài hoa sáng tác trong hai cuộc kháng chiến; một đĩa CD 01 ca khúc do tôi hát “Người là niềm tin tất thắng” của Nhạc sĩ Chu Minh.

Cần chia sẻ thêm: Trong thời gian làm bài thi, tôi được nghe những ý kiến trái chiều:

- Ban giám khảo được công khai từ đầu là lộ đề; tạo cơ hội cho hợp đồng mua bán 50/50.

- Giải thưởng đã được phân phối trong vòng phủ sóng.

- Chỉ có Hà Nội mới được trao Giải; các tỉnh khác sẽ dừng lại ở vòng loại.

- Mình là công dân tỉnh lẻ “Vua không biết mặt, Chúa không biết tên”, thi làm gì?...

Nhưng tất cả những điều tốt đẹp đã diễn ra trong cuộc thi càng khẳng định niềm tin của tôi vào nền văn học nghệ thuật cách mạng; những văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết đã và đang lao động quên mình. Họ sống để viết, không viết để sống.

Cuộc thi đã khép lại nhưng những kỷ niệm tốt đẹp, thiêng liêng vẫn sống mãi trong tôi. Tình yêu văn học nghệ thuật trong tôi như mạch nước ngầm không bao giờ cạn.

Trân trong cảm ơn Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi, tôi hi vọng đến hẹn lại lên./.

Nguyễn Hạnh An

Tin liên quan

Tin mới nhất