Từ Paris, Helsinki… nhớ tầu điện Hà Nội (tản văn)

Không thể nhớ một cách chính xác cái ngày giờ cuối cùng mà Hà Nội chúng ta không còn bóng dáng những toa tàu điện sơn đỏ, sơn xanh chạy trên đường với tiếng “leng keng” chuông tàu.

Những người công nhân xe điện cũ, những bác nhà tàu giờ này đang ở đâu, làm gì, cuộc sống ra sao? Nhưng tìm hỏi làm gì nhỉ, điều đó có còn quan trọng lắm không? Cái đã qua đi thì cho qua luôn. Người ta còn phải dành nhiều thời gian để làm “những việc to lớn cho đất nước!”.

Năm 1999, ngồi trên một toa xe điện giữa thủ đô Paris một ngày đẹp trời, nhìn ngắm đường phố của thủ đô hoa lệ, bắt gặp lại tiếng leng keng của chuông tầu, tôi cứ lan man những kỷ niệm về tầu điện của Hà Nội mình.

Paris văn minh thế, Paris của những năm cuối thế kỷ hai mươi vẫn có xe điện gần giống y như xe điện chúng ta hồi nào, và chắc họ còn giữ dài dài. Có khác chăng là toa tầu sạch hơn, kín đáo hơn, vì họ ở vùng ôn đới nhiệt độ không khí quanh năm ở khoảng dưới 20 độ C.

Thật thế nhỉ, Hà Nội thế kỷ XX khác các thành phố của cả nước và các các thủ đô của các nước Đông Nam Á về giao thông công cộng có lẽ chỉ là do có tầu điện. “Leng keng, leng keng!...”. Tiếng leng keng ấy từ ba giờ sáng đã đánh thức người dân lam lũ của thành phố vào một ngày mới. Tầu từ Đề pô (depot) chính giữa phố Thuỵ Khuê tỏa đi sáu ngả: ra chợ Bưởi, sang Yên Phụ, xuống chợ Mơ, xuống nhà thương cống Vọng, về Ô Cầu Giấy, vào mãi tận Ngã Tư Sở, Cầu Mới, Hà Đông… Mạng đường ấy với chỉ gần 50km, mà bao được hết các tuyến đường đông đúc, mà lại vẫn tập trung được về “Bờ Hồ” - trung tâm của thành phố.

Cái thế mạnh của vận chuyển bằng xe điện có nhiều, nhưng phải kể đến những cái mạnh nhất: tỷ lệ chiếm diện tích mặt đường so với lượng hành khách chuyên chở được là ít nhất; hút được các hàng rau quả tươi cồng kềnh của ngoại ô cấp cho các chợ trung tâm và tỏa đi các chợ nhỏ khắp thành phố từ sáng sớm tinh mơ; không có khí thải gây ô nhiễm môi trường; rẻ về chi phí vận doanh nên giá cước rất thấp; ít tai nạn giao thông nhất so với mọi loại phương tiện vận tải khác...

Từ Paris, Helsinki… nhớ tầu điện Hà Nội (tản văn) - 1

Trẻ em đu bám tầu điện, ảnh chụp 1973. Ảnh tư liệu.

Đầu thế kỷ XXI, thành phố lại bắt đầu loay hoay tìm đối tác nước ngoài để xây dựng dự án nghiên cứu về mạng tầu điện Hà Nội thời kỳ đổi mới, và metro nổi, metro ngầm. Lại tìm vốn để xây dựng, tìm nguồn vay để mua thiết bị, đầu máy, toa xe... Trong dự án mới vẫn không khỏi nhắc lại lập luận cũ về các ưu thế của vận tải công cộng bằng xe điện: một toa tầu với diện tích chiếm mặt đường (khi vận hành) là 4m x 15m = 60m2, có thể thay thế cho 100 người đi xe đạp, xe máy với diện tích tương đương là 100 x 3m2 = 300m2, tự nhiên lòng đường thoáng rộng ra gấp đến 5, 6 lần!... Hà Nội sẽ lại được nghe tiếng leng keng chuông tầu, lại thấy thấp thoáng những toa tầu rộn ràng sơn đỏ, sơn xanh chạy từ trung tâm ra đến ngoại ô, lại từ các điểm ngoại ô này chạy tiếp trên các tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3... và đi ra các thành phố vệ tinh Phúc Yên, Vĩnh Yên, Việt Trì, Sơn Tây, Xuân Mai, Vân Đình, Phủ Lý, Hưng Yên… là quy hoạch thủ đô là thế.

Kể ra cũng chẳng biết đích xác cái ngày mà Hà Nội chúng ta cắt băng khánh thành tuyến đường xe điện đầu tiên cách đây đã cả trăm năm. Có lẽ muốn biết đích xác thì phải tìm đến ban biên tập cuốn Lịch sử Giao thông vận tải ở 80 Trần Hưng Đạo, hay tốt nhất là tìm vào Viện Bác Cổ, hoặc tra cứu các sách về Xứ Đông Dương của những quan chức và doanh nhân người Pháp?

Còn mình thì cái ấn tượng trong kỷ niệm khó quên nhất là những đứa trẻ con Hà Nội thường trốn vé mà bám tầu đi khắp mọi chỗ, nhất là lên Bờ Hồ ăn kem, chập tối nhảy tầu lên đê Yên Phụ bắt cà cuống, chúng tụ tập dưới những bóng đèn đường.

Thế rồi chẳng biết tự bao giờ cái âm thanh leng keng ấy cứ siết mãi vào ký ức. Nhớ ơi là nhớ, nhớ cả tiếng rao đủ loại của những người bán hàng rong trên các toa tầu. Một câu rao, nhiều câu rao, như những bài đồng dao của trẻ nhỏ: người bán dầu cù là, thuốc hôi nách, người bán lạc rang húng lìu, người bán thuốc ho bà lang trọc. Lại có cả bố con người hát xẩm hát mãi những bài xẩm dân gian.

Thế rồi nhiều đêm lũ chúng tôi sau khi học bài xong thường ngồi chơi trên căn gác nhỏ, ở Cổng Đục hay Hàng Bún… mải chơi quá khuya, mẹ tôi thường nhắc vọng lên từ dưới nhà: “Khuya rồi, tầu đang về kho đấy, đi ngủ đi, mai còn đi học!”.

Mẹ tôi nói “tầu về kho” tức là vào khoảng gần mười một giờ đêm, là lúc tất cả các đoàn tầu từ sáu ngả trong thành phố đang lục tục kéo về đề pô chính trên Thuỵ Khuê, đề pô phụ Cầu Mới, hay đôi khi khuya quá các toa tầu đành phải ngủ lại ngay Bờ Hồ.

Mãi lúc lớn lên một chút rồi tôi mới đi thám hiểm xem “kho” tầu ở đâu? Vào được đề pô Thuỵ Khuê rồi tôi cứ ngỡ ngàng mãi, làm sao mà các bác lái tầu giỏi thế, cứ xếp các đoàn tầu như xếp cá thành hàng, thành lối nằm vuông góc với con đê La Thành, phố Hoàng Hoa Thám bây giờ.

Khoảng đầu những năm chín mươi, nghe phong thanh có chuyện ai đó của Hà Nội, của Bộ Giao thông hay của một ông to nào trên Chính phủ đề xuất và quyết định việc tháo dỡ bỏ đường tầu điện Hà Nội, vì sợ gây ách tắc giao thông, gây mất mỹ quan thành phố, gây ồn và ô nhiễm môi trường... tôi mới lại tìm lên đề pô Thuỵ Khuê, lúc đó là trụ sở của Công ty Xe điện Hà Nội. Vào công ty đúng lúc ông giám đốc đang hùng hồn một cách bất đắc dĩ trình bày “Phương án tháo dỡ đường xe điện Hà Nội” theo lệnh cấp trên.

Tôi hỏi nhỏ ông một câu: “Thế người dân cần lao Hà Nội đi lại bằng gì, còn hơn vài ngàn công nhân của ông bây giờ họ sẽ làm gì?”. Ông giám đốc, vốn là chỗ bạn thân, thở dài, mắt liếc nhìn ra chỗ ông Giám đốc Sở Giao thông công chính đang thuyết minh thêm cho mấy ông lãnh đạo Bộ trên tấm bản đồ, nói nhỏ: “Tôi xin anh đừng khoét vào chỗ đau nhất của tôi! Đến tôi cũng sắp thất nghiệp rồi đây”.

Nhớ một buổi tối mùa thu rất đẹp cuối thế kỷ trước ở Bắc Âu, chúng tôi dạo bộ đi thăm các đường phố Helsinki, mải vui đi mãi vào trung tâm thành phố, tôi lại bị bất ngờ: tầu điện Helsinki màu xanh chứ không phải mầu đỏ, chạy như mắc cửi. Lại leng keng, leng keng... Khoảng mười một giờ khuya, chúng tôi đợi tầu tại trạm đi về khách sạn. Một người dân Phần Lan thấy chúng tôi là người châu Á đứng chờ tầu, họ ngập ngừng hỏi bằng tiếng Anh: “Các ông về đâu?” - “Chúng tôi về khách sạn Continental, không biết ở đường nào” - “Vậy thì các ông phải đi tầu số 7, số 9, số 11. Các số tầu này đi qua khách sạn và có điểm dừng ở đó” - “Xin cảm ơn người bạn Phần Lan tốt bụng”. Ngay sau lưng chúng tôi trên vách đứng của nơi đợi tầu là bản đồ mạng đường tầu điện trong thành phố và bảng chỉ dẫn từ chỗ mình đang đứng.

Tầu điện Helsinki, cũng như tầu điện Paris, hay ở Brucxen, ở Berlin và Amsterdam cũng vậy, chẳng khác gì mấy tầu điện Hà Nội những năm chín mươi. Tôi nhắc lại, nó chẳng khác gì mấy, có chăng là nó còn đấy, chứ không phải chỉ tồn tại trong hoài niệm của dân Hà Nội mình, hôm nay.

Hà Nội ngày nay đã chạy tầu điện mới, tuyến số 1: Cát Linh - Hà Đông sau 15 năm xây dựng với biết bao nhiêu điều ra tiếng vào, giờ ta đã có thêm 13,5km đường tầu điện tham gia vào mạng lưới giao thông công cộng. Hà Nội vẫn “đi trước cả nước về xây dựng mạng lưới giao thông đô thị hiện đại” mà.

Chưa hết, vào ngày 8/8/2024 vừa mới đây thôi, trên các báo toàn thành phố lại đã loan một tin mừng lớn: Metro Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị tuyến thứ 2 của Thủ đô bắt đầu vận hành thương mại đoạn trên cao sau 15 năm khởi công…

Thôi thì “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ” như các cụ ta xưa thường nói.

Vũ Phạm Chánh

Tin liên quan

Tin mới nhất