Những câu chuyện giản dị của đời sống qua góc nhìn của Phan Thị Vàng Anh

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh vừa trở lại với tập truyện ngắn – tản văn “Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)”, đây là một tác phẩm nhẹ nhàng ghi lại những câu chuyện giản dị của đời sống thường nhật với một lối viết tinh tế và lạ hóa những điều quen thuộc.

Mỗi người đều có một "chuyện nhà" – những câu chuyện tưởng chừng nhỏ bé, vụn vặt, chẳng đáng để tâm nhưng dưới ngòi bút sắc sảo và duyên dáng của Phan Thị Vàng Anh, những điều tưởng như giản đơn ấy lại trở thành tấm gương phản chiếu hành vi và tâm lý con người trong xã hội hiện đại, phơi bày cách người ta sống với mình và sống với nhau.

Những câu chuyện giản dị của đời sống qua góc nhìn của Phan Thị Vàng Anh - 1

Cuốn sách "Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)". Ảnh: Nhã Nam

Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác) là một tựa sách khiêm nhường đúng như tinh thần nội dung nó thể hiện, ấy là những chuyện be bé trong mỗi góc nhà, mỗi góc phố, mỗi con người: ăn uống, du hí, chơi bời, bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng, con cái, thành phố, nhà quê… tất cả toàn những chuyện ai cũng làm, ngày nào cũng gặp, tưởng bé xíu, vụn vặt.

Đời ai chẳng loanh quanh thu xếp hoặc nghe ngóng mấy việc về quê, lễ tết, kết hôn ly hôn, làm dâu, dạy dỗ con cái, nịnh vợ, làm đẹp, sống thật sống ảo, tán gẫu, giải trí, du lịch... những thứ quen thuộc ấy khiến đa phần chúng ta lướt qua. Nhưng Phan Thị Vàng Anh đã kể lại chuyện tưởng như không có gì như thế, bằng một giọng văn hơi phớt tỉnh mà sắc lẻm, hài hước, hóa ra lại gợi đến những nỗi cắc cớ của đời.

Mở Chuyện nhà Tí ở bất cứ trang nào ta cũng bắt gặp một tình huống của cuộc sống. Một người mẹ chụp ảnh chiếc ba lô nặng trĩu của con lên mạng, kèm status: “Ân hận quá cả năm không kiểm tra ba lô con trai. Chỉ vì quá tin vào nền giáo dục”, là vì thương con, hay là vì muốn tỏ ra sâu sắc? Tại sao người ta chê bai một cô con dâu xinh xắn nhẹ nhàng, nhưng khi cô ấy gặp trắc trở, lại bỗng nhiên ngợi khen cô ấy tử tế lắm? Tại sao những người lớn lao vào cười cợt một câu thanh niên khi cậu đưa ra một câu hỏi nghiêm túc thật thà?

Phan Thị Vàng Anh có cách kể chuyện rất riêng: không triết lý, không lên lớp, không phán xét ai đúng ai sai, nhưng Chuyện nhà Tí là một cuốn sách có thể khiến người đọc cảm thấy ngượng ngượng, cười thầm, chột dạ, vì trong những câu chuyện ấy, biết đâu lại có bóng dáng chính mình.

Không kịch tính, không cố ý gây sốc, Chuyện nhà Tí (và nhiều chuyện nhà khác) đơn giản là những câu chuyện đời thường – nhưng lại mang đến nhiều suy tư. Đọc để thấy cuộc sống này vẫn còn nhiều thú vị ngay trong những điều nhỏ bé nhất. Nhưng trên hết, nó nhắc ta nhớ rằng, ai cũng vật lộn với những câu chuyện như thế mỗi ngày.

Những câu chuyện giản dị của đời sống qua góc nhìn của Phan Thị Vàng Anh - 2

Cuốn sách được minh họa bởi những bức tranh đơn giản, góp phần giúp câu chuyện thêm sinh động và gần gũi. Ảnh: Nhã Nam

Nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương từng nhận xét về các sáng tác của Phan Thị Vàng Anh: “Vàng Anh biết cách lạ hóa những điều quen thuộc, biết làm cho da diết những điều tưởng như nhạt nhẽo”.

Điều đó vẫn hoàn toàn đúng với tập sách mới này. Mỗi trang sách mở ra một tình huống đời thường, nhưng lại đặt ra những câu hỏi không hề nhỏ: Chúng ta có đang giả tạo không? Có đố kỵ không? Có đang gồng mình để trở nên sâu sắc hay không? Chúng ta có nhỏ nhen ti tiện không, và có ác hay không?

Ngoài ra, điểm đặc biệt ở tập sách này là sự kết hợp giữa ngôn từ và hình ảnh. Cuốn sách được minh họa bởi tác giả Nguyễn Trương Quý với những bức tranh đơn giản giúp câu chuyện thêm phần sinh động và gần gũi.

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh sinh ngày 18 tháng 8 năm 1968 tại Hà Nội, bà là con gái của nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Thường.

Phan Thị Vàng Anh được biết đến với phong cách viết tinh tế, sâu sắc và thường khai thác những khía cạnh đời thường của cuộc sống. Tác phẩm đầu tay của bà, tập truyện ngắn Khi người ta trẻ, đã gây tiếng vang lớn và được dịch, xuất bản tại Pháp với tên "Quand on est jeune". Ngoài ra, bà còn sử dụng bút danh Thảo Hảo để viết tản văn và phê bình văn hóa trên các báo.

Phan Thị Vàng Anh đã nhận được nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập truyện Khi người ta trẻ và Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2007 cho tập thơ Gửi VB.

Dù không viết quá nhiều, mỗi sáng tác của Phan Thị Vàng Anh đều khẳng định dấu ấn riêng, không cầu kỳ nhưng thấm thía và gần gũi với người đọc.

Hương Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất