Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn

Tôi hết sức xúc động khi được đọc bài thơ “Tuổi ấu thơ của một chiến binh” của nhà thơ Triệu Phong – Châu La Việt, trong khi nhà thơ đang tham dự Trại sáng tác Văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” tại Cần Thơ năm 2022 và đăng trên Thời báo Văn học nghệ thuật. Sự xúc động đó lại còn được nhân lên nhiều lần khi biết rằng người "chiến binh” mà nhà thơ nói đến lại chính là cựu Đại tá Lê Hãn năm nay tuổi đã ngoài 90, con trai trưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn, cũng là thân sinh của đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước.

Người "chiến binh” ấy có tên thật là Lê Thạch Hãn, chính là tên mà người cha – Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lấy tên dòng sông Quảng Trị quê ông để đặt tên cho con, với cả một tình yêu thương dào dạt, sâu sắc!

Tuổi ấu thơ quê hương Quảng Trị

Những đêm về mẹ hát ru con

Nhà trống vắng võng đưa kẽo kẹt

Lời ru mẹ lời của dòng sông....

… “Người đi xa vắng người ơi

Như cánh chim trời nỏ biết phương mô…

Và thế là suốt cả tuổi thơ, suốt cả 28 năm trời đằng đẵng, cha ông – Tổng Bí thư Lê Duẩn hoạt động cách mạng, đã bị địch bắt và đày ra Côn Đảo với một mức án tuyên 20 năm. Rồi đến năm 1940, cha ông lại bị bắt và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. 

Trong 28 năm, từ khi sinh ra cho đến khi theo học ở Học viện Không quân Giucốp (Liên Xô), ông được gặp cha vỏn vẹn 3 lần, lần nào cũng ngắn ngủi nhưng đầy ắp kỷ niệm, chan chứa tình cha con. Qua câu chuyện mà ông đã từng kể cho anh em bạn bè, hình ảnh của người cha - cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong cuộc sống thường nhật, trong tình cha con hiện lên vô cùng xúc động.

Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn - 1

Sông Thạch Hãn, Quảng Trị

Bài thơ của nhà thơ Châu La Việt như một câu chuyện kể về tuổi thơ của người "chiến binh” Lê Hãn thật xúc động, ở đó có tuổi thơ của người chiến binh, có sự cách xa và niềm thương nhớ vô hạn đối với người cha của mình, có cả những lần gặp mặt ngắn ngủi nhưng vô cùng ấn tượng đối với người cha. Ở đó có tinh thần cách mạng mà cha ông cũng như bao người con của quê hương một lòng theo cách mạng. Ngắn ngủi thế nhưng ông cũng được cha dạy hát một bài ca về người cộng sản, đó chính là bài ca “Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian!”, vùng lên để đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng đất nước quê hương.

Đọc bài thơ, với sự xúc động của mình, tôi đã cầm bút, với cây đàn piano của mình, tôi đã viết nên ca khúc này. Vì là một bài thơ dài, nên tôi đã rút gọn sao cho vừa đủ ý của nhà thơ, vừa toát lên được cả tâm tình của người con đối với cha, vừa nêu bật được chí khí cách mạng đã được người cha truyền cho con cháu! Và trong 3 ngày liên tục, tôi đã làm đến lần thứ ba mới hoàn chỉnh.

Bài hát được viết theo thể 2 đoạn có tái hiện và phát triển, đoạn đầu mang âm hưởng của một điệu hò dân gian Quảng Trị, diễn tả sông nước quê hương và lời ru của mẹ khi nhân vật còn đang tuổi ấu thơ.

Mẹ ru con sông, con sông êm ả

Mẹ ru con cá, con cá lội dòng

Mẹ ru cánh đồng, cánh đồng lúa trổ

Mẹ ru cái lá Lá cây xanh vườn

Mẹ ru ngọn gió Gió thổi mát con

Lời ru của mẹ - Là lời dòng sông

Lời ru của mẹ Là lời cánh đồng

Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn - 2

Minh họa

Rồi sau đó đến đoạn 2 là nỗi mong chờ, giằng xé trong tình cảm của người con, khi chưa biết hết những hoạt động cách mạng của cha mình. Và bắt đầu từ khi gặp con, cha đã dạy con bài ca cách mạng, thì giai điệu đã bừng lên, sử dụng những quãng nhảy bất ngờ tạo nên sự đột phá.

“…Nhưng mẹ ơi, cha con ở đâu? Con hỏi mẹ, mắt mẹ rớm lệ. Mẹ ôm con nước mắt thành dòng. Cha đi làm cách mạng, cha đánh Tây độc ác…”

Rồi đến: “Trải qua bao năm tù đày gian khổ, cha lại cùng con ngồi bên sông quê. Cha dạy con hát bài ca cách mạng: Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!...”. Và bài ca ấy đã đi theo đời con, con của quê hương Quảng Trị anh hùng, con chính là quê hương, là chiến binh đã mang tên dòng sông Thạch Hãn quê mình! Và rồi, sau khi thống nhất ý kiến với nhà thơ, tôi đề xuất đặt tên ca khúc là: “Người Chiến binh mang tên sông Thạch Hãn”.

Thật là xúc động khi bài hát vừa ra đời đã được nhạc sĩ Mai Kiên phối khí, bản phối vừa mang được âm hưởng dân gian, vừa đậm chất thính phòng. Ngay sau đó đã được Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng, một giọng đơn ca nam số 1 của Việt nam thể hiện với cả niềm xúc động khôn tả…                                                            

Nhạc sĩ Ngọc Khuê

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.