Người nhen than hồng thành lửa ngọn

Trong cuộc đời, bao sự gặp gỡ ngẫu nhiên cũng bắt nguồn từ sự hữu duyên. Từ một bài giảng Lịch sử và sự đồng cảm từ những trang Facebook về các danh nhân văn hóa Bến Tre và cả nước, tôi và thầy Phạm Văn Luân - nguyên giảng viên bộ môn Phương pháp Nghiên cứu Khoa học trường Cao đẳng Bến Tre đã có sự kết nối thân thiết. Và cũng từ sự hữu duyên gặp gỡ này, tôi hân hạnh quen biết chị Huỳnh Xuân Thảo - người con gái út của cụ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

Người nhen than hồng thành lửa ngọn - 1

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát

Nhớ những ngày ấy, chính xác vào năm 2013. Khi ấy tôi dạy ở trường Tiểu học Đỗ Nghĩa Trọng (xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại), là tổ trưởng khối 4, lại là giáo viên giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, tôi được Phòng giáo dục và Ban giám hiệu trường phân công tôi và cô Thảo (chung tổ khối 4) về huyện Châu Thành dự hai tiết minh họa mảng “Lịch sử văn hóa địa phương” do giáo viên trường Tiểu học Tam Phước được Sở giáo dục phân công là nơi đăng cai.

Nhiệm vụ của hai chúng tôi khi về phải biên soạn giáo án điện tử để minh họa hai tiết dạy: một tiết về Địa lý và tiết còn lại là Lịch sử cho giáo viên khối 4 và 5 trong toàn huyện xem. Tính tôi ngộ lắm, trong dạy học luôn có những sáng tạo mà ít khi rập khuôn máy móc theo những tài liệu có sẵn, vì thế tôi không dạy lại bài minh họa: “Đoàn tàu không số” của trường Tiểu học Tam Phước huyện Châu Thành mà lại tự mày mò tìm kiếm trên mạng những tư liệu để soạn một giáo án điện tử theo ý mình về nhân vật lịch sử quê Bình Đại tôi hằng ngưỡng mộ. Đó là bài giảng: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

Theo từng slide từng dòng trên trang giáo án, trái tim tôi đã rung động với niềm kính phục sâu sắc về người thanh niên làng Tân Hưng học giỏi, tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý dấn thân vào con đường cách mạng… Tiết thao giảng bằng giáo án điện tử về cụ Huỳnh ngày ấy được anh em đồng nghiệp đánh giá cao, nhưng vẫn không thể không mắc phải những hạn chế. Ai đời tiết Lịch sử địa phương dành cho học sinh lớp 5, tôi lại tham lam soạn quá nhiều slide không cần thiết nhất là về những công trình kiến trúc của cụ. Đúng lý ra sự mở rộng đó chỉ dành cho học sinh bậc trung học cơ sở hay trung học phổ thông. Chính vì vậy tiết dạy kéo dài tới năm mươi lăm phút thay vì bốn mươi phút theo quy định.

Ấy vậy mà sau khi tôi dạy xong, cô Nhan giảng viên bộ môn Lịch sử trường Cao đẳng Bến Tre nói vui: “Chèn ơi, giảng tới đoạn cụ Huỳnh mất, và việc cụ Bùi Thị Nga làm theo di nguyện của chồng trao một trăm cây vàng cho xã Châu Hưng để thực hiện công trình an sinh, giáo dục của xã mà cô và học trò ánh mắt cùng long lanh niềm xúc động thấy mà thương. Gì thì gì, em đã truyền lửa cho các em về lòng tự hào dân tộc rồi đó. Tiết dạy vậy là thành công rồi nha cô nương!”… Tôi đã kể cho Luân nghe chuyện thao giảng lần đó, em mừng rỡ bảo tôi: “ Chị cho em xin giáo án đó đi, em cần tìm thêm nhiều tư liệu về cụ Huỳnh để giảng dạy”. Hễ cứ gặp nhau là trò chuyện không có đường ra, tình đồng chí, đồng nghiệp của hai chị em tôi là vậy đó!…

Một ngày vào tháng 2 năm 2021, tôi bất ngờ khi nghe Luân chia sẻ trên trang Facebook những dòng trạng thái về sự xuống cấp của đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát. Số hình ảnh qua tin nhắn Luân gửi, tôi cảm thấy xót xa khi thấy trần đền bị bong tróc nhiều chỗ, hành lang đền bị nứt toác do đất nền bị sụt lún, một số bóng đèn điện bị hư hỏng và trộm đã cạy cửa lấy cắp bộ lư và chân đèn bằng đồng rồi. Không thể như vậy được. Cụ Huỳnh từng là kiến trúc sư giỏi với hàng trăm bản vẽ để xây nên những ngôi biệt thự, công trình, hội trường quy mô làm đẹp cho đời, có lẽ  nào ta lại chấp nhận nơi thờ tự cụ thuộc di tích cấp Tỉnh với hiện trạng xuống cấp như thế được. Nơi suối vàng chắc hẳn cụ sẽ hờn trách? Hai chị em cùng đồng cảm, day dứt với nỗi trăn trở.

Và thế là tôi kết nối với Hội đồng hương Bình Đại tại thành phố Hồ Chí Minh nhờ các anh em kiến nghị với các cấp chính quyền xin gia cố lại một số hạng mục của đền đã xuống cấp. Tôi nhớ như in ngày 17/ 2/ 2021, tôi gửi bản đề nghị kèm một số hình ảnh đền thờ cụ, thêm bảng đề nghị của em Luân chia sẻ qua trang Facebook em Nguyễn Thị Xuân Mai và một số anh em trong Ban liên lạc. Phải nói công lớn là nhờ sự tác động của em Xuân Mai - Phó ban liên lạc. Thế là anh giáo sư Ngô Minh Xuân - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là Trưởng  ban liên lạc cùng anh Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Bến Tre tại thành phố Hồ Chí Minh cùng một số anh chị em doanh nhân đã vận động được một số tiền, và công ty sơn Nippon tài trợ sơn lại toàn bộ ngôi đền.

Anh Huỳnh Kỳ Trân, anh Ngô Minh Xuân cùng em Xuân Mai đã phối hợp đi cùng vài anh chị em doanh nhân, với hai kiến trúc sư có bằng: “ Bảo tồn di tích lịch sử các đình chùa,…” về xã Châu Hưng khảo sát mức độ hư hỏng của từng hạng mục ngôi đền để có kế hoạch gia cố lại.

Tôi nói như reo trong máy thông báo với Luân ngay, nhưng hai chị em vẫn còn canh cánh với nỗi lo: tỉnh duyệt thì duyệt nhưng biết có kịp đến ngày 27/3/2021 để đoàn Đại học Fulbright gồm 120 sinh viên và giảng viên sẽ đến viếng thăm đền. Do tôi luôn bận vả lại là phụ nữ đâu rành lĩnh vực xây cất nên mọi việc về sau, Luân là người trực tiếp cùng với anh em.

Em nói với tôi: “ Chị biết không, anh Kỳ Trân rất tâm huyết với việc gia cố đền thờ cụ, số tiền 200 triệu đồng là công lớn của ảnh vận động Câu lạc bộ doanh nhân chung tay góp sức đó chị” . Tôi với Luân cùng  chị Xuân Thảo phải nói là quá vui mừng. Thế là đền thờ cụ đã được sơn phết lại toàn bộ và sửa sang theo kế hoạch với chi phí 200 triệu đồng. Rất tiếc hôm anh Ngô Minh Xuân và một số anh chị em trong Hội đồng hương xuống nghiệm thu, do bận công việc nên tôi và Luân không thể về Châu Hưng để chia sẻ niềm vui với anh em.

*      *

*

Hôm nay tôi về Bình Đại và ghé Châu Hưng để cùng dâng hương với mọi người đây. Từ thành phố Bến Tre chưa đến 6 giờ là tôi đã khăn áo chỉnh tề rồi. Chiếc xe máy già nua của tôi lại có dịp bon bon về lại con đường quen thuộc từ vòng xoay Phú Hưng về huyện Bình Đại quê tôi. Đúng 6 giờ 30 phút tôi đã có mặt tại ủy ban xã Châu Hưng. Không ngờ ủy ban huyện quá chu đáo, đã bố trí hẳn chiếc xe 7 chỗ để đưa tôi và 4 anh chị tại Châu Hưng ( nằm trong danh sách thân nhân gia đình cụ Huỳnh ) lên Thành phố Bến Tre để dự buổi Hội thảo khoa học. Chưa đến 7 giờ nên khu đền đang thắt chặt an ninh, không cho phép một ai vào đền trước giờ quy định, tôi cảm thấy có lỗi vì lỡ dịp được đốt nén hương cho cụ rồi…

Buổi sáng mùa xuân tiết trời dịu mát. Huyện Bình Đại và toàn tỉnh Bến Tre quê tôi hôm nay tưng bừng mừng Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát! Dọc hai bên đường rợp đỏ sắc cờ Tổ quốc khiến lòng người rộn rã khúc nhạc vui. Ôi, còn nỗi vui mừng nào hơn khi chốc nữa đây tôi được gặp chị Xuân Thảo, con cụ Kiến trúc sư ngoài đời.

Chưa đến 7 giờ, chúng tôi đã lên đến hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh. Chị Thảo chưa lên đâu, bởi lẽ chị còn tiếp quan khách Ttrung ương và khách trong ngoài tỉnh tới đền dâng hương. Tôi xuống xe lững thững đi dọc hành lang, đưa mắt ngắm nhìn những băng rôn, tranh ảnh trưng bày về quá trình hoạt động cách mạng của cụ Huỳnh. Càng xem, lòng tôi càng dâng trào niềm kính phục. Không phải tò mò, nhưng tôi chợt dừng lại khi nghe lời đối đáp của một bác khoảng độ tuổi 80 thật đẹp lão với một em gái trong ban tiếp tân.

Mấy từ “lính văn thư của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát hồi ở Mặt trận” khiến tôi phải chú ý và lòng thầm reo vui: Nhân vật trong bài viết của tôi đây rồi! Tôi nắm bắt “cơ hội vàng” và tiến hành tác nghiệp ngay thôi. Nhân vật trong bài viết của tôi: chú Nguyễn Văn Hữu ( Ba Hữu ) 84 tuổi - nguyên công tác văn thư Văn phòng Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - người từng sống và làm việc với cụ Huỳnh 5 năm dài ở chiến khu Tây Ninh.

Chú Ba Hữu kể: Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi toàn miền Nam, ngày 22/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, chú Tám Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Tháng 3/ 1961, chú Ba lúc bấy giờ được phân công làm cán bộ văn thư của Văn phòng Mặt trận cho đến tháng 8/ 1966. Sau đó chú về Đảng ủy Ban căn cứ hoạt động với lực lượng vũ trang Trung ương Cục. Sau ngày thống nhất đất nước, chú Tám ra Trung ương công tác, còn chú thì về cơ quan Dân chính đảng Trung ương cục Miền Nam hoạt động, sau đó nhận nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn của Tổng công ty dầu thực vật hương liệu mỹ phẩm Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 2000…

Uống xong ngụm trà ấm, chú Nguyễn Văn Hữu bắt đầu kể: Thời gian mấy tháng trực tiếp phục vụ chú Tám là sau đại hội lần II diễn ra từ ngày 1/11 đến 8/11/ 1964 tại căn cứ Suối Mây, Tân Biên, Tây Ninh. Lúc này, thím Tám bị địch bắt giam từ tháng 5/1960, đến tháng 10/ 1964 được thả, và sau đó lên căn cứ đoàn tụ với chú Tám theo chính sách của Đảng. Thím Tám cùng ba người con là Lan Khanh, Xuân Thảo, Minh Tuấn ở cơ quan Mặt trận mấy tháng. Chú Tám lúc này đang bị bệnh sỏi thận. Có một kỷ niệm nhỏ thôi mà chú Ba nhớ mãi đến giờ. Đó là một chiều sau giờ cơm, cụ kKiến trúc sư đến bàn ăn vỗ vai chú Ba nói: “Ê Hữu, chú cho xem cái này nè!”. Chú Ba lúc ấy mở tròn mắt ngạc nhiên khi nhìn chú Tám Chí móc từ túi quần ra một gói gì nhỏ nhỏ bọc bằng giấy quyến, thì ra trong đó là một viên sỏi cỡcở đầu đũa. Chú Tám cười nhẹ nhõm nói: “Chú đái viên sỏi ra được rồi. Nó hành chú cả tuần nay, khó khăn hết sức!...”.

Nghe chú Ba Hữu kể, tôi cảm nhận được sự gần gũi, thân tình và cởi mở của cụ kiến trúc sư như mọi người thường nhắc. Trầm ngâm một chút, mắt chú Ba Hữu ngó về hướng xa xăm rồi nói tiếp: “Ở cơ quan, chú Tám thường ăn uống, sinh hoạt chung với anh em cơ quan mà không hề có khoảng cách. Gặp ai chú cũng tươi cười, nụ cười luôn thường trực trên môi nghen. Chú Tám hay hỏi thăm gia đình, cuộc sống rồi mới bắt đầu trao đổi công việc…”.

Nhìn bức hình cCụ với khuôn mặt chữ điền, đôi mắt ngời sáng, vầng trán cao và nụ cười tươi trên những tấm băng - rôn treo dọc theo hành lang của hội trường, tôi lại liên tưởng đến khung cảnh ở chiến khu D hay căn cứ Suối Mây (Tây Ninh) vào những năm kháng chiến gian lao ngày ấy… Giữa đại ngàn hùng vĩ, tiếng cười sang sảng và uy dũng của người anh lớn Tám Chí, của người kiến trúc sư tài hoa ấy đã là nguồn động viên, là điểm tựa để anh em vững lòng vững chí, vượt qua mọi thời khắc nghiệt ngã nhất giữa bom đạn kẻ thù. Chú Tám là lãnh đạo Mặt trận, chú chỉ là một anh lính văn thư, nhưng chú Tám Chí đã xem chú và anh em cấp dưới, những đồng chí đồng đội như anh em trong một đại gia đình. Chú Ba Hữu bảo cả đời này chú không thể quên được chú Tám Chí đâu! …

Thời gian không cho phép trao đổi nhiều, và do chú Ba Hữu biết tôi có mối thân quen với gia đình cụ kKiến trúc sư nên chú giao hẳn bài phát biểu cho tôi và nói con cứ giữ đi, chú còn một bản nữa để đọc trong lễ chính chiều nay… Những điều chú Ba viết đi vào tim tôi như dòng suối mát lai láng lòng ngưỡng mộ. Một con người tài năng như thế, lẽ ra với tấm bằng kKiến trúc sư hạng ưu sẽ hứa hẹn cuộc sống như quý tộc giữa một đô thị lớn Sài Gòn bấy giờ. Vậy mà cụ kiến trúc sư đã quyết định đóng cửa văn phòng để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng.

Bốn mươi bốn năm chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, người trí thức trẻ, người đảng viên trung kiên, bất khuất vượt qua bao gian nguy, biến nhà tù của giặc thành trường học lớn, động viên, giáo dục gia đình trở thành những người đồng chí, đồng đội xả thân quên mình vì Tổ quốc. Sáu người con và vợ của cCụ đều chọn theo con đường cách mạng. Tôi đã rơi nước mắt khi đọc bài phát biểu của chú Ba Hữu kể đến sự hy sinh anh dũng của người con gái thứ hai của cụ có cái tên thật ấn tượng: Huỳnh Lan Khanh.

Theo lời chú Ba Hữu nói chị Lan Khanh lẽ ra được đưa ra miền Bắc học tập, đào tạo cùng với hai người em là Xuân Thảo và Minh Tuấn để trở thành những cán bộ trong tương lai, nhưng chị xin được ở lại phần vì thím Tám lúc ấy mới ra tù sức khỏe còn yếu lắm, chị muốn được ở lại miền Nam công tác để có điều kiện chăm sóc mẹ. Chị Lan Khanh được bố trí làm nhân viên đánh máy cho Văn phòng Mặt trận. Tuy là nữ nhưng Lan Khanh rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác và luôn xung phong trong các hoạt động.

Vào ngày 4/8/1968 đơn vị Lan Khanh được giao nhiệm vụ đi nhận lương thực, chị xung phong xin đi. Không may trên đường lọt vào ổ phục kích của bọn biệt kích ở Trảng Dầu (Tây Ninh), chúng bắn hai đồng chí cùng đi, Lan  Khanh bị bắt sống và đưa lên máy bay trực thăng. Vì không chịu đầu hàng, khuất phục, Lan Khanh đã nhảy ra khỏi trực thăng. Người con gái ấy đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Ttổ quốc và đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Đến ngày 24/4/2015, liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay tên chị đã được đặt cho một con đường gần sân bay Tân Sơn Nhấứt thuộc quận Tân Bình,  thành phố Hồ Chí Minh…

*

*      *

Thế là trong giờ nghỉ giải lao của buổi Hội thảo khoa học sáng ngày 15/2/2023, tôi đã gặp được chị Huỳnh Xuân Thảo - người con gái út của cCụ kKiến trúc sư. Được biết chị từng là cử nhân sinh học, Phó trưởng cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chị Thảo có cái miệng và nụ cười duyên nhìn hơi giống má chị. Còn đôi mắt chị. Ồ, tôi không nhầm đâu, chị chính là phiên bản của đôi mắt cụ Huỳnh để lại. Bởi tôi đã nhìn thấy nét cương nghị mà gần gũi bao dung hiện lên trên ánh mắt ấy…

Người nhen than hồng thành lửa ngọn - 2

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương.

Không kiềm được xúc động, tôi ôm chầm lấy chị như thể ôm lấy người chị họ thân thiết lâu ngày không gặp. Không vui sao được, vì tính ra hơn ba năm nay, hai chị em chỉ thỉnh thoảng liên hệ qua điện thoại mà chưa từng gặp mặt ngoài đời. Khi được hỏi về thời thơ ấu của cụ, chị Thảo kể tôi nghe câu chuyện hồi xưa, chuyện này tôi có đọc trên một trang báo mạng.

Chị Thảo kể rằng: Lúc ba Phát gửi học bên nhà ngoại ở tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), bà Quảng Thị Tâm, là con cậu Mười Hai Quảng Duy Thơ nhớ lại: “Anh Phát hay chơi cái trò “diễn thuyết”, lâu lâu ảnh mua kẹo, bánh lỗổ tai heo, rủ chị Hai và mấy em ra sau vườn nghe ảnh “diễn thuyết”... Ảnh nói chuyện trên trời dưới đất đâu đâu, nào là vì sao trái đất xoay xung quanh mặt trời để giải thích về ngày và đêm. Tại sao có mưa? Tại sao có trăng khuyết, trăng tròn?... Hồi đó, tụi em không hiểu gì lắm, chỉ trông anh dứt lời để xáp vô ăn bánh hoặc kẹo”.

Khi ông Quảng Duy Thơ biết chuyện, ông không rầy cậu Ba Phát, chỉ nhận xét: “Thằng Phát nữa lớn làm pô-li-tích (chính trị)”. Chị Thảo còn nói: “Ba ra ngoài làm chức lớn, công việc thì ngập đầu, vậy mà khi rảnh rãnh rỗi con cháu thắc mắc hỏi về chính sách của Đảng hay tình hình thời sự đất nước, những băn khoăn trong cuộc sống, ba vui vẻ sẵn sàng giải thích mà không bao giờ nổi cáu. Ba dạy con cháu phải mở rộng tấm lòng: biết yêu thương, thấu hiểu nỗi đau, nỗi khổ của đồng bào, bà con xung quanh mình, và luôn khuyên con cháu học tập rèn luyện, giữ gìn truyền thống gia đình…”.

Cụ Huỳnh Tấn Phát quả người kiến trúc sư bậc thầy, người có tầm nhìn xuyên thế kỷ. Anh Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre trong buổi Hội thảo khoa học cấp quốc gia Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre, anh đã kể những nhận định (dựa theo lời kể của nhà báo lão thành Lê Chí Nhân - Nguyên Phó chủ tịch tỉnh trong một lần đàm đạo với cụ Huỳnh cách đây 40 năm). Cụ kiến trúc sư tâm huyết nói lên khái quát quy hoạch phát triển thị xã Bến Tre thành đô thị văn minh, hiện đại, không phải nhìn đến 5 - 10 năm mà hàng trăm năm sau. “Không phải thị xã nào cũng có điều kiện thiên nhiên như Bến Tre, có dòng sông Bến Tre, dòng sông Hàm Luông. Cho nên dù thị xã phát triển đô thị cỡ nào thì cũng nên Lấy sông Bến Tre làm trung tâm đô thị, bờ sông Hàm Luông làm mặt tiền. Ta hãy hình dung trung tâm đô thị có dòng sông trong xanh mát lành, gió lộng chảy từ sông Hàm Luông tới cầu Chẹt Sậy, hai bờ sông là hai dãy công viên”. Chỉ một ý tưởng này thôi Bến Tre cũng đã nâng cao chất lượng cuộc sống và ai cũng muốn sống nơi đáng sống.. ” “Thành phố hai bên bờ sông là thành phố đẹp nhất”. 

Giống như chú Ba Hữu đã nói, chú Nguyễn Túc - Uỷ viên đoàn Chủ tịch - Uỷ ban mặt trận Tổ quốc cũng đã cảm nhận về nụ cười của Cụ Huỳnh trong phim tài liệu “: Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung”: “ Tôi nhớ mãi khi được phân công viết điếu văn cho lãnh đạo Nhà nước, Đảng phát biểu trong lễ tang Huỳnh Tấn Phát, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhắc tôi rằng: Anh không được quên tiếng cười lạc quan của anh Tám Phát. Và tôi thấm thía, khi đến kho lưu trữ của Thông tấn xã Việt Nam, hơn cả ngàn bức ảnh, chẳng có bức ảnh nào mà không có nụ cười. Cái nụ cười lạc quan đó đã giúp đồng chí vượt qua bao khó khăn gian khổ. Con người không chỉ lạc quan trong cuộc sống cá nhân mà trong đấu tranh cách mạng, mọi hoàn cảnh đều thể hiện bản lĩnh”…

Có thể nói Cụ Huỳnh Tấn Phát là điển hình, là người tiêu biểu của công tác dân vận, mà dân vận ở đây là trí vận. Nói thế nào, thuyết phục thế nào để nhân dân, mà nhân dân ở đây là tầng lớp trí thức hiểu và theo Đảng là việc làm không phải dễ dàng. Vậy mà Cụ đã làm được trong từng lúc và hoàn thành xuất sắc công việc Đảng giao. 

Khi cụ Kiến trúc sư qua đời, nhà văn Thép Mới, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân - người có thời gian dài sống với cụ Huỳnh Tấn Phát ở vùng căn cứ, đã có bài viết trên báo Nhân Dân số ra ngày 14/10/1998: "Phong thái anh không lẫn với ai khác được. Anh đã sống nhiều năm ở vùng Tam giác sắt, không khác gì hết các chiến sĩ, đồng bào. Lính trẻ Củ Chi chịu anh tình thương lính tráng. Cô bác ở Phú Hòa Đông, Nhuận Đức quý anh như bạn, như người cao tuổi trong gia đình… Cái cách anh quan hệ, ứng xử với các bạn tri thức đến với cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho “"than hồng nhen lên thành lửa ngọn”"./.

Lâm Hiền An

Tin liên quan

Tin mới nhất