Cái thuở ban đầu dân quốc ấy...

(Arttimes) - Tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn vừa ra mắt độc giả tháng 8/2020, đã nhận được đánh giá tốt của công luận trên báo chí và giành giải Ba Cuộc thi Tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5.

Điều đáng nói là, tiểu thuyết của Thiên Sơn viết về một thời kỳ lịch sử chưa xa - những ngày sục sôi khí thế Cách mạng tháng Tám (1945) và những tháng ngày tiếp theo khi nhà nước Dân chủ nhân dân mới ra đời phải đối mặt với vô vàn thử thách cực kỳ cam go bởi thù trong, giặc ngoài, nạn đói, ngân khố cạn kiệt,... Con thuyền Cách mạng do lãnh tụ Hồ Chí Minh cầm lái cùng với sự đoàn kết đồng lòng của các đảng viên trung kiên và những người yêu nước chân chính đã vượt qua bão tố ngoạn mục.

"Ôn cố tri tân" như một động hướng tinh thần xã hội mới

Sự trở lại của đề tài lịch sử trên văn đàn Việt Nam đương đại cho thấy “ôn cố tri tân” được coi là một động hướng tinh thần xã hội mới. Chúng ta đang ở vào thời điểm lịch sử cực kỳ nhạy cảm khi Biển Đông dậy sóng từng ngày, hòa bình giành được bằng máu xương không phải đã hoàn toàn vững bền như cẩm thạch, xã tắc mấy nghìn năm cha ông kiến thiết, rào giậu gìn giữ không phải không còn nguy cơ bị ngoại bang dòm ngó. Quan sát thực tiễn sáng tác gần đây, chúng ta thấy không hề ngẫu nhiên khi xuất hiện hàng loạt tiểu thuyết lịch sử có tiếng vang nhưng đa số viết về thời xa xưa, ít nhà văn dám “đối đầu” với lịch sử gần kề. Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn cùng viết về thời kỳ lịch sử 1945-1946 đã làm hài lòng độc giả khi nhờ văn chương được sống lại hào khí Đông A, khi từ lịch sử có thể rút ra những bài học quý báu cho công cuộc kiến thiết đất nước hiện tại. Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn góp vào bộ sưu tập “lịch sử và văn chương” nhằm: “Đi tìm những ý tưởng khôi nguyên nhất, đẹp đẽ nhất khởi phát từ các nhà khai sáng một thời đại để có thể giúp con người thời hôm nay nhìn lại xem chúng ta đã làm được gì kế tục những tư tưởng của cha ông chúng ta” (Trả lời phỏng vấn - VNQĐ online). 

Cái thuở ban đầu dân quốc ấy... - 1 Nhà văn Thiên Sơn  Hình tượng lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh

Bối cảnh lịch sử tác giả lấy làm nền cho tiểu thuyết Gió bụi đầy trời chỉ khoanh lại trong vòng chưa đầy một năm trời (từ sát ngày Tổng khởi nghĩa đến thời điểm Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp bàn thảo về một Hiệp ước mới trong quan hệ của hai nước Việt - Pháp, tháng 5/1946). Thời gian được nén chặt, không gian được mở rộng, hoàn cảnh được cô đặc các xung đột, mâu thuẫn; các nhân vật tham gia sự kiện lịch sử đủ các lực lượng, đảng phái, khuynh hướng tư tưởng, tham vọng. Bàn cờ thế cuộc phức tạp, rối ren hơn bao giờ hết. Vận mệnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc. Trong thời điểm ngặt nghèo ấy cần xuất hiện một thiên tài. 

Lãnh tụ Hồ Chí Minh như một vị cứu tinh của dân tộc hiện diện trong bước ngoặt lịch sử vĩ đại, là người lãnh đạo kiệt xuất cuộc chiến đấu khổng lồ của toàn dân Việt Nam “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Phẩm tính lỗi lạc của Hồ Chí Minh trước hết là khả năng đoàn kết toàn dân triệu người như một, hướng vào chỉ một mục đích bảo về nền độc lập vừa giành được. Không ai khác, chính Người tượng trưng cho tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết trên tinh thần, nền tảng đạo lý “dĩ công vi thượng”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh, hơn ai hết là người liên tài, biết “chiêu hiền đãi sỹ” để tập hợp, củng cố, phát huy sức mạnh của lực lượng trên tinh thần yêu nước. 

Có thể nói không ai có sức mạnh thuyết phục người khác đi theo lý lẽ, sức mạnh của cái đúng như lãnh tụ Hồ Chí Minh, vì Người biết nhân lên tiềm năng của mỗi cá nhân và thực sự tôn trọng họ. Cứ xem cách lãnh tụ Hồ Chí Minh thuyết phục Cựu hoàng Bảo Đại, chúng ta thấy rõ cái tâm và cái tầm của Người. Cứ xem cách lãnh tụ Hồ Chí Minh mời được các chí sỹ, các bậc túc nho như Huỳnh Thúc Kháng hiến sức, hiến kế cho chính quyền mới đủ thấy tài trí anh minh của Người suốt đời chỉ có một ham muốn đất nước được độc lập, nhân dân được hưởng hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Cứ xem cách lãnh tụ Hồ Chí Minh ứng xử với đối phương từ Lư Hán, Tiêu Văn (các tướng lĩnh Tàu Tưởng đem quân vào giải giáp quân Nhật), đến các tướng lĩnh Pháp như D’Argenlieu, Pigon, Jean Sainteny, Cédile,... đủ thấy lãnh tụ Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao tài ba lỗi lạc. Ứng xử là một phẩm tính thuộc về căn cốt văn hóa của con người. Thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy, các đảng phái với những đại diện của mình như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng,... không phải không có tham vọng soán ngôi sục sôi, giành quyền lực. Nhưng trước lãnh tụ Hồ Chí Minh, họ đều thúc thủ, cuối cùng phải “tìm chỗ khác chơi”. 

Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là những nhân vật có hào quang trong tiểu thuyết Gió bụi đầy trời. Nhưng hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh sẽ không thật tròn đầy nếu thiếu đi mối liên hệ máu thịt với sức mạnh của tập thể các đồng chí đảng viên trung kiên, trí tuệ mẫn tiệp như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Trần Văn Giàu, Tố Hữu, Trần Hữu Dực, Tôn Quang Phiệt,...  Mỗi người một vẻ, một cốt cách, số phận, tâm trạng, nhưng gặp nhau ở một điểm then chốt  -  tận hiến cho sự nghiệp chung. Mỗi nhân vật lịch sử như một thỏi nam châm lớn, cực mạnh có sức hút lẫn nhau cùng trong một từ trường cách mạng. 

SỰ THẬT LỊCH SỬ VÀ HƯ CẤU NGHỆ THUẬT

Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, nhất là khoảng thời gian 1945 - 1946, hết sức phức tạp, quanh co, nhiều điểm mờ, nghịch lý. Tuy nhiên, với một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử thì nhiệm vụ chính lại nằm ở phía khác: “Viết về giai đoạn lịch sử vô cùng đặc biệt thời hiện đại, mong muốn của tôi là mở ra cái không gian bên trong của tâm tưởng các nhân vật, khám phá những bí ẩn phía sau các sự kiện quan trọng” (Lời đầu sách). Rõ ràng là, với nguồn sử liệu dư dật hiện nay, nhà văn không quá vất vả đi trên con đường khổ ải để tiếp cận sự thật lịch sử như trước đây. Nhưng để tái hiện được thấu cõi “cái không gian bên trong của tâm tưởng các nhân vật” tham gia các biến cố lịch sử thì lại không hề dễ dàng như trở bàn tay. 

Cái thuở ban đầu dân quốc ấy... - 2 Tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời 

Nhất định tác giả gặp khó khi viết tiểu thuyết lịch sử về cái khoảng thời gian đầy ắp bão tố, ngặt nghèo này (bão tố trên chính trường và trong lòng người). Vì thế, trong trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ Công an (số 516 ra ngày 17/9/2020), tác giả đã hơn một  lần nói đến cái “ba-ri-e” cần vượt qua khi viết là “vượt qua những thiên kiến”, “đứng trên mọi thiên kiến”, “vượt qua những thành kiến”, và “có một môi trường văn hóa cởi mở hơn”. Tôi hiểu, đó là đòi hỏi chính đáng về quyền được hư cấu của nhà văn trong sáng tác, đặc biệt trong phạm vi tiểu thuyết lịch sử. Điều này chính Nguyễn Thế Quang, tác giả tiểu thuyết lịch sử Đường về Thăng Long (2019) cũng đã tìm cách khắc phục khó khăn trên bằng lối viết theo nguyên tắc “cái khả nhiên” (có thể có). Tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang cũng tiếp cận thời kỳ lịch sử 1945-1946, có nét tương đồng với Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, chỉ khác nhân vật chính là Võ Nguyên Giáp trong mối liên hệ mật thiết với đồng chí của mình và nhân dân vĩ đại. Cái khó bó cái khôn, đồng thời cái khó cũng ló cái khôn. 

Khi tác giả đi vào “cái không gian bên trong của tâm tưởng các nhân vật” thì người đọc khó bắt bẻ đúng sai nếu chỉ so đo nó với sự kiện lịch sử, bởi vì sự kiện là khách quan, cảm nhận nó là chủ quan. Vì thế, Gió bụi đầy trời là nơi tác giả thể hiện cái nhìn lịch sử từ một chủ thể xác định, chỉ căn cơ theo tâm lý, tâm trạng, tâm tưởng các nhân vật tham gia sự kiện để nhằm: “Khám phá những bí ẩn phía sau các sự kiện quan trọng. Từ đó giúp người đọc hình dung về sự phức tạp, đa chiều và sự giằng xé của các khuynh hướng tư tưởng chi phối đến dòng chảy lịch sử”. Nếu nhìn từ quan điểm này thì Thiên Sơn đã thành công trong tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời. 

Nếu cần nói một chỗ khuyết của Gió bụi đầy trời thì chính là tiểu thuyết còn thiếu nhân vật bình dân (bình thường), chỉ toàn thấy các nhân vật có tên tuổi thuộc các lực lượng xã hội được ghi vào sử sách. Vì thế, đọc xong có cảm giác thấy thiêu thiếu một phần cuộc sống phía dân giã muôn đời. 

Bùi Tùng Ảnh                                                                                                                   (Đọc Gió bụi đầy trời, tiểu thuyết lịch sử của Thiên Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2020) None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khơi thông nguồn lực để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Khơi thông nguồn lực để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Tại Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” đã có những kiến nghị, đề xuất thiết thực cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, pháp luật, chính sách và các cơ chế để thúc đẩy sự nghiệp phát triển nền văn hoá, thể thao nước nhà trong gi