“Gáy mảnh hững hờ” và những chuyện tình công sở

(Arttimes) - Người xưa thường nói “Trường tình; Bể ái”. Tình ái của con người quả là dài như sông, rộng và sâu như biển. Ai cũng phải trải qua, cũng từng trải qua, cũng sẽ trải qua. Vấn đề là trải qua như thế nào? Một khoảnh khắc ngắn ngủi cũng làm nên hạnh phúc, nhiều khi là cả một đời người... Và, cả một đời người nhiều khi không có lấy một phút giây hạnh phúc! Đời là vậy. Như vậy mới là cuộc đời...

Chuyện tình công sở vốn là đề tài khá quen thuộc hiện nay. Nhưng khi Võ Hồng Thu đưa lên Facebook tập truyện ngắn mới xuất bản “Gáy mảnh hững hờ”, mấy người quen nhắn tin hỏi tôi đã “Đọc truyện ngôn tình của Võ Hồng Thu chưa?”. Lúc đó, chưa có tập truyện trong tay nên tôi bảo: chưa đọc.

“Gáy mảnh hững hờ” và những chuyện tình công sở - 1

Gáy mảnh hững hờ. Ảnh:

Văn nghệ công an

Tôi nhớ một thời có lẽ đã gần ba mươi năm, những chuyện ngôn tình nhất là tiểu thuyết của nước ngoài được dịch, in ở Việt Nam như “Xin lỗi anh, em là con đĩ”; “Tử cấm nữ”... Được người ta tìm đọc rất nhiều.

Suốt một thời gian dài, nhất là thời bao cấp, chuyện ngôn tình gần như không có ở xứ ta. Có lẽ vì vậy mà khi chuyện ngôn tình nước ngoài tràn vào ta được rất nhiều người say sưa đón nhận.

Võ Hồng Thu nhiều năm phụ trách tờ NGƯỜI ĐẸP VIỆT NAM - ấn phẩm một thời của báo Tiền Phong được nhiều độc giả yêu mến. Trong ấn phẩm này có một chuyện mục “Thầm thì bên gối” khá hấp dẫn, chính là những mẩu NGÔN TÌNH hiện đại, gần như là những chuyện mà ta gọi là “ ngôn tình” bây giờ ...

Là một người từng trải, sống hồn nhiên, hết mình, lại khá nhạy cảm và thông minh trong tình cảm, nhà báo Võ Hồng Thu bắt đầu viết truyện từ những ngày ấy. Ở một tờ báo có nhiều nhà văn, nhà thơ như báo Tiền Phong, với nhiều cây bút nổi tiếng trong làng văn qua nhiều thế hệ như Lý Biên Cương; Bùi Ngọc Tấn (đã mất); Lê Minh Khuê; Ngô Thế Oanh; Từ Quốc Hoài; Sơn Tùng; Phan Cung Việt; Nguyễn Hoàng Sơn ... Tôi thiển nghĩ không khí văn chương trong tờ báo đã ngấm vào tâm tưởng nhà báo Võ Hồng Thu tự lúc nào dù có thể Võ Hồng Thu không ý thực được đièu này!

Tôi đã đọc các tập truyện “Trà, cà phê hay là em”; Nude tình yêu”; “Môi đưa bão về” của Võ Hồng Thu và đã có bài viết “Phỏng vấn GÁI HƯ” đăng trên một tờ báo. “Gái hư” , là tên một tuyện ngắn của Võ Hồng Thu mà tôi thích.

Đọc “Gáy mảnh hững hờ”, tôi có cảm nhận cách viết của Võ Hồng Thu “văn” hơn các tập truyện đã xuất bản trước đây. Ta gặp trong “Gáy mảnh hững hờ” không chỉ là những chuyện tình yêu nam nữ đơn thuần mà còn mà còn có KHOẢNG KHẮC của những SỐ PHẬN. Xưa nay văn chương đích thực theo tôi nghĩ chính là văn chương đi vào SỐ PHẬN con ngườì. Số phận con người, thân phận con người gắn với môi trường sống, với hoàn cảnh thiên nhiên, xã hội, qua từng giai đoạn lịch sử. Những tác phẩm văn chương để lại cho đời sau thường là những số phận điển hình trong một hoàn cảnh xã hội điển hình, tạo nên những tình cách điển hình như Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc Đỏ... Rồi từ văn chương, nhận vật bước ra cuộc đời, sống với con người, với thời gian...

Nhân vật Huê trong truyện “Gáy mảnh hững hờ” tuy chưa thật đầy đủ tính cách cho một số phận, nhưng thực sự đã có những khoảng khắc khá ấn tượng của một cô gái xuất thân từ nông thôn, với những suy nghĩ, hành động, cách sống, cách yêu, cách xử sự với Bùi, người đàn ông mà mình gắn bó theo tình thần nông dân ngàn đời mà tác giả đã nhắc đến nhân vật AQ.

Khá nhiều nhân vật trong “Gáy mảnh hững hờ” đã có những khoảng khắc số phận. Bởi vậy tôi thiển nghĩ, không chỉ ngôn tình, mà còn sâu xa hơn ngôn tình khi thận phậm, chủ yếu là thân phận của người phụ nữ được tác giả Võ Hồng Thu tạo ra những khoảng khắc số phận để ta thấy được con người, cảnh đời, trong cuộc sống thường nhật hiện nay.

“ ...Chất đàn bà thấm đẫm trong mỗi câu, mỗi chữ. Cái chất đàn bà đầy nhục cảm, đầy dâng hiến, đầy vị tha và ăm ắp yêu thương. Nó đàn bà đến mỗi rung động của từng câu chuyện, từng chi tiết, từng nhân vật còn nguyên sự cả tin khờ khạo của đàn bà yêu ...” chính Võ Hồng Thu đã mượn lời một người quen để nói về tập truyện của mình mà tôi cho là khá chuẩn.

Người xưa thường nói “Trường tình; Bể ái”. Tình ái của con người quả là dài như sông, rộng và sâu như biển. Ai cũng phải trải qua, cũng từng trải qua, cũng sẽ trải qua. Vấn đề là trải qua như thế nào? Một khoảnh khắc ngắn ngủi cũng làm nên hạnh phúc, nhiều khi là cả một đời người... Và, cả một đời người nhiều khi không có lấy một phút giây hạnh phúc! Đời là vậy. Như vậy mới là cuộc đời...

Võ Hồng Thu dấn thân và cũng biết cách dấn thân, để nếm trải và chắc là nhiều nếm trải nên những câu chuyên được kể trong “Gáy mảnh hững hờ” khá chân thật, sinh động, nhiều mầu sắc của tình yêu, tình cảm, tình dục!

“ ...Hoài chị giật mình tỉnh giấc vì tiếng chuông điện thoại réo. Cố gắng mở mắt, chưa định thần được ngay mình đang ở đâu, cô chợt giật mình tỉnh hẳn khi nhận ra mình đang kề sát một xác thịt trần trụi, ấm nóng, trong vòng tay vấn vít không thể cựa quậy của Hoài Em...” (Bản năng cất lời khao khát - trang 23). Hai nhân vật là hai cô gái Hoài Anh và Hoài Em trong truyện “Bản năng cất lời khao khát” đọc qua ta cứ tưởng là một dạng đồng tính! Nhưng thực ra đó chính là bản năng, hai mặt của một bản thể, của chính bản năng trong con người. Người chồng “có cũng như không” của Hoài Anh đã làm bản năng khao khát của đàn bà trong Hoài Anh bì kìm nén đến mức say sưa ôm cả thân thể người đàn bà khác trong vòng tay ...

Tôi thích truyện này vì sự dấn thân của tác giả đã chạm đến cái tưởng là bản năng đơn thuần, nhưng thực ra nó cũng RẤT NGƯỜI.

“Gáy mảnh hững hờ” và những chuyện tình công sở - 2

Tác giả Võ Hồng Thu. Ảnh

Văn nghệ công an

Từ quan niệm văn chương phản ánh cuộc sống trước đây, rồi văn chương cảm nhận cuộc sống, tái hiện cuộc sống hiện nay, tôi cho rằng nó chưa chuẩn! Đúng hơn nó chưa là văn chương đích thực. Nếu văn chương sao chép, mô tả cuộc sống như nó có, thật, thật như ngoài đời, thử hỏi văn chương có cần cho đời sống không?! Bây giờ người ta chỉ đọc báo, xem phim tài liệu, ảnh là quá đủ rồi! Trên Facebook có tất, có hết, có cụ thể, chi tiết, đầy đủ, không cần phải đọc nhưng câu chuyện dài lằng nhằng, hay xem nhưng bộ phim sến súa!

Tôi thiển nghĩ, xưa nay văn chương đích thực để lại cho đời sau chính là văn chương của sự sáng tạo. Nhà văn có tài, đích thực không bắt chước cuộc sống mà sáng tạo ra một cuộc sống không có ngoài đời nhưng lại rất cuộc đời.

Tác giả, nhà báo, nhà văn Võ Hồng Thu đã tự mình nhìn nhận thẳng thắn ngay trong lời đầu cuốn sách “Cùng bạn đọc của tôi”: “...Sến, hẳn một số đọc giả nhận xét thế khi đọc truyện của tôi. Không sao,người ta sống mà không cần nhạy cảm, không còn biết mủi lòng, bay bổng, mơ mộng, toàn chai sạn và ráo hoảnh thì sống nghĩa gì. Mà giống đa cảm nhan nhản ra đấy, dù đời sống đầy rẫy đua tranh mệt nhọc. Họ ùa vào trang viết của tôi, tự nhiên. Dụng công duy nhất của tôi chỉ là dám chán sự cũ kỹ. Bởi thế, dù đã viết hàng trăm câu chuyện tình yêu, hình như tôi vẫn chưa bị bạn đọc... ngấy?”.

Hẳn nhiều người xem những bộ phim truyền hình Hàn Quốc cho là “sến”, sến mà vẫn xem. Xem để giải trí, xem cho vui, xem như một nhu cầu!

Tôi vừa xem bộ phim “Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joon-ho, phim được giải Oscar xuất sắc nhất, cả giải Cành Cọ Vàng, là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc, của châu Á đoạt giải danh giá này.

Trong phim có đủ cảnh yêu nhau, hôn nhau, làm tình cả trên ghế sôpha... Tuy những cảnh này khi chiếu ở ta bị cắt, nhưng, rõ là tác giả đã cố ý, cố ý nhưng không dụng ý, tác giả qua những cảnh đó để nói đến một vấn đề sâu xa hơn: Sự ăn bám. Ăn bám vào quyền lực. Người nghèo ăn bám vào người giầu... Và sâu xa hơn nữa là thân phận con người hiện đại, khoảng cách xã hội đã nẩy sinh những bi kịch qua thân phận con người hiện đại...

Tác giả Võ Hồng Thu đã ý thức rất rõ về những gì mình viết. Văn chương, có người nói không là gì! Nhưng, tôi thiển nghĩ cũng không phải không là gì!

Viết như một sự giải tỏa tự thân, như một đam mê, như một cứu cánh, như một niền vui chân chính trong cuộc đời vô thường này...

None

Dương Kỳ Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.