Bà nội Bình Dương làm vườn trên sân thượng 60m2, rau xanh mơn mởn, quả sai trĩu trịt quanh năm
Bà nội Bình Dương cho biết, cô chia vườn thành 3 khu vực gồm 1 khu chuyên trồng rau ăn lá và ăn củ, 1 khi chuyên cho cây leo giàn như bầu, bí, mướp, cà chua, dưa lưới, dưa lê, dưa leo và khu còn lại cô giành để trồng hoa.
Năm 2021 là một cột mốc đáng nhớ vì đó là khoảng thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra rất khốc liệt. Nhưng khoảng thời gian đó cũng đã thay đổi được suy nghĩ của nhiều người, giúp chúng ta trân trọng cuộc sống và quan tâm tới sức khỏe của mình hơn.
Cô Hoàng Thị Lương (56 tuổi, TP. Thủ Dầu, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, trong thời gian đầu năm 2021, khu vực cô ở bị phong tỏa và cách ly khiến rau và các thực phẩm rất khan hiếm, khu phố của cô phải nhận rau từ sự viện trợ từ bên ngoài. Lúc đó, cô nghĩ tại sao mình không thể tự trồng rau để phục vụ rau sạch cho gia đình, vừa chủ động được nguồn cung vừa đảm bảo an toàn sức khỏe. Từ đó, cô Lương đã bắt đầu vào công cuộc trồng rau trên sân thượng ở tầng 3.
Trước khi bắt tay vào trồng rau trên sân thượng, cũng như nhiều người khác, điều đầu tiên cô Lương nghĩ tới chính là việc chống thấm cho sàn. Sau khi dịch được khống chế bớt, cô gọi thợ chống thấm lại sàn và lót thêm 1 lớp gạch men, loại chống trơn trượt. Sau khi chống thấm hoàn chỉnh, cô bắt đầu lên kế hoạch mua sắt thép và gọi thợ về hàn kệ để kê thùng và làm giàn cho các cây họ leo giàn.
“Mục đích hàn kệ là để cho các chậu không trực tiếp xuống sàn, hạn chế tối đa nước và đất ở sàn và quét dọn rất thuận tiện. Đầu tư ban đầu có hơi tốn kém nhưng với thực tại như bây giờ rau ở chợ toàn ngậm hoá chất, nhà lại có 2 cháu nội thời điểm đó đang ăn dặm nên cô cũng không suy nghĩ nhiều, chỉ mong sao gia đình có rau sạch để sử dụng, an toàn cho sức khoẻ”, cô Lương cho hay.
Bà nội Bình Dương cho biết, cô chia vườn thành 3 khu vực gồm 1 khu chuyên trồng rau ăn lá và ăn củ, 1 khu chuyên cho cây leo giàn như bầu, bí, mướp, cà chua, dưa lưới, dưa lê, dưa leo và khu còn lại cô giành để trồng hoa.
Cô Lương cho biết, thời gian đầu khi mới trồng rau trên sân thượng hơi khó khăn, vì việc vận chuyển đất và phân bón lên tầng 3 tương đối vất vả. Cũng may, có ông xã và các con của cô hỗ trợ.
Về cách chăm sóc, vì thời tiết miền nam nắng nóng quanh năm nên việc trồng rau khá thuận tiện, không cần phải theo mùa, do hiện tại luôn có các loại hạt giống chịu nhiệt rất tốt. Các loại su hào và bắp cải cô trồng gối đầu. Trong vườn của cô luôn có các loại dưa như dưa lưới, dưa lê và dưa bở quanh năm, nên từ năm 2021 đến nay, nhà cô không phải mua rau ở chợ nữa. Thậm chí, thỉnh thoảng cô còn có rau quả để biếu anh em bạn bè và hàng xóm láng giềng.
Chia sẻ về bí quyết làm vườn, cô Lương cho rằng để có vườn rau luôn xanh tốt thì yếu tố quan trọng nhất chính là đất trồng. Sau mỗi vụ, cô sẽ xúc bớt 1/3 rồi cho nắm vôi nông nghiệp vào đảo đều, phơi nắng vài ngày rồi trộn thêm các loại phân hữu cơ như bò, gà, dê, dơi,… đã được ủ hoai mục. Đồng thời, cô còn thêm chất tạo độ tơi xốp cho đất như vỏ lạc, trấu hoặc xơ dừa đã xử lý để tạo độ thông thoáng cho đất. Sau đó, cô đậy lại, ủ đất thêm vài ngày rồi mang ra trồng rau.
Đối với các loại cây ăn quả, cô Lương khuyên nên dùng thùng to để trồng, tốt nhất là loại 70 lít. Ủ đất cũng tương tự như ủ đất trồng rau. Nhưng, vì là cây ăn quả nên cần dinh dưỡng rất nhiều nên sau khi trộn đất xong, cô sẽ xúc ra bớt, chừa lại tầm 10cm rồi cho rác nhà bếp như rau củ quả thừa và ít đầu ruột cá vào. Sau đó, cô đổ đất trở lại cho đầy thùng và ủ thêm 1 tuần.
Một số loại dưa trồng trong vườn nhà cô Lương.
Trước khi trồng, cô tưới đẫm nước và hôm sau sẽ hạ cây con. Khi cây lớn, rác chôn ở đáy chậu cũng đã hoai nên cây rất tốt và sai quả, lại bền cây, thu hoạch được rất nhiều đợt.
Ngoài ra, cô Lương còn ủ thêm đạm cá và phân chuối trứng sữa đậu tương để tưới cho cây vừa tốt cho cây mà lại an toàn. “Phân chuối trứng sữa đậu tương cung cấp kali cho cây nên các loại cây ăn quả rất ngọt, nhất là đối với các loại cây họ dưa”, cô Lương chia sẻ.
Mỗi ngày cô Lương sẽ dậy từ 5 giờ sáng thể dục một chút rồi lên vườn tưới cho rau và thu hoạch rau cho cả ngày, đồng thời thụ phấn cho các loại cây ăn quả. Tới 5 giờ chiều, cô lại lên vườn tưới cho rau thêm lần nữa.
Mỗi tối khoảng 8 giờ, cô sẽ lên vườn rọi đèn pin để bắt sâu. Vườn cô Lương cũng không phun bất cứ 1 loại thuốc trừ sâu nào, kể cả thuốc sinh học.
“Từ khi làm vườn đến nay, cô thấy có rất nhiều lợi ích. Điều quan trọng đầu tiên là cung cấp bữa ăn sạch cho gia đình. Thêm nữa lên tới vườn là mọi lo toan cuộc sống cô gác lại phía sau, mọi muộn phiền đều tan biến, khi đó chỉ còn là niềm vui, niềm đam mê của cô. Đi đâu vài ngày cô rất nhớ vườn. Về tới nhà việc đầu tiên là cô phải chạy lên vườn điểm danh xem thế nào rồi mới yên tâm làm việc khác.
Làm vườn tuy có hơi vất vả xíu, nhưng nó tăng cường sức khoẻ cho lứa tuổi như cô. Các con và các cháu thấy được lợi ích từ làm vườn, từ đó các bạn nhỏ nhà cô rất thích lên vườn cùng bà lắm”, cô Lương bộc bạch.
Khu vườn "trên mây" của nhà cô Lương
Bình luận