Tìm hiểu truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam qua nghệ thuật tạo hình
Triển lãm “95 mùa xuân có Đảng” giới thiệu 66 tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn từ năm 1954 đến 2010, do nhiều thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam từ Mỹ thuật Đông Dương, Mỹ thuật Kháng chiến đến Mỹ thuật hiện đại, Đương đại sáng tác.
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2025) và Mừng xuân Ất Tỵ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm chuyên đề “95 mùa xuân có Đảng”.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm sáng 17/1, TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm giới thiệu tới công chúng các tác phẩm chọn lọc trong Bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là các tác phẩm hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc với chất liệu đa dạng, ngôn ngữ tạo hình phong phú mang phong cách, dấu ấn riêng của các nghệ sĩ.
“Hy vọng qua cuộc trưng bày này, nhân dân ta và bè bạn quốc tế sẽ hiểu rõ hơn sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ, về 95 mùa xuân đã qua có sự soi đường, chỉ lối, dẫn dắt nhân dân từ lầm than nô lệ đến vươn lên giành độc lập tự do, vượt bao khó khăn gian khổ, đất nước đã thống nhất, cùng đoàn kết xây dựng non sông gấm vóc ngày một giàu mạnh, tươi đẹp”, ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là mốc son quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Chặng đường 95 năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Theo NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ văn nghệ sĩ đã hòa mình vào dòng chảy của dân tộc, đi theo cách mạng khắc họa những hình ảnh chân thực, khơi dậy và ca ngợi tinh thần quả cảm, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cùng hướng về mục tiêu chung: độc lập tự do thống nhất đất nước. Bằng những cảm nhận và cách thể hiện riêng, nhiều nghệ sĩ đã dành trọn tâm sức để tạo nên các tác phẩm có giá trị lịch sử, thẩm mỹ và tính nhân văn sâu sắc về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ.
Triển lãm đưa người xem tới từng thời kỳ của Đất nước từ những bước ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ – người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến những cuộc đấu tranh giành độc lập, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, đến hòa bình thống nhất non sông, xây dựng đất nước và công cuộc Đổi mới.
Những ngày đầu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước đến Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945 được thể hiện qua tác phẩm: Bác Hồ đi tìm đường cứu nước của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, Xô Viết – Nghệ Tĩnh, Đánh chiếm Bắc Bộ phủ của hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng, Cách mạng tháng Tám của họa sĩ Lê Huy Toàn,... Đó là những tác phẩm chứa đựng ký ức hào hùng về một chặng đường gian nan, nhiều thử thách, nhưng anh dũng, kiên cường và mang đến những cảm xúc đầy tự hào cho người xem.
Triển lãm giới thiệu 66 tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn từ năm 1954 đến 2010.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, các tác phẩm mỹ thuật vừa thể hiện hiện thực cách mạng, vừa chính là tình cảm, sự trân trọng của người nghệ sĩ đối với những tấm gương anh dũng hy sinh, qua các tác phẩm như: Bất khuất của nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài, Ngã ba Đồng Lộc của họa sĩ Lê Huy Hòa,... hay tính thời sự của chủ trương, đường lối mà Đảng soi đường như: Kết nạp Đảng trong tù của hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng, Tập kết của họa sĩ Nguyễn Hiêm, Đọc thư miền Bắc của họa sĩ Nguyễn Văn Mười, Lao động vì miền Nam của họa sĩ Nguyễn Trọng Cát, Trần Thanh Ngọc, Mạnh hơn bom đạn của nhà điêu khắc Lê Minh Kai,...
Thời kỳ hòa bình, thống nhất đất nước được thể hiện qua các tác phẩm: Ý Bác lòng dân của họa sĩ Trần Nguyên Đán, Đảng gọi! Chúng tôi sẵn sàng của họa sĩ Phạm Văn Lung, Ánh sáng và niềm tin của họa sĩ Nghiêm Xuân Quang.
Không gian triển lãm.
Bên cạnh đó, một số tác phẩm khắc họa về giai đoạn xây dựng đất nước cũng được trưng bày trong dịp này là: Trên giàn khoan dầu của họa sĩ Trần Dậu, Xây dựng cầu Thăng Long của họa sĩ Trần Khánh Nam, Công trường thủy điện sông Đà của họa sĩ Phạm Đức Phong,…
Triển lãm “95 mùa xuân có Đảng” không chỉ là dịp để công chúng yêu nghệ thuật hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 95 năm qua, mà còn khẳng định niềm tin của Nhân dân nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Công chúng tham quan triển lãm.
Với sự đổi mới trong trưng bày kết hợp trải nghiệm nghệ thuật in tranh và vờn màu theo kỹ thuật Tranh Hàng Trống, cùng khu vực sản phẩm quà tặng, triển lãm còn là cơ hội để công chúng trải nghiệm nghệ thuật và sở hữu những sản phẩm lưu niệm độc đáo trong dịp Tết nguyên đán 2025.
Triển lãm mở cửa từ ngày 17/1 đến hết ngày 27/2/2025 tại tầng 1 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:
Tác phẩm "Nắng Tháng Năm" của họa sĩ Quách Phong.
Tác phẩm "Đánh chiếm điểm cao" của họa sĩ Lê Vinh.
Tác phẩm "Nam Kỳ 1940" của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm.
Tác phẩm "Điện Biên Phủ trên không" của họa sĩ Lê Đình Quỳ.
Sinh năm 1922 tại Nam Đàn, Nghệ An - mất năm 2016 tại Hà Nội… Cách duy nhất thầm thì để hiểu ông, thích tranh ông… nhận...
Bình luận