Có một cựu chiến binh – họa sĩ Văn Sáng
Tôi biết và chơi thân với họa sĩ Văn Sáng từ những ngày anh còn làm việc ở Xí nghiệp in Thông tấn xã Việt Nam, khi chàng trai Hà Nội này vừa ra quân sau thời gian tham chiến ở mặt trận biên giới phía Bắc.
Nhìn tấm ảnh nền anh đặt trên trang cá nhân Zalo “gương mặt gầy, da sạm và điếu thuốc lá bên mép coi ngộ nghĩnh, đáng yêu, khiến nhiều em say nắng” (trích tin nhắn tôi viết khi kết nối qua mạng với họa sĩ sau gần 10 năm bặt tin nhau), như bạn bè nói, tôi “lặn sâu” như đặc công nước. Tấm ảnh anh chọn chắc cũng có ý, như gửi gắm một “thông điệp” nào chăng? Cũng có thể, đăng lại tấm hình “khoảnh khắc” của tâm trạng này, anh đang nuôi hy vọng tìm lại bóng hồng thuở nào đã chia xa mà chưa trọn lời thề thời tuổi trẻ ham vui và mất nàng trong tiếc nuối… Chắc tôi sẽ tìm ra lời giải cho suy đoán của mình khi gặp trực tiếp người họa sĩ này?!
Nhớ lại lần gặp đầu tiên, cả suốt chặng thời gian sau này, tôi thấy anh vẫn là một con người ấy, tính tình xởi lởi, chu đáo với bạn bè và luôn cháy với những gì đam mê. Trong số những người họa sĩ gặp và thành “chiến hữu”, có lẽ gây ám ảnh nhiều nhất và có thể là khó chịu nhất về sự đeo bám, kiểu ”không cho… thoát”, đó chính là tôi.
Họa sĩ Văn Sáng.
Thời chúng tôi mới quen, việc thiết kế bìa sách vẫn làm kiểu thủ công là vẽ tay (và có nhiều bìa sách phải in kéo lưới như thiên hạ vẫn in thiệp, in card-visit…) nên nếu có ký hợp đồng, thời gian giao hàng cũng khó thực hiện được như giao kèo. Bạn hãy hình dung, khi đã bố cục xong tên sách, chọn được màu nền bìa, lại phải vẽ riêng cái logo của nhà xuất bản in ấn phẩm dán vào, đủ biết tiêu hao sức lực, thời giờ của họa sĩ thế nào: logo thường là 4 màu in chồng lên và phải sao cho khít khịt, lệch đi một chút lại thành chủ nhà khác! Công việc của họa sĩ vẽ bìa tỉ mẩn cứ như công việc của thợ kim hoàn vậy. Tôi nghĩ, nếu người nóng tính, ít kiên nhẫn chắc không theo nghề này được.
Bìa cuốn sách tôi đặt thiết kế đầu tiên và nên duyên với họa sĩ Văn Sáng là bìa cuốn Bách khoa phụ nữ trẻ, bản thảo do tôi và nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến đồng tổ chức, sách liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Hà Nội, thời nữ nhà văn Hoàng Ngọc Hà làm Giám đốc.
Chúng tôi đã đặt 2 họa sĩ thiết kế bìa sách mà vẫn chưa ưng ý. Thật tình cờ, tôi có một cộng tác viên là sếp bên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), tác giả cuốn sách vừa xuất bản ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, nơi tôi làm việc. Khi biết tôi đang cần tìm họa sĩ vẽ bìa, ông giới thiệu Văn Sáng, lính mới, làm họa sĩ tạo mẫu ở phòng sản xuất, coi sóc thẩm mĩ của sản phẩm, phục vụ công việc in ấn của xí nghiệp in bên cơ quan ông. Ông còn nói thêm, họa sĩ này có gu thẩm mĩ lạ đấy. Theo lời giới thiệu của ông, tôi đến ngay Xí nghiệp in 1 TTXVN.
Tôi chờ ở cổng, một lát sau, thấy một tốp công nhân cùng ra, linh cảm giúp tôi nhận diện ngay người tôi cần gặp. Một chàng trai gầy, cao dong dỏng, chân đi dép cao su, trên đầu là chiếc mũ lưỡi trai may bằng loại vải nhung sọc màu nâu, màu vải đã bạc, sau này lúc đã thân nhau, tôi nói cái gu thẩm mĩ mà sếp nói khi ông giới thiệu về chú, lại bắt đầu từ chiếc mũ đã hết tuyết. Điều khác biệt nhất vẫn là đôi mắt nâu với ánh nhìn như biết cười khiến tôi nhận ra ngay chàng trai này.
Chúng tôi tự làm quen sau mấy câu chào hỏi xã giao. Tôi mời họa sĩ vào quán cafe bên đường nhưng anh khéo léo từ chối, kéo tôi ra quán trà cóc trên hè phố. Sau vài câu chuyện phiếm, biết tôi là lính nên Văn Sáng xem ra cởi mở và không thấy giữ khoảng cách dù chúng tôi mới gặp nhau lần đầu. Khi đặt vấn đề nhờ vẽ bìa, tôi nói qua về nội dung tập sách dịch, Văn Sáng nhận lời. Lúc chia tay, anh không quên nhắc tôi chuyển cho anh các trang mục lục tập bản thảo cuốn sách mà anh nhận làm bìa.
Sau 2 ngày, Văn Sáng hẹn tôi qua nhà. Quả thật khá bất ngờ, khi đến nhà và coi maket bìa tập sách anh vừa vẽ xong, mắt tôi như dán vào miếng bìa carton có dòng chữ tên sách và màu nền xanh nước biển. Kiểu chữ bìa đơn giản mà bắt mắt. Một cảm giác mừng, vui khó tả. Khi in ra, cuốn sách nhanh chóng trở thành một sự kiện trên thị trường sách năm ấy, một phần là do nội dung của nó, nhưng riêng tôi, cái khiến người ta bỏ tiền để sở hữu tập sách này trước tiên, có lẽ là là bìa sách, nó như một tác phẩm hội họa theo trường phái tối giản.
Sau sự kiện trên, họa sĩ Văn Sáng hầu như không còn thời gian rảnh rỗi cho những thú chơi cá nhân nữa. Cuốn sách này cũng chứng kiến cuộc chia tay không định trước của họa sĩ trẻ với chính xưởng máy in vất vả của anh khi rục rịch chuyển sang cơ chế thị trường. Từ nay, anh là một họa sĩ tự do đúng nghĩa. Sau này khi nhớ lại, anh vẫn thấy như còn “mắc nợ” nó vì nhờ những ngày làm thợ ở đây đã cho anh những kiến thức nằm lòng đối với người họa sĩ thiết kế đồ họa như anh, sự hiểu biết về kĩ thuật in tipô, in offset, in màu… Nắm được công thức pha mực theo tỉ lệ khi in màu sẽ giúp người họa sĩ khi thiết kế bìa biết chọn màu nền bìa để làm nổi bật tên sách, biết cách phối màu đúng khi chỉ định in một bìa sách nhiều màu… Nói cho nhanh là họa sĩ có thể “nghiệm thu” bằng hình dung sản phẩm mình thiết kế ngay khi chúng chưa đưa xuống nhà in. Hơn thế, chính “chỉ định” của người họa sĩ kèm theo maket bìa, người thợ in như nhận được đáp án có sẵn cho công việc của mình vậy. Bìa Văn Sáng thiết kế do vậy có thể nói ít nhiều đã làm khó dễ với cánh thợ tay ngang rắp tâm “nối bản” sách ngoài luồng!
Cuối những năm 80 của thế kỉ trước, các nhà xuất bản, nhà sách tư nhân đã chuyển hướng khai thác đề tài sách dịch nước ngoài như Mỹ, Pháp, Anh… Sách trinh thám, tiểu thuyết tâm lý xã hội đồng loạt đổ bộ vào thị trường sách Việt Nam. Công việc thiết kế bìa sách với những cuốn sách dịch nước ngoài không chấp nhận cách vẽ bìa minh họa kiểu “cắt, dán”, dễ dãi thông thường nữa. Và như thế, họa sĩ Văn Sáng giờ đã là sự lựa chọn của các nhà xuất bản, nhà sách tư nhân. Xeri bìa sách dòng trinh thám của Arthur Conan Doyle, Agatha Christie, James Hadley Chase,… do họa sĩ Văn Sáng thiết kế ra mắt bạn đọc đã gây sốt trong giới làm sách. Tiếp theo, ấn tượng về loạt bìa các tiểu thuyết của nhà văn Mỹ - Sydney Sheldon với Thiên thần nổi giận, Cát bụi thời gian… do Nhà sách Minh Nguyệt tổ chức bản thảo và là đối tác liên kết xuất bản có địa chỉ ở Hàng Bông – Thợ Nhuộm, Hà Nội do chính anh vẽ, ám ảnh cả người làm sách và độc giả. Nó là “bom tấn” như bây giờ người ta nói về một bộ phim đạt doanh thu “khủng” phòng vé.
Nói về sự ám ảnh và sức hấp dẫn của bìa sách Văn Sáng thời gian này, không thể không nhắc tới bìa cuốn sách nhạc The Beatles do nhà sách Đông Tây (Hà Nội) tổ chức bản thảo, in và phát hành. Dòng sách về âm nhạc trên thị trường sách ở ta, xưa nay khá hiếm, đối tượng có nhu cầu sử dụng hẹp, vậy mà sự xuất hiện của cuốn sách kể trên quả là trên cả sự bất ngờ: nền bìa sách màu đen, hình ảnh ban nhạc Beatles huyền thoại, vĩ đại nhất mọi thời đại bật lên trên nền dãy bản nhạc “hit” nhất, cả thế giới đều thuộc, khiến dường như ai cũng muốn sở hữu cho riêng mình. Sau đấy, The Beatles liên tục tái bản, đạt số lượng phát hành kỉ lục chắc chắn có đóng góp không nhỏ công sức của người đã may chiếc áo có gu “thời trang” sành điệu mặc cho nó.
Chơi với họa sĩ, tôi cũng muốn tìm hiểu thêm những sở thích, thú chơi nào của anh khiến anh có nhiều năng lượng sáng tạo, cảm hứng làm việc đến thế. Tôi chợt nhớ có lần đến thăm một người bạn bên Tổng Công ty Phát hành sách báo Trung ương (tên giao dịch Xunhasaba), ở đường Hai Bà Trưng, ngay trung tâm Hà Nội. Ngồi trong phòng làm việc của bạn, tôi nhìn xuống dưới quầy sách ngoại văn, thấy một chàng trai đứng tần ngần bên các giá sách, ánh mắt nhìn chăm chú, tôi nhận ra người họa sĩ tôi quen, tôi hỏi anh bạn có biết người này không, anh bạn nói, đấy là họa sĩ Văn Sáng, chuyên vẽ bìa sách, cũng là bạn cần thủ ở các hồ câu (anh bạn tôi cũng có thú chơi câu cá). Nghe anh bạn tâm sự về họa sĩ, tôi dần hiểu, họa sĩ có mặt ở hiệu sách ngoại văn đâu chỉ để thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Hóa ra, những lần như thế, trước thế giới sách, báo ngoại văn, Văn Sáng vào vai một người làm nghề, tìm cách tương tác, gặp gỡ, đối thoại và học nghề từ các đồng nghiệp, các thầy ngoại quốc qua thế giới các bìa sách.
Thử hình dung, không gian một cửa hàng sách ngoại văn cho ta cảm giác đây là một triễn lãm mỹ thuật, đấy là một chân trời sáng tạo, là tinh hoa tri thức của thế giới gói trong từng cuốn sách, là tác phẩm của nhiều gương mặt nghệ sĩ thể hiện trên từng trang bìa sách, là thành tựu của các nhà thiết kế mỹ thuật, đồ họa các trường phái cổ điển, đương đại Đông Tây… Chính họa sĩ Văn Sáng đã sớm nhận ra điều này và việc anh có mặt ở đây, xem như một cách chơi trí tuệ và khôn ngoan. Quả thật, sẽ chẳng ở nơi nào, trường dạy nghề nào có thể sánh được!
Đến với anh sau này không riêng những người làm sách, mà còn cả các tác giả thơ ở mọi vùng miền. Khi in tập thơ đầu tay họ thường đến gặp trực tiếp họa sĩ nhờ vẽ bìa. Con số này không thể tính được là bao nhiêu, áp lực với anh quả là khủng khiếp! Về vẽ bìa thơ, có lần anh nói là “khó nhằn” nhất, vì thơ là tiếng lòng “thật” vì giả sẽ không thành thơ, vậy làm cách nào để hiểu được chừng ấy tấm lòng? Anh vẫn phải cần mẫn đọc nhưng trang bản thảo thơ của họ để tìm cảm hứng vẽ bìa. Quả là niềm vui của khách hàng đôi khi lại là sự khổ ải của người làm bìa! Chứng kiến nhiều lần thấy anh cau mặt trước các tập thơ được các tác giả tặng, mở ra coi, cái gọi là tính đồng bộ giữa bìa và ruột sách không tìm thấy sự tương tác. Tôi cũng muốn chia sẻ với nỗi buồn nghệ sĩ của họa sĩ. Tôi biết, anh ao ước có dịp nào được tự thiết kế một tập thơ: từ vẽ bìa, trình bày nội dung các bài thơ trong tập, chọn kiểu chữ, cỡ chữ, vẽ minh họa và lo cả việc theo dõi in… nghĩa là từ A đến Z.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang trở thành khách hàng thường xuyên đặt họa sĩ vẽ bìa từng khá bất ngờ (vì đã nhiều lần muốn nhờ họa sĩ “bao sân” luôn việc thiết kế, in ấn mà ngại mở lời?) khi họa sĩ nhận lời làm việc này với Nỗi buồn tốc kí (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của anh chia làm 2 tập. Lần đầu tiên tôi thấy họa sĩ Văn Sáng tỏ ra hài lòng với ấn phẩm thơ 2 tập này. Có thể nhận làm việc này cũng là cách chơi kiểu Văn Sáng!
Có dạo, anh biệt tăm, biệt tích tới cả tháng trời vì nhận lời theo một đạo diễn phim tài liệu vào vai họa sĩ thiết kế trường quay, chuyến đi ấy chắc cũng mang lại cho anh những cảm hứng thú vị và bổ ích. Với anh, khi bạn bè cần đến anh, anh luôn sẵn lòng làm tất cả mà không một lời phàn nàn, né tránh. Thời đại công nghệ, anh đã tiếp nhận và sử dụng công năng của các phần mềm máy tính nhờ tự học để ứng dụng vào công việc của mình bằng con đường tự nạp kiến thức trong sách, báo chuyên ngành, qua các kĩ sư công nghệ mà anh quen biết mà không qua trường lớp nghề nào. Ngay cái ngành nghề mà anh lựa chọn sau ngày rời quân ngũ là nghề của họa sĩ đồ họa, người ngoại đạo biết anh chỉ là người “vừa học,vừa làm”. Nhưng chắc ít ai biết, thời học sinh phổ thông, Văn Sáng đã trúng tuyển lớp vẽ năng khiếu ở Nhà Nghệ thuật quần chúng Hà Nội trên phố Hàng Buồm. Anh đăng ký học thêm môn này (như học ngoại khóa), ngoài thời gian theo học văn hóa ở trường phổ thông. Có lần anh tâm sự, chính những năm theo học vẽ ở đây, dưới sự chỉ bảo, hướng dẫn từ các bậc thầy - các họa sĩ “gạo cội”, số này đa phần là giảng viên bên Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở phố Yết Kiêu, Hà Nội sang dạy - đã trang bị những kiến thức nền tảng cho các họa sĩ “nhí” bọn anh…
Thông thường, thế hệ 6X như anh, sau mãn hạn nghĩa vụ quân sự, nếu không theo học các trường quân đội, sẽ đăng ký thi đại học lấy bằng để xin vào cơ quan nhà nước hưởng lương công chức, nhất là anh sinh ra ở Thủ đô, trong một gia đình có thừa điều kiện thực hiện ước mơ tuổi trẻ. Nhưng thật khó hiểu, anh đã chọn lập nghiệp bằng đam mê và vốn kiến thức tự trang bị cho mình từ thực tế công việc và học trong sách, tự nguyện làm một họa sĩ tự do đúng nghĩa. Từ chính cuộc đời anh, tôi liên hệ tới những người cùng nghề với anh, họ cũng được trang bị đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ nhưng kết quả là chẳng thấy nhiều người có “sản phẩm” của riêng mình đáp ứng được đòi hỏi của cơ chế thị trường, được người đời biết tiếng như trường hợp của anh…
Có một chuyện, gần đây, tôi mới “phát hiện”, anh đã cho ra mắt cuốn sách nhỏ, dạng tạp văn, in ở Nhà xuất bản Văn học, năm 2022, với cái tên rất bình dị: Mùa Xuân Tấn Mài - tên một địa danh ở vùng biên ải tỉnh Quảng Ninh (sách do chính anh tự thiết kế bìa, bỏ vốn in, và không tặng sách cho bất cứ người quen nào mà mang về tặng bà con dân bản, hóa vàng tại nghĩa trang địa phương nơi các bạn cùng phố ra trận đã nằm lại…). Mới đây, anh bạn già ở Quảng Ninh, người được họa sĩ tặng sách, chiều theo nguyện vọng của tôi, chụp ảnh bìa cuốn sách này gửi qua Zalo. Vừa nhìn thấy bìa sách, tôi gửi ngay cảm nhận riêng cho anh bạn qua tin nhắn: “Bìa sách như một bức tranh, không gian thời chiến miền biên viễn, có màu máu, màu đá núi, sự hoang lạnh, khắc khoải nơi miền kí ức… của chàng họa sĩ trẻ năm nào…”.
Sách "Mùa xuân Tấn Mài".
Sau tin nhắn gửi đi, trên màn hình smartphone của tôi hiện lên một chùm pháo hoa đa sắc. Tôi thoáng nghĩ, chắc anh bạn cũng có chung cảm nhận như tôi?! Tôi trộm nghĩ, phải chăng, những đồng đội, những người bạn cùng phố ra trận nằm lại nơi biên cương, trên đất Tấn Mài cùng những kí ức trĩu nặng từ anh viết trong một đoản văn của tập sách mà tôi đọc được trên báo Tiền Phong) của thời tuổi trẻ trên chốt tiền tiêu trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc luôn thao thức đã trở thành động lực để anh viết những đoạn văn ngắn xúc động và ám ảnh, rồi quyết định in Mùa xuân Tấn Mài?!... Việc làm này của anh chẳng giống ai, đúng là kiểu “Văn Sáng”!
Có lần tôi nói với Văn Sáng, người giàu có trên đời là người sở hữu nhiều kỉ niệm, và qua “bộ lọc” của thời gian, nó trở thành kí ức của đời mỗi người. Với người họa sĩ này, nếu coi mỗi bìa sách anh làm là một kỉ niệm, làm sao anh nhớ nổi? Một họa sĩ, sau hơn 30 năm làm nghề, từng thiết kế tới trên 10.000 bìa sách đủ loại, anh đã là một trong những người giàu có nhất trên đời. Và chính con số bìa “khủng” ấy cũng nói lên nhiều điều: sức làm việc bền bỉ, sự “mê tín” của dân làm sách với một họa sĩ như anh. Có lần, nhân lúc vui, tôi nói với anh, anh là người “nối giáo” cho cánh in lậu sách, vì có khá nhiều đầu sách ế, không bán được, cả cũ, mới, khi thay bìa Văn Sáng vẽ, sách lại “cháy hàng”! Văn Sáng cười, tôi hiểu, chính anh đâu biết “gốc tích” bìa sách họ nhờ thiết kế!?
Cảm nhận về bìa sách của họa sĩ Văn Sáng, qua nhận xét của một người nước ngoài mà tôi còn nhớ như in. Đó là năm gia đình tôi tổ chức tiệc cưới cho cô con gái út lấy chồng người nước ngoài. Bên nhà thông gia là người Pháp, cả hai ông bà và chàng con rể nhà tôi sang Việt Nam dự hôn lễ tổ chức bên nhà gái. Trong thời gian chờ ngày tổ chức tiệc cưới, ông bà thông gia về nhà chúng tôi ở. Qua lời con gái tôi kể ,bà thông gia là người mê đọc sách, và qua tìm hiểu, bà biết tôi là dân làm sách. Khi thấy trong nhà tôi có một tủ sách, bà coi bìa các cuốn sách tôi làm, thấy chúng có một phong cách riêng, bà lấy ra có tới hơn chục cuốn sách đủ loại và bày trên bàn. Những sách tôi làm đa phần do họa sĩ Văn Sáng thiết kế.
Khi tôi vừa đi làm về, bà nhờ con gái tôi nhắn tôi lên thư phòng, bà chỉ vào dãy sách bà sắp sẵn trên bàn, cười hỏi: “Thưa ông, có phải bìa những tập sách này là của cùng một họa sĩ thiết kế? Và chính thiệp cưới các con cũng là tác phẩm của ông ấy?”.
Tôi nghe qua lời con gái dịch lại, thoáng có chút sửng sốt vì bất ngờ, nhìn thẳng vào mắt bà, nói rằng phán đoán của bà hoàn toàn đúng, và không quên thông báo, bà sẽ gặp trực tiếp họa sĩ này trong tiệc cưới sắp tới. Bà nhờ con gái tôi dịch từng tên sách bà bày trên bàn, gật đầu và tỏ ra rất tâm đắc. Tôi hỏi bà cảm nhận về chúng thế nào, vừa nghe con gái tôi dịch xong lời tôi hỏi, bà nói chúng là những tác phẩm đẹp tuyệt. Bà quay qua con dâu hỏi cách phát âm tiếng Việt hai từ “tuyệt vời” và nói lại y chang hai từ ấy bằng một giọng khá tròn vành, rõ chữ. Tôi còn nghe bà nói về trường phái thiết kế bìa được ưa chuộng của các nhà xuất bản bên Pháp cũng dung dị và đơn giản, như người họa sĩ chơi rubik với những chữ cái tiếng Pháp. Tôi càng thêm ngạc nhiên khi bà lật giở từng bìa số sách trước mặt, bà nheo nheo đôi mắt, ngước mắt nhìn tôi qua cặp kính cận - viễn dày tựa “đít chai” (theo cách gọi của bọn trẻ về loại kính của bậc cao niên vừa cận vừa viễn) và nói: người họa sĩ này tương tác cả với trời và đất đấy! - tôi chưa hiểu hết ý nghĩa câu nhận xét của bà, con gái tôi giải thích nôm na: ý của mẹ chồng con, màu sắc mà họa sĩ sử dụng khi thiết kế bìa sẽ cho người đọc sách biết cuốn sách được in vào mùa nào trong năm bởi các gam màu ấm, nóng, lạnh… hợp với khí tượng từng mùa... Tôi chỉ biết cười và nghĩ, có dịp sẽ kể chuyện này với họa sĩ Văn Sáng.
Tôi cũng kịp “khoe” với bà một chuyện thú vị về người bạn họa sĩ này - đấy là chuyện một chuyên gia thiết kế mỹ thuật người Mỹ, trong chuyến sang thăm và giao lưu, tọa đàm, hội thảo về nghề với các đồng nghiệp Việt Nam (buổi hội thảo đầu tiên tổ chức ở Hà Nội), khi được coi các tác phẩm hội họa, đồ họa mà các đồng nghiệp Việt Nam giới thiệu, ông ta đã chọn và nhờ người phiên dịch, ngỏ lời mượn chỉ 5 tác phẩm bìa sách của họa sĩ Văn Sáng, với mong muốn dùng chúng làm “giáo cụ” trực quan cho các bài nói chuyện và thuyết trình các chuyên đề có tính chuyên môn của ông - Nghe xong, bà chỉ còn biết gật đầu tỏ ý thán phục.
Khi đặt bút viết những dòng kí ức này về người bạn họa sĩ cũng là tròn 10 năm tôi và anh chưa gặp lại, sự phỏng đoán về “thông điệp” từ tấm ảnh nền trên trang cá nhân mạng Zalo của họa sĩ ở đầu bài viết, lúc này đã được “bạch hóa” qua chuyện kể lại của người bạn hai chúng tôi mà tôi vừa gặp lại. Đấy là tấm ảnh kỉ niệm 25 năm ngày anh được chị nhận lời hẹn hò (cũng có khi là nụ hôn đầu chàng tặng nàng?) sau một thời gian dài họa sĩ của chúng ta trồng cây si trước nhà nàng Mai đấy. Điếu thuốc họa sĩ cầm trên tay trong ảnh, khi hút, khói thuốc có tác dụng đuổi muỗi, vì không vậy, làm sao anh bạn họa sĩ của chúng ta có thể đứng đợi hằng đêm trước cổng nhà nàng?!- người bạn mới gặp lại nói với một giọng nghiêm túc, và tôi tin có loại thuốc lá “lưỡng dụng” như vậy thật…
Họa sĩ Văn Sáng ngoại truyện tôi sẽ kể tiếp vào một dịp khác, vì tôi biết anh đã được trở về với ước muốn từ thời tuổi trẻ được ngồi bên giá vẽ thổi hồn vào những bức tranh mà anh hằng ấp ủ bấy nay… Hy vọng chúng ta sẽ sớm nhận được Giấy mời anh gửi tới dự khai trương Triển lãm tranh cá nhân của anh. Giờ đây, tôi và đồng nghiệp đang miệt mài biên soạn bộ Từ điển Xuất bản Việt Nam, đang phân vân khi soạn mục từ về người họa sĩ vẽ bìa sách tài hoa này nên chọn cụm từ “danh xưng” nào: Họa sĩ xuất bản, Họa sĩ sách, Họa sĩ thiết kế mĩ thuật… hay đơn giản chỉ là: Cựu chiến binh - Họa sĩ Văn Sáng? Bởi thế rất cần sự góp ý và chọn lựa tên danh họa của quý bạn đọc yêu sách, yêu người họa sĩ vì những đóng góp của anh cho văn hóa đọc nước nhà.
Hoạ sĩ - Đại tá Lê Huy Toàn là một trong những nghệ sĩ - chiến sĩ có công lớn trong việc ghi lại những khoảnh khắc dấu...
Bình luận