“Báu vật dưới lòng đất” xưa chỉ dành cho người nghèo nay thành đặc sản, trồng trong chậu vừa cho củ ăn vừa làm cảnh
Nhiều người còn tin rằng, trồng cây này trong sân vườn nhà sẽ mang lại may mắn và sự phồn thịnh cho gia đình.
Dong riềng đỏ hay còn được gọi là chuối củ, tên khoa học là Canna edulis Ker Gawl., thuộc họ Chuối hoa - Cannaceae. Đây là cây thân thảo lâu năm, cao khoảng 1,5 - 2m, thường mọc ở những vùng đất cao, sườn đồi và thích hợp với khí hậu ôn đới ẩm nên thường được trồng phổ biến ở vùng núi phía Bắc nước ta.
Phần củ là bộ phận được sử dụng nhiều nhất của cây dong riềng đỏ. Củ chứa nhiều tinh bột cùng chất xơ và nhiều loại vitamin, khoáng chất khác. Nó có thể chế biến được thành nhiều món ăn khác nhau, bạn có thể xay nhuyễn để lấy bột làm bánh, làm miến; hoặc đem luộc chín hay nướng lên ăn như khoai sọ, khoai lang.
Củ dong luộc là món ăn quen thuộc của thế hệ 8X - 9X trong nhưng năm tháng tuổi thơ, khi cuộc sống còn khó khăn. Ngày nay, củ dong riềng lại là đặc sản được bán với giá cao và được nhiều người săn lùng.
Củ dong riềng luộc.
Không chỉ ăn được, dong riêng đỏ còn có thể làm thuốc. Trong y học cổ truyền, loại củ này có tính mát, vị ngọt nhạt, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, giáng áp, an thần.
Rễ dong riềng đỏ được sử dụng để chữa trị bệnh viêm gan, hoặc dùng ngoài da chữa chấn thương do té ngã, viêm mủ. Hoa dong riềng đỏ cũng được sử dụng để chữa xuất huyết ngoại thương.
Củ dong riềng còn tươi.
Theo y học hiện đại, các nghiên cứu chỉ ra dịch chiết từ lá cây dong riềng đỏ có khả năng ức chế sự sinh trưởng và hoạt động của các vi sinh vật gây bệnh. Dịch chiết từ thân rễ có khả năng chống lại sự kết tập tiểu cầu, chống đông máu và chống oxy hóa mạnh.
Ngoài ra, rễ và củ loại cây này còn được các nhà nghiên cứu chứng minh là có khả năng chống oxy hóa, tương tự như vitamin C. Cũng chính vì vậy mà củ dong riềng được cho là “báu vật dưới lòng đất”.
Bên cạnh đó, vì cây dong riềng đỏ có phiến lá to, thường có màu đỏ tía với những đường gân rõ ràng, bắt mắt nên được nhiều người trồng làm cảnh trong vườn nhà. Hoa của cây dong riêng đỏ có màu đỏ hoặc màu cam, hoa được xếp thành cụm ở đầu thân.
Không chỉ có tác dụng làm đẹp cảnh quan, cây dong riềng đỏ còn mang nhiều ý nghĩa cát lành. Theo đó, sự nảy mầm và sinh trưởng mạnh mẽ của cây dong riềng đỏ vô cùng mạnh mẽ nên nó tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, không bao giờ lùi bước trước khó khăn.
Nhiều người còn tin rằng, trồng cây dong riềng đỏ trong sân vườn nhà sẽ mang lại may mắn và sự phồn thịnh cho gia đình. Đồng thời, cây dong riềng đỏ còn giúp thu hút tiền tài, bảo vệ gia chủ khỏi những điều xấu, từ đó gia đình sẽ bình an, hạnh phúc.
Cách trồng và chăm sóc cây dong riêng đỏ
Dong riềng đỏ là một loại cây có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, bạn có thể trồng quanh năm trừ những thời điểm quá nóng hoặc quá lạnh để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây. Thời điểm lý tưởng để trồng cây dong riềng đỏ là từ tháng 2 - tháng 5.
Loại cây này được nhân giống bằng củ. Khi chọn củ giống, bạn nên chọn những củ không bị sâu bệnh, không trầy xước và có nhiều mầm phát triển tốt.
Bạn chỉ cần đào lỗ sâu khoảng 10-15cm, đặt củ giống vào rồi lấp đất lên, ém chặt là được. Nếu trồng trong sân vườn nhà, nên đảm bảo mỗi lỗ cách nhau khoảng 50-60 cm.
Mặc dù dong riềng đỏ có sức sống mạnh mẽ, không tốn nhiều công chăm sóc nhưng nếu muốn vừa có củ ăn, vừa có hoa đẹp để ngắm thì bạn cần chú ý tới nhưng yếu tố sau:
- Đất trồng: Cây dong riềng đỏ thích đất thoát nước tốt và giàu chất hữu cơ. Đất có độ pH ở mức từ 5.5 đến 7.5 là lý tưởng cho cây phát triển.
- Tưới nước: Đây là loại cây ưa nước, vì vậy bạn cần tưới đều đặn và duy trì độ ẩm cho đất. Tuy nhiên, tránh làm đất ẩm quá mức kẻo bị thối rễ.
- Ánh sáng: Cây dong riềng đỏ ưa sáng, vì thế bạn cần trồng cây ở nơi có nhiều ánh sáng mới có thể đảm bảo cây phát triển tốt.
- Bón phân: Nên bón thúc phân hữu cơ hoặc phân NPK định kỳ để đảm bảo cây phát triển mạnh mẽ.
Cây dong riềng đỏ có thể cho thu hoạch củ tươi sau khoảng 6-8 tháng trồng, và củ chế biến sau 10-12 tháng.
Bình luận