Nhà văn và nhân cách văn hóa

1. Đánh giá một con người bình thường, người ta cũng coi trọng nhân cách của người đó. Khi đã nói: “Anh ta không có nhân cách”, thì còn bàn đến họ làm gì nữa. Đối với người bình thường đã thế, với nhà văn, nhân cách càng quan trọng, bởi “văn dĩ tải đạo”, nhân cách người viết mà kém cỏi thì anh tải đạo gì?

Lịch sử văn chương Việt Nam và phương Đông rất coi trọng nhân cách người cầm bút như chúng ta đã biết. Vì vậy, việc thi cử chọn nhân tài gánh vác những công việc của đất nước trước đây, chủ yếu là thơ văn. Ở tận châu Mỹ La tinh, theo nữ văn sĩ Chile Isabel Allende: “Trong con mắt của các đồng bào, nhà văn là người được trọng vọng ngang pháp sư, phù thủy hay nhà tiên tri, được coi là người mang chở một chân lý tuyệt đối, tỏa ra ánh sáng của sự thông thái”. Ở miền núi cao Dagestan  của nước Nga cũng vậy.

Nhà thơ Abu Talib có kể câu chuyện về nhà thơ duy nhất: “Ở một vương quốc nọ có rất nhiều nhà thơ. Có lần, quốc vương nghe được một bài thơ về sự tàn bạo, về sự bất công tham lam của y. Y ra lệnh tìm bắt bằng được người đã làm bài thơ đó, bằng cách bắt tất cả các nhà thơ lại, bắt họ đọc một bài do mình sáng tác. Các nhà thơ lần lượt đọc những bài thơ ca ngợi quốc vương, ca ngợi trí tuệ minh mẫn, trái tim phúc hậu của y... Các nhà thơ lần lượt được thả. Chỉ còn một nhà thơ cuối cùng vẫn không chịu đọc. Quốc vương ra lệnh: “Trói nó vào cột, nổi lửa thiêu nó ngay”. Nhà thơ bị trói đọc bài thơ nói về sự tàn bạo, tham lam, bất công của quốc vương. Bỗng quốc vương thét lên: “Cởi trói ngay cho anh ta! Ta không muốn mất đi nhà thơ duy nhất của đất nước này!”... Kể thế để thấy, trong lịch sử văn chương nhân loại, nhân cách của các nhà thơ, nhà văn được đặc biệt coi trọng.

Để nói với mọi người, nói với mai sau, người ta mới cầm bút; thế mà lại nói không trung thực thì nói để làm gì? Giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, nhờ có bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc mà lãnh đạo đất nước khi đó thêm hiểu được hiện thực của nông thôn và nông dân, thêm quyết tâm vạch ra con đường đổi mới đất nước. Cũng trong thời gian này, một loạt vở kịch của Lưu Quang Vũ ra đời, góp phần gióng tiếng chuông báo động về sự bế tắc của cái cũ, cần tìm một đường đi mới, tạo ra một bước ngoặt để giải thoát xã hội, giải thoát con người...

Nhà văn và nhân cách văn hóa - 1

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Những năm gần đây không thấy tác phẩm nào gây được hiệu ứng xã hội như thế. Ngược lại, một vài người đến các cơ sở kinh tế, được họ bao nuôi đã viết những tác phẩm ca ngợi. Tác phẩm vừa xuất bản thì cũng là lúc cơ sở đó bị khởi tố.

Trong đời sống văn chương những năm gần đây, sinh hoạt học thuật có phần giảm sút, những vấn đề ngoài văn chương lại được chú ý hơn. Người ta viết ca ngợi nhau không phải vì tác phẩm giá trị về nghệ thuật hay ý nghĩa xã hội mà chủ yếu do tác giả ấy cùng phe nhóm với mình. Không lấy tiêu chí nghệ thuật để đánh giá thì mọi khen chê sẽ lệch lạc, làm đời sống văn chương cứ rối tung lên.

Việc công bố tác phẩm cũng có những vấn đề. Dường như, một số người công bố tác phẩm chủ yếu là để khoe, để phô diễn với mọi người chứ không nghĩ đến tác dụng thực sự của nó. Thì đành rằng bây giờ là thời đại của tự do. Nhưng tự do không có nghĩa là mình có thể làm mọi điều mình thích. Đưa ra môi trường những tác phẩm mà làm cho môi trường không còn đẹp như trước, chứ chưa nói là làm ô nhiễm, thì có nên chăng?

Dẫu trong cơ chế thị trường, xã hội vẫn rất yêu mến các nhà văn. Vấn đề là các nhà văn phải làm thế nào để giữ được lòng tin của xã hội? Thực ra thì danh hiệu “nhà văn” là tự phong, rồi tôn nhau lên là phần nhiều, chứ các nhà văn đích thực, nhà văn xứng đáng với danh hiệu này, nhà văn được bạn đọc tôn vinh thì không nhiều. Để giữ lòng tin đối với xã hội, vấn đề nhân cách của nhà văn cần được đặt lên hàng đầu. Trong Truyện Kiều, nàng Kiều là một người tài sắc mà vẫn rất biết mình: “Trông người lại ngẫm đến ta/ Một dày một mỏng biết là có nên?”. Danh hiệu “nhà văn” là một danh hiệu rất sang trọng, rất “dày”, chỉ dành cho những tài năng xứng đáng. Ước gì sau mấy trăm năm, những người viết văn không để phải ngượng với nàng Kiều!

2. Mỗi nhà văn là một vũ trụ riêng. Điều đó là đương nhiên rồi. Thực ra mỗi người bình thường cũng đã là một vũ trụ, có điều vũ trụ đó có sắc thái không thật rõ để phân biệt với các vũ trụ khác. Ở các văn nghệ sĩ thì sắc thái riêng này nổi hẳn lên, không ai giống ai, nên mỗi nhà văn, nhà thơ và các nghệ sĩ có gương mặt hoàn toàn khác nhau, những cá tính trong cuộc sống ảnh hưởng đến phong cách trong văn chương nghệ thuật.

Người ta có thể nhốt cả bầy ngựa trong một chuồng mà không có chuyện gì lớn. Bởi những con vật này không có ý thức nên chúng chỉ tranh ăn, tranh con cái mà đá nhau, cắn nhau vớ vẩn thôi, rồi đâu lại vào đấy cả. Nhưng những con người có ý thức thì không như thế. Từ những bất đồng đến những tính toán sâu xa hình thành những thủ đoạn mưu mô, chỉ đạo những hành động vô cùng phức tạp. Các văn nghệ sĩ thì hơi khác một chút, mưu mô thủ đoạn thì không cao, nhưng sự bồng bột tự phát thì lại hơi thái quá, thường ít bản lĩnh để kiềm chế, nên có sự việc gì là cứ um xùm cả lên, việc bé cũng thành to chuyện.

Từ đầu thế kỷ XX đến trước thời kỳ đổi mới (1986), các nhà văn nhà thơ ở nước ta không có nhiều, chỉ trên dưới một trăm người. Mỗi nhà văn nhà thơ cũng là một nhà văn hóa. Độc giả có thể chưa yêu thích thơ văn của họ, thậm chí có thể chưa đọc những sáng tác của họ, nhưng khi được giới thiệu thì luôn trân trọng. Sự trân trọng này trước hết là trân trọng nhân cách văn hóa của họ. Và quả thực các nhà văn nhà thơ thời ấy cũng rất ý thức giữ gìn nhân cách của mình. Ai cũng biết Hải Triều và Hoài Thanh đã từng đối lập nhau trong cuộc tranh luận về nghệ thuật giai đoạn 1930 - 1945, cuộc tranh luận lớn nhất thế kỷ XX của văn chương nước nhà. Nhưng các ông không bao giờ xúc phạm nhau. Nhà văn Nguyễn Công Hoan với tác phẩm Kép Tư Bền là khởi nguồn của cuộc tranh luận ấy, khi ông ở Hà Nội vào Huế, thì ban ngày ông ở nhà Hải Triều, ban đêm ông lại đến nhà của Hoài Thanh. Sau này con của Hải Triều và Hoài Thanh là các nhà thơ nhà văn Nguyễn Khoa Điềm và Phan Hồng Giang thì lại rất thân thiết với nhau. Các nhà văn nhà thơ khác trong những giai đoạn này cũng không hoàn toàn thích nhau, có người còn ghét nhau nữa, điều ấy cũng bình thường thôi, nhưng chưa bao giờ họ để cho bạn đọc thấy giữa họ có điều tiếng gì. Đúng là những người có nhân cách. 

Từ khi đất nước đổi mới, con người được tự do hơn. Điều này đương nhiên là một thành tựu, rất đáng quý rồi. Văn nghệ sĩ thì đã được cởi trói, được tự do sáng tác và tự do ngôn luận. Ai cũng thấy mừng, ai cũng thấy sung sướng. Quần chúng bạn đọc thì được thưởng thức những món ăn đa dạng hơn, tuy có món còn chưa ngon nhưng cũng đỡ đơn độc, nhàm chán. Thôi thì món ngon còn ít, bởi của quý bao giờ cũng hiếm, nhưng độc giả luôn hy vọng đã đào đúng mạch sa thạch thì trước sau cũng có vàng. Chỉ có điều, đôi khi hội này hội nọ của các văn nghệ sĩ lại có chuyện lùng sùng. Lình sình lùng sùng cũng là việc bình thường, bạn đọc rất biết điều ấy đối với hàng trăm cá tính, hàng trăm phong cách ở trong một hội. Họ chỉ phàn nàn, khi có chuyện thì các nhà thơ, nhà văn, các văn nghệ sĩ cần ứng xử sao cho có văn hóa tương xứng với sự trân trọng của xã hội dành cho mình.

Kinh nghiệm cho thấy, những người không có bản lĩnh cứ thóa mạ người khác thì mất nhiều hơn được. Họ chỉ được một điều là nói cho bõ tức, giải tỏa được cơn giận của mình, nhưng lại bộc lộ hết bản chất con người mình trước tất cả bàn dân thiên hạ. Mà những nhân cách văn hóa thì không bao giờ làm thế. Trân trọng người đối thoại, đừng coi mình hơn người ta. Xã hội loài người đã bước vào thế kỷ văn minh rồi, sự nhường nhịn có khi lại thắng sự giành giật. Con lắc của chân lý cuối cùng bao giờ cũng về đúng vị trí của nó dẫu có bị chao lắc mạnh mẽ của bão gió. Tài năng thì có thể không cố được, nhưng nhân cách văn hóa thì có thể cố gắng, có thể rèn luyện, tu dưỡng được. Mà cụ Nguyễn Du thì nói: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Đinh Quang Tốn

Chuẩn mực văn chương
Chuẩn mực văn chương

Văn chương là trụ cột của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật là trụ cột của nền văn hóa. Đừng để văn chương...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn