"Mẹ ơi, con sợ bóng tối", đừng nói "Dũng cảm lên", hãy thay câu này sẽ hiệu quả hơn

Đối với trẻ, nỗi sợ có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ sợ hãi khi gặp người lạ đến sợ bóng tối.

Như chúng ta đã biết, nỗi sợ là một phần tự nhiên trong quá trình phát triển của trẻ. Từ những điều bình thường hàng ngày đến những nỗi sợ đặc biệt như sợ bóng tối, phản ánh sự phát triển tâm lý ở trẻ. Việc hiểu và xử lý những nỗi sợ này là rất quan trọng để giúp trẻ vượt qua và phát triển lành mạnh.

Đối với trẻ em, nỗi sợ có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ sợ hãi khi gặp người lạ đến nỗi sợ bóng tối. Những nỗi sợ này thường phản ánh sự chưa hoàn thiện trong nhận thức và kinh nghiệm sống của trẻ.

Ví dụ, một sự kiện đáng sợ trong quá khứ có thể để lại ấn tượng mạnh mẽ, khiến trẻ cảm thấy lo lắng mỗi khi gặp lại tình huống tương tự. Hay trẻ em thường có trí tưởng tượng phong phú, và điều này có thể dẫn đến việc tưởng tượng ra những tình huống đáng sợ, như bóng tối hay những âm thanh lạ.

"Mẹ ơi, con sợ bóng tối", đừng nói "Dũng cảm lên", hãy thay câu này sẽ hiệu quả hơn - 1

Ảnh minh họa.

 Những câu chuyện, phim ảnh hoặc thậm chí là sự lo lắng của người lớn cũng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ. Khi trẻ thấy người lớn sợ hãi, dễ dàng học theo và cảm thấy sợ hãi theo.

Những đứa trẻ sợ bóng tối thường gặp khó khăn trong việc đi ngủ, dễ bị tỉnh dậy giữa đêm và cảm thấy hoảng sợ khi không có bố mẹ ở bên.

Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân và tác động của những nỗi sợ này sẽ giúp bố mẹ có những biện pháp hỗ trợ trẻ. Quan trọng nhất, hãy tạo ra một môi trường an toàn và yêu thương để trẻ có thể học cách đối mặt với những nỗi sợ, từ đó phát triển tự tin và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

"Mẹ ơi, con sợ bóng tối", đừng nói "Dũng cảm lên", hãy thay câu này sẽ hiệu quả hơn - 2

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

"Mẹ ơi, con sợ bóng tối", đừng nói "Dũng cảm lên", hãy thay câu này sẽ hiệu quả hơn - 3

Có người khuyên rằng, khi trẻ nói "Mẹ ơi, con sợ bóng tối" Đừng vội nói rằng con dũng cảm bởi sợ hãi là tín hiệu báo động từ con, chuyên gia nhìn nhận góc nhìn này thế nào?

Dưới góc nhìn tâm lý học phát triển, khi trẻ nói “Mẹ ơi, con sợ bóng tối”, đây là một tín hiệu thật sự về nhu cầu được bảo vệ, an ủi và hỗ trợ từ người lớn.

Nếu bố mẹ hoặc người chăm sóc vội vàng phản ứng bằng cách nói “Con dũng cảm lên, không có gì phải sợ!” mà không ghi nhận cảm xúc ban đầu của trẻ, trẻ có thể cảm thấy bị phủ nhận, không được thấu hiểu hoặc bối rối về cảm xúc của chính mình. Về lâu dài, trẻ có thể học cách kìm nén hoặc phớt lờ cảm xúc thay vì biết cách nhận diện và quản lý chúng một cách lành mạnh.

Theo tôi, khi trẻ bày tỏ nỗi sợ, người lớn nên lắng nghe và xác nhận cảm xúc ấy trước tiên. Ví dụ, bố mẹ có thể nói: “Mẹ thấy con đang sợ bóng tối nè, bóng tối đôi khi cũng khiến mình cảm thấy bất an ha.” hoặc “Con cảm thấy không yên tâm khi không nhìn thấy mọi thứ rõ ràng, đúng không?” Khi trẻ được công nhận cảm xúc, các em sẽ cảm thấy an toàn hơn để chia sẻ và học cách đối diện với nỗi sợ.

Sau bước xác nhận, bố mẹ có thể cùng trẻ tìm giải pháp phù hợp như bật đèn ngủ nhỏ, khám phá cùng trẻ để thấy rằng bóng tối không ẩn chứa điều gì nguy hiểm, hoặc dạy trẻ các kỹ năng tự trấn an như hít thở sâu hay nghĩ đến những hình ảnh dễ chịu.

"Mẹ ơi, con sợ bóng tối", đừng nói "Dũng cảm lên", hãy thay câu này sẽ hiệu quả hơn - 4

Trẻ em có trí tưởng tượng phong phú, nỗi sợ bóng tối có thể phản ánh những lo lắng hay trải nghiệm nào khác trong cuộc sống của trẻ?

Đúng vậy, trẻ em vốn có trí tưởng tượng rất mạnh mẽ, và nỗi sợ bóng tối ở trẻ thường không chỉ đơn giản là sợ “không thấy gì”, mà còn là sự phản ánh những lo lắng sâu xa hơn trong cuộc sống. Bóng tối, trong tâm trí trẻ, có thể trở thành biểu tượng cho những điều chưa biết, những thay đổi hoặc các tình huống trẻ cảm thấy khó kiểm soát.

Ví dụ, một số trẻ sợ bóng tối vì lo lắng về sự cô đơn hoặc bị bỏ rơi, tương tự như cảm giác trống rỗng khi không nhìn thấy xung quanh. Với những trẻ từng trải qua sự thay đổi lớn như chuyển nhà, bố mẹ ly thân, hoặc đơn giản là những thay đổi trong lịch trình hàng ngày, nỗi sợ bóng tối có thể khơi gợi lại cảm giác bất an và mất an toàn.

Ngoài ra, trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng từ những câu chuyện, hình ảnh hoặc bộ phim có yếu tố đáng sợ; những nội dung này có thể được trí tưởng tượng của trẻ phóng đại và liên tưởng trực tiếp đến bóng tối.

Một yếu tố nữa là sự phát triển nhận thức của trẻ. Khi trí tưởng tượng bùng nổ, trẻ không chỉ nghĩ về những gì đang có mà còn tưởng tượng ra những điều “có thể xảy ra”.

Điều này khiến cho các kịch bản đáng sợ trở nên rất sống động, nhất là trong môi trường thiếu ánh sáng như ban đêm. Thêm vào đó, bóng tối còn đại diện cho việc mất kiểm soát – trẻ không thể xác định rõ mọi thứ quanh mình – và điều này dễ dàng đánh thức những cảm giác bất lực mà trẻ có thể đã từng trải qua trong các tình huống ban ngày.

Nỗi sợ bóng tối ở trẻ không chỉ là nỗi sợ bề mặt, mà còn là một “cánh cửa” để người lớn khám phá những nhu cầu cảm xúc sâu hơn của trẻ. Lắng nghe, đồng hành và nhẹ nhàng hỗ trợ trẻ xử lý những lo lắng này là cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển sự an toàn nội tâm và khả năng điều chỉnh cảm xúc bền vững.

"Mẹ ơi, con sợ bóng tối", đừng nói "Dũng cảm lên", hãy thay câu này sẽ hiệu quả hơn - 5

Nỗi sợ bóng tối ở trẻ có thể được xem như một phần tự nhiên trong sự phát triển tâm lý. Vậy bố mẹ nên phản ứng thế nào là phù hợp?

Dưới góc nhìn tâm lý học, nỗi sợ bóng tối ở trẻ nhỏ được xem là một phần hoàn toàn tự nhiên trong quá trình phát triển tâm lý, đặc biệt trong giai đoạn từ 2 đến 8 tuổi – khi trí tưởng tượng và nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh đang mở rộng mạnh mẽ.

Vì vậy, cách phản ứng của bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ vượt qua nỗi sợ này một cách lành mạnh.Điều đầu tiên bố mẹ nên làm là lắng nghe và xác nhận cảm xúc của trẻ. Khi trẻ bày tỏ “Con sợ bóng tối”, thay vì vội vàng trấn an hay phủ nhận, bố mẹ có thể nhẹ nhàng đáp lại: “Mẹ hiểu, bóng tối có thể làm mình thấy lo lắng vì không nhìn thấy rõ mọi thứ.” Việc công nhận cảm xúc giúp trẻ cảm thấy an toàn và được thấu hiểu.

Tiếp theo, bố mẹ có thể cùng trẻ tìm kiếm giải pháp để đối diện với nỗi sợ từng bước nhỏ, chẳng hạn như bật một đèn ngủ nhỏ, kiểm tra cùng trẻ xung quanh phòng trước giờ ngủ, hoặc hướng dẫn trẻ kỹ thuật hít thở sâu để tự trấn an.

Quan trọng hơn hết, bố mẹ cần tôn trọng nhịp độ riêng của trẻ, không ép buộc trẻ phải “hết sợ” ngay lập tức, mà kiên nhẫn đồng hành và hỗ trợ trẻ xây dựng dần dần cảm giác kiểm soát và an toàn.

Tóm lại, thay vì cố gắng loại bỏ nỗi sợ bóng tối, bố mẹ hãy xem đây là cơ hội quý giá để dạy trẻ cách nhận diện, chấp nhận và quản lý cảm xúc của mình – những kỹ năng nền tảng thiết yếu cho sự phát triển tâm lý bền vững trong tương lai.

"Mẹ ơi, con sợ bóng tối", đừng nói "Dũng cảm lên", hãy thay câu này sẽ hiệu quả hơn - 6

Bố mẹ có thể áp dụng những hoạt động nào để giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn khi đối mặt với bóng tối?

Để giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn khi đối mặt với bóng tối, bố mẹ có thể áp dụng một số hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả, vừa giúp trẻ giảm lo lắng, vừa tăng cường cảm giác kiểm soát và tự tin.

Trước hết, bố mẹ có thể thiết lập một thói quen trước giờ ngủ thật nhẹ nhàng và an toàn: Đọc truyện, nghe nhạc êm dịu, cùng trò chuyện về những điều tích cực trong ngày. Những hoạt động này giúp hệ thần kinh của trẻ thư giãn và tạo cảm giác dễ chịu trước khi vào giấc ngủ.

Ngoài ra, sử dụng đèn ngủ với ánh sáng dịu nhẹ cũng là một cách phổ biến để xoa dịu nỗi sợ mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Một hoạt động rất hiệu quả khác là biến trải nghiệm với bóng tối thành trò chơi. Ví dụ, chơi trò tìm kho báu bằng đèn pin, kể chuyện vui trong bóng tối, hoặc cùng nhau tưởng tượng ra các “người bạn ánh sáng” có thể bảo vệ trẻ khi trời tối. Những trải nghiệm này giúp trẻ xây dựng mối liên hệ tích cực với bóng tối, thay vì gắn nó với cảm giác đe dọa.

Bố mẹ cũng có thể giúp trẻ thực hành các kỹ năng tự trấn an, như hít thở sâu, ôm gối quen thuộc, hoặc dùng một “lá bùa an toàn” như món đồ chơi yêu thích mà trẻ mang theo lên giường. Khi được hướng dẫn đúng cách, trẻ sẽ dần học được cách tự điều chỉnh cảm xúc và cảm thấy ít phụ thuộc hơn vào sự hiện diện của người lớn.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là sự hiện diện và lắng nghe từ bố mẹ. Một cái ôm ấm áp, một lời nói dịu dàng, hay đơn giản là việc ở bên trẻ vài phút khi tắt đèn có thể tạo nên cảm giác an toàn rất lớn. Khi trẻ cảm nhận được rằng mình không phải đối mặt với nỗi sợ một mình, sự lo lắng sẽ dần giảm đi theo thời gian.

Thi Thi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tiếp tục lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, chúng ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu vĩ đại hơn nữa, lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Sáng 30/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Thời báo Văn học nghệ thuật trân trọng giới t