Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể

Những câu chuyện cổ tích giải thích đặc điểm hình dáng của một số loài động vật ngày nay.

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 1

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 2

Gia đình nhà cò

Đằng sau một ngôi nhà trong làng có một tổ cò. Cò mẹ nằm với bốn chú cò con đang chõ lên những cái mỏ đen chưa đủ ngày ngả sang màu đỏ.

Gần nơi ấy, trên mái nhà, cò bố đang đứng thẳng, thân cứng nhắc, một chân co lên như cách đứng gác cho có tư thế hơn. Cò đứng im phăng phắc, trông như tượng gỗ vậy. Lão thì thầm:

– Hẳn thiên hạ tưởng rằng trước cái tổ của vợ mình có lính gác. Ai mà có thể biết rằng mình là chồng mụ ta? Có lẽ có người cho rằng mình được cử lên gác trên mái nhà này! Hay thật!

Nghĩ thế, cò lại càng cố sức đứng vững trên một cẳng.

Trong phố có một lũ trẻ con đang chơi đùa. Trông thấy bầy cò, em trai đứng đầu bọn trẻ bèn hát lên mấy câu hát cổ và cả bọn nhớ được câu nào đồng thanh hát câu ấy:

Cái cò, cái vạcHãy bay về nhàVợ cò nằm trong tổỦ bốn chú cò conChú thì treo cổChú thì mất thâyChú thì chết thuiChú thì chết ngạt.

– Mẹ có nghe thấy lũ nhóc con hát cái gì đó đấy không? – Đám cò con xào xạc – Chúng nó bảo rằng chúng con sẽ bị treo cổ và chết thui đấy.

– Không sợ. – Cò mẹ đáp – Đừng nghe chúng nó, các con chẳng làm sao cả đâu.

Nhưng lũ trẻ con vẫn chỉ trỏ lên tổ cò mà hát mãi. Chỉ có một đứa tên là Pie không hát theo và bảo với chúng bạn rằng chế nhạo loài vật như thế là không tốt.

– Kệ chúng nó. Hãy nhìn bố mày đứng có một cẳng mà vững ra phết!

Hôm sau, lũ trẻ lại đến chơi gần đấy. Trông thấy cò, chúng lại hát:

Chú thì treo cổChú thì chết thui…

– Phỏng chúng con có bị treo cổ và chết thui không hả mẹ? – Cò con lại hỏi.

– Không đâu! Không đâu! – Cò mẹ đáp. Mẹ sẽ dạy các con bay. Mẹ con ta sẽ bay xuống đồng cỏ thăm lũ ếch nhái. Chúng sẽ kêu: “Quẹc! Quẹc!” để chào mẹ con ta.

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 3

Ảnh minh họa.

Ta sẽ chén thịt vài đứa, thật là ngon tuyệt! Rồi tất cả cò vạc trong xứ, sẽ tụ họp vào mùa thu để chuẩn bị bay về các xứ nóng. Cần phải biết bay giỏi, nếu ai mà bay rớt lại phía sau thì ông tướng cò sẽ quai cho một mỏ chết tươi. Cho nên các con phải chú ý tập bay nhá.

– Nhưng biết bay chắc đâu đã tránh được chết treo, như lũ trẻ con hát. Đấy, mẹ nghe! Chúng nó lại hát đấy!

– Các con phải nghe mẹ, không được nghe chúng nó. – Cò mẹ đáp – Tập bay xong mẹ con ta sẽ di cư về xứ nóng, ở xa, xa lắm, phải bay qua rất nhiều sông núi. Ta sẽ sang Ai Cập, nơi mà nóc nhà gọi là kim tự tháp.

Những nhà ấy có từ lâu đời, lâu đến nỗi giống cò chúng ta không thể tưởng tượng được. Ở đấy có một con sông, cứ đến mùa lụt là sông biến cả nước thành đầm lầy. Mẹ con ta sẽ đi dạo trên đầm và tha hồ chén ếch nhái.

– Ồ! Thích nhỉ! – Lũ cò con reo lên.

– Ừ, đúng thế! Mẹ con ta cứ gọi là ăn suốt ngày không hết ếch nhái, trong lúc đó thì ở đây, cây cối trụi cả, chẳng còn một mảnh lá nào. Trời thì rét đến nỗi mây đông lại, rơi xuống thành những mảnh trắng xoá.

Đó là tuyết, nhưng mẹ cò không thể giải thích rõ hơn, vì cò chẳng biết tuyết là gì.

– Thế những đứa bé độc ác kia có đông lại rồi rơi thành từng mảnh không? – Cò con hỏi.

– Không, nhưng chúng cũng chẳng sung sướng gì! Chúng sẽ bị giam trong nhà, không như các con được bay đến những nơi có hoa thơm và ánh nắng ấm áp.

Ít lâu sau, đám cò con đã khá lớn, đủ sức đứng lên để nhìn ra quanh tổ. Hàng ngày cò bố bay về mang đủ các thứ quà, có cả ếch nhái và rắn con. Trông cò bố có vẻ lên lớp cho cò con mà nực cười!

Lão khua mỏ vang lên kể chuyện liên hồi, tất nhiên, toàn là những chuyện xảy ra trên các đầm lầy.

Một hôm cò mẹ bảo:

– Nào, bây giờ phải tập bay đi thôi!

Và lũ cò con lảo đảo đứng trên nóc nhà, cánh giương chưa vững, mỗi khi nhìn xuống phía dưới lại muốn ngã lộn nhào.

– Trông đây này. – Cò mẹ bảo – Đầu phải ngẩng lên, chân duỗi ra thế này này. Phải làm đúng như thế mới đua tranh được với đời.

Nói đoạn, cò mẹ bay một quãng. Cò con định nhảy theo nhưng bộp! Chúng ngã lăn kềnh vì cánh cò nhỏ mà thân lại quá nặng.

– Con chẳng bay nữa đâu! – Một chú cò con kêu lên rồi rón rén lần về tổ – Con chẳng cần bay về xứ nóng làm gì.

– Thế con muốn ở đây đến mùa đông để chết rét à? Lũ trẻ con sẽ kéo đến treo cổ con lên và đem thui sống! Để mẹ gọi chúng nó đến!

– Không, không! – Cò con vội la lên và lại nhảy xuống mái nhà theo những chú khác.

Ba ngày sau chúng đã bay được. Chúng đã tưởng lần này có thể lao lên không trung được rồi. Nào ngờ, bộp! Chúng lại ngã xuống và lại phải tập đập cánh cho đều đặn.

Lũ trẻ con lại đi qua dưới phố và hát lên:

Con cò con vạcHãy bay về nhà!

Một cò con nói:

– Có nên xuống mổ lòi mắt chúng nó ra không, mẹ?

– Không, cứ mặc chúng nó. Các con phải nghe mẹ. Phải lo việc quan trọng hơn. Nào, một, hai, ba! Cố gắng nhảy cao hơn chút nữa! Một, hai, ba! Nhảy sang bên trái ống khói xem nào!

– Được, tốt lắm! Bay như thế là được rồi. Ngày mai mẹ sẽ cho phép các con ra đầm lầy với mẹ! Các gia đình nhà cò khác sẽ đưa con cái ra tụ họp ở đấy. Các con phải tỏ cho họ thấy rằng các con hơn đứt tụi nhóc khác. Ưỡn ngực lên thế này này, trông mới oai và có vẻ con nhà!

Cò con hỏi:

– Nhưng sao ta không trị những đứa bé mất dạy kia đi, hở mẹ?

– Kệ chúng, cho chúng kêu lắm mỏi mồm. Mẹ con ta sẽ bay lên chín tầng mây, bay sang xứ kim tự tháp, còn chúng sẽ phải ở lại cái xứ không có lấy một mảnh lá xanh tươi, một quả táo ngon lành này.

Thu sang. Cò bắt đầu tụ họp để chuẩn bị, mùa đông tới, di cư sang các xứ nóng.

– Giờ đã đến lúc báo thù bọn trẻ con rồi chứ, mẹ?

– Phải, phải đấy! – Cò mẹ đáp. Mẹ biết cái ao có nhiều trẻ con đợi cò đến mang trả cho cha mẹ chúng. Người nào cũng muốn có trẻ con trong nhà và đứa trẻ con nào cũng muốn có em. Mẹ con ta sẽ bay ra cái ao ấy và mang em bé mới đẻ đến cho những đứa bé không hát nhảm. Những đứa khác thì không xứng đáng có em bé.

– Thế còn đứa đầu têu đáng ghét, mất dạy nhất kia thì làm thế nào, mẹ?

– Trong ao có một đứa bé con mới đẻ bị chết. Ta sẽ mang đến nhà nó cho bõ ghét. Còn đối với cậu bé phúc hậu đã can ngăn tụi bạn: “Nhạo báng loài vật là xấu”, ta sẽ mang cho một em trai và cả một em gái nữa. Tên cậu ta là Pie phải không các con? Các con nhớ nhé! Từ nay để kỷ niệm cậu ta, tất cả các con đều sẽ lấy tên là Pie.

Và thế là lũ cò con từ đấy được đặt tên là Pie. Cho đến ngày nay người ta vẫn gọi như vậy.

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 4

Vì sao Dơi quạ ngủ chúc đầu xuống đất?

Mỗi loài vật có cách nghỉ ngơi riêng: con thì nằm dưới đất, con thì trốn trong hang, con thì đậu trên cành. Riêng họ hàng nhà Dơi, đặc biệt Dơi quạ khi ngủ lại bíu vào cành cây, chúc đầu xuống đất, đít chống lên trời. Xưa kia, chúng cũng đậu bình thường trên cành như các loài chim khác.

Các con có biết tại sao không? Câu chuyện là thế này: Ngày xưa, Dơi sống hòa hợp với mọi vật. Nhưng mà không ai yêu mến nó. Ai cũng cho nó là xấu xí vì nó không giống bất cứ loài vật nào, không phải là chim có mỏ, cũng không phải là thú bốn chân, cứ nửa nọ, nửa kia…

Một hôm nó cảm bệnh. Không ai đến cứu giúp. Bệnh tình ngày càng nặng. Mà nó lại vừa đẻ một chú Dơi con.

Kiệt sức vì đau ốm, vì thiếu ăn, vì phải nuôi con, mấy tuần sau, nó chết.

Không có ai ngó ngàng đến, trưởng làng tụ tập dân làng lại, hỏi :

– Ai sẽ đi chôn Dơi? Không thể để thi thể nó phơi nắng thế kia, phải đào cho nó một cái hố !

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 5

Ảnh minh họa.

Các loài chim trả lời:

– Dơi bay như chúng tôi. Nó cũng sống trên cây. Nhưng nó có răng, có lông mao, có tai, có vú mà chúng tôi thì không có những thứ đó. Nó không thuộc dòng họ chúng tôi. Ông thử hỏi những động vật bốn chân ấy…

Các động vật này cũng không đồng ý chôn cất Dơi quạ. Chúng nói :

– Dơi có cái đầu giống chúng tôi. Nó cũng có lông mao như chúng tôi. Đúng như thế. Song, nó có đuôi không? Hẳn ông cũng rõ là nó không thuộc họ hàng chúng tôi. Vậy chúng tôi không có trách nhiệm chôn cất nó.

Trưởng làng rất phiền lòng vì thấy bên nào cũng hầu như có lí. Ông đành sai bọn nô lệ đi chôn Dơi quạ vậy!

Dơi con đã nghe tất cả những lời lẽ đó. Nó thề rằng nó và con cháu nó sẽ không thừa nhận Thượng đế là cha nữa, bởi vì Người đã tạo ra cho chúng một hình thù kì dị khác với mọi loài.

Từ đó, giống Dơi lúc nghỉ ngơi cứ bíu vào cành cây, đầu chúc xuống đất, đít chống lên trời để tỏ ý phản kháng!

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 6

Bộ lông rực rỡ của chim Thiên Đường

Chim Thiên Đường đi tha rác về lót ổ, chuẩn bị cho mùa đông đang tới gần. Nó bay rất xa, chọn những chiếc lá vàng, lá đỏ thật đẹp, những ngọn cỏ thật thơm, thật mềm.

Bay ngang qua tổ Sáo Đen, Sáo Đen ngỏ lời xin chiếc lá sồi đỏ thắm, Thiên Đường vui vẻ thả xuống cho bạn.

Thiên Đường lại bay đi kiếm chiếc lá khác. Được một cánh hoa lau màu tím hồng rất mịn, Thiên Đường hối hả cắp ngang mỏ bay về. Ngang qua tổ Gõ Kiến, bầy Gõ Kiến con rối rít gọi, xin cho em bằng được. Thấy bầy chim non thích cành hoa lau, Thiên Đường không nỡ mang về, lại vội vàng bay đi kiếm lá khác.

Lâu lắm, Thiên Đường mới lại tìm được một cụm cỏ khô vàng rượi, thơm mát. Về qua tổ chim Mai Hoa, thấy cái tổ trống tuềnh toàng, chim Mai Hoa đang ốm, vật vã đôi cánh, Thiên Đường mủi lòng, gài cụm cỏ mật che gió cho bạn. Mai Hoa vẫn run lập cập. Thiên Đường bối rối không biết làm cách nào cho bạn đỡ rét. Nó nhìn xuống ngực rồi lấy mỏ rút ra từng nạm lông xốp mịn lót ổ cho Mai Hoa…

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 7

Ảnh minh họa.

Cứ thế, mùa đông đến lúc nào Thiên Đường không hay biết. Những trận gió lạnh buốt cứ xói mãi vào chiếc tổ còn rất sơ sài của Thiên Đường. Bộ lông màu nâu nhạt của Thiên Đường xù lên, trông xơ xác tội nghiệp.

Chèo Bẻo bay ngang qua, thấy thế vội loan báo cho mọi loài chim được biết. Sáo Đen, Gõ Kiến, Mai Hoa, Họa Mi, Sơn Ca,… cùng rất nhiều bạn bay đến sửa lại tổ giúp Thiên Đường. Chẳng mấy chốc Thiên Đường đã có một chiếc tổ thật đẹp.

Chẳng những thế, Chèo Bẻo còn nảy ra một ý định dễ thương đem bàn với bạn. Lời Chèo Bẻo được các bạn rất tán thưởng. Lập tức, mỗi chim rứt trên bộ cánh của mình một chiếc lông quý: chiếc màu đỏ thắm, chiếc màu xanh cánh trả, chiếc màu vàng tươi, chiếc màu đen tuyền,… gom góp lại thành một chiếc áo đem tặng Thiên Đường.

Từ đó, Thiên Đường luôn luôn khoác trên mình một chiếc áo nhiều màu rực rỡ, vật kỉ niệm thiêng liêng của biết bao loài chim bạn bè.

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 8

Sự tích loài ve sầu rỗng ruột

Chuyện xảy ra đã từ ngày xửa ngày xưa. Vào một buổi trưa mùa hè trời nắng chang chang, đàn ve rừng cất tiếng kêu inh ỏi. Có một con hoẵng đang kiếm ăn ở bên cạnh nương vừng nghe thấy tiếng ve đột ngột cất lên thì giật thót mình.

Hoẵng co chân nhảy chạy qua đám quả cây vừng đang vào độ chín làm cho hạt vừng bị bắn tung toé phải vào mắt của một con gà rừng.

Gà rừng đột ngột bị hạt vừng bắn đúng vào mắt nên cuống cuồng bay đậu lên cành cây nơi có một tổ kiến bống. Bởi mắt đang bị đau cộm do hạt vừng bắn vào nên gà rừng tức bực cứ thế bới lia lịa phá tổ kiến bống.

Kiến bống bị phá tổ liền bò ra khắp cả cành cây. Bầy kiến bống đang bò thì gặp một con sóc thế là chúng bám chặt lấy con sóc và cùng nhau ra sức đốt.

Sóc bị kiến đốt đau liền leo tót lên dây mák tỉnh kình đồng thời cắn lung tung vào những thứ gặp ở xung quanh. Vô tình sóc cắn đứt cuống một quả mák tỉnh kình làm quả mák tỉnh kình rơi xuống trúng phải lưng một con trâu.

Trâu giật mình tưởng có ai lấy đá ném mình lồng lên chạy thục mạng và nhảy xuống một cái ao. Không ngờ trâu giẫm phải một con nòng nọc khiến cho nòng nọc bị thủng bụng lòi gan ruột ra ngoài. Bị mất hết ruột gan nên nòng nọc bèn lên tận Mường Bun tìm tới vua Then để kêu kiện.

Vua Then hỏi:

– Nòng nọc tìm lên đây có việc gì?

Nòng nọc đáp:

– Thưa, con muốn kiện kẻ đã làm hại con.

Vua Then hỏi tiếp:

– Vậy kẻ nào đã làm hại nòng nọc?

Nòng nọc bèn kể rõ từ đầu:

– Thưa vua Then! Con đang sống yên ổn ở dưới ao. Bỗng dưng vô cớ lại có một con trâu chạy lồng đến. Nó dẫm phải con khiến cho con bị vỡ nát bụng gan ruột chẳng còn gì. Vậy mong vua Then hãy trừng trị con trâu.

Vua Then cho gọi trâu tới để xét hỏi.

– Tại sao trâu lại tự dưng giẫm bẹp gan nát ruột của nòng nọc?

Trâu ra sức thanh minh:

– Xin vua Then xem xét cho công bằng. Không phải là tại do con cố ý. Mà là tại có một quả mák tỉnh kình rơi trúng phải lưng con khiến cho con hoảng sợ mà lồng chạy lung tung nên mới vô ý giẫm phải nòng nọc đấy thôi.

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 9

Ảnh minh họa.

Vua Then lại cho gọi quả mák tỉnh kình đến để hỏi:

– Bỗng dưng tại sao ngươi lại rơi rụng trúng vào lưng trâu?

Mák tỉnh kình thưa:

– Tất cả đều tại con sóc. Con vẫn đang gắn lơ lửng ở trên dây. Tự dưng sóc ở đâu chạy tới cắn đứt cuống vì thế nên con mới rụng xuống trúng phải lưng trâu đấy ạ.

Vua Then lại cho gọi đến sóc.

– Sao ngươi bỗng dưng lại đi cắn đứt cuống của quả mák tỉnh kình?

Sóc liền ra sức thanh minh để chối tội:

– Dạ, thưa vua Then. Con đang kiếm ăn ở trên một cành cây. Nào ngờ có đám kiến bống lại bâu đến cắn con. Đau không chịu nổi nên con mới cắn lung tung, lỡ trúng phải quả mák tỉnh kình. Vậy nên có trách tội thì xin vua Then hãy trách tội đám kiến bống đã cắn con ấy ạ.

Vua Then tiếp tục cho gọi bầy kiến bống lên và hạch tội:

– Sao đám kiến các ngươi tự dưng lại đi cắn con sóc?

Kiến từ tốn trình bày:

– Đàn kiến chúng con xưa nay vốn chỉ biết chăm chỉ làm ăn nào đâu có nỡ muốn hại ai. Nhưng chẳng hiểu sao có một con gà rừng bay xổ đến cào bới lung tung, phá tổ của chúng con, làm chúng con hoảng loạn phải chạy hết ra khỏi tổ. Trong lúc chạy đó chúng con gặp sóc nên mới cắn sóc cho hả cơn tức bỗng dưng bị gà rừng phá tổ.

Lần này thì vua Then cho gọi gà rừng. Vừa nhìn thấy gà, vua Then đã quát ngay:

– Gà rừng, tại sao tự dưng ngươi lại đi bới phá tổ kiến bống?

Gà rừng thật thà đáp:

– Lúc ấy con đang kiếm ăn ở chỗ nương vừng. Tự nhiên có hạt vừng bắn vào đúng mắt con. Không chịu nổi con mới bay lên cành cây đậu rồi đạp chân lung vô tình làm hỏng tổ kiến chứ không phải là do cố ý.

Vua Then lại cho gọi cây vừng để hạch tội. Cây vừng đổ tội cho hoẵng. Hoẵng lại đổ tội cho ve sầu.

Vua Then bèn cho gọi đến ve sầu. Ve sầu cố gắng thanh minh:

– Dạ, bẩm thưa vua Then. Cứ mùa hè tới nắng nóng nên ve sầu chúng con tìm đậu ở dưới những bóng cây râm mát. Tụ tập cùng nhau đông đúc nên chúng con rủ nhau hát chơi cho vui mà thôi.

Nghe ve sầu nói xong vua Then phán xử:

– Ve sầu các ngươi chỉ vì thú vui của mình mà làm tổn hại tới người khác. Vì vậy các ngươi phải lấy ruột gan của mình đền cho nòng nọc.

Thế là từ đấy loài ve sầu con nào trong bụng cũng bị rỗng bởi ruột gan đã phải đem đền cho nòng nọc.

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 10

Bài học hay từ truyện cổ tích

Những câu chuyện cổ tích giải thích đặc điểm hình dáng của một số loài động vật ngày nay. Đồng thời, ca ngợi tấm lòng nhân ái, cao thượng, sống hết lòng vì người khác. Nhắc nhở chúng ta rằng, những người tốt bụng luôn xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc, còn sự gian ác sẽ bị trừng phạt.

Những câu chuyện cổ tích các loài vật hay và ý nghĩa, nhưng ít được kể - 11

Những câu chuyện cổ tích giải thích đặc điểm hình dáng của một số loài động vật ngày nay. Đồng thời, ca ngợi tấm lòng nhân ái, cao thượng, sống hết lòng vì người khác.

Hạ Mây

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).