Bố mê xem Tây Du Ký, đặt cho con cái tên ai nghe cũng ngỡ ngàng

19 năm cuộc đời, chàng trai Kiên Giang gặp biết bao tình huống “dở khóc dở cười” xung quanh cái tên.

Bố mê xem Tây Du Ký, đặt cho con cái tên ai nghe cũng ngỡ ngàng - 1

Chàng trai Kiên Giang có tên lạ "Ngô Thừa Ân"

Mỗi bậc cha mẹ có một cách riêng để đặt tên cho con. Người đặt một cách ngẫu nhiên, người lại muốn gửi gắm vào đó ý nghĩa đặc biệt.

Ngô Thừa Ân (sinh năm 2005, quê Kiên Giang) được đặt tên dựa theo niềm đam mê của bố. Ân kể, từ khi lên 7 tuổi, anh đã biết thắc mắc về cái tên của mình. Bố anh giải thích, năm xưa ông mê xem phim “Tây Du ký”, lời giới thiệu: “Tây Du ký, nguyên tác Ngô Thừa Ân” đã ăn sâu vào tâm trí.

Ngày đưa vợ từ Kiên Giang qua An Giang sinh con, bỗng nhớ đến bộ phim “Tây Du ký” và hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, ông quyết định đặt tên con trai là Ngô Thừa Ân, trùng với tên tác giả của bộ truyện này.

“Ông nội mình có cái tên rất đặc biệt– Ngô Quyền nên bố mình nghĩ “tên con trai không thể tầm thường được”. Cuối cùng, bố chọn một cái tên rất “độc” để đặt cho mình”, Ân kể.

Từ lúc biết nguồn gốc cái tên, chàng trai Kiên Giang đã lên mạng tìm hiểu về nhà văn Ngô Thừa Ân. Anh chàng ngưỡng mộ ngòi bút tài hoa, tài năng xuất chúng của nhà văn này.

Ân nghe mẹ kể lại, từ khi mới sinh ra, anh đã được bố cho xem phim “Tây Du ký”. Bà con hàng xóm, thay vì gọi anh là Ngô Thừa Ân lại thường gọi anh bằng tên của bộ phim kinh điển.

Bố mê xem Tây Du Ký, đặt cho con cái tên ai nghe cũng ngỡ ngàng - 2

Thừa Ân rất yêu quý tên gọi của mình

12 năm đi học, năm nào Thừa Ân cũng phải giải thích cho giáo viên nghe nguồn gốc tên gọi của mình. Mỗi khi đến giờ kiểm tra bài cũ, thầy cô thấy cái tên Ngô Thừa Ân liền “lụm” luôn lên bảng trả bài. Đôi khi, anh chàng lên bảng chỉ để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao bố mẹ đặt cho cái tên này?”.

“Có năm nhận lớp, thầy cô đọc tên điểm danh, dò đến tên mình thì dừng lại một nhịp rồi hô to: “Ô, nhà văn viết Tây Du ký. Là em đó hả?”. Cả lớp quay lại nhìn, mình vừa ngượng, vừa quê. Đi làm thẻ căn cước cũng vậy, cán bộ đọc tên một cái, mọi người đồng loạt ngước sang nhìn với ánh mắt tò mò. Cái tên đặc biệt nhiều khi khiến mình nổi bật quá”, Thừa Ân kể.

Năm lớp 12, khi đi học quân sự, Thừa Ân rơi vào tầm ngắm của đại đội trưởng, thường bị “điểm mặt đặt tên”. Kết thúc khóa học, thầy giáo gọi anh lại, trìu mến nói: “Ngô Thừa Ân về mạnh khỏe nhé”. Khi ấy anh chàng chợt hiểu, có một cái tên lạ cũng là điều may mắn.

Chàng trai Kiên Giang kể, thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ, phải học online tại nhà, anh tăng liền 20kg. Kể từ đó, bạn bè thường gọi anh là “Ngô Thừa Cân”. “Thế là từ lớp 10 đến giờ, mình bị thay tên đổi họ, tên thì Ngô Thừa Ân nhưng dáng vẻ lại là Trư Bát Giới”, Ân hài hước nói.

Thừa Ân cho rằng, tên gọi là món quà đầu đời bố mẹ dành tặng, thế nên dù xấu hay đẹp, dù giản dị hay độc lạ cũng đáng được trân trọng.

Hạ Nhiên

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hư cấu từ cốt lõi sự thật (Đọc tập truyện ngắn “Mây hồng” của Nguyễn Trường NXB Thanh Niên, 2023)

Hư cấu từ cốt lõi sự thật (Đọc tập truyện ngắn “Mây hồng” của Nguyễn Trường NXB Thanh Niên, 2023)

Như đã biết, Nguyễn Trường thành công cả ở tiểu thuyết (Mộng đế vương, 1992, 2019) và truyện ngắn, trong đó, truyện ngắn nổi trội hơn. Ông được trao giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2015 - 2017); bốn năm liền được chọn vào Top 10 truyện ngắn hay báo Văn nghệ trong năm, in lại vào các Tết Nguyên đán 2016, 2017, 2018, 2020.

Dấu ấn Hà Nội qua góc nhìn của những nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng

Dấu ấn Hà Nội qua góc nhìn của những nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng

Những tác phẩm nhiếp ảnh về Hà Nội của các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng như: Trịnh Hải, Hoàng Kim Đáng, Trần Hồng, Hoàng Như Thính, Khắc Hường, Phạm Công Thắng, Trần Hải, Đăng Khoa... được trưng bày trong triển lãm “Hà Nội trong tôi” là lời tri ân, thể hiện tình yêu Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).